Hàng quá cảnh là gì? Dịch vụ quá cảnh hàng hóa là gì?
Hàng quá cảnh là gì?
Khái niệm hàng quá cảnh là gì được quy định cụ thể trong Luật thương mại 2005 tại điều 241 như sau: “Hàng quá cảnh là những loại hàng được vận chuyển hàng hóa từ nước này hay nước khác qua lãnh thổ Việt Nam trong thời gian quy định. Kể cả các hoạt động khác như truyền tải, lưu kho, phân tách đơn hàng và những hoạt động khác trong thời gian quá cảnh”.
Để hiểu hơn về khái niệm nay, bạn có thể theo dõi ví dụ sau đây: Để vận chuyển hàng hóa từ Philippines sang Myanmar thì thường phải quá cảnh tại Việt Nam. Tức là hàng hóa sẽ được vận chuyển từ Philippines sang Việt Nam sau đó sẽ tiếp tục được vận chuyển từ Việt Nam sang Myanmar.
Dịch vụ quá cảnh hàng hóa là gì?
Khái niệm dịch vụ quá cảnh hàng hóa được quy định tại Luật thương mại 2005, Điều 249: “Dịch vụ quá cảnh hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân thực hiện việc quá cảnh cho hàng hóa thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài qua lãnh thổ Việt Nam để hưởng thù lao”.
Mặt khác, hàng quá cảnh còn được quy định tại một số văn bản liên quan khác như Nghị định 187/2013/NĐ-CP, 38/2015/TT-BTC, 10169/BTC-TCHQ, 2733/TCHQ-GSQL
Quy định về thời gian quá cảnh
Thời gian quá cảnh hàng hóa tại lãnh thổ Việt Nam là tối đa 30 ngày được tính từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập (trừ trường hợp hàng hóa được lưu kho tại Việt Nam hoặc bị hư hỏng, thất lạc, mất mát trong quá trình quá cảnh).
Đối với những trường hợp hàng hóa được phép lưu kho ở Việt Nam hoặc bị hư hỏng, tổn thất, mất mát trong quá trình quá cảnh sẽ có thêm thời gian để lưu kho, khắc phục các vấn đề gặp phải. Khi này, thời gian quá cảnh sẽ được gia hạn tương ứng với thời gian cần thiết để thực hiện các công việc trên và phải được đơn vị hải quan nơi làm thủ tục quá cảnh đồng ý. Đối với các trường hợp hàng quá cảnh theo giấy phép của Bộ trưởng Bộ thương mại thì phải được Bộ trưởng Bộ thương mại đồng ý.
Trong toàn bộ thời gian lưu kho và khắc phục hư hỏng, tổn thất, hàng hóa và phương tiện vận tải chở hàng hóa quá cảnh vẫn phải chịu sự giám sát của đơn vị Hải Quan Việt Nam.
Tìm hiểu các quy định khi vận chuyển hàng quá cảnh
Các thủ tục hải quan cần chuẩn bị trước khi vận chuyển hàng quá cảnh
– Các thủ tục hải quan để vận chuyển hàng quá cảnh cần phải thực hiện tại trụ sở Hải quan tại cửa khẩu nhập khẩu đầu tiên và cửa khẩu xuất khẩu cuối cùng
– Hàng hóa quá cảnh có lưu kho ngoài khu vực cửa khẩu hoặc những trường hợp đi qua đất liền thì phải xin phép Bộ thương mại.
– Vận chuyển hàng quá cảnh chỉ được đi qua các cửa khẩu quốc tế và chỉ được đi theo một số tuyến đường nhất định.
– Các giấy tờ bắt buộc phải có khi vận chuyển hàng quá cảnh: Văn bản của Bộ công thương cho phép chủ hàng nước ngoài được quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam; Giấy phép kinh doanh dịch vụ cho loại hàng hóa quá cảnh; Bản sao hợp đồng dịch vụ vận chuyển.
Các loại hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu chỉ được phép quá cảnh tại lãnh thổ Việt Nam khi Bộ trưởng Bộ thương mại cho phép.
– Các loại hàng hóa thuộc quyền sở hữu của một tổ chức, cá nhân nước ngoài trừ các loại vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ, hàng hóa có độ nguy hiểm cao, hàng hóa thuộc danh mục cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu được quá cảnh tại lãnh thổ Việt Nam. Các thủ tục quá cảnh sẽ được thực hiện tại Chi cục Hải quan cửa khẩu.
– Các loại hàng hóa như vũ khí đạn dược, vật liệu nổ, hàng hóa nguy hiểm chỉ được phép quá cảnh tại lãnh thổ Việt Nam khi được sự cho phép và đồng ý Thủ tướng chính phủ.
– Khi vận chuyển hàng các loại hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa có độ nguy hiểm cao qua lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ quy định của Pháp luật Việt Nam và các điều ước Quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Những hành vi bị cấm trong quá cảnh
Bao gồm:
- Thanh toán thù lao quá cảnh bằng hàng hóa quá cảnh
- Tiêu thụ trái phép hàng hóa và phương tiện vận chuyển hàng hóa quá cảnh
Những hành vi bị cấm trong quá cảnh được quy định cụ thể tại Điều 248, Luật thương mại năm 2005.