Giấy vay nợ thực chất chính là dạng hợp đồng vay tài sản và theo quy định thì đây là sự thỏa thuận giữa các bên theo đó, bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Trong nhiều tranh chấp dân sự rất nhiều cuộc tranh chấp pháp lý liên quan đến hoạt động cho vay, mượn tiền do các bên có sự tin tưởng lẫn nhau dựa trên các mối quan hệ thân thiết như bạn bè, người thân trong gia đình nên các bên không lập thành văn bản quy định cụ thể về các nội dung như: Số tiền cho vay là bao nhiều? Lãi suất cho vay ? Thời hạn phải trả ….
Giấy vay nợ là gì?
Giấy vay nợ là văn bản thể hiện các thông tin cho vay tài sản của một cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp với một cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khác.
Nội dung của giấy vay nợ gồm những gì?
Một mẫu giấy vay nợ đầy đủ cần thể hiện các thông tin như sau:
– Thông tin về người vay nợ, người cho vay nợ
Tuỳ thuộc Người vay có thể là cá nhân hoặc tổ chức mà thể hiện các thông tin:
+ Nếu là cá nhân thì cũng nêu rõ họ tên, năm sinh, thông tin về giấy tờ tùy thân (CMND, căn cước công dân, hộ chiếu), địa chỉ liên lạc, số điện thoại. Nếu đã có vợ hoặc có chồng thì phần thông tin về người vay nên để cả hai vợ chồng.
+ Nếu là tổ chức thì phải ghi rõ thông tin của pháp nhân đó trên Giấy đăng ký kinh doanh (Mã số kinh doanh, cơ quan cấp, ngày cấp đăng ký lần đầu, ngày thay đổi nội dung đăng ký, địa chỉ trụ sở, người đại diện…) kèm thông tin về người đại diện.
– Số tiền vay và thời hạn
Đây là mục quan trọng nhất cũng bắt buộc phải có trong mọi giao dịch vay tiền. Số tiền vay phải được nêu cụ thể cả bằng số và bằng chữ. Thời hạn vay nên nêu cụ thể theo số tháng, số năm. Hai bên có thể thoả thuận việc rút ngắn hoặc kéo dài thời hạn cho vay. Khi đó, cũng có thể viết vào Giấy vay tiền thỏa thuận này.
– Lãi suất khoản vay nợ
Lãi suất luôn là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của cả người đi vay và người vay. Giấy vay tiền dù có hay không có tính lãi suất cũng phải ghi rõ vào văn bản. Nếu không tính lãi thì ghi là “bên A cho bên B vay không tính lãi”.
Trong trường hợp, tính lãi suất thì cũng ghi rõ lãi suất bao nhiêu, tính theo lãi suất của Ngân hàng nào… vào giấy vay tiền.
Lưu ý: Mặc dù lãi suất do hai bên thỏa thuận nhưng khi cho người khác vay tiền, người cho vay cần chú ý, lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay theo khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015.
– Phương thức trả nợ
Cũng giống như có nhiều cách để chuyển số tiền từ bên cho vay sang bên vay, phương thức trả nợ cũng được thực hiện bằng nhiều cách theo thỏa thuận của hai bên. Trong giấy vay nợ, hai bên có thể nêu rõ cách thức trả nợ: Bằng tiền mặt hoặc Qua chuyển khoản…
– Thỏa thuận khác
Nếu ngoài những thỏa thuận đã nêu ở trên, hai bên còn có thỏa thuận nào khác thì có thể tùy biến chỉnh sửa mẫu theo đúng thỏa thuận của mình.
Đặc biệt là phương thức giải quyết tranh chấp nếu có phát sinh xung đột. Nên quy định chi tiết các trường hợp sẽ phát sinh nếu một trong hai bên không thực hiện theo đúng thỏa thuận.
Ngoài ra, Giấy vay tiền nên lập thành ít nhất là 02 bản, nêu rõ bằng số và bằng chữ trong Giấy, mỗi bên giữ số lượng bản chính giống nhau.
Giấy vay nợ có cần công chứng không?
Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, theo đó, giấy vay nợ chính là một dạng hợp đồng vay tài sản. Theo quy định tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
Điều 463. Hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Trong bài viết này Luật LVN Group chỉ giải đáp về giấy vay nợ là vay bằng tiền mà bên cho vay là các tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, căn cứ vào quy định của hợp đồng vay tài sản của các tổ chức, cá nhân khác không phải là tổ chức tín dụng thì không bắt buộc phải công chứng.
Tuy nhiên, dù pháp luật không quy định việc công chứng, chứng thực hơp đồng song để hạn chế rủi ro, các bên vay tiền nên lập hợp đồng bằng văn bản và công chứng tại Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng nơi thuận tiện.
Bởi lẽ, nếu có tranh chấp xảy ra thì hợp đồng vay tiền này sẽ có giá trị chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện tại Tòa án. Thêm vào đó, những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng vay tiền được công chứng sẽ không phải chứng minh, trừ trường hợp hợp đồng vay tiền này vô hiệu.
Do vậy, dù pháp luật không yêu cầu mẫu giấy vay nợ, hợp đồng vay tiền phải lập thành văn bản và công chứng thì các bên vẫn nên thực hiện để tránh rủi ro đáng tiếc, nhất là những trường hợp cho vay tiền với số tiền lớn.
Giấy vay nợ viết tay có khởi kiện được không?
Như đã phân tích ở trên, giấy vay nợ thực chất chính là dạng hợp đồng vay tài sản và theo quy định thì đây là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Về bản chất, cho vay tài sản, tiền là một hình thức giao dịch dân sư. Bộ luật Dân sự 2015 không yêu cầu hình thức cụ thể của hợp đồng vay tài sản. Do đó, hợp đồng vay tài sản có thể được lập thành văn bản, thể hiện qua lời nói hoặc hành vi cụ thể. Đồng thời, đối với hợp đồng vay tài sản cũng không có yêu cầu bắt buộc phải được công chứng hay chứng thực. Vì vậy, giấy nợ viết tay cũng được coi là một hợp đồng vay tài sản hợp pháp.
Theo đó, nguồn chứng cứ bao gồm các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử; vật chứng, lời khai của đương sự…
Như vậy, giấy vay tiền viết tay có thể được coi là chứng cứ về việc vay tài sản, nên hoàn toàn dựa vào giấy vay nợ viết tay có thể khởi kiện được tại Toà án nhân dân có thẩm quyền.
Giấy vay nợ viết tay có giá trị pháp lý trong bao nhiêu lâu?
Áp dụng quy định tại Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì “Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự”. Theo đó, tại Bộ luật dân sự 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện về hợp đồng như sau:
Điều 429. Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 23 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP quy định đối với Tranh chấp hợp đồng vay tài sản như sau:
“b) Đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về đòi lại tài sản, đòi lại quyền sử dụng đất do người khác quản lý, chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Từ những quy định trên có thể thấy giấy viết tay có giá trị pháp lý mãi mãi, nên đối với tranh chấp cho vay tài sản thì khi phát hiện người vay quỵt nợ hoặc quá thời hạn ba năm, mười năm thì người cho vay vẫn không mất quyền đòi nợ mà vẫn có quyền gửi đơn khởi kiện đến tòa án để yêu cầu giải quyết theo quy định.
Mẫu giấy vay nợ viết tay mới nhất 2023
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
GIẤY VAY TIỀN
Hôm nay, ngày …. tháng…. năm…., tại thôn Hướng Nghĩa, xã Minh Thuận, huyện Vụ Bản, Nam Định. Chúng tôi gồm:
BÊN CHO VAY (BÊN A):
Ông/bà Trần Thị Thơm, sinh năm 1978, Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/ hộ chiếu: 163xxxxxxxxx do Công an tỉnh Nam Định cấp ngày 15/02/2019; Hộ khẩu thường trú tại thôn Hướng Nghĩa, xã Minh Thuận, huyện Vụ Bản, Nam Định.
Điện thoại: 0987xxxxxxx
BÊN VAY (BÊN B):
Ông/bà Trần Văn Minh, sinh năm 1972, Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/ hộ chiếu: 163xxxxxxxxx.do Công an tỉnh Nam Định cấp ngày 15/12/2019; Hộ khẩu thường trú tại thôn Hướng Nghĩa, xã Minh Thuận, huyện Vụ Bản, Nam Định.
Điện thoại: 0982xxxxxxx
Các bên tự nguyện cùng nhau lập và ký giấy vay tiền này với các nội dung thỏa thuận cụ thể như sau:
ĐIỀU 1: ĐỐI TƯỢNG CỦA GIẤY VAY TIỀN
Bên A đồng ý cho bên B vay và bên B đồng ý vay số tiền là: 12.000.000 VNĐ (Bằng chữ: Mười hai triệu đồng chẵn).
Mục đích vay: Vay để kinh doanh hàng ăn
ĐIỀU 2: THỜI HẠN VÀ PHƯƠNG THỨC VAY
Thời hạn vay là 12 tháng kể từ ngày ……../…./…. đến ngày …/…./….
Phương thức vay: Bên A giao toàn bộ số tiền cho bên B vay nêu trên bằng hình thức (1) chuyển khoản vào ngày…./…/….
Phương thức và thời hạn trả nợ: Bên B phải trả lãi cho bên A định kỳ vào ngày 10 hàng tháng Bên B phải trả nợ gốc và lãi cho bên A chậm nhất là ngày 25 bằng hình thức (1) chuyển khoản.
ĐIỀU 3: LÃI SUẤT
Các bên thỏa thuận lãi suất cho toàn bộ số tiền vay nêu trên là 8%/ năm Trước khi hợp đồng này hết hạn vào ngày …/…./…., nếu bên B muốn tiếp tục vay thì phải báo trước trong thời gian 20 ngày và nhận được sự đồng ý bằng văn bản của bên A.
Nếu quá thời hạn vay nêu trên mà Bên B không thanh toán số tiền gốc và tiền lãi thì bên B phải chịu lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất vay tương ứng với thời gian chậm trả.
ĐIỀU 4: THỎA THUẬN CỦA CÁC BÊN
– Những chi phí có liên quan đến việc vay nợ như: phí, thù lao công chứng, phí chuyển tiền… bên B có trách nhiệm thanh toán.
– Các bên tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giao và nhận tài sản vay;
– Bên A cam đoan số tiền cho vay trên là tài sản hợp pháp và thuộc quyền sở hữu của bên A;
– Việc vay và cho vay số tiền nêu trên là hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối, không bị ép buộc, không nhằm trốn tránh bất kỳ nghĩa vụ nào của bên A;
– Bên B cam kết sử dụng tiền vay vào đúng mục đích tại Điều 1 của Hợp đồng này;
– Bên B cam kết trả tiền (tiền gốc và tiền lãi) đúng hạn, chỉ được ra hạn khi có sự chấp thuận của bên A bằng văn bản (nếu có sau này); Trường hợp chậm trả thì bên B chấp nhận chịu mọi khoản lãi phạt, lãi quá hạn… theo quy định pháp luật (nếu có);
– Các bên cam kết thực hiện đúng theo Hợp đồng này. Nếu bên nào vi phạm Hợp đồng này thì bên đó sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật;
– Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu có tranh chấp xảy ra, hai bên cùng nhau thương lượng, giải quyết trên nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của nhau. Nếu không giải quyết được thì một trong hai bên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Hợp đồng này có hiệu lực kể từ ngày ký và được lập thành 02 bản chính có giá trị pháp lý như nhau, mỗi bên giữ 01 bản để thực hiện.
BÊN CHO VAY
Thơm |
BÊN VAY
Minh |