Nguyên tắc giải quyết khiếu nại về đất đai như thế nào? 2023

Quản lý chặt chẽ đơn thư khiếu tố, tổ chức tốt công tác xử lí đơn là điều kiện để bảo đảm giải quyết các khiếu nại, tố cáo theo đúng thời hạn quy định.

Nguyên tắc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lí và sử dụng đất đai 

Vì thế, việc giải quyết khiếu tố về đất đai cần phải tuân theo những nguyên tắc cơ bản sau đây: 

Thứ nhất, giải quyết khiếu tố về đất đai theo đúng pháp luật. Đây là nguyên tắc cơ bản nhất trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phải căn cứ vào pháp luật mới xác định được đúng, sai, tính chất, mức độ vi phạm; giải quyết triệt để, chấm dứt việc khiếu nại, tố cáo, bảo vệ những lợi ích hợp pháp. 

Thứ hai, nguyên tắc dân chủ, công khai. Thực hiện nguyên tắc này, người được giao giải quyết khiếu nại, tố cáo phải lắng nghe ý kiến của các bên, đảm bảo dân chủ, bình đẳng trước pháp luật. 

Thứ ba, phải thật sự khách quan, thận trọng và vô tư. Nguyên tắc này đòi hỏi nhìn nhận sự việc phải trung thực, không phụ thuộc vào ý muốn của các bên đương sự. 

Thứ tư, kết hợp giải quyết khiếu tố về đất đai với việc giáo dục, thuyết phục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai. Thông qua quá trình này làm cho mọi người hiểu, thừa nhận và nghiêm chỉnh chấp hành quyết định của cơ quan đã giải quyết khiếu tố. 

Thứ năm, giải quyết kịp thời, nhanh chóng, ngăn chặn và loại trừ các hành vi vi phạm pháp luật đất đai. 

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về đất đai

Trường hợp khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai do chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết lần đầu và người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khởi kiện tại toà án nhân dân hoặc tiếp tục khiếu nại đến đến chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Trong trường hợp khiếu nại đến chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì quyết định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là quyết định cuối cùng. 

Trường hợp khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai do chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khởi kiện tại toà án nhân dân. 

Thời hiệu khiếu nại quyết định hành chính, hành vị hành chính về quản lý đất đai là 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được có hành vi hành chính đó.

Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại toà án nhân dân. 

Quyết định về việc giải quyết các trường hợp khiếu nại về đất đai nói trên không bao gồm trường hợp khiếu nại về quyết định giải quyết tranh chấp đất đai. 

Thẩm quyền giải quyết tố cáo về đất đai

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà người bị tố cáo thuộc thẩm quyền quản lí của cơ quan, tổ chức nào thì cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm giải quyết. 

Tố cáo hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu cơ quan tổ chức nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm giải quyết. 

Trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai

Tổ chức tiếp dân và nhận đơn khiếu tố 

Trong quan hệ pháp luật đất đai, quyền làm chủ của nhân dân thể hiện ở việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật quy định cho người sử dụng đất; thể hiện ở việc giám sát các cơ quan quản lí đất đai, cán bộ quản lý đất đai thực hiện chức năng quản lí nhà nước về đất đai.

Công tác tiếp dân tạo ra những điều kiện cho nhân dân có thể bày tỏ nguyện vọng, yêu cầu của mình. 

Cơ quan quản lý đất đai phải tổ chức bộ phận cán bộ xét giải quyết khiếu tố về đất đai để thực hiện việc tiếp dân và nhận đơn khiếu tố. 

Khi tiếp dân, cán bộ tiếp dân phải chủ động lắng nghe những sự việc mà đương sự trình bày với thái độ mềm dẻo, nhã nhặn, thẳng thắn, vô tư và phải ghi chép đầy đủ những thông tin quan trọng vào sổ tiếp dân. 

Cuối buổi tiếp dân phải thu nhận đơn và những giấy tờ kèm theo. Nếu không có giấy tờ cần thiết thì phải lập biên bản ghi lời khai, yêu cầu của đương sự có chữ kí xác nhận. 

Quản lý và xử lý đơn thư khiếu tố 

Quản lí đơn là việc theo dõi nắm tình hình đơn, trên cơ sở đó nghiên cứu phát hiện những vấn đề mâu thuẫn, những bất động của người sử dụng đất để có biện pháp ngăn ngừa tận gốc nguyên nhân phát sinh khiếu tố.

Quản lý chặt chẽ đơn thư khiếu tố, tổ chức tốt công tác xử lí đơn là điều kiện để bảo đảm giải quyết các khiếu nại, tố cáo theo đúng thời hạn quy định.

Các cơ quan địa chính phải nắm chắc những đơn thuộc trách nhiệm của mình và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết; sau đó tiến hành phân loại đơn thư gửi tới để xác định rõ tính chất của đơn và trách nhiệm giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các đơn khiếu tố sau khi đã được phân loại phải xử lý kịp thời.

Nếu những đơn không thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của ngành địa chính thì chuyển đến những cơ quan có trách nhiệm giải quyết.

Đơn do đương sự gửi vượt cấp hoặc do cơ quan khác chuyển đến nếu thuộc nhiệm vụ của cấp nào thì giao cho cấp đó xem xét giải quyết. Người xử lí đơn phải tuyệt đối bí mật về nội dung và tên người tố cáo. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được đơn tố cáo phải xử lí đơn xong và báo cho đương sự biết. 

Giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai

Nghiên cứu đơn là công việc đầu tiên của nghiệp vụ xét khiếu tố, do đó phải tập trung vào sự việc tìm ra mâu thuẫn, bản chất của vấn đề, phán đoán nguyên nhân đồng thời chuẩn bị tài liệu, văn bản pháp luật làm cơ sở để giải quyết những vấn đề mà đương sự yêu cầu. 

Gặp đương sự là yêu cầu không thể thiếu trong việc xét đơn. Khi gặp đương sự cần tạo ra không khí thoải mái giúp đương sự tin tưởng vào chế độ chính sách của Nhà nước.

Sau khi gặp đương sự, cần tiến hành tiếp xúc với cơ quan nơi phát sinh sự việc, yêu cầu cơ quan đó báo cáo lại quá trình diễn biến của sự việc, đồng thời thu thập tài liệu để lập hồ sơ đầy đủ, giúp cho việc nghiên cứu, phân tích mọi chi tiết của sự việc trở nên có hệ thống.

Điều tra xác minh sự việc và tiến hành kiểm tra lại chứng lí trong hồ sơ. Viết báo cáo kết quả xác minh, hoàn chỉnh hồ sơ. Vấn đề chủ yếu của báo cáo là phải nêu rõ những mâu thuẫn của hai bên, những dự kiến và cách giải quyết. 

– Mở hội nghị để xét giải quyết vấn đề khiếu tố. Cơ quan địa chính các cấp có trách nhiệm giúp UBND cấp mình mở hội nghị xét giải quyết khiếu tố đối với những đơn khiếu tố về đất đai, về thẩm quyền của UBND.

Nếu đơn khiếu tố thuộc thẩm quyền xét và giải quyết của thủ trưởng cơ quan thì sau khi điều tra xong, cơ quan thanh tra của ngành ở các cấp giúp thủ trưởng mình mở hội nghị xét giải quyết khiếu tố. 

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com