1. Khái niệm

Việc làm là hoạt động lao động tạo ra thu nhập mà không bị pháp luật cấm.

Chính sách việc làm là tổng thể các quan điểm, tư tưởng, các mục tiêu, các giải pháp và công cụ nhằm sử dụng lực lượng lao động và tạo việc làm cho lực lượng lao động.

Chính sách việc làm bao gồm hệ thống luật pháp, các quy định, chương trình, đề án và các giải pháp phát triển thị trường lao động do Nhà nước hoặc các tổ chức thực hiện nhằm chủ động hỗ trợ người lao động nâng cao cơ hội tìm việc làm, tham gia thị trường lao động để có thu nhập, từng bước đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người dân, đặc biệt là người nghèo, thanh niên, lao động nông thôn và các nhóm lao động dễ bị tổn thương khác, cải thiện cuộc sống cho người dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội.

2. Nguyên tắc, mục tiêu của chính sách việc làm đảm bảo thu nhập tối thiểu

Nguyên tắc về việc làm:

Theo quy định của Luật Việc làm (Luật số: 38/2013/QH13), nguyên tắc về việc làm bao gồm:

– Bảo đảm quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm và nơi làm việc.

– Bình đẳng về cơ hội việc làm và thu nhập.

– Bảo đảm làm việc trong điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Mục tiêu của chính sách việc làm đảm bảo thu nhập tối thiểu

Chính sách việc làm nhằm đảm bảo mọi người dân có việc làm, có thu nhập, đặc biệt là người nghèo, thanh niên, lao động nông thôn và các nhóm lao động dễ bị tổn thương khác.

Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2012- 2020: bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho 1,6 triệu lao động, trong đó từ chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề và chương trình việc làm công khoảng 250.000 – 300.000 lao động (trong đó có 150.000 – 200.000 lao động thuộc hộ nghèo; chuyển đổi việc làm cho 500.000 – 800.000 lao động nông nghiệp; mỗi năm đưa khoảng 80.000 – 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo họp đồng (có 30.000 – 40.000 lao động thuộc hộ nghèo). Đến năm 2020, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp giảm còn 30%, tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước duy trì dưới 3%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%.

3. Vai trò của chính sách việc làm

Chính sách việc làm là một trong những chính sách xã hội cơ bản của mọi quốc gia nhằm góp phần đảm bảo an toàn, ổn định và phát triển xã hội. Có thể nói chính sách việc làm là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập, nước ta đang thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa thì chính sách việc làm lại càng đóng vai trò quan trọng.

Trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, biến động cung – cầu lao động trên thị trường lao động xảy ra thường xuyên, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm của lao động ngày càng tăng. Do vậy, chính sách việc làm tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập cao và ổn định thông qua đào tạo nghề, vốn vay tạo việc làm, tiếp cận thông tin thị trường lao động để tìm được việc làm và nâng cao thu nhập là giải pháp xóa đói giảm nghèo, bảo đảm việc làm hiệu quả, bền vững.

4. Một số chính sách việc làm

(1) Chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm

Nhà nước thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác.

Đối tượng được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm bao gồm: i) Doanh nghiệp nhỏ và vừa, họp tác xã, tổ họp tác, hộ kinh doanh; ii) Người lao động.

Đối tượng được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm với mức lãi suất thấp hơn bao gồm: i) Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số; ii) Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, người khuyết tật.

Nhà nước quy định cụ thể về điều kiện vay vốn với các đối tượng. Ngoài ra, căn cứ điều kiện kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ, Nhà nước sử dụng các nguồn tín dụng khác để cho vay ưu đãi nhằm thực hiện các chính sách gián tiếp hỗ trợ tạo việc làm.

(2) Chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn

Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn thông qua các chính sách cụ thể sau:

– Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tạo việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn.

– Hỗ trợ học nghề cho người lao động ở khu vực nông thôn.

– Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ họp tác, hộ kinh doanh tạo việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn.

(3) Chính sách việc làm công

Chính sách việc làm công được thực hiện thông qua các dự án hoặc hoạt động sử dụng vốn nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn cấp xã, bao gồm:

– Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp;

– Xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng;

– Bảo vệ môi trường;

– Ứng phó với biến đổi khí hậu;

– Các dự án, hoạt động khác phục vụ cộng đồng tại địa phương.

(4) Các chính sách hỗ trợ khác

– Hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu và khả năng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Người lao động là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Nhà nước hỗ trợ: Học nghề, ngoại ngữ; hiểu biết phong tục tập quán, pháp luật của Việt Nam và nước tiếp nhận lao động; Đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu của nước tiếp nhận lao động; Vay vốn với lãi suất ưu đãi.

– Hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên:

Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân giải quyết việc làm cho thanh niên; tạo điều kiện cho thanh niên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong tạo việc làm.

Nhà nước hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên thông qua các hoạt động: Tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm miễn phí cho thanh niên; Đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội; Hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp.

– Hỗ trợ phát triển thị trường lao động:

Nhà nước hỗ trợ phát triển thị trường lao động thông qua các hoạt động: Thu thập, cung cấp thông tin thị trường lao động, phân tích, dự báo thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động; Hiện đại hóa hoạt động dịch vụ việc làm và hệ thống thông tin thị trường lao động; Đầu tư nâng cao năng lực trung tâm dịch vụ việc làm; Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thị trường lao động.

5. Định hướng hoàn thiện chính sách việc làm

Trong hoạch định chính sách việc làm, nguyên tắc cơ bản được thực hiện là đảm bảo công bằng xã hội, từ đó, Nhà nước sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm để đảm bảo chủ trương của Nhà nước đề ra. Để đảm bảo thực hiện tốt chính sách việc làm cần quán triệt và định hướng cụ thể như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về việc làm. Chính sách việc làm phải tiếp tục hướng vào giải phóng lao động, khuyến khích các lĩnh vực, ngành nghề và các hình thức hoạt động có khả năng thu hút người lao động. Giải quyết việc làm phải gắn liền với các chương trương trình chiến lược phát triển kinh tế – xã hội cũng như các chương trình quốc gia khác. Chính sách khuyến khích sự phát triển kinh tế tư nhân như: chính sách thuế, thị trường, công nghệ, tín dụng, hợp tác quốc tế cần được thúc đẩy hoàn thiện. Chính sách thị trường lao động phải được hoàn thiện theo định hướng thông thoáng, thông suốt, thống nhất, đảm bảo người lao động được tự do di chuyển và hành nghề, tự do ký kết họp đồng lao động theo quy định của pháp luật Nhà nước. Chính sách tiền lương, tiền công cũng cần được hoàn thiện để điều tiết thị trường lao động

Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần nâng cao chất lượng việc làm. Gắn với chất lượng nguồn nhân lực phải phát triển toàn bộ hệ thống giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhận lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động về nhân lực chuyên môn kỹ thuật cao trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời, tạo điều kiện cho người lao động tự tạo việc làm, tìm kiếm việc làm dễ dàng hơn trong thị trường lao động. Mở rộng, củng cố và nâng cấp các cơ sở dạy nghề hiện có xây dựng thêm các trường dạy nghề mới hoạt động chính quy, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng các trường đào tạo kỹ thuật cao, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ ba, nâng cao chất lượng việc làm khu vực nông thôn. Thực tế cho thấy, các nhà máy, khu công nghiệp đang hoạt động rất hiệu quả tại các khu vực nông thôn, là một trong những địa chỉ cung cấp việc làm số lượng lớn cho người lao động. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng việc làm ở khu vực nông thôn sẽ giúp thu hút sự tham gia của người lao động và nâng cao mức thu nhập của người lao động thông qua các công việc có tiêu chuẩn và chất lượng cao.

Thứ tư, tăng năng suất lao động. Năng suất lao động và việc làm là các yếu tố tác động đến tăng trưởng GDP. Tăng trưởng GDP dựa trên tăng việc làm giản đơn, không có trình độ công nghệ và tay nghề thường không cao và thiếu bền vững, trong khi tăng trưởng GDP theo hướng tăng năng suất lao động tuy là một thách thức nhưng đầy tiềm năng để tạo ra tăng trưởng cao, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong điều kiện tự do hóa thương mại và Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa tạo cơ hội phát triển cho kinh tế Việt Nam, đồng thời cũng có nguy cơ Việt Nam bị bỏ lại xa hơn các quốc gia trên thế giới. Để nâng cao năng suất lao động góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện các nhóm giải pháp về thể chế, chính sách; giải pháp chung cho nền kinh tế và giải pháp cho khu vực doanh nghiệp. Cùng với đó là ban hành và thực thi các giải pháp mang tính đột phá, tạo áp lực để các tổ chức kinh tế tiếp cận, ứng dụng công nghệ, từng bước nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, cần đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của các chính sách đổi mới, tạo môi trường chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp nhằm tăng năng suất lao động với các sản phẩm mới, công nghệ cao. Có giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp sắp xếp lại để có quy mô lao động tối ưu nhằm đạt được năng suất lao động cao nhất (doanh nghiệp có quy mô từ 100-299 lao động).

Thứ năm, tăng cường kết nối cung – cầu lao động. Đa dạng các hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm, ký kết thỏa thuận cung ứng lao động với doanh nghiệp, tăng cường đưa thông tin lao động, việc làm về cơ sở, vùng sâu, vùng xa… chính là những hình thức đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL). Qua đó, nâng cao hiệu quả kết nối cung – cầu lao động, thực hiện tốt công tác giới thiệu việc làm.