Điều kiện hưởng bảo hiểm thai sản là cơ sở pháp lý mà người lao động khi thai sản được nghỉ việc hưởng trợ cấp. Nếu không có đầy đủ các điều kiện này thì người lao động không được hưởng trợ cấp thai sản.
Khái niệm, ý nghĩa của chế độ bảo hiểm thai sản
Hiện nay, lao động nữ chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động của xã hội. Họ tham gia lao động trong mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực của đời sống và có đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Bên cạnh cuộc sống lao động, họ còn thực hiện thiên chức làm mẹ.Hầu hết lao động nữ đều trải qua thời kỳ mang thai, sinh đẻ. Trong thời gian đó, họ phải nghỉ việc, không có lương, đồng thời chi phí tăng thêm do sức khỏe suy giảm hoặc/và có thêm thành viên mới nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống bản thân họ và gia đình.
Nhằm góp phần bảo vệ lao động nữ và trẻ sơ sinh, pháp luật quốc tế cũng như Việt Nam đều có các chính sách xã hội phù hợp, trong đó có chính sách về bảo hiểm thai sản.
Cũng như các chính sách xã hội khác, bảo hiểm thai sản vừa tạo điều kiện để lao động nữ thực hiện tốt chức năng làm mẹ, vừa tạo điều kiện để lao động nữ thực hiện tốt công tác xã hội. Trong các quy định riêng về bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ, bảo hiểm thai sản được coi là chế độ bảo hiểm đặc thù và được xuất hiện từ rất sớm.
Ngay kỳ họp đầu tiên và trong suốt quá trình hoạt động, Tổ chức lao động thế giới (ILO) đã ban hành nhiều công ước và khuyến nghị thể hiện sự quan tâm, bảo vệ sức khoẻ cũng như quyền lợi cho lao động nữ. Đó là Công ước số 3 năm 1919, Công ước số 102 năm 1952, Khuyến nghị số 95 (sửa đổi năm 1952), Công ước số 103 (xét lại năm 1952), Công ước số 183 năm 2000 và Khuyến nghị số 191…
Ngoài ra, Tổ chức Liên hợp quốc (UN) cũng có một số công ước đề cập vấn đề này, đó là: Công ước về quyền kinh tế, xã hội, văn hoá năm 1966, Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979)…
Mục đích của các công ước và khuyến nghị này là nhằm đảm bảo cho lao động nữ, trẻ sơ sinh được chăm sóc cần thiết, được bảo vệ mức sống trong thời kỳ người mẹ sinh con phải nghỉ việc, đồng thời bảo vệ lao động nữ trong thời gian sinh con không bị mất việc làm và sau thời gian nghỉ vẫn được làm đúng công việc cũ với mức lương giữ nguyên.
Theo đó, các công ước này đã ấn định chế độ chăm sóc y tế, thời gian nghỉ cũng như các khoản trợ cấp đối với lao động nữ trong thời gian mang thai và sinh con.
Từ các công ước và khuyến nghị đó, đến nay pháp luật của hầu hết các nước trên thế giới đều quy định về chế độ bảo hiểm thai sản. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi nước mà chế độ bảo hiểm thai sản được quy định khác nhau.
Ở nước ta, cùng với các chế độ bảo hiểm xã hội khác, chế độ bảo hiểm thai sản đã được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật lao động từ khi giành được chính quyền đến nay.
Đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung nên chính sách bảo hiểm thai sản ngày càng đầy đủ, hoàn thiện và phù hợp hơn với thực tế đời sống, đáp ứng được quyền lợi hợp pháp, cũng như thể hiện chính sách đặc biệt ưu đãi đối với người lao động.
Từ đó, tạo điều kiện cho người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng ổn định cuộc sống, sức khoẻ nhằm phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hoà cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình.
Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, có thể hiểu chế độ bảo hiểm thai sản là một trong các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm tổng hợp các quy định của Nhà nước nhằm bảo hiểm thu nhập và đảm bảo sức khoẻ cho lao động nữ nói riêng khi mang thai, sinh con và cho người lao động nói chung khi nuôi con nuôi sơ sinh, thực hiện các biện pháp tránh thai.
So với các chế độ bảo hiểm bắt buộc khác, đối tượng hưởng bảo hiểm thai sản ở nước ta chủ yếu là lao động nữ. Thông thường lao động nam chỉ hưởng chế độ thai sản khi nuôi con nuôi sơ sinh hoặc thực hiện các biện pháp tránh thai.
Hiện nay một số nước quy định lao động nữ và nam đều được hưởng chế độ thai sản như nhau, ví dụ: Thụy Điển, Bulgaria. Đặc biệt ở Bulgaria còn quy định ông, bà cũng được nghỉ hưởng trợ cấp trong thời gian người mẹ mang thai, trước và sau sinh nhằm chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con cháu trong gia đình.
Dù khác nhau về đối tượng hưởng, thời gian nghỉ, mức trợ cấp nhưng pháp luật các nước đều giống nhau về mục đích hướng tới của chế độ bảo hiểm thai sản.
Đó là thông qua việc bù đắp một phần chi phí tăng lên trong quá trình thai nghén, sinh con, nuôi con nuôi sơ sinh, thực hiện các biện pháp tránh thai, bảo hiểm thai sản nhằm giữ cân bằng về thu nhập, tạo sự bình ổn về mặt vật chất, bảo vệ sức khoẻ cho người lao động và trẻ sơ sinh.
Qua đó, chế độ bảo hiểm thai sản góp phần thực hiện sự bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi cũng như có sự chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm.
Từ mục đích trên, có thể thấy, chế độ bảo hiểm thai sản có ý nghĩa rất lớn đối với bản thân người lao động và gia đình họ, đối với các đơn vị sử dụng lao động cũng như đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Đối với bản thân và gia đình người lao động, chế độ bảo hiểm thai sản là cơ sở để người lao động, đặc biệt là lao động nữ nghỉ việc mà vẫn được đảm bảo cuộc sống.
Với thời gian nghỉ việc và khoản bù đắp thu nhập từ quỹ bảo hiểm xã hội, người lao động sẽ sớm ổn định và phục hồi sức khoẻ: con sơ sinh được chăm sóc tốt hơn; kinh tế gia đình vì thế cũng được ổn định hơn.
Hơn nữa, do được đảm bảo việc làm và thu nhập sau thời gian nghỉ thai sản sẽ giúp người lao động yên tâm thực hiện thiên chức của mình. Vì thế, bảo hiểm thai sản góp phần quan trọng trong việc bảo vệ sự phát triển của mỗi gia đình, từ đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Ngoài ra, chế độ bảo hiểm thai sản tăng cường trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đóng phí vào quỹ bảo hiểm xã hội cũng như đảm bảo việc làm cho người lao động sau thời gian nghỉ thai sản.
Nếu các đơn vị sử dụng lao động thực hiện tốt các vấn đề này sẽ là yếu tố để thu hút lao động, kích thích sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh. Từ đó, cùng với nhà nước kết hợp hài hòa chính sách kinh tế và chính sách xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
– Đối với nhà nước, chế độ bảo hiểm thai sản không chỉ có ý nghĩa trước mắt là đảm bảo ổn định thu nhập, việc làm, sức khỏe cho người lao động khi thực hiện quyền được làm cha, làm mẹ, góp phần đảm bảo bình đẳng giới và an sinh xã hội, mà lâu dài hơn là thúc đẩy sự phát triển ổn định bền vững về dân số, chất lượng lao động thế hệ tương lai của đất nước.
Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm thai sản là gì?
Điều kiện hưởng bảo hiểm thai sản là cơ sở pháp lý mà người lao động khi thai sản được nghỉ việc hưởng trợ cấp. Nếu không có đầy đủ các điều kiện này thì người lao động không được hưởng trợ cấp thai sản.
Theo quy định tại Điều 27 Luật bảo hiểm xã hội thì đối tượng được nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản phải thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đó là những lao động nữ làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên; cán bộ, công chức, viên chức; Công nhân quốc phòng, công an nhân dân; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân.
Các đối tượng này có tham gia đóng phí bảo hiểm xã hội thì khi thuộc một trong các trường hợp: Lao động nữ mang thai, sinh con, người lao động (không phân biệt nam, nữ) nhận nuôi con nuôi sơ sinh theo Luật hôn nhân và gia đình hoặc thực hiện các biện pháp tránh thai đều được nghỉ việc hưởng trợ cấp.
Pháp luật bảo hiểm xã hội hiện hành không khống chế số lần sinh con được hưởng bảo hiểm thai sản, song trong hai trường hợp: Lao động nữ sinh con và người lao động nói chung nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi thì phải đóng phí bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Việc quy định điều kiện thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu (còn gọi là thâm niên bảo hiểm) cho hai trường hợp này là quy định tiến bộ, đã không chỉ chú trọng đến việc trợ giúp cho người lao động khi nghỉ việc thực hiện thiên chức mà còn chú trọng đến sự bảo toàn và phát triển về tài chính của quỹ bảo hiểm xã hội.
Là một chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thai sản vẫn phải đảm bảo nguyên tắc trên cơ sở đóng góp của chính người lao động.
Pháp luật của hầu hết các nước đều đã từ lâu quy định cụ thể về điều kiện thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước khi hưởng chế độ thai sản.
Chẳng hạn pháp luật bảo hiểm xã hội của Thái Lan quy định phải có 7 tháng đóng góp trong 15 tháng trước khi sinh.
Singapore quy định ít nhất phải có 6 tháng làm việc. Nhật Bản quy định phải có 12 tháng làm việc trước đó. Tại Philippines, trợ cấp thai sản được thực hiện trong 4 lần sinh, với điều kiện lao động nữ phải đóng bảo hiểm xã hội 3 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh.
Về thủ tục, để được hưởng chế độ thai sản, người lao động phải có sổ bảo hiểm xã hội và có giấy xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền trong các trường hợp lao động nữ đi khám thai, sảy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu, người lao động thực hiện các biện pháp tránh thai.
Khi sinh con, lao động nữ phải có bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh của con hoặc giấy chứng tử trong trường hợp sau khi sinh con mà con chết hoặc mẹ chết.
Trường hợp người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi phải có chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền cho nuôi con nuôi.
Việc quy định đầy đủ, chặt chẽ các thủ tục này vừa tạo cơ sở pháp lý cho người lao động khi thai sản được hưởng trợ cấp, đảm bảo cho người lao động được hưởng các chế độ kịp thời, đúng quy định đồng thời nâng cao trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm trong việc chi trả cũng như quản lý quỹ.