Hợp đồng thuê mặt bằng có cần công chứng? 2023

Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.

Hiện nay, nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân ngày càng tăng do đó việc thuê mặt bằng là rất phổ biến. Liên quan đến vấn đề này nhiều người đặt câu hỏi Hợp đồng thuê mặt bằng có cần công chứng?

Hợp đồng thuê mặt bằng là gì?

Trước khi đi vào giải đáp thắc mắc Hợp đồng thuê mặt bằng có cần công chứng? chúng tôi chia sẻ về khái niệm hợp đồng thuê mặt bằng. Bản chất của hợp đồng cho thuê mặt bằng là hợp đồng cho thuê tài sản. Theo Điều 472 BLDS 2015 quy định về Hợp đồng thuê tài sản như sau:

“ Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.

Hợp đồng thuê nhà, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Như vậy theo quy định trên có thể hiểu hợp đồng thuê mặt bằng là hợp đồng có sự thoả thuận của các bên, theo đó bên cho thuê mặt bằng cho thuê để sử dụng một thời hạn nhất định, bên thuê mặt bằng phải thanh toán tiền thuê.

Điều kiện để có thể cho thuê mặt bằng

Điều kiện để có thể cho thuê mặt bằng, cần lưu ý như sau:

Cho thuê mặt bằng là các loại đất:

+ Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ);

+ Còn trong thời hạn sử dụng đất;

+ Không có tranh chấp về quyền sử dụng đất;

+ Không bị kê biên.

Cho thuê mặt bằng là nhà, công trình xây dựng:

+ Nếu nhà, công trình xây dựng có sẵn trong dự án đầu tư kinh doanh bất động sản chỉ cần có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất.

+ Cần có đăng ký quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất ở trong giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất.

+ Không bị tranh chấp về quyền sử dụng.

+ Không bị kê biên.

Hợp đồng thuê mặt bằng có cần công chứng?

Theo Điều 472 BLDS 2015 quy định: “Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Như vậy, theo quy định trên thì hợp đồng cho thuê mặt bằng được hướng dẫn bởi Bộ luật dân sự 2015, Luật Nhà ở 2014.

Cụ thể theo điều 122 Luật Nhà ở quy định về Công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở như sau:

2. Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.

Như vậy, theo quy định trên thì hợp đồng cho thuê mặt bằng không bắt buộc phải công chứng trừ trường hợp các bên có nhu cầu. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng để giảm thiểu những rủi ro pháp lý khi có mâu thuẫn, tranh chấp thì các bên nên tiến hành công chứng hợp đồng.

Tóm lại, pháp luật không bắt buộc Hợp đồng thuê mặt bằng phải công chứng, nhưng nếu các bên có nhu cầu thì có thể công chứng để giảm thiểu những rủi ro pháp lý khi có tranh chấp.

Công chứng hợp đồng thuê mặt bằng cần chuẩn bị những tài liệu gì?

Căn cứ theo điều 40 Luật Công chứng 2014 quy định công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn thì Hồ sơ yêu cầu công chứng được lập thành một bộ, gồm các giấy tờ sau đây:

“ a) Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;

b) Dự thảo hợp đồng, giao dịch;

c) Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;

d) Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;

đ) Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.”

Địa điểm thực hiện công chứng: Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Thời gian công chứng: Thời hạn công chứng không quá 02 ngày làm việc; đối với hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.

Trên đây là nội dung bài viết về Hợp đồng thuê mặt bằng có cần công chứng? Chúng tôi hi vọng bài viết sẽ giúp quý khách hàng nắm rõ được vấn đề này. Nếu có thắc mắc về vấn đề công chứng hợp đồng thuê mặt bằng xin vui lòng liên hệ chúng tôi để được giải đáp.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com