Luật sư cho tôi hỏi, Cơ quan nào có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất? Tôi xin chân thành cảm ơn
Câu hỏi 1:
Kính gửi luật sư Luật LVN Group, tôi là Nguyễn Văn Sơn, ở Hà Giang. Tôi có mua một mảnh đất với diện tích 3 Ha là đất trồng cây lâu năm. Luật sư cho tôi hỏi, trong trường hợp của tôi thì cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất? Xin chân thành cám ơn!
Luật LVN Group xin được giải đáp thắc mắc về lĩnh vực đất đai của anh như sau:
Theo quy định tại Điều 105 Luật đất đai 2013 quy định thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thuộc về các cơ quan sau:
“1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ủy quyền cho cơ quan tài nguyên và môi trường cùng cấp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
3. Đối với những trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng mà thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng thì do cơ quan tài nguyên và môi trường thực hiện theo quy định của Chính phủ.”
Cụ thể về nội dung này, Điều 37 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai 2013 (sau đây viết tắt là Nghị định số 43/2014/NĐ-CP) hướng dẫn như sau:
– Đối với địa phương đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện.
– Đối với địa phương chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì:
+ Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức, cá nhân nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
+ Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Như vậy, trong trường hợp của Anh thì Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Câu hỏi 2:
Kính gửi Công ty Luật LVN Group. Tôi là Minh hiện đang sống tại Phú Thọ. Nhà tôi có một mảnh đất sử dụng ổn định trong nhiều năm qua nhưng chưa xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nay, bố tôi muốn lập di chúc trong đó có để lại mảnh đất này cho hai anh em tôi. Tuy nhiên, khi ra văn phòng công chứng làm dịch vụ, bố tôi bị từ chối do không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vậy, cho tôi hỏi: văn phòng công chứng làm như vậy có đúng không? Và nếu nhà tôi muốn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì sẽ làm ở đâu? Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật LVN Group. Về trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Thứ nhất, về việc văn phòng công chứng từ chối lập di chúc:
Theo Luật Công chứng năm 2014, hồ sơ yêu cầu công chứng nói chung bao gồm:
– Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;
– Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;
– Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;
– Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.
Theo nội dung trên, để chứng minh về quyền đối với quyền sử dụng đất – tài sản muốn phân chia trong di chúc, bố bạn phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Và, theo khoản 5 Điều 40 Luật Công chứng năm 2014 thì:
” 5. Trong trường hợp có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe dọa, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc đối tượng của hợp đồng, giao dịch chưa được mô tả cụ thể thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng.”. Do đó, công chứng viên từ chối công chứng di chúc cho bố bạn là đúng với quy định pháp luật.
Với tính chất là loại tài sản quan trọng và có giá trị lớn, pháp luật đất đai từ lâu đã quy định quyền sử dụng đất là tài sản phải đăng ký. Khi đăng ký thành công, người đăng ký được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi nhận tư cách chủ sử dụng và dễ dàng trong việc thực hiện quyền, các thủ tục pháp lý có liên quan như chuyển nhượng, để thừa kế,… Do đó, bố bạn nên tìm hiểu các quy định pháp luật và sớm thực hiện xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lập di chúc có nội dung về định đoạt quyền sử dụng đất.
Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Thứ hai, về cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
Điều 105 Luật Đất đai năm 2013 có quy định như sau:
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ủy quyền cho cơ quan tài nguyên và môi trường cùng cấp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
3. Đối với những trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng mà thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng thì do cơ quan tài nguyên và môi trường thực hiện theo quy định của Chính phủ.”
Cụ thể hơn, Điều 60 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai có quy định:
” Điều 60. Nộp hồ sơ và trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai
1. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được quy định như sau:
a) Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 59 của Luật Đất đai;
b) Phòng Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đối với trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 59 của Luật Đất đai.
2. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận là Văn phòng đăng ký đất đai. Nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.”
Như vậy, với trường hợp bạn trình bày, bố bạn có thể đến Văn phòng đăng ký đất đai tại địa phương để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trường hợp địa phương chưa có văn phòng đăng ký đất đai thì nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện. Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý, trước khi làm thủ tục, gia đình bạn cần kiểm tra kỹ càng điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như chuẩn bị hồ sơ, các khoản nghĩa vụ tài chính nhà nước đầy đủ.
Trong trường hợp cần tư vấn thêm, bạn có thể liên hệ với Luật sư của Luật LVN Group qua TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT MIỄN PHÍ 1900.0191 để được tư vấn.