Khái niệm, đặc trưng và bản chất pháp lý của hoạt động lưu ký chứng khoán 2023

Khái niệm, đặc trưng và bản chất pháp lý của hoạt động lưu ký chứng khoán như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết này.

Hoạt động lưu ký chứng khoán là gì?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, lưu kí chứng khoán là việc các tổ chức lưu kí nhận kí gửi, bảo quản, chuyển giao chứng khoán cho khách hàng và giúp khách hàng thực hiện các quyền liên quan đến chứng khoán. Trên thị trường chứng khoán, hoạt động này chủ yếu hướng tới việc thoả mãn nhu cầu bảo quản chứng khoán cho khách hàng và giúp khách hàng thực hiện các quyền liên quan đến chứng khoán, chẳng hạn như quyền sở hữu, quyền nhận cổ tức, quyền hưởng lãi chứng khoán… Đối với khách hàng là người có yêu cầu lưu ký chứng khoán, việc kí gửi, bảo quản chứng khoán và thực hiện các quyền liên quan đến chứng khoán chỉ là những hành vi mang tính cách dân sự.

Tuy nhiên, đối với các chủ thể có thẩm quyền cung cấp dịch vụ lưu kí chứng khoán thì hoạt động này lại có tính cách như là nghề nghiệp thương mại, hơn nữa còn là nghề thương mại đặc thù và phải đăng kí hoạt động lưu kí chứng khoán với chính quyền trước khi thực hiện. Theo pháp luật hiện hành, lưu ký chứng khoán được ghi nhận như là một trong số các loại hình nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán trên thị trường chứng khoán.

>>>>> Xem thêm: Chứng khoán là gì?

Đặc trưng và bản chất pháp lý của hoạt động lưu ký chứng khoán

Ở mức khái quát, có thể hình dung nghiệp vụ lưu ký chứng khoán bao gồm các đặc trưng cơ bản sau đây: 

Thứ nhất, về chủ thể, hoạt động lưu ký chứng khoán chỉ có thể được tiến hành bởi những tổ chức kinh tế có đủ điều kiện tiến hành nghiệp vụ lưu kí chứng khoán. Theo pháp luật hiện hành, các chủ thể này bao gồm Trung tâm lưu kí chứng khoán (TTLKCK), các công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại đã đăng kí hoạt động lưu ký chứng khoán với UBCKNN và được TTLKCK chấp nhận là thành viên lưu ký chứng khoán. 

Thứ hai, về nội dung, hoạt động lưu kí chứng khoán bao gồm các công việc chủ yếu như: Nhận kí gửi chứng khoán của khách hàng để bảo quản, chuyển giao chứng khoán theo yêu cầu của khách hàng; giúp khách hàng thực hiện các quyền của họ liên quan đến chứng khoán. Khi tiến hành hoạt động lưu kí chứng khoán, bên lưu ký chứng khoán nhân danh mình trong quan hệ với khách hàng và phải chịu trách nhiệm pháp lí trực tiếp với khách hàng về những tổn thất cho khách hàng do hành vi có lỗi của mình gây ra.

Tuy nhiên, xét trong mối quan hệ với người thứ ba, bên lưu kí chứng khoán có thể nhân danh khách hàng để thực hiện một số hành vi pháp luật vì quyền lợi của chính khách hàng (ví dụ: thay mặt khách hàng thực hiện quyền nhận cổ tức hoặc nhận các khoản lãi phát sinh từ chứng khoán…).

Thứ ba, về hình thức, hoạt động lưu ký chứng khoán luôn được thực hiện thông qua hình thức pháp lí là hợp đồng dịch vụ lưu kí chứng khoán. Hợp đồng này được kí kết và thực hiện giữa bên lưu kí (TTLKCK; công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) với khách hàng là các tổ chức, cá nhân có yêu cầu lưu kí chứng khoán.

Thông qua việc kí kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ lưu ký chứng khoán, khách hàng không những được bảo đảm an toàn về tài sản cho mình mà còn được bên lưu kí thực hiện giúp các quyền liên quan đến chứng khoán trong thời gian lưu kí. Còn bên lưu kí có cơ hội cung ứng dịch vụ hỗ trợ cho khách hàng để được nhận tiền thù lao dịch vụ – phí dịch vụ lưu kí. 

Qua sự phân tích trên đây, có thể kết luận rằng bản chất của hoạt động lưu kí chứng khoán chính là hoạt động dịch vụ về chứng khoán và nghiệp vụ này luôn được thực hiện thông qua hình thức pháp lí là hợp đồng dịch vụ lưu ký chứng khoán. 

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com