Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Liên quan đến nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, chúng tôi nhận được câu hỏi: Cha mẹ ly hôn phải cấp dưỡng cho con đến năm bao nhiêu tuổi? Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý độc giả làm rõ thắc mắc trên một cách chính xác.
Nghĩa vụ cấp dưỡng là gì?
Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ mà theo đó, một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu.
Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật Hôn nhân và Gia đình, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định pháp luật.
Khi nào cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con?
Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định cụ thể nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con như sau:
Từ các quy định trên, có thể thấy: Sau khi ly hôn, người không sống chung với con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Nghĩa vụ này không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
Như vậy, không phải trường hợp nào, cha, mẹ sau ly hôn cũng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Bởi sau ly hôn, người cha/ mẹ sống chung với con thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con, không phải nghĩa vụ cấp dưỡng. Hoặc vào thời điểm ly hôn, con chung không thuộc đối tượng được cấp dưỡng, bởi đã thành niên, có khả năng lao động và có tài sản để tự nuôi mình, nghĩa vụ cấp dưỡng không được đặt ra với người cha, mẹ không chung sống với con. Việc cho con các chi phí ăn uống, học tập, vui chơi, giải trí của cha mẹ được xem xét ở góc độ tình cảm gia đình.
Cha mẹ ly hôn phải cấp dưỡng cho con đến năm bao nhiêu tuổi?
Theo nội dung chia sẻ ở mục Khi nào cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn?, con là đối tượng cấp dưỡng sau khi cha mẹ ly hôn nếu thuộc một trong hai trường hợp:
1/ Con chưa thành niên
2/ Con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình
Điều 20 và 21 Bộ luật dân sự quy định như sau:
Điều 20. Người thành niên
1. Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.
2. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật này.
Điều 21. Người chưa thành niên
1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Như vậy, mốc tuổi được lấy để xác định một người chưa thành niên và đã thành niên là 18 tuổi. Trường hợp con chưa thành niên, cha, mẹ – người không chung sống với con phải cấp dưỡng cho con tới khi con đủ 18 tuổi (đã thành niên). Trường hợp con từ đủ 18 tuổi trở lên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, cha, mẹ – người không chung sống với con phải cấp dưỡng cho tới khi con không thuộc đối tượng này, tức là có khả năng lao động và có tài sản để tự nuôi mình. Thông thường 18 tuổi là độ tuổi có khả năng lao động theo pháp luật lao động hiện hành. Tuy nhiên, con là người bị mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi không có khả năng lao động và tài sản để tự nuôi mình thì cha mẹ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn.