Xử lý vi phạm pháp luật đất đai là việc áp dụng các hình thức trách nhiệm pháp lý đối với người vi phạm nhằm buộc họ phải gánh chịu những hậu quả pháp lí do hành vi và hậu quả của hành vi vi phạm gây ra.
Phân loại vi phạm pháp luật đất đai
Vi phạm xâm hại đến quyền đại diện cho chủ sở hữu đất đai của Nhà nước
Loại vi phạm này thường được thể hiện trong việc định đoạt một cách bất hợp pháp số phận pháp lí của đất đai như:
– Không thực hiện đúng trình tự, quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục giao đất cho thuê đất, thu hồi đất;
– Giao đất không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không tuân theo quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật;
– Chuyển đổi, chuyển nhượng cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho QSDĐ hoặc thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng giá trị QSDĐ mà không thực hiện đúng thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật;
– Sử dụng đất không đúng mục đích ghi trong quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất hoặc không đúng mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố hoặc sử dụng đất không đúng với mục đích, loại đất ghi trong giấy chứng nhận QSDĐ;
– Huỷ hoại đất, làm biến dạng địa hình, suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm, làm mất khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định…
Vi phạm, xâm hại đến quyền của người sử dụng đất
Loại vi phạm này thường được biểu hiện qua những hành vi cụ thể như:
– Lấn chiếm đất đai, không tuân theo những nghĩa vụ do pháp luật quy định về ranh giới, diện tích, lợi ích, chẳng hạn:
+ Tự tiện chuyển dịch ranh giới ra ngoài phần đất được giao để mở rộng diện tích;
+ Lấy quá mức đất mà Nhà nước giao cho mình;
+ Mượn tạm một mảnh đất để sử dụng trong thời gian nhất định, khi hết thời hạn không trả lại cho chủ cũ mà chiếm luôn để sử dụng,
+ Tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng đặc dụng, đất có rừng phòng hộ sang sử dụng vào mục đích khác.
– Gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác như đưa vật liệu xây dựng, chất thải hay các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc đào bới để gây cản trở, làm giảm khả năng sử dụng đất của người khác hoặc gây thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác…
Các hình thức trách nhiệm pháp lí trong việc xử lí các hành vi vi phạm pháp luật đất đai
Xử lý vi phạm pháp luật đất đai là việc áp dụng các hình thức trách nhiệm pháp lý đối với người vi phạm nhằm buộc họ phải gánh chịu những hậu quả pháp lí do hành vi và hậu quả của hành vi vi phạm gây ra.
Với nguyên tắc mọi vi phạm phải được phát hiện, đình chỉ và xử lí kịp thời. Việc xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật và trách nhiệm vật chất cần phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để.
Mọi hậu quả phải được khắc phục theo quy định của pháp luật. Việc áp dụng các hình thức trách nhiệm pháp lí khác nhau đối với người vi phạm là tuỳ thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi vi phạm. Theo đó, vi phạm pháp luật đất đai có thể bị áp dụng trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỉ luật, trách nhiệm vật chất hay trách nhiệm hình sự.
Trách nhiệm hành chính
– Đối tượng có thể bị xử lí biện pháp hành chính là những người sử dụng đất và những người khác nếu có hành vi làm trái với các quy định của pháp luật, về chế độ sử dụng đất, phá vỡ trật tự quản lý đất đai như:
Lấn chiếm đất đai, không sử dụng đất hoặc sử dụng không đúng mục đích, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, huỷ hoại đất, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ tài chính, các thủ tục hành chính, các quyết định của Nhà nước trong quản lý đất đai,
Chuyển QSDĐ trái phép hoặc các hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai nhưng người vi phạm mới thực hiện hành vi đó lần đầu hoặc thiệt hại do hành vi gây ra không lớn, khả năng phục hồi thiệt hại dễ dàng và người gây thiệt hại đã kịp thời khắc phục nên chưa cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, để bảo toàn phần giá trị tài sản của Nhà nước và nâng cao trách nhiệm của những tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc đang sử dụng đất được Nhà nước công nhận QSDĐ nhưng không phải chuyển sang thuê đất hoặc không phải trả tiền sử dụng đất mà để đất bị lấn chiếm, thất thoát thì phải bồi thường và xử lý theo quy định của pháp luật đối với giá trị QSDĐ của diện tích đất bị lấn chiếm, thất thoát.
Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính: Người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp chế tài đối với những hành vi vi phạm nói trên là UBND các cấp và các cơ quan thanh tra chuyên ngành về đất đai.
Hình thức xử phạt vi phạm hành chính: Ngoài việc áp dụng hai hình thức phạt chính như là cảnh cáo, phạt tiền, tuỳ theo từng trường hợp, người vi phạm có thể bị áp dụng hình thức phạt bổ sung và các biện pháp hành chính khác như: thu hồi đất, buộc khôi phục lại tình trạng đất như trước khi bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
Trách nhiệm kỉ luật
Đối tượng chịu trách nhiệm kỉ luật là những người thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai có hành vi vi phạm như:
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, làm trái với quy định của pháp luật trong giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển QSDĐ, chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, quản lý hồ sơ địa chính.
Ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai, thiếu trách nhiệm trong quản lí để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Đó là những hành vi vi phạm nhưng ở mức độ nhẹ, chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc xử lí các cán bộ, công chức có hành vi vi phạm trong khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai, do người đứng đầu cơ quan quản lí công chức có hành vi vi phạm ra quyết định kỉ luật.
Nếu người đứng đầu cơ quan, đơn vị vi phạm kỉ luật thì người đứng đầu cơ quan đơn vị quản lí cấp trên trực tiếp ra quyết định kỉ luật.
Về hình thức kỉ luật: người quản lý đất đai vi phạm kỉ luật thì tuỳ theo mức độ mà bị xử lý bằng một trong các hình thức kỉ luật như: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc.
Khiển trách là hình thức kỉ luật áp dụng với người quản lí đất đai có hành vi vi phạm lần đầu, ở mức độ nhẹ.
Cảnh cáo được áp dụng đối với người quản lý đất đai đã bị khiển trách về hành vi vi phạm pháp luật đất đai mà còn tái phạm hoặc vi phạm ở mức độ nhẹ nhưng khuyết điểm có tính chất thường xuyên hoặc tuy mới vi phạm lần đầu nhưng có tính chất tương đối nghiêm trọng.
Hạ bậc lương áp dụng đối với người quản lý đất đai có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong khi thực hiện chức năng quản lí nhà nước về đất đai. Hạ ngạch áp dụng đối với người quản lý đất đai có hành vi vi phạm nghiêm trọng, xét thấy không đủ phẩm chất đạo đức và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn của ngạch đang đảm nhiệm.
Cách chức áp dụng đối với người quản lý đất đai có chức vụ mà hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng xét thấy không thể tiếp tục đảm nhận chức vụ được giao. Buộc thôi việc là hình thức kỉ luật nặng nhất áp dụng đối với người quản lí đất đai khi có hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật đất đai.
Ngoài ra, để khắc phục hơn nữa tình trạng yếu kém, trong quản lí đất đai, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chống tiêu cực, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Điều 208 Luật đất đai năm 2013 đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của chủ tịch UBND các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai cũng như xử lí trách nhiệm của thủ trưởng, công chức, viên chức thuộc cơ quan quản lý đất đai các cấp và cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn trong việc vi phạm trình tự thực hiện các thủ tục hành chính.
Trách nhiệm hình sự
Căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi vi phạm pháp luật đất đai là những vi phạm được quy định trong Điều 206, 2007, 208 và Điều 209 Luật đất đai năm 2013.
Theo đó người sử dụng đất có hành vi vi phạm đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm hoặc vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử lí theo Điều 173 Bộ luật hình sự.
Đối với người quản lí có hành vi vi phạm pháp luật đất đai đã bị xử lí kỉ luật mà còn vi phạm hoặc vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý theo Điều 104 Bộ luật hình sự.
Trách nhiệm dân sự
Đối tượng chịu trách nhiệm dân sự là người sử dụng đất, người có trách nhiệm quản lý đất đai hoặc những người khác có hành vi vi phạm pháp luật đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước, cho người khác thì ngoài việc bị áp dụng một trong những biện pháp trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỉ luật, trách nhiệm hình sự còn phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước hoặc cho người bị thiệt hại.
Việc bồi thường thiệt hại trong trách nhiệm dân sự được áp dụng theo nguyên tắc ngang giá, toàn bộ và kịp thời. Nghĩa là người gây thiệt hại đến đâu thì phải bồi thường đến đó, việc bồi thường phải đầy đủ và thực hiện nhanh chóng.
Khác với các hình thức trách nhiệm khác, trong trách nhiệm dân sự có một đặc điểm nổi bật là các bên có thể tự thoả thuận với nhau về việc bồi thường thiệt hại. Nếu không thoả thuận được về mức bồi thường thiệt hại thì bên thị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết.
Tóm lại, xử lý vi phạm pháp luật đất đai là nhằm ngăn ngừa và trừng phạt những hành vi vi phạm đồng thời giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ những quan hệ, những giá trị được pháp luật ghi nhận.
Đó cũng là vấn đề có tính quyết định để duy trì trật tự, kỷ cương và nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý đất đai ở nước ta hiện nay.