Chức năng của bảo hiểm xã hội là gì? 2023

Bảo hiểm xã hội là sản phẩm tất yếu của nền kinh tế hàng hoá. Khi trình độ phát triển kinh tế của quốc gia đạt đến mức độ nào đó thì hệ thống bảo hiểm xã hội có điều kiện ra đời và phát triển.

Chức năng của bảo hiểm xã hội là gì? Mời quý độc giả theo dõi nội dung bài viết dưới đây của chúng tôi để hiểu được đầy đủ hơn.

Đặc trưng cơ bản của quỹ bảo hiểm xã hội

Quỹ bảo hiểm xã hội có hai tính chất đặc trưng sau: 

– Sự an toàn về tài chính của quỹ bảo hiểm xã hội được Nhà nước đảm bảo. Để đối phó với những rủi ro mang tính ngẫu nhiên hoặc mất khả năng lao động thì cần có lượng tiền dự trữ đủ lớn được hình thành và sử dụng trong thời gian nhất định trên cơ sở tính toán những xác suất nảy sinh và mức độ nhu cầu bảo hiểm xã hội trong phạm vi quỹ phục vụ.

Do đó, quỹ bảo hiểm xã hội phải là quỹ an toàn về tài chính. Nói cách khác quỹ bảo hiểm xã hội phải được bảo toàn về giá trị và không có rủi ro về tài chính. Do đặc thù về đối tượng đảm bào, bản chất, ý nghĩa của hoạt động bảo hiểm xã hội mà Nhà nước phải có trách nhiệm đảm bảo sự an toàn về tài chính cho quỹ bảo hiểm xã hội. 

– Quỹ bảo hiểm xã hội là quỹ tiêu dùng

Những nhu cầu bảo hiểm xã hội sẽ chỉ được thoả mãn thông qua tiêu dùng của cá nhân những người được bảo hiểm xã hội. Quỹ bảo hiểm xã hội là bộ phận cấu thành của hệ thống phân phối theo thu nhập quốc dân, làm nhiệm vụ phân phối lại thu nhập cho người lao động.

Do đó, quỹ bảo hiểm xã hội là quỹ tích luỹ đồng thời là quỹ tiêu dùng trên cơ sở tuân theo quy luật công bằng, ở mức độ nhất định theo nguyên tắc tương đương đồng thời phải tham gia điều chỉnh cần thiết giữa các nhu cầu và lợi ích. 

Mức đóng, phương thức đóng của các chủ thể tham gia quan hệ bảo hiểm xã hội và việc sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật tùy theo đó là quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc, quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện hay quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Bản chất của bảo hiểm xã hội 

Bảo hiểm xã hội là sản phẩm tất yếu của nền kinh tế hàng hoá. Khi trình độ phát triển kinh tế của quốc gia đạt đến mức độ nào đó thì hệ thống bảo hiểm xã hội có điều kiện ra đời và phát triển. Vì vậy, các nhà kinh tế cho rằng sự ra đời và phát triển của bảo hiểm xã hội phản ánh sự phát triển của nền kinh tế.

Nền kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân thấp kém không thể có hệ thống bảo hiểm xã hội vững mạnh được. Kinh tế càng phát triển, hệ thống bảo hiểm xã hội càng đa dạng, các chế độ bảo hiểm xã hội ngày càng mở rộng, các hình thức bảo hiểm xã hội ngày càng phong phú.

Thực chất bảo hiểm xã hội là sự chia sẻ hậu quả của những “rủi ro xã hội”. Sự chia sẻ này được thực hiện thông qua quá trình tổ chức và sử dụng quỹ tiền tệ tập trung hình thành do sự đóng góp của các bên tham gia bảo hiểm xã hội.

Như vậy, bảo hiểm xã hội cũng là quá trình phân phối lại thu nhập. Xét trên phạm vi toàn xã hội, bảo hiểm xã hội là một bộ phận của GDP, được xã hội phân phối lại cho những thành viên khi phát sinh nhu cầu bảo hiểm xã hội như ốm đau, sinh con, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động, chết… Vì vậy, thực chất cua bảo hiểm xã hội là thực hiện mục tiêu bảo đảm an toàn kinh tế cho người lao động và gia đình họ.

Bảo hiểm xã hội là quá trình tổ chức sử dụng thu nhập cá nhân và tổng sản phẩm trong nước (GDP) để thoả mãn nhu cầu an toàn kinh tế của người lao động và an toàn của xã hội. Bảo hiểm xã hội mang cả bản chất kinh tế và bản chất xã hội.

Về mặt kinh tế, nhờ sự tổ chức phân phối lại thu nhập, đời sống của người lao động và gia đình họ luôn được bảo đảm trước những bất trắc, rủi ro xã hội.

Về mặt xã hội, do có sự san sẻ rủi ro của bảo hiểm xã hội, người lao động chỉ phải đóng góp khoản nhỏ trong thu nhập của mình cho quỹ bảo hiểm xã hội nhưng xã hội sẽ có lượng vật chất đủ lớn để trang trải những rủi ro xảy ra. Ở đây, bảo hiểm xã hội đã thực hiện nguyên tắc “Lây của số đông bù cho số ít”. 

Tuy nhiên, tính kinh tế và tính xã hội của bảo hiểm xã hội không tách rời mà đan xen lẫn nhau. Khi đề cập sự bảo đảm kinh tế cho người lao động và gia đình họ là đã nói đến tính xã hội của bảo hiểm xã hội, ngược lại, khi nói tới sự đóng góp ít nhưng lại đủ trang trải mọi rủi ro xã hội thì đã đề cập tính kinh tế của bảo hiểm xã hội. 

Chức năng của bảo hiểm xã hội 

Cũng như các thành phần khác của kinh tế bảo hiểm, bảo hiểm xã hội có hai chức năng cơ bản là chức năng phân phối và chức năng giám đốc. Tuy nhiên, do tính đặc thù của mình, bảo hiểm xã hội không những có tính kinh tế mà còn có tính xã hội cao. Vì vậy, về tổng quát bảo hiểm xã hội có những chức năng sau: 

– Chức năng bảo đảm thay thế hoặc bù đắp sự thiếu hụt thu nhập của người lao động và gia đình họ. Đây là chức năng cơ bản thể hiện rõ bản chất kinh tế và bản chất xã hội của bảo hiểm xã hội.

Khi người lao động đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của họ (đóng góp bảo hiểm xã hội theo luật định) thì họ có quyền được nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội khi phát sinh những rủi ro ốm đau, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, tuổi già, chết… đã làm thu nhập của họ bị giảm sút hoặc mất hẳn.

Bảo hiểm xã hội chỉ thực sự có ý nghĩa kinh tế khi những thiếu hụt về thu nhập của người lao động và gia đình họ được bù đắp, trợ giúp theo quy định của bảo hiểm. Đồng thời chỉ khi thực hiện tốt chức năng này, bảo hiểm xã hội mới thực sự khuyến khích, thực sự có sức cuốn hút đối với người lao động để họ tham gia bảo hiểm xã hội. 

– Chức năng phân phối lại thu nhập. 

Chức năng này thể hiện khi người lao động tham gia bảo hiểm đã thực hiện san sẻ rủi ro của chính mình theo thời gian. Có nghĩa là họ đóng phí bảo hiểm xã hội thường kèm với tỷ lệ nào đó của thu nhập từ nghề nghiệp và trong thời gian dài, đề đến khi họ ốm đau, nghỉ hưu… số tiền đó được tồn tích tại quỹ bảo hiểm xã hội có thể bảo đảm một phần nhu cầu chi tiêu cua họ.

Ngoài ra, người sử dụng lao động cũng tham gia đóng phí bảo hiểm xã hội để bảo hiểm cho người lao động mà họ thuê mướn theo thời gian của hợp đồng lao động. Sự phân phối lại trong bảo hiểm xã hội còn thể hiện ở chỗ người lao động khoẻ đóng góp cho người lao động ốm đau, người lao động trẻ đóng góp để cho người lao động đã hết tuổi lao động được hưởng. Quỹ bảo hiểm xã hội là dòng chảy liên tục của sự đóng vào và sự chi ra của tiền bảo hiểm.

Bảo hiểm xã hội đã thực hiện sự phân phối lại theo chiều ngang giữa các nhóm người, giữa các thế hệ khi tham gia bảo hiểm xã hội là thực hiện nguyên tắc “Lấy số đồng bù cho số ít”. 

– Góp phần tạo ra sự san sẻ, tương trợ giữa các nhóm lao động. Người lao động hàng tháng chỉ phải trích tỷ lệ nhỏ từ thu nhập đóng cho quỹ bảo hiểm xã hội nhưng với số đông người tham gia sẽ có một nguồn tiền lớn đủ trang trải cho những người không may gặp rủi ro.

Nhờ vậy, bảo hiểm xã hội đã tạo ra sự đoàn kết, tương trợ và sự gắn kết lợi ích của các bên tham gia bảo hiểm xã hội.

Người sử dụng lao động tuy không trực tiếp được hưởng các trợ cấp bảo hiểm xã hội nhưng khi đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, họ không còn lo lắng phải chi phí những khoản tiền đền bù cho người lao động, nếu không may xảy ra các rủi ro từ nghề nghiệp. Cả người lao động lẫn người sử dụng lao động đều yên tâm, tạo điều kiện cho sự ổn định của quan hệ lao động và sự phát triển doanh nghiệp. 

Tóm lại, bảo hiểm xã hội luôn chứa đựng và đan xen hai yếu tố kinh tế và xã hội. Vai trò của pháp luật là xác lập được hình thức pháp luật nhất định và bảo đảm thực hiện bởi cơ chế pháp luật thích hợp nhằm kết hợp hài hòa nội dung kinh tế và nội dung xã hội trong bảo hiểm xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước, trên cơ sở quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng các bên trong quan hệ bảo hiểm xã hội. 

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com