Hạn mức chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở? 2023

Hạn mức chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở được quy định như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết này nhé!

Một trong những nguyên tắc sử dụng đất là sử dụng đất đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất. Việc sử dụng đất khác với mục đích sử dụng đất ban đầu phải tuân thủ theo các quy định về chuyển mục đích sử dụng đất.

Quy định về hạn mức chuyển mục đích sử dụng đất?

Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có văn bản nào quy định về hạn mức (diện tích tối đa) chuyển mục đích sử dụng đất. Liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng đất sẽ có các quy định về thẩm quyền cho phép chuyển mục đích, thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương, cụ thể:

Thứ nhất: Về thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất

Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 59 Luật Đất đai thì:

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:

a) Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức;

b) Giao đất đối với cơ sở tôn giáo;

c) Giao đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại khoản 3 Điều 55 của Luật này;

d) Cho thuê đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 56 của Luật này;

đ) Cho thuê đất đối với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:

a) Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi quyết định;

b) Giao đất đối với cộng đồng dân cư.

Thứ hai: Về thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Điều 45 Luật Đất đai năm 2013, được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 có quy định:

1. Thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất:

a) Việc quyết định, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua quy hoạch sử dụng đất cấp huyện trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

2. Thẩm quyền quyết định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất:

a) Quốc hội quyết định kế hoạch sử dụng đất quốc gia;

b) Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, kế hoạch sử dụng đất an ninh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất quy định tại khoản 3 Điều 62 của Luật này trước khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Hạn mức chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở

Hạn mức chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở, thuộc hạn mức chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cũng không được quy định trong Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, để có căn cứ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì theo Điều 52 Luật Đất đai 2013 cần căn cứ vào:

1. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Quý vị có thể tham khảo văn bản cụ thể của địa phương về điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất và thủ tục.

Những trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép

Khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013 quy định các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:

– Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối.

– Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm.

– Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp.

– Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.

– Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất.

– Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở.

– Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.

Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi liên quan đến hạn mức chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở, Quý độc giả có những băn khoăn chưa được làm rõ vui lòng liên hệ chúng tôi để được hỗ trợ giải đáp. Trân trọng!

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com