1. Giới thiệu tác giả

Cuốn sách “Giải đáp vướng mắc về pháp luật và giải quyết vụ án, vụ việc hình sự, dân sự, hành chính” do Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trương tổng hợp.

2. Giới thiệu hình ảnh sách

Sách Giải đáp vướng mắc về pháp luật và giải quyết vụ án, vụ việc hình sự, dân sự, hành chính

Giải đáp vướng mắc về pháp luật và giải quyết vụ án, vụ việc hình sự, dân sự, hành chính

Tác giả: Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học – Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Nhà xuất bản Tư Pháp

3. Tổng quan nội dung sách

Phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội nói chung là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có trách nhiệm của ngành Kiểm sát nhân dân. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo các chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội ngành Kiểm sát nhân dân (Ban Chỉ đạo 138) đã chỉ đạo toàn Ngành tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội và các quy định mới của pháp luật về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; bảo đảm hoàn thành vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ của Quốc hội về công tác tư pháp và các chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Về công tác chuyên môn, các đơn vị đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Ngành, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm, góp phần quan trọng bảo đảm mọi hành vi có dấu hiệu tội phạm được xử lý theo đúng quy định pháp luật. Các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã kịp thời được hướng dẫn, giải đáp cho các đơn vị, địa phương.

Quốc hội khóa XIII và khóa XIV đã thông qua nhiều đạo luật liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân, như: Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự năm 2015); Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Bộ luật Dân sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

Để kịp thời triển khai thi hành các đạo luật nêu trên trong ngành Kiểm sát nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 12/01/2016; Kế hoạch số 05/KH-VKSTC ngày 12/01/2016; Kế hoạch số 39/KH-VKSTC ngày 28/3/2016; Kế hoạch số 81/KH-VKSTC ngày 18/7/2017 và Kế hoạch số 90/KH-VKSTC ngày 10/8/2017. Một trong những nhiệm vụ đặt ra theo các chỉ thị, kế hoạch đó là công tác hướng dẫn, giải đáp khó khăn, vướng mắc trong nhận thức và áp dụng pháp luật. Thực hiện nhiệm vụ trên, trong thời gian qua, trên cơ sở tổng hợp các khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của các đạo luật này của Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, giải đáp khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, qua đó, góp phần thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

Nhằm thông tin kịp thời, đầy đủ và có hệ thống đến bạn đọc, đặc biệt là các Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên, cán bộ điều tra, chuyên viên, công chức công tác tại Viện kiểm sát nhân dân và những người làm công tác pháp luật, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổng hợp các hướng dẫn, giải đáp khó khăn, vướng mắc trong nhận thức và áp dụng pháp luật của ngành Kiểm sát, biên tập lại nội dung và phối hợp với Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản cuốn: “Giải đáp vướng mắc về pháp luật và giải quyết vụ án, vụ việc hình sự, dân sự, hành chính”.

Cuốn sách được biên soạn với cấu trúc chương mục như sau:

Phần I: Giải đáp vướng mắc về pháp luật hình sự, tố tụng hình sự

I. Giải đáp vướng mắc về quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015

II. Giải đáp vướng mắc về quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Phần II: Giải đáp vướng mắc trong giải quyết các vụ án, vụ việc về tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy

Phần III: Giải đáp vướng mắc về pháp luật trong một số lĩnh vực khác

I. Giải đáp vướng mắc về quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Lao động năm 2012

II. Giải đáp vướng mắc về quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

III. Giải đáp vướng mắc về quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015

IV. Giải đáp vướng mắc về quy định của Luật Phá sản năm 2014, Nghị quyết số 42/2017/QH14

V. Giải đáp vướng mắc về quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Pháp lệnh số 09/2014/ UBTVQH13

4. Đánh giá bạn đọc

Các khó khăn, vướng mắc trong cuốn sách này được hướng dẫn, giải đáp trên cơ sở góc nhìn của các nhà nghiên cứu, không phải là các hướng dẫn, giải đáp có tính chất quy phạm bắt buộc.

Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích đối với bạn đọc, đặc biệt là các Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên, cán bộ điều tra, chuyên viên, công chức công tác tại Viện kiểm sát nhân dân và những người làm công tác pháp luật.

5. Kết luận

Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé! Chúc các bạn đọc sách hiệu quả và thu được nhiều thông tin hữu ích từ cuốn sách “Giải đáp vướng mắc về pháp luật và giải quyết vụ án, vụ việc hình sự, dân sự, hành chính”.

Luật LVN Group trích dẫn dưới đây một số nội dung giải đáp của Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Công văn số 5024/VKSTC-V14 V/v giải đáp vướng mắc liên quan đến quy định của BLTTHS và nghiệp vụ THQCT, kiểm sát việc giải quyết VAHS trong ngành KSND để bạn đọc tham khảo:

1. Thế nào là “xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng” quy định tại điểm o khoản 1 Điều 4 BLTTHS năm 2015?

Trả lời:

Điểm o khoản 1 Điều 4 BLTTHS năm 2015 quy định “Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.”

Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 về việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của BLTTHS về trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng là làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia tố tụng, có thể gây ra cho họ thiệt hại về vật chất, tinh thần.

Ví dụ 1: trong vụ án có bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình hoặc bị can, bị cáo có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa, người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi nhưng Cơ quan điều tra không chỉ định người bào chữa cho họ.

Ví dụ 2: trong vụ án có người bị hại nhưng Cơ quan điều tra không xác định tư cách bị hại để đưa họ vào tham gia tố tụng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của họ.

2. Theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 5 Nghị định số 70/2000/NĐ-CP ngày 21/11/2000 của Chính phủ thì Cơ quan cảnh sát điều tra Công an cấp huyện không có thẩm quyền yêu cầu Ngân hàng cung cấp thông tin, tài khoản của khách hàng, dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết vụ án; đề nghị có hướng dẫn.

Trả lời:

Nghị định số 70/2000/NĐ-CP đã được thay thế bằng Nghị định số 117/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018 của Chính phủ về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Nghị định số 117/2018/NĐ-CP đã quy định cụ thể những người có thẩm quyền ký văn bản yêu cầu Ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng, bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định của BLTTHS năm 2015, trong đó quy định rõ Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, điều tra viên các cơ quan điều tra trong hệ thống cơ quan điều tra; cấp trưởng, cấp phó các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật về cơ quan điều tra hình sự có thẩm quyền ký văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng (khoản 5 Điều 10)

Căn cứ quy định nêu trên, khi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an cấp huyện yêu cầu thì Ngân hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin khách hàng.

5. Trong trường hợp nào thì Kiểm sát viên thực hiện quyền triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 42 BLTTHS năm 2015?

Trả lời:

1. Kiểm sát viên thực hiện quyền triệu tập và hỏi cung bị can trong các trường hợp sau:

– Trong giai đoạn điều tra: Theo quy định tại khoản 4 Điều 183 BLTTHS năm 2015, Điều 28 Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định số 03/QĐ-VKSTC ngày 29/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao, Kiểm sát viên triệu tập và hỏi cung trong trường hợp bị can kêu oan; bị can khiếu nại hoạt động điều tra; có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật; khi có đề nghị của Cơ quan có thẩm quyền điều tra; tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn hoặc chưa rõ; lời khai của bị can trước sau không thống nhất, lúc nhận tội, lúc chối tội; có căn cứ để nghi ngờ về tính xác thực trong lời khai của bị can hoặc trường hợp bị can bị khởi tố về tội đặc biệt nghiêm trọng và các trường hợp khác khi xét thấy cần thiết.

– Trong giai đoạn truy tố: Theo quy định tại khoản 3 Điều 236 BLTTHS năm 2015, Điều 46 Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định số 03/QĐ-VKSTC ngày 29/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao, Kiểm sát viên triệu tập và hỏi cung bị can trong trường hợp khi cần kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố hoặc khi Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung tài liệu, chứng cứ mà xét thấy không cần thiết phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra.

2. Kiểm sát viên thực hiện quyền triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố trong trường hợp VKS trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 145 BLTTHS năm 2015, Điều 12 Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố ban hành kèm theo Quyết định số 169/QĐ-VKSTC ngày 02/5/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao, VKS trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong các trường hợp sau: VKS phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà VKS đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.