Cải tạo không giam giữ là một trong những hình phạt chính trong hệ thống pháp luật hình sự và được quy định tại Khoản 1 Điều 32 của Bộ luật hình sự năm 2015.
Cải tạo không giam giữ là hình phạt không buộc người bị kết án phải cách ly khỏi xã hội, nhưng được giao cho cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội giám sát, giáo dục mục đích nhằm phát huy vai trò của quần chúng nhân dân tham gia vào việc cải tạo, giáo dục người phạm tội.
Cải tạo không giam giữ là gì?
Cải tạo không giam giữ được quy định tại Điều 36 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, theo đó:
Cải tạo không giam giữ là hình phạt này không buộc người bị kết án phải cách li khỏi xã hội, mà được giao cho cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội giám sát, giáo dục nhằm phát huy vai trò của quần chúng nhân dân tham gia vào việc cải tạo, giáo dục người phạm tội.
Cải tạo không giam giữ áp dụng với tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng
Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.
Thời gian tạm giam, tạm giữ được trừ vào thời gian cải tạo không giam giữ
Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ.
Bị khấu trừ thu nhập trong thời gian cải tạo không giam giữ
– Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc giám sát, giáo dục người đó.
– Trong thời gian chấp hành án, người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 05% đến 20% để sung quỹ nhà nước. Việc khấu trừ thu nhập được thực hiện hàng tháng.
Trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án. Không khấu trừ thu nhập đối với người chấp hành án là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Người bị cải tạo không giam giữ không có việc làm phải lao động phục vụ cộng đồng
Trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ.
– Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần.
– Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.
Án tích là gì?
Án tích là hậu quả pháp lý của việc phạm tội và là một trong những hình thức thực hiện trách nhiệm hình sự. Án tích tồn tại trong suốt quá trình người phạm tội bị kết án về một tội phạm cho đến khi được xóa án. Sau khi chấp hành xong bản án, trải qua một thời hạn nhất định chứng tỏ người phạm tội đã phục thiện, Nhà nước sẽ xóa án tích cho người bị kết án.
Cải tạo không giam giữ có án tích không?
Cải tạo không giam giữ là một trong những hình phạt chính trong hệ thống pháp luật hình sự và được quy định tại Khoản 1 Điều 32 của Bộ luật hình sự năm 2015 nên sẽ có án tích.
Trong Bộ luật hình sự năm 2015 có 189/426 điều luật với 201 cấu thành tội phạm có quy định hình phạt cải tạo không giam giữ. Bao gồm các nhóm tội phạm sau đây:
– Các tội xâm phạm an ninh quốc gia
– Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người
– Các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân
– Các tội xâm phạm sở hữu
– Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình
– Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế
– Các tội phạm về môi trường
– Các tội phạm về ma túy
– Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng
– Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính
– Các tội phạm về chức vụ
– Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp
– Các tội xâm phạm nghĩa vụ trách nhiệm của quân nhân
– Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh
Xóa án tích như thế nào?
Điều 369 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định thủ tục xóa án tích như sau
1. Trường hợp đương nhiên xóa án tích
Nộp đơn yêu cầu xóa án tích cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện quy định tại mục trên thì thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp là họ không có án tích.
2. Trường hợp xóa án tích theo quyết định của tòa án, xóa án tích trong trường hợp đặc biệt
Người bị kết án phải có đơn gửi Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án có nhận xét của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc, học tập.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được đơn của người bị kết án, Tòa án đã xét xử sơ thẩm chuyển tài liệu về việc xin xoá án tích cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận tài liệu do Tòa án chuyển đến, Viện kiểm sát cùng cấp có ý kiến bằng văn bản và chuyển lại tài liệu cho Tòa án.
Nếu xét thấy đủ điều kiện thì trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận tài liệu do Viện kiểm sát chuyển đến, Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định xóa án tích; trường hợp chưa đủ điều kiện thì quyết định bác đơn xin xóa án tích.
Vậy trong thời hạn 13 ngày từ ngày nộp đơn, người xin xóa án tích có thể nhận được quyết xóa án tích hoặc quyết định bác đơn xin xóa án tích.
Trên đây là một số chia sẻ của chúng tôi về Cải tạo không giam giữ có án tích không? Khách hàng theo dõi nội dung bài viết, có vướng mắc khác liên quan vui lòng phản hồi trực tiếp để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng, tận tình.