Căn cứ pháp lý: Quy chế 111/QĐ-VKSNDTC 

1. Phạm vi công tác thực hành quyền công tố

Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự bắt đầu từ khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm xảy ra đến khi kết thúc việc điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định truy tố hoặc đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật.

2. Ý nghĩa của công tác thực hành quyền công tố

Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhằm bảo đảm

– Mọi hành vi phạm tội đều phải được khởi tố, điều tra và xử lý kịp thời, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội;

– Không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế các quyền công dân, bị xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm một cách trái pháp luật;

– Việc điều tra phải khách quan, toàn diện, đầy đủ, chính xác, đúng pháp luật; những vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra phải được phát hiện kịp thời; khắc phục và xử lý nghiêm minh;

– Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị can phải có căn cứ và đúng pháp luật.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra

Khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn:

– Khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can;

– Đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra; khi xét thấy cần thiết, trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật;

– Yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra thay đổi Điều tra viên theo quy định của pháp luật; nếu hành vi của Điều tra viên có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố về hình sự;

– Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam và các biện pháp ngăn chặn khác; quyết định phê chuẩn, quyết định không phê chuẩn các quyết định của Cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật. Trường hợp không phê chuẩn thì trong quyết định không phê chuẩn phải nêu rõ lý do;

– Huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Cơ quan điều tra; yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can;

– Quyết định việc truy tố bị can; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hiện công tác kiểm sát điều tra

Khi thực hiện công tác kiểm sát điều tra, Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn:

– Kiểm sát việc khởi tố, kiểm sát các hoạt động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra;

– Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tham gia tố tụng;

– Giải quyết các tranh chấp về thẩm quyền điều tra;

– Yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra; yêu cầu Cơ quan điều tra cung cấp tài liệu cần thiết về vi phạm pháp luật của Điều tra viên; yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra xử lý nghiêm minh Điều tra viên vi phạm pháp luật trong khi tiến hành điều tra;

– Kiến nghị với cơ quan, tổ chức và đơn vị hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

5. Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và truy tố

Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và truy tố ban hành theo Quy định số 111/QĐ-VKSNDTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng Viện KSND tối cao (gọi tắt là Quy chế 111) đã tích hợp và thay thế cho 03 Quy chế cụ thể: Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quy định 03/QĐ-VKSTC ngày 29/12/2017 của Viện trưởng Viện KSND tối cao (gọi tắt là Quy chế 03); Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố ban hành kèm thao Quyết định số 169/QĐ-VKSTC ngày 02/5/2018 của Viện trưởng Viện KSND tối cao và Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra và giám định ban hành kèm theo Quyết định số 170/QĐ-VKSTC ngày 02/5/2018 của Viện trưởng Viện KSND tối cao.

Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố quy định các hoạt động gồm: Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm do người phạm tội tự thú hoặc những thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện cũng được thực hiện theo quy định của Quy chế này.

Bên cạnh đó, Quy chế cũng quy định hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố; thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra; thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố. 

Đối tượng áp dụng của Quy chế là VKSND, Viện kiểm sát quân sự các cấp; người có thẩm quyền tiến hành tố tụng của VKSND, Viện kiểm sát quân sự các cấp; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố.

6. Nội dung mới của quy chế thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố

Qua nghiên cứu tại Chương II, III và Chương IV của Quy chế (công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và truy tố) tôi thấy có một số điểm mới cần lưu ý, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Khi xét phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh tạm giam, quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam (khoản 1 Điều 17) Quy chế 111 quy định: Đối với trường hợp bị can bị bắt tạm giam sau khi đã khởi tố vụ án thì thời hạn tạm giam không được quá thời hạn điều tra vụ án. (Quy chế 03 không quy định).

Thứ hai: Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tạm hoãn xuất cảnh (khoản 1 Điều 20) Quy chế 111 quy định: Nếu có căn cứ xác định việc bị can có dấu hiệu bỏ trốn ra nước ngoài mà Cơ quan điều tra không ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh. Nếu Cơ quan điều tra không thực hiện thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh và gửi ngay cho Cơ quan điều tra, Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. (Quy chế 03 không quy định).

Thứ ba: Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn (điểm b, khoản 3, Điều 21) Quy chế 111: Trường hợp chưa hết thời hạn gia hạn tạm giữ mà Cơ quan có thẩm quyền điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xét thấy không cần thiết tạm giữ thì căn cứ khoản 2 Điều 125 Bộ luật Tố tụng hình sự, Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền điều tra có văn bản đề nghị Viện kiểm sát quyết định việc hủy bỏ biện pháp tạm giữ; nếu cần thiết phải áp dụng biện pháp ngăn chặn khác thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền điều tra thực hiện, nếu Cơ quan có thẩm quyền điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát thực hiện. (Quy chế 03 không quy định).

Thứ tư: Thực hành quyền công tố kiểm sát tiếp nhận, xử lý và giải quyết tố giác về tội phạm có liên quan đến khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi (khoản 2 Điều 27) Quy chế 111: Khi nhận được thông báo của Cơ quan có thẩm quyền điều tra, lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện phải cử Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi đối với tất cả các vụ việc mà Cơ quan có thẩm quyền điều tra tiến hành khám nghiệm theo quy định của pháp luật. Đối với các vụ việc phức tạp, các vụ án giết người không quả tang, các vụ tai nạn giao thông, các vụ tai nạn lao động gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, vụ việc có từ 02 tử thi trở lên; các vụ án mà người phạm tội là nhân sỹ trí thức hoặc các chức sắc tôn giáo, người có uy tín cao thuộc các dân tộc ít người, các vụ án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm hoặc các trường hợp khác khi xét thấy cần thiết thì lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện phải trực tiếp cùng Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Trường hợp cần thiết, Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới đề nghị Viện kiểm sát cấp trên phân công Kiểm sát viên cùng tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường. (Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra và giám định không quy định).

Thứ năm: Thực hành quyền công tố, hoạt động của Kiểm sát viên trong quá trình khám nghiệm hiện trường (khoản 7 Điều 30) quy chế 111 quy định: Trường hợp ý kiến giữa Kiểm sát viên và Điều tra viên không thống nhất  thì Kiểm sát viên yêu cầu ghi ý kiến của mình vào biên bản và báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện sau khi kết thúc khám nghiệm. (Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra và giám định không quy định).

Thứ sáu: Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc định giá tài sản (khoản 2 Điều 37) Quy chế 111 quy định cụ thể: Nếu phát hiện người định giá tài sản thuộc trường hợp phải từ chối hoặc bị thay đổi theo quy định tại khoản 5 Điều 69 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra văn bản yêu cầu cơ quan yêu cầu định giá tài sản thay đổi người định giá tài sản. Tại (khoản 3 Điều 37) Quy chế quy định: Nếu thấy cần làm sáng tỏ nội dung kết luận định giá thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra văn bản yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền điều tra để yêu cầu Hội đồng định giá tài sản giải thích kết luận định giá, hỏi thêm về những tình tiết cần thiết theo quy định tại Điều 221 Bộ luật Tố tụng hình sự. (Quy chế 03 không quy định).

Thứ bảy: Thực hành quyền công tố, kiểm sát kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (tại khoản 2 Điều 43) Quy chế 11 quy định: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố kèm theo hồ sơ vụ việc của Cơ quan có thẩm quyền điều tra, nếu thấy quyết định tạm đình chỉ có căn cứ thì Viện kiểm sát phải chuyển trả hồ sơ cho Cơ quan có thẩm quyền điều tra để giải quyết theo thẩm quyền. (Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố ban không quy định).

Ngoài ra, tại phụ lục B ban hành kèm theo Quy chế 111 đã ban hành 17 mẫu báo cáo đề xuất, báo cáo tiến độ, biên bản, kế hoạch công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố, tạo điều kiện thuận lợi cho Kiểm sát viên trong quá trình tác nghiệp đồng thời tạo sự thống nhất chung trong toàn ngành Kiểm sát.