Bố đi tù con có được vào Đảng không? Khi có thắc mắc này, Quý độc giả đừng bỏ qua những chia sẻ trong bài viết này của chúng tôi!
Trong quá trình tư vấn điều kiện kết nạp đảng viên, chúng tôi nhận được những câu hỏi liên quan đến thẩm tra lý lịch quần chúng như: Bố đi tù con có được vào Đảng không? Anh trai đi tù có được kết nạp Đảng không?… Chính vì vậy, chúng tôi thực hiện bài viết này nhằm đưa ra những thông tin giải đáp chính xác cho Quý độc giả có quan tâm.
Điều kiện kết nạp đảng viên
Công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện: thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng theo khoản 2 Điều 1 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011.
Quy định này được hướng dẫn cụ thể tại Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII về thi hành Điều lệ Đảng và Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 28/9/2021 của Ban chấp hành Trung ương khoá XIII. Như vậy, điều kiện kết nạp đảng viên như sau:
1/ Về tuổi đời
– Tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi đến đủ 60 tuổi (tính theo tháng).
– Việc kết nạp vào Đảng những người trên 60 tuổi do cấp uỷ trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định. Chỉ xem xét kết nạp vào Đảng những người trên 60 tuổi khi đủ các điều kiện:
+ Có sức khoẻ và uy tín;
+ Đang công tác, cư trú ở cơ sở chưa có tổ chức đảng, chưa có đảng viên hoặc do yêu cầu đặc biệt;
+ Được ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương đồng ý bằng văn bản trước khi cấp ủy có thẩm quyền ra quyết định kết nạp.
2/ Về trình độ học vấn
– Người vào Đảng phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên.
– Học vấn của người vào Đảng đang sinh sống ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và những trường hợp cụ thể khác do yêu cầu phát triển đảng mà không bảo đảm được quy định chung thì thực hiện theo hướng dẫn của Ban Bí thư.
– Người vào Đảng đang sinh sống ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc ngư dân thường xuyên làm việc ngoài biển, đảo, nếu không bảo đảm theo Quy định thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII thì phải có trình độ học vấn tối thiểu hoàn thành chương trình bậc tiểu học.
– Trình độ học vấn của người vào Đảng là già làng, trưởng bản, người có uy tín, đang sinh sống ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc ngư dân thường xuyên làm việc ngoài biển, đảo tối thiểu phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ và được ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương đồng ý bằng văn bản trước khi cấp ủy có thẩm quyền ra quyết định kết nạp.
3/ Thừa nhận và tự nguyện:
Thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng.
4/ Qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm
Đáp ứng các điều kiện trên, trong quá trình xem xét kết nạp người vào đảng còn phải đảm bảo các yêu cầu sau:
5/ Bồi dưỡng nhận thức về Đảng
Người vào Đảng phải học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, có giấy chứng nhận do trung tâm chính trị cấp huyện hoặc tương đương cấp; nơi không có trung tâm chính trị thì do cấp ủy có thẩm quyền kết nạp đảng viên cấp.
6/ Có đơn tự nguyện xin vào Đảng
Người vào Đảng phải tự làm đơn, trình bày rõ những nhận thức của mình về mục đích, lý tưởng của Đảng, về động cơ xin vào Đảng.
7/ Báo cáo trung thực lý lịch với chi bộ
Người vào Đảng tự khai lý lịch, đầy đủ, rõ ràng, trung thực theo quy định, chịu trách nhiệm về nội dung đã khai; nếu có vấn đề nào không hiểu và không nhớ chính xác thì phải báo cáo với chi bộ.
Lý lịch phải được cấp ủy cơ sở thẩm tra, kết luận trước khi ghi nội dung chứng nhận, ký tên, đóng dấu.
8/ Được hai đảng viên chính thức giới thiệu
Nơi có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng trong độ tuổi thanh niên phải là đoàn viên, được ban chấp hành đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu.
Ở các cơ quan, doanh nghiệp nơi không có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng phải là đoàn viên công đoàn, được ban chấp hành công đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu.
Đáp ứng các điều kiện vừa nêu, quần chúng sẽ được xem xét kết nạp vào Đảng.
Bố đi tù con có được vào Đảng không?
Như đã chia sẻ trên đây, điều kiện kết nạp đảng viên bao gồm điều kiện về lý lịch. Lý lịch không phải đơn thuần chỉ do quần chúng tự khai mà còn phải được cấp ủy cơ sở thẩm tra, kết luận trước khi ghi nội dung chứng nhận, ký tên, đóng dấu.
Về thẩm tra lý lịch của người vào Đảng thì điểm a, b mục 3.4 Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 28/9/2021 của Ban chấp hành Trung ương khoá XIII có quy định cụ thể
a) Những người cần thẩm tra về lý lịch gồm:
– Người vào Đảng.
– Cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân; vợ hoặc chồng, con đẻ của người vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (sau đây gọi chung là người thân).
b) Nội dung thẩm tra, xác minh
– Đối với người vào Đảng: Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; về chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
– Đối với người thân: Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Theo đó, khi muốn được xem xét kết nạp Đảng thì cần có lý lịch của bố mẹ được làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; về chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Đi tù là việc chấp hành hình phạt tù theo bản án của tòa do thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Do đó, nếu có bố đi tù thì sẽ không được xem xét kết nạp vào Đảng sau khi thẩm tra lý lịch.
Tuy nhiên, nếu trước đó từng đi, hiện tại người bố đã được xoá án tích thì người con vẫn có thể được kết nạp Đảng bởi khi một người được xoá án tích thì người đó sẽ được coi là chưa bị kết án (căn cứ khoản 1 Điều 69 Bộ luật Hình sự).
Xóa án tích như thế nào?
Nếu bố của quần chúng được xem xét kết nạp Đảng đã được xoá án tích thì có thể xem xét kết nạp Đảng nếu đáp ứng các điều kiện khác để kết nạp như chúng tôi đã chia sẻ tại phần Bố đi tù con có được vào Đảng không? Chúng tôi chia sẻ thêm về vấn đề xóa án tích để Quý vị có thêm thông tin:
Ngoài các trường hợp bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật hình sự (Các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh) thì người bị kết án có thể được đương nhiên xóa án tích theo Điều 70 Bộ luật hình sự, cụ thể như sau:
1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
3. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này.
Ngoài ra, trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 Bộ luật hình sự.
Anh trai đi tù có được kết nạp Đảng không?
Đây là thắc mắc nhiều người có bên cạnh Bố đi tù con có được vào Đảng không? Nên chúng tôi đưa ra thông tin giải đáp ngay trong bài viết này:
Theo điểm b mục 3.4 Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 28/9/2021 của Ban chấp hành Trung ương khoá XIII chúng tôi đã trích dẫn trên đây, các đối tượng thẩm tra không bao gồm anh, chị, em của người vào Đảng, do đó qúa trình thẩm tra sẽ không thẩm tra anh trai do đó việc anh trai đi tù không ảnh hưởng đến việc xem xét kết nạp vào Đảng của quần chúng (trừ trường hợp anh trai là người trực tiếp nuôi dưỡng).
Mặc dù vậy, lý lịch kê khai của quần chúng vẫn bao gồm phần thông tin về anh trai. Căn cứ Quy định số 57-QĐ/TW ngày 03/5/2007 của Bộ Chính trị về một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng, tại Khoản 2, Điều 2 quy định người vào Đảng có người thân vi phạm một trong các điều sau đây thì không được kết nạp:
Có cha, mẹ đẻ, người trực tiếp nuôi dưỡng; vợ hoặc chồng; cha mẹ đẻ, người trực tiếp nuôi dưỡng của vợ hoặc chồng:
– Đã làm tình báo, gián điệp, chỉ điểm, mật báo viên, công tác viên hoặc làm việc cho các cơ quan an ninh, tình báo, cảnh sát đặc biệt của địch.
– Tham gia bộ máy chính quyền, lực lượng vũ trang, bán vũ trang của địch có tội ác với cách mạng, với nhân dân; giữ chức vụ uỷ viên ban chấp hành, uỷ viên ban thư ký hoặc tương đương trong các đảng phái, tổ chức chính trị phản động, đứng đầu tổ chức chính trị-xã hội do địch lập ra từ cấp xã và tương đương trở lên.