Căn cứ pháp lý:

– Nghị định số 1199 ngày 28/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga;

– Quyết định số 528 ngày 11/5/1998 của Tổng thống Liên bang Nga.

1. Hệ thống Tòa án Liên Bang Nga

Để mỗi thẩm phán độc lập thì một trong những yêu cầu cơ bản là phải có một hệ thống tòa án độc lập. Hiện nay, ở Liên bang Nga đã hoàn thiện hệ thống hai cấp độ tòa án độc lập với lập pháp, hành pháp, với hệ thống chính trị, chính quyền địa phương và với chính các cấp tòa, các loại tòa án với nhau.

Ở cấp Liên bang có ba hệ thống tòa án chức năng biệt lập với nhau: Tòa án Hiến pháp Liên bang; hệ thống Tòa án thẩm quyền chung và hệ thống Tòa án kinh tế Liên bang. Ngoài Tòa án Hiến pháp Liên bang, các hệ thống tòa án khác đều có các cấp tòa đặt ở các chủ thể Liên bang (nước cộng hòa, tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương… ) và thậm chí là ở các quận, huyện… Tuy nhiên, các tòa này được coi là đặt trụ sở ở địa phương đó, còn trong tổ chức và hoạt động độc lập với chính quyền địa phương nơi tòa án đó đặt trụ sở.

Ở cấp chủ thể có hai loại tòa án: Tòa án Hiến pháp của chủ thể (hay Tòa án Hiến chương) và thẩm phán khu vực (còn gọi là Tòa án khu vực). Tòa án Hiến pháp của chủ thể được chủ thể thành lập để bảo vệ Hiến pháp hoặc Luật Cơ bản của chủ thể và tính cần thiết của nó do mỗi chủ thể Liên bang tự quyết định. Thẩm phán khu vực (hay Tòa án khu vực), khác với Tòa án Hiến pháp của chủ thể, lại thuộc hệ thống Tòa án có thẩm quyền chung. Tuy nhiên, về nhân sự, chi phí trang bị cho tòa án lại được quyết định bởi chủ thể Liên bang. Mặc dù vậy, để đảm bảo sự thống nhất và bình đẳng về địa vị pháp lý, tất cả các thẩm phán, không phân biệt cấp Liên bang hay cấp chủ thể Liên bang, đều được hưởng lương, thưởng từ ngân sách Liên bang cũng như các đảm bảo vật chất hay pháp lý khác.

Không chỉ có hai cấp tòa án, ở Liên bang Nga mỗi loại tòa án đều có hệ thống riêng và có thẩm quyền riêng độc lập với nhau. Hệ thống tòa án thẩm quyền chung xét xử những vi phạm và vụ việc, tranh chấp trong lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, lao động. Hệ thống Tòa án kinh tế Liên bang xét xử những vụ việc, tranh chấp thuộc lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Tòa án Hiến pháp Liên bang thực hiện chức năng bảo hiến và các chức năng khác theo quy định. Các Tòa án Hiến pháp (Tòa án Hiến chương) của các chủ thể thực thi nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp, Luật Cơ bản của chủ thể tương ứng.

2. Đào tạo và bồi dưỡng Thẩm phán

Học viện Tư pháp Liên bang Nga được thành lập theo Quyết định số 528 ngày 11/5/1998 của Tổng thống Liên bang Nga và Nghị định số 1199 ngày 28/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga. Học viện có nhiệm vụ:

– Nâng cao chất lượng và đào tạo lại các Thẩm phán, cán bộ của hệ thống Tòa án thẩm quyền chung;

– Đào tạo nguồn cán bộ (đào tạo bậc đại học) cho các Tòa án thẩm quyền chung;

– Đào tạo các chuyên gia cho hệ thống Tòa án theo các chương trình đào tạo nghiệp vụ cao cấp và trung cấp;

– Đào tạo sau đại học cho các sinh viên và những người muốn có bằng tiến sĩ của ngành Tư pháp theo các chương trình đào tạo sau đại học;

– Tiến hành các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng trong lĩnh vực tổ chức hệ thống tư pháp, hỗ trợ thực thi pháp luật và các hoạt động soạn thảo luật của các cơ quan có thẩm quyền trong hệ thống tư pháp; các kinh nghiệm của nước ngoài trong việc xây dựng, thực thi pháp luật cũng như các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng của các chuyên gia trong ngành Tư pháp;

– Xuất bản các ấn phẩm nghiên cứu, giáo dục, kỹ năng và các tài liệu tham khảo khác;

– Tiến hành các hoạt động khác mà pháp luật không cấm.

+ Như vậy, Học viện có chức năng đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán (theo nghĩa đào tạo cán bộ có trình độ đại học để có đủ điều kiện làm Thẩm phán); bồi dưỡng Thẩm phán và các hình thức đào tạo khác.

+ Sau khi được bổ nhiệm, Thẩm phán mới phải tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ và ít nhất 5 năm một lần, các Thẩm phán phải tham gia một khóa bồi dưỡng nghiệp vụ.

Học viện tư pháp Liên bang Nga là một pháp nhân có ngân sách hoạt động độc lập, có tài sản riêng, có tài khoản tại ngân hàng và các tổ chức tài chính khác như tài khoản thanh toán, tài khoản vãng lai, tài khoản tiền gửi và các loại tài khoản khác, có thể độc lập ký kết hợp đồng, mua tài khoản và các quyền phi tài sản, thực hiện nghĩa vụ, là nguyên đơn và bị đơn đơn trước tòa.

Các hoạt động của Học viện được thực hiện theo quy định của Hiến pháp Liên bang Nga, các nguyên tắc hiến định và các chuẩn mực của luật pháp quốc tế, pháp luật Liên bang Nga về giáo dục, Luật Liên bang về giáo dục chuyên nghiệp cấp cao và sau đại học, cũng như các luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác của Liên bang Nga.

3. Tòa án Tối cao Liên bang Nga có thẩm quyền gì?

– Kiểm soát và theo dõi các hoạt động giáo dục, nghiên cứu, kinh tế và các hoạt động khác của Học viện;

– Phê chuẩn kế hoạch hoạt động hàng năm của Học viện và báo cáo thường niên của Học viện;

– Ban hành các quyết định giao nhiệm vụ cho Học viện phải thực hiện;

– Phê chuẩn chức danh Giám đốc Học viện do Hội nghị toàn thể Học viện bầu và bãi nhiệm chức danh này sau khi đã có sự thống nhất với Hội nghị toàn thể Học viện theo các quy định của pháp luật liên bang;

– Phê chuẩn các quy tắc hoạt động của Học viện do Hội nghị toàn thể Học viện thông qua;

– Thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật.

4. Bổ nhiệm Thẩm phán

4.1. Bổ nhiệm Thẩm phán liên bang

Công dân Nga đủ 25 tuổi trở lên, có trình độ đại học luật, có 5 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực pháp lý, đã thi đỗ kỳ thi tuyển chức danh Thẩm phán, có thể được bổ nhiệm làm Thẩm phán quận. Người có đủ tiêu chuẩn nêu trên, đủ 30 tuổi trở lên với 7 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực pháp lý, có thể được bổ nhiệm làm Thẩm phán ở Tòa án cao nhất của các chủ thể liên bang. Người có đủ tiêu chuẩn trên, từ 35 tuổi trở lên với 10 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực pháp lý có thể được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án tối cao Liên bang.

Thẩm phán Tòa án tối cao Liên bang Nga do Hội đồng Liên bang (Thượng viện) bổ nhiệm theo đề nghị của Tổng thống Liên bang Nga, mà đề nghị này dựa trên đề xuất của Chánh án Tòa án tối cao Liên bang Nga.

Các Thẩm phán liên bang khác do Tổng thống Liên bang Nga bổ nhiệm theo đề nghị của Chánh án Tòa án tối cao Liên bang Nga.

Các Thẩm phán được bổ nhiệm đến tuổi nghỉ hưu là 70 tuổi. Thẩm phán có thâm niên không dưới 10 năm và đang nghỉ hưu được coi là Thẩm phán danh dự. Thẩm phán đó có thể được mời thực hiện hoạt động xét xử với tư cách Thẩm phán theo quy định của Luật Liên bang.

Các Chánh án (Phó Chánh án) các cấp Tòa án Liên bang được bổ nhiệm với thời hạn 6 năm. Một người có thể được bổ nhiệm nhiều lần làm Chánh án (Phó Chánh án) của cùng một Tòa án, nhưng không quá hai lần liên tiếp.

4.2. Bổ nhiệm Thẩm phán các Tòa án quân sự

Thẩm phán các Tòa án quân sự cũng là các Thẩm phán liên bang, việc bổ nhiệm các Thẩm phán này như đã nêu ở điểm (a) trên đây. Tuy nhiên, Thẩm phán Tòa án quân sự được bổ nhiệm đến tuổi xuất ngũ (tuổi giới hạn phục vụ trong quân đội).

4.3. Bổ nhiệm Thẩm phán hòa giải

Tiêu chuẩn để được bổ nhiệm Thẩm phán hòa giải tương tự như tiêu chuẩn để bổ nhiệm Thẩm phán quận. Những người đã là Thẩm phán liên bang có trên 5 năm làm Thẩm phán liên bang thì không phải trải qua kỳ thi tuyển chức danh Thẩm phán. Thẩm phán hòa giải được Duma địa phương bầu hoặc bổ nhiệm với nhiệm kỳ 5 năm. Thẩm phán hòa giải có thể được bầu hoặc bổ nhiệm nhiều nhiệm kỳ và phải nghỉ hưu khi tròn 70 tuổi.

5. Kỷ luật, bãi nhiệm Thẩm phán

Theo quy định tại Điều 3 Luật Liên bang Nga về Quy chế Thẩm phán Liên bang thì Thẩm phán khi thực thi quyền hạn của mình, cũng như trong quan hệ ngoài công vụ phải tránh tất cả những gì làm giảm thiểu uy tín của quyền tư pháp, danh dự của Thẩm phán hoặc là gây ra nghi ngờ về tính khách quan, công bằng và vô tư của Thẩm phán. Thẩm phán không được tham gia các đảng phái, phong trào chính trị, hoạt động kinh doanh, không được kiêm nhiệm công việc có thù lao khác ngoài các hoạt động khoa học, giảng dạy, văn học và các hoạt động nghệ thuật khác.

Nếu Thẩm phán vi phạm những quy định trên, Hội đồng kỷ luật tư pháp (bao gồm các thành viên là Thẩm phán Tòa án tối cao) sẽ xem xét việc kỷ luật đối với Thẩm phán.

6. Tìm hiểu về Tòa án tối cao Liên Bang Nga

Tòa án Tối cao Liên bang Nga (tiếng Nga: Верховный Суд Российской Федерации) là cơ quan xét xử cao nhất trong lĩnh vực dân sự, hình sự và hành chính; giám sát và hướng dẫn các toà án cấp dưới hoạt động tuân thủ hệ thống pháp luật Liên bang.Tòa án Tối cao còn kết hợp với Đuma Quốc gia thông qua các dự thảo luật.

Trụ sở Tòa án tối cao là Tòa nhà của Tòa án Tối cao Liên Xô trước đây.

Tòa án Tối cao Liên bang bao gồm Chánh án, Phó Chánh án, và các thẩm phán do Tổng thống đề cử được Quốc hội Liên bang thông qua.

– Quyền hạn

Quyền hạn của Tòa án Tối cao được ghi trong điều 126 Hiến pháp Liên bang Nga.Tòa án Tối cao có nhiệm vụ:

+ Kiểm soát các Tòa án địa phương và giải quyết các khúc mắc của các tòa án này về vấn đề pháp luật;

+ Kết hợp cùng Đuma Quốc gia soạn thảo các dự án luật;

+ Xét xử những vụ án dân sự và hình sự hoặc những vụ khiếu kiện của người dân có tầm quan trọng cấp 1 theo quy định của Bộ luật Liên bang về cơ chế của các thẩm phán;

+ Giải thích, định nghĩa về các Bộ luật Liên bang cho các tòa án địa phương;

+ Kết luận Tổng thống có vi phạm pháp luật hay không;

+ Yêu cầu Tòa án Hiến pháp kiểm tra lại Bộ luật Liên bang, Nghị định của Tổng thống, Chính phủ, Đuma, Hội đồng Liên bang có phù hợp với Hiến pháp không;

– Chức năng

Tòa án Tối cao có quyền giám sát các tòa án địa phương. Tòa án Tối cao có quyền xem xét các bản án, quyết định của các Tòa án cấp dưới về bất cứ vụ việc nào trong quyền hạn.

Tòa án Tối cao có chức năng đưa ra những kiến nghị trong lĩnh việc tư pháp, đưa ra những kết luật, giải thích những thắc mắc về hệ thống pháp lý.

– Tổ chức

Tòa án Tối cao có 115 thành viên, thẩm phán phiên tòa được Tổng thống đề cử và Hội đồng Liên bang chỉ định. Thẩm phán phiên tòa phải là công dân Nga, có độ tuổi từ 35 trở lên, tốt nghiệp các trường luật và đã hoạt động trong ngành tư pháp trên 10 năm.

Tòa án Tối cao bao gồm:

      + Hội nghị toàn thể Tòa án Tối cao Liên bang;

+ Đoàn Chủ tịch Tòa án Tối cao Liên bang;

+ Hội đồng kháng cáo Tòa án Tối cao Liên bang;

+ Hội đồng kỷ luật Tòa án Tối cao Liên bang;

+ Ban tư pháp các vấn đề hành chính;

+ Ban tư pháp về vụ án dân sự;

+ Ban tư pháp về vụ án hình sự;

+ Ban tư pháp về các tranh chấp kinh tế;

+ Ban tư pháp về các vấn đề quân nhân.

Bài viết tham khảo: Sơ lược về chế định Thẩm phán của Indonesia, Thái Lan, Hoa Kỳ, Canada, Úc, Trung Quốc và Nga; NGÔ CƯỜNG ( Nguyên Vụ trưởng VHTQT TANDTC) – Tạp chí Tòa án Nhân dân điện tử.