Đất sử dụng cho khu kinh tế là gì? 2023

Theo Luật đất đai năm 2013 thì đất sử dụng cho khu kinh tế gồm đất để xây dựng khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Khái niệm đất sử dụng cho khu kinh tế 

Một trong những chính sách đó là Nhà nước thành lập các khu kinh tế với cơ chế và chế độ ưu đãi đặc biệt (trong đó có các ưu đãi về sử dụng đất đai) dành cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào khu kinh tế.

Việc ra đời hàng loạt các khu kinh tế ở các địa phương đã làm gia tăng diện tích đất sử dụng vào mục đích kinh tế. Trên cơ sở đó, khái niệm đất sử dụng cho khu kinh tế đã ra đời và lần đầu tiên được đề cập trong Luật đất đai năm 2003. Luật đất đai năm 2013 tiếp tục ghi nhận về đất khu kinh tế. 

Theo Luật đất đai năm 2013 thì đất sử dụng cho khu kinh tế gồm đất để xây dựng khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đất sử dụng cho khu kinh tế là diện tích đất sử dụng cho các khu chức năng gồm khu phi thuế quan, khu bảo thuế, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu giải trí, khu du lịch, khu đô thị, khu dân cư, khu hành chính và các khu chức năng khác phù hợp với đặc điểm của từng khu kinh tế nhằm tạo môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho các nhà đầu tư (khoản 1 Điều 151). 

Các quy định về quản lý và sử dụng đất khu kinh tế

Luật đất đai năm 2013 và Nghị định của Chính phủ về thi hành Luật đất đai quy định khá chi tiết về quy chế quản lý và sử dụng đất cho mục đích phát triển các khu kinh tế trong cả nước.

So với khu công nghiệp thì số lượng khu kinh tế ít hơn nhiều vì không phải tỉnh nào cũng có những lợi thế về cửa khẩu thương mại, các khu vực được ưu tiên trong định hướng phát triển các khu kinh tế làm đầu tầu cho sự phát triển kinh tế của một vùng hoặc liên vùng.

Vì vậy, việc phê duyệt tổng thể các khu kinh tế, quy chế pháp lí của các khu kinh tế phải gắn liền với quá trình hội nhập sâu rộng của đất nước vào đời sống kinh tế quốc tế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất để các địa phương thu hút đầu tư, sử dụng đất đai có hiệu quả nhất.

Việc quy định về quản lý, sử dụng đất cho các khu kinh tế gồm: 

Thứ nhất, việc xây dựng, mở mới các khu kinh tế phải phù hợp với quy hoạch tổng thể hệ thống các khu kinh tế trong cả nước. 

Thứ hai, UBND cấp tỉnh giao đất cho ban quản lý khu kinh tế để tổ chức xây dựng khu kinh tế theo kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt trong quy hoạch chi tiết xây dựng của khu kinh tế.

Thứ ba, ban quản lý khu kinh tế có trách nhiệm thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi để giao cho mình trước khi giao lại đất, cho thuê đất.

Ban quản lý khu kinh tế được giao lại đất có thu tiền sử dụng đất, giao lại đất không thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất cho người có nhu cầu sử dụng đất trong các khu chức năng của khu kinh tế theo quy định tại các điều 54, 55 và 56 của Luật đất đai năm 2013. 

– Thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh trong khu kinh tế không quá 70 năm. 

Thứ tư, người sử dụng đất trong khu kinh tế được đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở, kết cấu hạ tầng, được sản xuất kinh doanh, hoạt động dịch vụ và có các quyền, nghĩa vụ như sau: 

– Trường hợp được ban quản lý khu kinh tế giao lại đất trong khu kinh tế thì có các quyền và nghĩa vụ như được Nhà nước giao đất theo quy định của Luật đất đai năm 2013. 

– Trường hợp được ban quản lý khu kinh tế cho thuê đất trong khu kinh tế thì có các quyền và nghĩa vụ như được Nhà nước cho thuê đất theo quy định của Luật đất đai năm 2013. 

Thứ năm, Nhà nước khuyến khích đầy tự xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu kinh tế và khuyến khích sử dụng đất vào mục đích phát triển kinh tế. 

Thứ sáu, chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong khu kinh tế được áp dụng đối với từng loại đất theo quy định của Luật đất đai năm 2013. 

Thứ bảy, tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trong khu kinh tế đã được Nhà nước giao đất, nhận chuyển nhượng QSDĐ của tổ chức kinh tế khác, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước ngày Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn còn lại của dự án.

Không phải chuyển sang thuê đất. Khi hết thời hạn thực hiện dự án, nếu có nhu cầu được ban quản lý khu kinh tế xem xét cho thuê đất theo quy định của Luật đất đai năm 2013. 

Thứ tám, trách nhiệm quản lý đất đai của ban quản lý khu kinh tế được quy định như sau: 

– Phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 

– Quyết định mức thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhưng giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất không được thấp hơn giá đất trong bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định; mức miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo từng dự án đối với trường hợp giao lại đất, cho thuê đất phù hợp với quy định của Chính phủ; 

– Thu hồi đất đã giao, cho thuê đối với trường hợp người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất; quản lý quỹ đất đã thu hồi; 

– Quy định trình tự, thủ tục hành chính về đất đai tại khu kinh tế; 

– Gửi quyết định giao lại đất, cho thuê đất, gia hạn sử dụng đất, trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính khu đất đến văn phòng đăng ký đất đai để đăng kí vào hồ sơ địa chính, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai và trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận QSDĐ, 

Thứ chín, việc thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai trong khu kinh tế được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về đất đai. 

Thứ mười, việc quản lý, sử dụng đối với đất khác không thuộc các khu chức năng của khu kinh tế và các nhiệm vụ khác về quản lí đất đai trong khu kinh tế do cơ quan hành chính các cấp thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. 

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com