Hàn Quốc hiện nay là quốc gia có diện tích 99.720km2 (bằng gần 1/3 diện tích Việt Nam) với dân số khoảng 51,4 triệu người (năm 2018) với 27,75 triệu người trong trong độ tuổi lao động, khoảng 81,5% dân số đang sống ở đô thị (số liệu năm 2018). Tuổi thọ bình quân của người Hàn Quốc là 82,5 tuổi (nam là 79,4 và nữ là 85,8 tuổi) (năm 2018). Trong suốt 4 thập niên vừa qua, Hàn Quốc là một điển hình về nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng đặc biệt cao và khả năng hội nhập quốc tế lớn và hiện đã trở thành nền kinh tế công nghiệp hóa dựa trên công nghệ cao (“a high-tech industrialized economy”). Vậy, để đạt được thành tựu như hiện tại, hệ thống pháp luật Hàn Quốc về kinh doanh thương mại có những vấn đề gì nổi bật.

1. Bộ luật Thương mại

Bộ luật này được ban hành vào ngày 20/1/1960 (Đạo luật số 1000), bao gồm 5 phần: (1) Những quy định chung; (2) Các hoạt động thương mại; (3) Công ty; (4) Bảo hiểm; (5) Vận tải hàng hải. Tuy nhiên, về sau này, vấn đề vận tải hàng không cũng được đưa vào Bộ luật để trở thành phần 6 của Bộ luật. Hiện tại, Bộ luật thương mại của Hàn Quốc gồm 965 điều được chia thành 6 phần cụ thể như sau:
Phần quy định chung quy định 4 nội dung cơ bản là (1) thương nhân; (2) nhân viên thương mại; (3) tên thương mại và sổ sách kế toán (báo cáo tài chính); (4) đăng ký thương mại.

Phần các hoạt động thương mại quy định rõ các loại hoạt động thương mại cơ bản (là các hành vi được tiến hành với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận) và các hoạt động thương mại bổ trợ. Các loại hoạt động thương mại cơ bản bao gồm: (1) mua bán hàng hóa; (2) tài khoản chung; (3) các hội kín; (4) đại diện thương mại; (5) môi giới thương mại; (5) vận tải; (6) ngành kinh doanh giải trí công cộng; (7) gửi giữ hàng hóa; (8) cho thuê tài chính; (9) nhượng quyền thương mại; (10) bao thanh toán v.v.
Phần công ty quy định 5 loại hình công ty là: (1) công ty hợp danh (hapmyung heosa); (2) công ty hợp danh hữu hạn (hapja johap); (3) công ty trách nhiệm hữu hạn (yuhan chaekim hoesa); (4) công ty cổ phần (chusik hoesa); (5) công ty hữu hạn (limited company – yuhan hoesa). Công ty hợp danh được thành lập bởi ít nhất 2 thành viên và nếu không có sự đồng ý của các thành viên còn lại thì thành viên không thể chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người khác hoặc tiến hành các loại giao dịch thuộc phạm vi hoạt động của công ty hoặc trở thành thành viên có trách nhiệm vô hạn hoặc người điều hành của công ty khác mà mục đích kinh doanh giống với loại hình kinh doanh mà công ty đang tiến hành. Nếu công ty không chỉ định thành viên điều hành thì mỗi thành viên của công ty đều có thể đại diện cho công ty và nếu tài sản công ty không đủ để trả nợ, mỗi thành viên phải liên đới chịu trách nhiệm trả nợ. Khi tất cả các thành viên công ty hợp danh đồng ý thì công ty có thể chuyển đổi thành công ty hợp danh hữu hạn. Công ty hợp danh hữu hạn là công ty hợp danh có 2 loại thành viên: loại thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn và thành viên chịu trách nhiệm vô hạn. Thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn không được quyền cung cấp các dịch vụ nhân danh công ty. Thành viên chịu trách nhiệm vô hạn có trách nhiệm và bổn phận quản lý công việc chung của công ty, trừ trường hợp điều lệ có quy định khác. Thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn có thể chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người khác nếu được tất cả các thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn đồng ý. Công ty hợp danh hữu hạn có thể chuyển đổi thành công ty hợp danh nếu được tất cả các thành viên trong công ty đồng ý. Công ty cổ phần có thể được thành lập bởi một người, tuy nhiên số lượng cổ phần của công ty đã được ấn định sẵn tại thời điểm thành lập. Tại thời điểm thành lập, số cổ phần được phát hành (chào bán cho người khác) không được ít hơn ¼ số cổ phần có thể phát hành. Vốn pháp định tối thiểu của công ty cổ phần không được thấp hơn 50 triệu Won. Mỗi cổ phần có mệnh giá tối thiểu là 100 won. Công ty cổ phần có cấu trúc quản trị gồm đại hội đồng cổ đông (shareholders’ meeting) (với tư cách là cơ quan quyết định cao nhất của công ty), hội đồng quản trị (board of directors) (đóng vai trò là cơ quan quản trị công việc thường ngày của công ty) và ban kiểm soát (an audit committee). Công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập ít nhất bởi một người và có số lượng thành viên không quá 50 người với số vốn pháp định tối thiểu là 10 triệu won. Vốn công ty cũng được chia thành những phần hùn bằng nhau với giá trị tối thiểu của một phần hùn là 500 ngàn won. Trách nhiệm của mỗi thành viên sẽ được giới hạn bởi lượng phần hùn mà người này đã đóng góp vào công ty. Thành viên có thể chuyển nhượng phần vốn góp của mình theo nghị quyết của đại hội đồng thành viên. Công ty có thể có một người điều hành hoặc một hội đồng điều hành để đại diện cho công ty trong các giao dịch.

Muốn thành lập một doanh nghiệp tại Hàn Quốc, nhìn chung, nhà đầu tư cần lập hồ sơ đề nghị thành lập doanh nghiệp với các loại giấy tờ cơ bản sau: (1) Điều lệ doanh nghiệp; (2) đăng ký mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp; (3) việc bầu thành viên hội đồng điều hành hoặc hội đồng quản trị cùng các kiểm soát viên. Việc đăng ký thành lập được tiến hành tại cơ quan đăng ký thương mại (Commercial Registry) có thẩm quyền. Thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là 2 tuần kể từ khi hoàn thiện hồ sơ đăng ký. Sau đó, doanh nghiệp phải tiến hành làm thủ tục đăng ký mã số thuế với cơ quan thuế địa phương. Khi thành lập một công ty cổ phần, người thành lập phải trả các khoản thuế, phí sau: (1) thuế môn bài (có trị giá từ 0,004% tới 0,012% vốn điều lệ, tùy theo nơi thành lập công ty), (2) thuế giáo dục địa phương (có giá trị bằng 20% thuế môn bài), (3) lệ phí công chứng điều lệ vào khoảng 80.000 won, (4) phí đăng ký thành lập công ty (vào khoảng 20.000 won tới 30.000 won).

Người sở hữu cổ phần cũng được ghi nhận các quyền năng cơ bản như pháp luật về công ty cổ phần ở nhiều quốc gia quy định như: quyền bỏ phiếu, quyền hưởng lợi tức, quyền nhận phần tài sản còn lại khi thanh lý/giải thể công ty, quyền mua lại cổ phần hoặc quyền chuyển đổi cổ phần. Tuy nhiên, chỉ cổ đông có cổ phần ở mức nhất định mới được thực hiện một số quyền năng như: (1) quyền triệu tập đại hội cổ đông, (2) quyền đề nghị bổ sung chương trình nghị sự của đại hội cổ đông, (3) quyền kiện chống lại thành viên hội đồng quản trị và kiểm soát viên, (4) quyền yêu cầu bãi miễn thành viên hội đồng quản trị, (5) quyền kiểm tra sổ sách kế toán của công ty. Về nguyên tắc, công ty phải có từ 3 thành viên hội đồng quản trị trở lên cùng với một kiểm soát viên trừ trường hợp vốn của công ty nhỏ hơn 1 tỷ KRW. Pháp luật không có quy định bắt buộc thành viên hội đồng quản trị phải có quốc tịch Hàn Quốc.
Nhìn chung, Hàn Quốc có chính sách cởi mở đối với đầu tư nước ngoài, nhất là đối với các lĩnh vực về công nghệ cao và việc đầu tư vào các tổ hợp công nghiệp. Các lĩnh vực ưu đãi đầu tư được quy định khá rõ Luật Ưu đãi thuế đặc biệt (the Special Tax Treatment Act) và Luật Khuyến khích đầu tư nước ngoài (the Foreign Investment Promotion Act). Doanh nghiệp đầu tư trong các lĩnh vực ưu đãi đầu tư có thể được hưởng các ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tài sản. Mặc dù vậy, Hàn Quốc không cho phép các lĩnh vực sau thu hút đầu tư nước ngoài: (1) Xử lý nhiên liệu hạt nhân; (2) Phát điện (hạn chế một phần); (3) Bán buôn thịt (hạn chế một phần); (4) Trồng lúa; (5) Phát thanh và truyền hình; (6) Viễn thông (hạn chế một phần); (7) Xuất bản báo, tạp chí (hạn chế một phần); (8) Vận tải hành khách và vận tải hàng hóa (hạn chế một phần). Cũng cần lưu ý là Hàn Quốc có quy định kiểm soát rất chặt các quan hệ buôn bán với Bắc Hàn (theo Luật an ninh quốc gia), nghiêm cấm các giao dịch với Iran theo Luật giao dịch ngoại hối (the Foreign Exchange Transactions Act). Luật giao dịch ngoại hối cũng cho phép Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc điều tiết khá chặt chẽ thị trường ngoại hối.

Cũng cần đề cập thêm rằng, ngoài các doanh nghiệp thương mại mà mô hình tổ chức đã quy định ở trên, Hàn Quốc còn có một đạo luật riêng về doanh nghiệp xã hội có tên là “Luật khuyến khích doanh nghiệp xã hội” (The Social Enterprises Promotion Act) ban hành ngày 3/1/2007.

Phần bảo hiểm quy định về các quy tắc liên quan tới các loại bảo hiểm sau: bảo hiểm phi nhân thọ (non-life insurance) và bảo hiểm nhân thọ (life insurance), bảo hiểm cháy nổ (fire insurance), bảo hiểm giao thông (transport insurance), bảo hiểm hàng hải (marine insurance), bảo hiểm trách nhiệm (liability insurance), bảo hiểm ô tô (automobile insurance), bảo hiểm tai nạn.

Phần thương mại hàng hải (maritime commerce) được sửa đổi toàn diện bởi Luật số 8582 (thông qua vào tháng 8/2007 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2008) gồm các điều từ Điều 740 đến 895 (156 điều). Riêng đối với vận đơn điện tử, nội dung này không được quy định chi tiết trong Bộ luật thương mại mà được quy định cụ thể trong một Sắc lệnh (năm 2013) của Tổng thống ban hành Quy chế về việc thực hiện các quy định trong Bộ luật thương mại liên quan tới vận đơn điện tử (Regulation for the implementation of Electronic Bill of Lading-related Provisions of the Commercial Act).

Phần về vận tải hàng không (phần 6 của Bộ luật thương mại) mới được bổ sung vào Bộ luật thương mại Hàn Quốc từ ngày 25/11/2011 với 40 điều (từ Điều 896 đến Điều 935).

2. Pháp luật về cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng ở Hàn Quốc

Việc điều chỉnh các vấn đề về cạnh tranh trên thị trường được thực hiện theo quy định của Luật về điều tiết cạnh tranh và thương mại công bằng (the Monopoly Regulation and Fair Trade Act, viết tắt là MRFTA) được ban hành lần đầu vào năm 1980 và đã trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung cho tới thời điểm hiện nay. Đạo luật này gồm 71 điều được chia thành 14 chương, quy định cấm các hành vi chống cạnh tranh (như tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp có tính chống cạnh tranh) và thực hiện các hành vi thương mại không công bằng. Người vi phạm các quy định có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù. Doanh nghiệp vi phạm sẽ bị phạt tiền.

Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện theo quy định của Luật Khung về người tiêu dùng (Framework Act on Consumer) năm 1987. Đạo luật này gồm 86 điều được chia thành 11 chương, quy định các quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giải quyết tranh chấp tiêu dùng, cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các biện pháp khác nhà nước sử dụng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Liên quan tới lĩnh vực này còn một số đạo luật quan trọng khác như:

– Luật về quảng cáo và ghi nhãn công bằng (the Fair Labeling and Advertising Act). Đạo luật này đưa ra các quy định kiểm soát việc ghi nhãn hoặc quảng cáo không trung thực, không công bằng đối với hàng hóa, dịch vụ, nhằm thúc đẩy việc cung cấp thông tin thương mại có tính trung thực. Đạo luật này do Ủy ban thương mại Công bằng Hàn Quốc (the South Korean Fair Trade Commission) chịu trách nhiệm thực thi.

– Luật về quảng cáo trên các phương tiện phát thanh, truyền hình (the Act on Broadcast Advertising Sales Agencies). Đạo luật này quy định các biện pháp khuyến khích cạnh tranh trên thị trường quảng cáo phát thanh, truyền hình. Đạo luật này được thực thi bởi Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc (the South Korean Communications Commission).

– Luật về kiểm soát quảng cáo ngoài trời (the Outdoor Advertisements, etc. Control Act). Đạo luật này quy định các biện pháp bảo đảm việc quảng cáo ngoài trời được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn về thẩm mỹ và truyền thống văn hóa, đạo đức, thúc đẩy việc duy trì môi trường sống lành mạnh. Đạo luật này được thực thi bởi Bộ An ninh và hành chính công.

– Luật về bảo hộ dữ liệu cá nhân (the Personal Information Protection Act). Đạo luật này quy định việc thu thập dữ liệu và xử lý thông tin cá nhân của các cơ quan công quyền cũng như của các doanh nghiệp, các tổ chức tư nhân.

– Luật về việc khuyến khích sử dụng hệ thống truyền thông điện tử (the Act on the Promotion of Use of Electric Communication Networks). Đạo luật này quy định các biện pháp thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân bởi các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông.

– Luật về sử dụng và bảo hộ thông tin tín dụng (The Act on the Use and Protection of Credit Information) và Luật về sử dụng và bảo hộ thông tin về địa chỉ (the Act on the Use and Protection of Information on Location). Các đạo luật này quy định rõ việc bảo vệ quyền riêng tư và nghiêm cấm việc lạm dụng thông tin cá nhân về tín dụng và địa chỉ.

– Luật về tên thật trong giao dịch tài chính và bảo đảm bí mật tài chính (the Act on Real Name Financial Transactions and Guarantee of Secrecy). Đạo luật này quy định việc bảo hộ sự riêng tư đối với các giao dịch tài chính của cá nhân và tổ chức.

– Luật về bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử (the Act on Consumer Protection in the Electronic Commerce). Đạo luật này quy định việc sử dụng hợp lý các thông tin của người tiêu dùng được thu thạp và xử lý trong các giao dịch điện tử.

– Luật về trách nhiệm sản phẩm (the Product Liability Act): Đạo luật này quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà sản xuất đối với các sản phẩm có khuyết tật (do khiếm khuyết trong khâu sản xuất, khiếm khuyết trong khâu thiết kế và khiếm khuyết trong khâu ghi nhãn).

3. Các luật thuế

3.1. Thuế thu nhập cá nhân

Người làm công cư trú tại Hàn Quốc đều phải chịu thuế thu nhập cá nhân đối với tất cả các thu nhập mà người này có được trong năm, bao gồm cả thu nhập phát sinh tại Hàn Quốc hoặc thu nhập phát sinh từ nước ngoài. Mức thuế thu nhập nằm trong khung từ 6,6% đến 41,8% được tính trên tiền lương thu được sau khi được giảm trừ gia cảnh. Người nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc có thể chọn chế độ thuế với mức thuế chung là 18,7% trên toàn bộ thu nhập có được ở Hàn Quốc mà không được khấu trừ (trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được tuyển dụng ở Hàn Quốc).
Người làm công cư trú tại Hàn Quốc còn phải nộp các khoản bảo hiểm xã hội như sau:

– Nộp 4,5% tiền lương tháng (nhưng không quá 183.600 won một tháng) vào quỹ lương hưu quốc gia;

– 3,035% tiền lương tháng đóng vào quỹ bảo hiểm y tế quốc gia;

– 6,55% số tiền đóng vào quỹ bảo hiểm y tế quốc gia để bảo hiểm cho các khoản chữa trị y tế dài hạn;

– 0,65% lương tháng đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Các khoản đóng góp này được thực hiện thông qua chủ sử dụng lao động (đóng cho cơ quan thuế vào ngày 10 hàng tháng).

Chủ sử dụng lao động cũng phải đóng vào quỹ lương hưu quốc gia, quỹ bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp với mức đóng như sau:

– Đóng mức giống như mức của công nhân cho quỹ lương hưu quốc gia, quỹ bảo hiểm y tế (bao gồm quỹ bảo hiểm chăm sóc y tế dài hạn);

– Đóng ở mức 0,9% đến 1,5% lương tháng tùy theo số lượng nhân viên được tuyển dụng cho quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Ngoài ra, chủ sử dụng lao động còn phải đóng thêm khoản bảo hiểm bồi thường tai nạn lao động công nghiệp (với mức đóng thay đổi tùy theo ngành công nghiệp).

3.2. Thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (the Corporate Income Tax Act), các doanh nghiệp có trụ sở chính hoặc có nơi đặt bộ máy quản lý điều hành thực sự trong lãnh thổ Hàn Quốc đều phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (với mức thuế suất nằm trong khoảng 11 tới 24,2%). Những doanh nghiệp không thuộc trường hợp trên nhưng có hiện diện thường xuyên tại Hàn Quốc cũng phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp tương tự như các doanh nghiệp có trụ sở chính ở Hàn Quốc đối với phần thu nhập do thiết chế hiện diện thường xuyên của doanh nghiệp tại Hàn Quốc có được. Được xem là có hiện diện thường xuyên tại Hàn Quốc nếu doanh nghiệp thuộc một trong các trường hợp sau: (1) có chi nhánh, (2) có cửa hàng, (3) có website, (4) có nhà máy, (5) có nơi hoạt động để cung cấp dịch vụ hoặc để thực hiện các hoạt động xây dựng từ 6 tháng trở lên. Đối với doanh nghiệp không có trụ sở tại Hàn Quốc và cũng không có hiện diện thường xuyên mà có phát sinh thu nhập tại Hàn Quốc thì cũng phải chịu thuế thu nhập đối với phần thu nhập phát sinh từ hoạt động tại Hàn Quốc. Các khoản thuế thu nhập đều phải tiến hành khai báo và quyết toán thuế trong thời hạn 3 tháng sau khi kết thúc năm tài chính.

Vấn đề chuyển giá nhằm tránh hoặc trốn thuế ở Hàn Quốc được thực hiện theo quy định của một đạo luật riêng là Luật về điều phối thuế quốc tế (the International Tax Coordination Act) theo đó các giao dịch quốc tế giữa các bên có quan hệ lợi ích với nhau phải thực hiện nguyên tắc “đối xử như những người không có quan hệ thân thích” (arm’s length rule). Nếu vi phạm, cơ quan thuế có thể điều chỉnh mức thuế phải nộp tương ứng.

3.3. Thuế giá trị gia tăng (VAT)

Thuế giá trị gia tăng đánh trên hàng hóa và dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp. Mức thuế suất là 10%. Loại thuế này được tiến hành kê khai và nộp thuế theo từng quý (vào ngày 25 của các tháng Giêng, Tư, Bảy, và Mười).

3.4 Các hiệp định tránh đánh thuế hai lần

Hàn Quốc có hiệp định song phương với hơn 80 quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý và Anh Quốc về việc tránh đánh thuế hai lần để thúc đẩy giao thương, quan hệ đầu tư, hợp tác khoa học, công nghệ và văn hóa giữa Hàn Quốc và đối tác.

4. Các luật về sở hữu trí tuệ

Hàn Quốc là một trong những quốc gia có hệ thống pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ rất phát triển, tiệm cận với các quy tắc về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của WTO và tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Các sáng chế ở Hàn Quốc chỉ được cấp bằng khi sáng chế đó hàm chứa công nghệ có khả năng ứng dụng trong công nghiệp, có tính mới và thực sự là một bước tiến trong phát minh. Việc đăng ký sáng chế được tiến hành tại Văn phòng sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (the Korean Intellectual Property Office) với thời hạn bảo hộ là 20 năm và có thể được kéo dài với thời hạn 5 năm trong trường hợp đặc biệt. Trường hợp có hành vi vi phạm sáng chế, chủ sở hữu sáng chế có thể yêu cầu tòa án Hàn Quốc áp dụng biện pháp ngăn chặn buộc chấm dứt hành vi vi phạm và áp dụng các biện pháp phạt như: bồi thường thiệt hại, khôi phục lại danh tiếng của chủ sở hữu sáng chế, tịch thu phương tiện và trang thiết bị, nguyên liệu liên quan tới vi phạm. Người có hành vi vi phạm sáng chế có thể bị phạt tù tới 7 năm hoặc bị phạt tiền tới 100 triệu won (tương đương khoảng 2 tỷ VNĐ).
Đối với nhãn hiệu thương mại (trade marks), việc bảo hộ được thực hiện theo quy định của Luật Nhãn hiệu thương mại (the Trade Mark Act) năm 1949 (sửa đổi, bổ sung gần đây nhất vào năm 2014). Theo đạo luật này, các dấu hiệu, ký tự, hình vẽ, hình khối không gian ba chiều, màu sắc, sự chuyển động, âm thanh, mùi hoặc sự kết hợp các yếu tố trên đều có thể hình thành một nhãn hiệu thương mại. Tuy nhiên, để có thể được đăng ký, nhãn hiệu thương mại ấy phải đáp ứng tiêu chuẩn có đủ sự khác biệt để giúp người tiêu dùng nhận diện ra hàng hóa và dịch vụ gắn với nhãn hiệu thương mại đó và không xung đột với các nhãn hiệu đã đăng ký trước đó. Việc đăng ký nhãn hiệu thương mại cũng được thực hiện tại Văn phòng sở hữu trí tuệ Hàn Quốc với thời hạn bảo hộ là 10 năm và có thể được gia hạn nhiều lần, mỗi lần là 10 năm. Riêng đối với các thương hiệu nổi tiếng, việc bảo hộ được thực hiện theo quy định tại Luật bảo hộ bí mật thương mại và ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh (the Unfair Competition Prevention and Trade Secret Protection Act). Trường hợp có hành vi vi phạm nhãn hiệu, chủ sở hữu nhãn hiệu có thể yêu cầu tòa án Hàn Quốc áp dụng biện pháp ngăn chặn buộc chấm dứt hành vi vi phạm và áp dụng các biện pháp phạt như: bồi thường thiệt hại, khôi phục lại danh tiếng của chủ sở hữu nhãn hiệu, tịch thu phương tiện và trang thiết bị, nguyên liệu liên quan tới vi phạm. Người có hành vi vi phạm nhãn hiệu cũng có thể bị phạt tù tới 7 năm hoặc bị phạt tiền tới 100 triệu won (tương đương khoảng 2 tỷ VNĐ).

Việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp (designs) được thực hiện theo quy định tại Luật về kiểu dáng công nghiệp (the Industrial Design Act). Kiểu dáng công nghiệp là khái niệm để chỉ hình dạng, kiểu cách, mầu sắc hoặc sự kết hợp của các yếu tố này để tạo ra một ấn tượng về thẩm mỹ. Để được đăng ký bảo hộ, kiểu dáng phải đáp ứng các yêu cầu như: (1) có khả năng ứng dụng công nghiệp, (2) có tính mới và (3) có tính sáng tạo. Cơ quan đăng ký kiểu dáng công nghiệp cũng là Văn phòng sở hữu trí tuệ Hàn Quốc. Thời hạn bảo hộ trước năm 2014 chỉ là 15 năm nhưng từ năm 2014 trở đi là 20 năm. Trường hợp có hành vi vi phạm kiểu dáng, chủ sở hữu kiểu dáng có thể yêu cầu tòa án Hàn Quốc áp dụng biện pháp ngăn chặn buộc chấm dứt hành vi vi phạm và áp dụng các biện pháp phạt như: bồi thường thiệt hại, khôi phục lại danh tiếng của chủ sở hữu kiểu dáng, tịch thu phương tiện và trang thiết bị, nguyên liệu liên quan tới vi phạm. Người có hành vi vi phạm kiểu dáng cũng có thể bị phạt tù tới 7 năm hoặc bị phạt tiền tới 100 triệu won (tương đương khoảng 2 tỷ VNĐ).
Đối với quyền tác giả, việc bảo hộ được thực hiện theo quy định của Công ước phổ quát của Liên hợp quốc về quyền tác giả năm 1952 và Luật về quyền tác giả (the Copyright Act). Việc đăng ký quyền tác giả không phải là điều kiện để bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn duy trì cơ quan đăng ký quyền tác giả có tên là Ủy ban quyền tác giả Hàn Quốc (the Korea Copyright Commission). Người có hành vi vi phạm quyền tác giả có thể bị phạt tù tới 5 năm hoặc bị phạt tiền tới 50 triệu Won (tương đương khoảng 1 tỷ VNĐ). Thời hạn bảo hộ quyền tác giả ở Hàn Quốc là suốt cuộc đời của tác giả cộng với 70 năm sau khi chết.

5. Các luật về thương mại điện tử

Pháp luật về thương mại điện tử khá phát triển ở Hàn Quốc. Trong lĩnh vực pháp luật này, Hàn Quốc đã ban hành 4 đạo luật quan trọng là:

– Luật về chữ ký số (the Digital Signature Act): Đạo luật này quy định các vấn đề về chữ ký số và việc nhận diện, xác thực chữ ký số.

– Luật khung về văn bản điện tử và các giao dịch điện tử (the Framework Act on Electronic Documents and Electronic Transactions). Đạo luật này quy định các chính sách về phát triển thương mại điện tử.

– Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử (the Act on Consumer Protection in Electronic Commerce). Đạo luật này quy định việc bảo về quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử, trong các giao dịch bán hàng từ xa, bán hàng qua mạng Internet.

– Luật về giao dịch tài chính điện tử (the Electronic Financial Transaction Act). Đạo luật này quy định các vấn đề liên quan tới giao dịch tài chính điện tử.

6. Pháp luật về đấu thầu

Mỗi năm chỉ tính riêng chính quyền trung ương ở Hàn Quốc, số tiền mà chính phủ bỏ ra để đấu thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ với trị giá hàng chục tỷ USD. Pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này gồm: Luật về hợp đồng mà một bên là nhà nước (Act on Contracts to Which the State is a Party) và Luật về hợp đồng mà một bên là chính quyền địa phương (Act on Contracts to Which a Local Government is a Party); Luật khung về ngành công nghiệp xây dựng (Framework Act on the Construction Industry); Luật về mua sắm của chính phủ (Government Procurement Act); Luật về giao dịch công bằng khi thầu khoán lại (Fair Transactions in Subcontracting Act); Luật về chương trình mua sắm quốc phòng (Defense Acquisition Program Act); Luật về sáng kiến tài chính tư nhân (Private Finance Initiative Act) v.v.

Luật về hợp đồng mà một bên là nhà nước (hay còn gọi là Luật Hợp đồng nhà nước) có mục đích cơ bản là thúc đẩy việc thực thi hợp đồng mà một bên là nhà nước. Luật này điều chỉnh việc mua sắm của nhà nước thông qua đấu thầu quốc tế hoặc đấu thầu nội địa. Đạo luật quy định các nguyên tắc hợp đồng cơ bản (Điều 5 và Điều 6) như nguyên tắc “bình đẳng”, “trung thực”, “tương trợ”, “minh bạch và công bằng”; các phương thức giao kết hợp đồng (Điều 7, các Điều từ 22 tới 25) như đấu thầu mở (công khai), đấu thầu cạnh tranh hạn chế, đấu thầu cạnh tranh nhưng có tính chỉ định. Cách xác định bên trúng thầu (Điều 10), về nguyên tắc là theo giá, theo đó giá thấp nhất sẽ được ưu tiên cao nhất, tiếp đến là nguyên tắc có lợi nhất cho nhà nước. Các quy định tương tự cũng xuất hiện trong Luật về hợp đồng mà một bên là chính quyền địa phương.

Bài viết tham khảo: Pháp luật kinh tế ở Hàn Quốc; TS. Nguyễn Văn Cương Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.