Khái niệm tranh chấp đất đai là gì? 2023

Cùng với việc xử lí các quan hệ pháp luật đất đai theo những cách thức khác nhau ở từng giai đoạn mà tranh chấp đất đai cũng chứa đựng những yếu tố về nội dung, hình thức không hoàn toàn giống nhau ở mỗi thời kì. 

Khái niệm tranh chấp đất đai

Tóm lại, đó là tranh chấp giữa những kẻ áp bức và những người bị áp bức. Những tranh chấp này biểu hiện mâu thuẫn đối kháng giữa các giai cấp, khi xung đột không thể điều hoà được thì tất yếu phải giải quyết bằng các cuộc cách mạng xã hội để thay thế chế độ sở hữu đất đai này bằng chế độ sở hữu đất đai khác tiến bộ hơn. 

Trong chế độ của chúng ta hiện nay, Nhà nước là người đại diện cho toàn thể nhân dân lao động thực hiện quyền sở hữu đối với đất đai.

Vì thế, tranh chấp đất đai trong thời kì này mang nội dung kinh tế cũng như ý nghĩa chính trị khác với tranh chấp đất đai trong xã hội có giai cấp đối kháng. 

Tuy nhiên, các chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật đất đai không phải lúc nào cũng nhất trí với nhau về tất cả các vấn đề trong quan hệ pháp luật, vì thế sẽ xuất hiện những ý kiến khác nhau, những mâu thuẫn, bất đồng nhất định.

Hiện tượng đó được thể hiện trên thực tế bằng những hành động cụ thể và người ta gọi đó là sự tranh chấp. Vậy tranh chấp đất đai là sự bất đồng, mâu thuẫn hay xung đột về lợi ích, về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể khi tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai. 

Đương nhiên, cần phải lưu ý rằng chỉ có thể phát sinh tranh chấp đất đai khi các chủ thể trực tiếp thể hiện thái độ thông qua những hành vi nhất định của mình.

Tranh chấp đất đai cũng thể hiện dấu ấn mạnh mẽ trong các thời kì lịch sử khác nhau của các quan hệ pháp luật đất đai.

Chẳng hạn, trước những năm 1980, khi Nhà nước còn duy trì ba hình thức sở hữu đất đai là: sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân thì có thể có tranh chấp về quyền sở hữu, về quyền – nghĩa vụ trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai.

Hiến pháp năm 1980 được ban hành, Nhà nước trở thành người đại diện cho toàn dân thực hiện quyền sở hữu đất đai, vì thế không thể có tranh chấp về quyền sở hữu. Đối tượng của mọi tranh chấp đất đai thời kì này chỉ có thể là quyền quản lí và quyền sử dụng những diện tích đất đai nhất định.

Bước sang nền kinh tế thị trường có sự quản lí của Nhà nước theo định hướng XHCN cùng với những quan hệ kinh tế xã hội khác, các quan hệ đất đai cũng phát triển hết sức đa dạng, phức tạp, đòi hỏi pháp luật phải có cơ chế điều chỉnh phù hợp.

Nhiều quan hệ trước kia bị nghiêm cấm nay được pháp luật cho phép thực hiện. Các giao dịch dân sự về đất đai được xác lập như chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn liên doanh bằng giá trị sử dụng đất…

Cũng từ đó mà đối tượng của tranh chấp đất đai đã có sự thay đổi, không chỉ là quyền quản lí, QSDĐ đại mà còn tranh chấp trong quá trình xác lập và thực hiện các giao dịch về đất đai. 

Tóm lại, cùng với việc xử lí các quan hệ pháp luật đất đai theo những cách thức khác nhau ở từng giai đoạn mà tranh chấp đất đai cũng chứa đựng những yếu tố về nội dung, hình thức không hoàn toàn giống nhau ở mỗi thời kì. 

Đặc điểm của tranh chấp đất đai

Có thể nêu ra một số đặc điểm của tranh chấp đất đai như sau: 

– Đối tượng của tranh chấp đất đai là quyền quản lí, quyền sử dụng và những lợi ích phát sinh từ quá trình sử dụng một loại tài sản đặc biệt không thuộc quyền sở hữu của các bên tranh chấp; 

– Các chủ thể tranh chấp đất đai chỉ là chủ thể quản lý và sử dụng đất, không có quyền sở hữu đối với đất đai;

– Tranh chấp đất đai luôn gắn liền với quá trình sử dụng đất của các chủ thể nên không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích trực tiếp của các bên tham gia tranh chấp mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước.

Vì trước hết, khi xảy ra tranh chấp, một bên không thực hiện được những quyền của mình, do đó ảnh hưởng đến việc thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước. 

Tranh chấp đất đai xảy ra sẽ tác động không nhỏ đến tâm lí, tinh thần của các bên, gây nên tình trạng mất ổn định, bất đồng trong nội bộ nhân dân, làm cho những quy định của pháp luật đất đai cũng như những chính sách của Nhà nước không được thực hiện một cách triệt để. 

Các dạng tranh chấp đất đai 

Sự tồn tại của các dạng tranh chấp đất đai tự thân nó là sự phản ánh những đặc trưng của quan hệ pháp luật đất đai ở từng thời kì nhất định.

Căn cứ vào tính chất pháp lý của các tranh chấp, có một số dạng chủ yếu sau đây:

Tranh chấp về quyền sử dụng đất 

– Tranh chấp giữa những người sử dụng đất với nhau về ranh giới giữa những vùng đất được phép sử dụng và quản lí. Loại tranh chấp này thường do một bên tự ý thay đổi hoặc do hai bên không xác định được với nhau; 

– Tranh chấp về QSDĐ, tài sản gắn liền với đất trong quan hệ thừa kế; quan hệ li hôn giữa vợ và chồng; 

– Đòi lại đất, tài sản gắn liền với đất của người thân trong những giai đoạn trước đây mà qua các cuộc điều chỉnh ruộng đất đã được chia cấp cho người khác; 

– Tranh chấp giữa đồng bào dân tộc địa phương với đồng bào đi xây dựng vùng kinh tế mới; giữa đồng bào địa phương với các nông trường, lâm trường và các tổ chức sử dụng đất khác.

Tranh chấp về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất 

Việc một bên vi phạm, làm cản trở tới việc thực hiện quyền của phía bên kia hoặc một bên không làm đúng nghĩa vụ của mình cũng phát sinh tranh chấp. Loại tranh chấp này thường thể hiện ở các hình thức như: 

– Tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng về chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại QSDĐ, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng giá trị QSDĐ; 

– Tranh chấp về việc bồi thường giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. 

Tranh chấp về mục đích sử dụng đất 

Đặc biệt là tranh chấp trong nhóm đất nông nghiệp, giữa đất trồng lúa với đất nuôi tôm, giữa đất trồng cà phê với trồng cây cao su; giữa đất hương hoả với đất thổ cư… trong quá trình phân bổ và quy hoạch sử dụng đất. 

Nhiều khi tranh chấp về QSDĐ dẫn đến những tranh chấp về địa giới hành chính. Loại tranh chấp này thường xảy ra giữa hai tỉnh, hai huyện, hai xã với nhau, tập trung ở những nơi có nguồn lâm thổ sản quý, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hoá, ở vị trí dọc theo các triền sông lớn, những vùng có địa giới không rõ ràng, không có mốc giới nhưng là vị trí có tầm quan trọng.  

Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp đất đai 

Mỗi tranh chấp đất đai xảy ra đều do những nguyên nhân nhất định, trong đó yếu tố chủ quan, khách quan, yếu tố cơ bản, tạm thời cần được nghiên cứu thận trọng và xử lí một cách kịp thời. Những năm vừa qua, tranh chấp đất đai diễn ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước.

Tuy mức độ, tính chất và phạm vi khác nhau nhưng nhìn chung tranh chấp đất đai đã gây ra những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.

Vì vậy, cần phải căn cứ vào thực trạng sử dụng đất, vào đường lối, chính sách của Nhà nước, vào những văn bản pháp luật để tìm ra những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, từ đó có những biện pháp giải quyết một cách thoả đáng, góp phần ngăn ngừa và hạn chế tới mức thấp nhất những tranh chấp có thể xảy ra. 

Từ thực tế của hiện tượng tranh chấp đất đai có thể rút ra một số nguyên nhân chủ yếu sau: 

– Nguyên nhân khách quan 

Chiến tranh kéo dài đã để lại hậu quả khác nhau trên cả hai miền. Ở miền Bắc, sau Cách mạng tháng Tám và sau năm 1953, Đảng và Chính phủ đã tiến hành cải cách ruộng đất, xoá bỏ chế độ chiếm hữu ruộng đất của thực dân, phong kiến, xác lập quyền sở hữu ruộng đất cho người nông dân.

Năm 1960, thông qua con đường hợp tác hoá nông nghiệp, ruộng đất của người nông dân được đưa vào làm tư liệu sản xuất chung, thuộc sở hữu tập thể, do đó tình hình sử dụng đất đai tương đối ổn định. 

Ở miền Nam, sau hai cuộc kháng chiến, tình hình sử dụng đất đai có nhiều diễn biến phức tạp hơn. Trong 9 năm kháng chiến, Chính phủ đã tiến hành chia cấp ruộng đất cho người nông dân hai lần vào năm 1949 – 1950 và năm 1954.

Nhưng đến cuối 1957, ngụy quyền Sài Gòn đã thực hiện việc cải cách điền địa, thực hiện việc “truất hữu” nhằm xoá bỏ thành quả của cách mạng, gây ra những xáo trộn lớn về quyền sở hữu ruộng đất của người nông dân. 

Sau năm 1975, Nhà nước đã tiến hành hợp tác hoá nông nghiệp đồng thời xây dựng hàng loạt các nông trường, lâm trường, trạm trại. Nhìn chung, những tổ chức đó bao chiếm nhiều diện tích nhưng sử dụng kém hiệu quả.

Đặc biệt, qua hai lần điều chỉnh ruộng đất vào năm 1978 – 1979 và năm 1982 – 1983, cùng với chính sách chia cấp đất theo kiểu bình quân đã dẫn đến những xáo trộn lớn về ruộng đất, về ranh giới, diện tích và mục đích sử dụng. 

Hiện nay, trong quá trình hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước, việc thu hồi đất để mở rộng đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng thực hiện các dự án đầu tư làm cho quỹ đất canh tác ngày càng giảm.

Trong khi đó, sự gia tăng dân số vẫn ở tỉ lệ cao, cơ cấu kinh tế chưa đáp ứng được vấn đề giải quyết việc làm và cuộc sống cho người lao động.

Đặc biệt, do tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường làm cho giá đất tăng đã và đang là những áp lực lớn gây nên tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất đai một cách gay gắt. Khi 

– Nguyên nhân chủ quan 

Về cơ chế quản lí: thời gian qua, công tác quản lý đất đai còn nhiều yếu kém. Nhà nước phân công, phân cấp cho quá nhiều ngành dẫn đến việc quản lý đất đai thiếu chặt chẽ.

Có thời kì mỗi loại đất do một ngành quản lí. Đất lâm nghiệp do ngành lâm nghiệp quản lí. Đất chuyên dùng thuộc ngành nào thì ngành đó quản lí. Cũng có tình trạng, có loại đất không được cơ quan nào quản lí.

Bên cạnh đó, tổ chức cơ quan quản lý đất đai từ trung ương đến cơ sở không ổn định, hoàn toàn không đủ sức giúp cho Nhà nước trong lĩnh vực này. 

Công tác phân vùng quy hoạch đất đai làm chậm, thiếu đồng bộ, việc phân chia địa giới hành chính có nhiều thay đổi nhưng xác định mốc giới không kịp thời hoặc không rõ ràng làm cho tình trạng tranh chấp đất đai phức tạp thêm, phương tiện và hồ sơ phục vụ cho công tác quản lý đất đai còn thiếu.

Chưa có đầy đủ những cơ sở khoa học và phương pháp quản lí cần thiết để xác định QSDĐ cho các chủ thể nên đã làm giảm hiệu lực của Nhà nước trong việc giải quyết tranh chấp đất đai. 

Về chính sách, pháp luật đất đai chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, có mặt không rõ ràng và đang còn nhiều biến động.

Hơn nữa, thực tế áp dụng các chính sách còn nhiều sự tuỳ tiện. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn thi hành chậm được ban hành làm cho việc áp dụng pháp luật được thực hiện một cách cầm chừng, thiếu hiệu quả. 

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai chưa thật sự được coi trọng, vì thế trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân còn hạn chế. Nhiều văn bản pháp luật đất đai chưa thực sự đi vào cuộc sống. 

Việc điều tra, xem xét giải quyết tranh chấp đất đai còn yếu kém, hiệu lực thấp, chưa thật sự quan tâm đến những giải pháp mang tính quần chúng. 

Về cán bộ, công chức thực hiện công vụ liên quan đến đất đai, một bộ phận cán bộ công chức còn thiếu gương mẫu, tuỳ tiện trong quản lí, vi phạm chế độ quản lý và sử dụng đất đai. 

Việc tranh chấp đất đai ở mỗi địa phương còn có những nguyên nhân đặc thù. Việc tìm ra những nguyên nhân cụ thể của tranh chấp phải căn cứ vào thực tế sử dụng đất, phong tục tập quán của từng địa phương để có được những giải pháp tốt nhất cho từng vụ việc. 

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com