Trong nội dung bài viết này chúng tôi sẽ tư vấn về quy hoạch sử dụng đất là gì? Ý nghĩa của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước là đại diện chủ sở hữu vì thế nhà nước có trách nhiệm quản lý, xây dựng quy hoạch đất đai. Vậy quy hoạch sử dụng đất là gì? Ý nghĩ của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như thế nào?
Quy hoạch sử dụng đất là gì?
Khoản 2 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định về định nghĩa quy hoạch sử dụng đất như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
2.Quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế – xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.”
Đặc điểm của quy hoạch sử dụng đất
Quy hoạch sử dụng đất mang 6 đặc điểm như sau:
Một là: Tính lịch sử – xã hội
Lịch sử phát triển của xã hội chính là lịch sử phát triển của quy hoạch sử dụng đất. Mỗi hình thái kinh tế – xã hội đều có một phương thức sản xuất của xã hội thể hiện theo 2 mặt: lực lượng sản xuất (quan hệ giữa người với sức hoặc vật tự nhiên trong quá trình sản xuất) và quan hệ sản xuất (quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất).
Trong quy hoạch sử dụng đất, luôn nảy sinh quan hệ giữa người với đất đai – là sức tự nhiên (như điều tra, đo đạc, khoanh định, thiết kế…), cũng như quan hệ giữa người với người (xác nhận bằng văn bản về sở hữu và quyền sử dụng đất giữa những người chủ đất). Quy hoạch sử dụng đất thể hiện đồng thời là yếu tố thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất, vừa là yếu tố thúc đẩy các mối quan hệ sản xuất, vì vậy nó luôn là một bộ phận của phương thức sản xuất của xã hội.
Hai là: Tính tổng hợp
Đất đai có vai trò quan trọng đối với đời sống của con người và các hoạt động xã hội. Cho nên quy hoạch sử dụng đất đai mang tính tổng hợp rất cao, đề cập đến nhiều lĩnh vực về khoa học, kinh tế, xã hội như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội dân số và đất đai, sản xuất công nông nghiệp, môi trường sinh thái… Quy hoạch sử dụng đất đai tác động đến việc sử dụng đất của ba nhóm đất chính nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng cũng như ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng đất đai của toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Ba là: Tính dài hạn
Căn cứ vào các dự báo xu thế biến động dài hạn của những yếu tố kinh tế xã hội quan trọng (như sự thay đổi nhân khẩu, tiến bộ kỹ thuật, đô thị hoá, công nghiệp hoá…), từ đó xác định quy hoạch trung và dài hạn về sử dụng đất, đề ra các phương hướng, chính sách và biện pháp có tính chiến lược, tạo căn cứ khoa học cho việc xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm và ngắn hạn.
Bốn là: Tính chiến lược và chỉ đạo vĩ mô
Với đặc tính trung và dài hạn, quy hoạch sử dụng đất đai chỉ dự kiến trước được các xu thế thay đổi phương hướng mục tiêu, cơ cấu và phân bổ sử dụng đất mang tính tổng thể, không dự kiến được các hình thức và nội dung cụ thể, chi tiết của sự thay đổi. Vì vậy, quy hoạch sử dụng đất đai là quy hoạch mang tính chiến lược, các chỉ tiêu của quy hoạch mang tính chỉ đạo vĩ mô, tính phương hướng và khái lược về sử dụng đất của các ngành như: Phương hướng mục tiêu và trọng điểm chiến lược của việc sử dụng đất trong vùng; Cân đối tổng quát nhu cầu sử dụng đất của các ngành; Điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất và phân bố đất đai trong vùng;…
Năm là: Tính chính trị và chính sách xã hội
Quy hoạch sử dụng đất thể hiện rất mạnh đặc tính chính trị và chính sách xã hội. Khi xây dựng phương án phải quán triệt các chính sách và quy định có liên quan đến đất đai của Đảng và Nhà nước, đảm bảo thực hiện cụ thể trên mặt bằng đất đai các mục tiêu phát triển nền kinh tế quốc dân, phát triển ổn định kế hoạch kinh tế – xã hội; tuân thủ các quy định, các chỉ tiêu khống chế về dân số, đất đai và môi trường sinh thái.
Sáu là: Tính khả biến
Với xu hướng đi lên của xã hội, mọi sự vật hiện tượng luôn thay đổi. Dưới sự tác động của nhiều nhân tố khi dự đoán trước, theo nhiều phương diện khác nhau, quy hoạch sử dụng đất đai chỉ là một trong những giải pháp biến đổi hiện trạng sử dụng đất sang trạng thái mới thích hợp hơn cho việc phát triển kinh tế trong một thời kỳ nhất định. Khi xã hội phát triển khoa học – kỹ thuật ngày càng tiến bộ, chính sách và tình hình kinh tế thay đổi, các dự kiến của quy hoạch sử dụng đất đai không còn phù hợp.
Ý nghĩa của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Quy hoạch sử dụng đất có ý nghĩa to lớn về mọi mặt đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia:
– Trong hoạt động quản lý nhà nước về đất đai không thể tách rời quy hoạch sử dụng đất. Quy hoạch sử dụng đất của cả nước nói chung của các địa phương nói riêng sau khi được quyết định, xét duyệt nó mang tính pháp lý. Mọi hoạt động giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất. Người sử dụng đất trong quá trình sử dụng đất và thực hiện các quyển của mình cũng phải tuân thủ, không được trái với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
– Ý đồ sử dụng đất của Nhà nước được ghi nhận và thực hiện thông qua quy hoạch sử dụng đất. Bằng quy hoạch sử dụng đất Nhà nước tính toán đến các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, đến nhu cầu sử dụng đất cho các mục tiêu phát triển của đất nước, tính toán đến quỹ đất của cả nước và từng địa phương để tìm ra phương án sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm.
– Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Vì vậy, Nhà nước có đầy đủ ba quyền năng của chủ sở hữu là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Nhưng đất đai là loại tài sản đặc biệt nên nhà nước không thể định đoạt đất đai như tài sản thông thường là bán tặng cho… mà định đoạt thông qua hoạt động quy hoạch sử dụng đất và một số hoạt động khác.
Trên đây là nội dung bài viết quy hoạch sử dụng đất là gì? ý nghĩ của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của chúng tôi.