Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ về Bù trừ và thanh toán chứng khoán. Mời Quý vị theo dõi:
Bù trừ và thanh toán chứng khoán là hoạt động của TTLKCK nhằm xác định kết quả giao dịch của khách hàng trên tài khoản lưu ký chứng khoán. Bù trừ chứng khoán và tiền là hoạt động hỗ trợ sau giao dịch chứng khoán. Chứng khoán sau khi đã được đưa vào đăng kí, lưu kí tập trung tại TTLKCK sẽ được phép giao dịch mua bán trên thị trường chứng khoán. Kết quả của việc giao dịch này là bên bạn sẽ nhận được tiền và bên mua được nhận chứng khoán.
Việc bù trừ chứng khoán là khâu thực hiện việc xử lí thông tin về các giao dịch chứng khoán nhằm xác định chính xác số tiền cần thanh toán và số chứng khoán ròng của các bên tham gia giao dịch. Do chứng khoán có thể được giao dịch liên tục, trong một ngày làm việc có thể được chuyển nhượng nhiều lần, nên đã hình thành nên nhiều phương thức bù trừ và thanh toán để đảm bảo việc thanh toán được diễn ra chính xác và nhanh chóng.
– TTLKCK thực hiện thanh toán đối với các giao dịch mua bán chứng khoán niêm yết thông qua hệ thống giao dịch tập trung của sở giao dịch chứng khoán, trung tâm giao dịch chứng khoán. Trường hợp giao dịch mua bán chứng khoán chưa niêm yết của công ty đại chúng, TTLKCK thanh toán giao dịch dựa trên kết quả giao dịch của nhà đầu tư được thực hiện tại các công ty chứng khoán và chuyển vào TTLKCK thông qua Trung tâm giao dịch chứng khoán.
– Quá trình thanh toán các giao dịch chứng khoán phải tuân thủ nguyên tắc giao chứng khoán đồng thời với thanh toán tiền (nguyên tắc DVP – Delivery Versus Payment). Khi chứng khoán được chuyển giao tại TTLKCK thì đồng thời việc chuyển tiền tại ngân hàng thanh toán cũng phải được thực hiện. Nguyên tắc này nhằm tránh những rủi ro về thanh toán, đảm bảo bên mua và bên bán phải có đủ tiền và chứng khoán để thực hiện giao dịch.
– TTLKCK thực hiện thanh toán chứng khoán theo hình thức chuyển giao ghi sổ thông qua hệ thống tài khoản lưu kí của thành viên lưu kí bên mua và bán. Ngân hàng thanh toán thực hiện thanh toán tiền theo kết quả bù trừ tiền của TTLKCK thông qua hệ thống tài khoản tiền của các thành viên lưu kí mở tại ngân hàng thanh toán.
Hoạt động bù trừ chứng khoán do TTLKCK tiến hành nhìn chung tương tự như hoạt động bù trừ mà các ngân hàng thương mại thực hiện, kết quả của hoạt động bù trừ phản ánh nghĩa vụ thanh toán cuả thành viên lưu kí. Tuy nhiên, nếu như hoạt động bù trừ của các ngân hàng thương mại chủ yếu là bù trừ tiền thì với hoạt động bù trừ mà TTLKCK thực hiện sẽ bao gồm cả việc bù trừ tiền và bù trừ chứng khoán.
Kết quả bù trừ tiền thể hiện nghĩa vụ thanh toán (hoặc được nhận tiền hoặc phải trả tiền) của các bên tham gia giao dịch; kết quả bù trừ chứng khoán phản ánh nghĩa vụ hoặc phải giao chứng khoán nếu số lượng chứng khoán khách hàng đặt mua ít hơn số chứng khoán khách hàng đặt bán và ngược lại, nhận chứng khoán nếu số lượng chứng khoán khách hàng đặt mua nhiều hơn số khách hàng bán ra. Việc bù trừ chứng khoán phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
– Chỉ được thực hiện đối với các chứng khoán cùng loại;
– Tách biệt theo loại tài khoản môi giới cho khách hàng trong nước, khách hàng nước ngoài, tài khoản tự doanh của thành viên luu ki;
– Tách biệt giữa chứng khoán của công ti đại chúng niêm yết và chứng khoán của công ti đại chúng chưa niêm yết.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, TTLKCK thực hiện việc xử lý các thông tin về giao dịch chứng khoán để đưa ra kết quả mà các bên phải thanh toán sau khi giao dịch thông qua các phương thức sau đây:
– Bù trừ song phương: là phương thức bù trừ các giao dịch chứng khoán được thực hiện khớp trong cùng ngày giữa các cặp đối tác giao dịch đối với một loại chứng khoán, từ đó đưa ra kết quả ròng bằng tiền và chứng khoán phải thanh toán của mỗi bên.
Việc bù trừ song phương chỉ được áp dụng trong một số trường hợp, với một số loại giao dịch nhất định theo quy định của trung tâm giao dịch chứng khoán.
– Bù trừ đa phương: Bù trừ đa phương là phương thức bù trừ các giao dịch chứng khoán được khớp trong cùng ngày giữa nhiều bên tham gia giao dịch đối với một loại chứng khoán. Sau khi nhận được các báo cáo giao dịch, trung tâm thanh toán bù trừ sẽ tổng hợp các kết quả giao dịch đưa vào hệ thống xử lý thông tin giao dịch chứng khoán tự động bù trừ hỗn hợp theo từng loại chứng khoán để đưa ra kết quả ròng bằng tiền và chứng khoán của các bên tham gia giao dịch.
– Bù trừ song phương: Nếu phương thức giao dịch là song phương thì sẽ áp dụng phương thức bù trừ song phương; trường hợp giao dịch có sự tham gia của nhiều bên (mua và bán) thì phương thức bù trừ đa phương sẽ được áp dụng.
Việc thực hiện bù trừ song phương hay đa phương qua hệ thống đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán các giao dịch chứng khoán liên quan đến một loại chứng khoán nhất định, tránh được những bất tiện mà việc bù trừ thanh toán bằng phương thức thủ công đem lại, đồng thời giúp cho khối lượng luân chuyển tiền và chứng khoán giảm đi đáng kể bởi một loại chứng khoán dù được thực hiện bởi nhiều bên giao dịch khác nhau, các bên tham gia đồng thời cũng có thể thực hiện nhiều giao dịch với những loại chứng khoán khác nhau nhưng kết thúc ngày giao dịch, mỗi bên sẽ chỉ có một khoản được thu hay một món nợ cần trả đối với một loại chứng khoán nhất định.
– Bên cạnh phương thức bù trừ song phương và bù trừ đa phương được áp dụng phổ biến thì còn có phương thức thanh toán theo từng giao dịch đối với giao dịch mua, bán chứng khoán chưa niêm yết của công ti đại chúng. TTLKCK thanh toán giao dịch căn cứ vào kết quả giao dịch của nhà đầu tư được thực hiện tại các các công ti chứng khoán và chuyển vào TTLKCK thông qua trung tâm giao dịch chứng khoán.
Hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán là khâu cuối cùng nhằm hoàn tất giao dịch chứng khoán. Trình tự thực hiện thanh toán chứng khoán cụ thể do TTLKCK quy định trên cơ sở nguyên tắc đảm bảo thời gian thanh toán mà TTLKCK đã xác định cũng như phù hợp với các quy định của pháp luật. Điều này tạo điều kiện cho TTLKCK có sự điều chỉnh linh hoạt phù hợp với các giao dịch chứng khoán áp dụng những phương thức bù trừ khác nhau.
Nhìn chung, trên cơ sở kết quả bù trừ chứng khoán, việc thanh toán sẽ được thực hiện trong đó bên có nghĩa vụ trả chứng khoán sẽ phải giao chứng khoán và bên trả tiền sẽ chuyển số tiền tương ứng với lượng chứng khoán nhận được. Để đảm bảo thực hiện đúng các nguyên tắc trong hoạt động bù trừ thanh toán các giao dịch chứng khoán, thành viên lưu kí phải chắc chắn đã chuyển đủ số tiền thanh toán giao dịch vào tài khoản thanh toán bù trừ của mình mở tại ngân hàng thanh toán.
Việc thanh toán phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
– Các thành viên của TTLKCK phải mở tài khoản thanh toán | bù trừ tại Ngân hàng thanh toán để thanh toán tiền cho các giao dịch chứng khoán theo nguyên tắc giao dịch chứng khoán niêm yết tách biệt với giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết.
– Trường hợp khách hàng mở tài khoản lưu kí chứng khoán tại thành viên lưu kí là ngân hàng thương mại và đặt lệnh giao dịch qua công ty chứng khoán, việc thanh toán giao dịch sẽ do ngân hàng lưu kí thực hiện.
– Trường hợp thành viên lưu kí không thực hiện đúng các nguyên tắc về quản lí và thanh toán giao dịch theo quy định của pháp luật dẫn đến việc thiếu tiền hoặc chứng khoán để thanh toán, thành viên lưu kí có nghĩa vụ thực hiện thanh toán giao dịch đó thay cho khách hàng.
Trong trường hợp thành viên lưu kí mất khả năng thanh toán tiền khi thực hiện các giao dịch, thành viên lưu kí sẽ được sự hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ thanh toán hoặc ngân hàng thanh toán. Việc thực hiện thanh toán phải tuân thủ nguyên tắc chuyển giao chứng khoán đồng thời với thanh toán tiền.
Trên thực tế, việc thanh toán không thể ngay lập tức được thực hiện sau khi có kết quả giao dịch do số lượng giao dịch là rất lớn, nên việc bù trừ, thanh toán phải diễn ra sau đó một khoảng thời gian nhất định. Việc thanh toán trễ này cũng nhằm đảm bảo các chủ thể có thể khắc phục được các lỗi giao dịch (có thể xảy ra) mà không gây nhiều thiệt hại.
Ví dụ: Theo quy chế của Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư giao dịch theo phương thức khớp lệnh, hoặc thoả thuận với số lượng dưới 100 nghìn đơn vị thì việc thanh toán được thực hiện nguyên tắc T+3, tức là việc thanh toán được hoàn tất sau 3 ngày kể từ ngày thực hiện giao dịch, còn đối với giao dịch trái phiếu và giao dịch thoả thuận với số lượng trên 100 nghìn đơn vị thì áp dụng nguyên tắc T+1.