Thời gian nghỉ hưởng bảo hiểm thai sản là nội dung quan trọng được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật quốc tế cũng như trong nước từ trước đến nay.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm thai sản bao lâu?
Theo quy định tại Công ước số 102 năm 1952, các trường hợp cần phải bảo vệ người lao động khi thai, sản bao gồm: thai nghén, sinh đẻ và những hậu quả tiếp theo, còn sự gián đoạn thu nhập này sinh do pháp luật của quốc gia quy định.
Từ đó, hầu hết các nước trên thế giới đều có quy định cụ thể về thời gian nghỉ và mức trợ cấp khi người lao động thai nghén, sinh đẻ và những hậu quả phát sinh từ quá trình thai nghén gây ra. Theo đó, thời gian nghỉ cho các trường hợp luôn bằng hoặc cao hơn mức Công ước nêu ra.
Ở nước ta, thời gian nghỉ thai sản được áp dụng cho nhiều trường hợp: Nghỉ khám thai, nghỉ vì sảy thai, nạo thai, hút thai hoặc thai chết lưu, nghỉ sinh con, nghỉ theo thoả thuận, nghỉ khi con mới sinh bị chết, nghỉ nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi, nghỉ khi thực hiện các biện pháp tránh thai, nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ…
Các quy định về thời gian nghỉ cho môi trường hợp luôn có sự thay đổi và ngày càng được tính toán dựa trên nhiều cơ sở khoa học để phù hợp hơn trong việc bảo vệ sức khoẻ người lao động và trẻ sơ sinh, phù hợp hơn với thực tế đời sống xã hội và khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm.
Theo đánh giá chung, thời gian nghỉ việc để hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật Việt Nam là ưu đãi đối với lao động nữ so với các nước trong khu vực cũng như các nước trên thế giới… Điều đó đã thể hiện rõ rệt sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với người lao động trong chính sách bảo hiểm xã hội nói chung và bảo hiểm thai sản nói riêng.
Pháp luật bảo hiểm xã hội hiện hành đã quy định thời gian nghỉ cho các trường hợp như sau:
Thời gian nghỉ khám thai
Mang thai là thời kỳ rất quan trọng và nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện chức năng làm mẹ của người phụ nữ. Khi có thai, người phụ nữ cần đến cơ sở y tế khám thai.
Tại đây, các bác sỹ chuyên khoa theo dõi sự phát triển của thai nhi cũng như để phòng và điều trị kịp thời những bệnh lý có thể xảy ra trong quá trình thai nghén. Số lần khám thai được căn cứ vào quá trình phát triển của thai nhi. Khám thai đầy đủ, đúng định kỳ sẽ giúp người phụ nữ thực hiện chức năng làm mẹ an toàn.
Để bảo vệ, chăm sóc lao động nữ khi có thai, cũng như khuyến nghị của Tổ chức y tế thế giới, pháp luật về bảo hiểm xã hội nước ta quy định trong thời gian có thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày.
Trong trường hợp người lao động có thai làm việc ở xa cơ sở y tế hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ việc hưởng trợ cấp 2 ngày cho mỗi lần khám thai.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi đi khám thai tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.
Quy định thời gian nghỉ tính theo ngày làm việc góp phần hạn chế sự chuyển quyền của chủ sử dụng lao động, nhiều khi do yêu cầu công việc mà không đảm bảo đúng thời gian khám thai định kỳ cho lao động nữ.
Thời gian nghỉ khi sảy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu
Sảy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dù do nguyên nhân nào, khách quan hay chủ quan thì sảy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu cũng ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ thể chất cũng như tinh thần của người phụ nữ.
Để giúp lao động nữ nhanh chóng phục hồi sức khoẻ, sớm ổn định nhịp sinh học của cơ thể, pháp luật hiện hành quy định trong trường hợp này lao động nữ được nghỉ việc hưởng trợ cấp 10 ngày nếu thai dưới 1 tháng; 20 ngày nếu thai từ 1 tháng đến dưới 3 tháng: 40 ngày nếu thai từ 3 tháng đến dưới 6 tháng; 50 ngày nếu thai từ 6 tháng trở lên.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sảy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.
Trước đây, trong Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội năm 1961 và trong Điều lệ bảo hiểm xã hội năm 1995, thời gian nghỉ vì bị sảy thai được quy định ngắn hơn và chỉ phân chia hai mức thời gian cho tuổi thai dưới 3 tháng và từ đủ 3 tháng trở lên.
Điều đó đã ảnh hưởng không ít tới sức khoẻ của lao động nữ, vì thế, không bảo vệ đúng mức quyền lợi của họ. Quy định hiện nay của pháp luật phù hợp hơn trong việc bảo vệ sức khoẻ cho lao động nữ khi bị rủi ro trong quá trình mang thai. Với thời gian nghỉ dài hơn cho môi trường hợp như vậy sẽ bảo vệ sức khoẻ cho lao động nữ tốt hơn.
Thời gian nghỉ sinh con
Người phụ nữ gần đến ngày sinh rất cần được nghỉ ngơi để chuẩn bị cho việc sinh đẻ cũng như để chuẩn bị cho đứa con ra đời. Sau khi sinh càng nhất thiết phải được nghỉ ngơi để phục hồi sức khoẻ và chăm sóc con sơ sinh.
Nhằm đảm bảo sức khoẻ cho mẹ và con, đảm bảo chức năng làm mẹ an toàn; cùng với Tổ chức y tế thế giới, các công ước của ILO cũng như pháp luật nước ta đã quy định thời gian nghỉ sinh con bao gồm thời gian nghỉ trước và sau khi sinh.
Thời gian nghỉ việc trước và sau khi sinh con được dựa trên cơ sở tính toán một cách khoa học lượng thời gian cần và đủ để người mẹ ổn định nhịp sinh học của cơ thể, đồng thời đủ để đứa trẻ tận dụng được nguồn sữa mẹ để có thể phát triển tốt về thể lực và trí tuệ cũng như để phù hợp với nhu cầu của người lao động và điều kiện thực tế của đất nước.
Xuất phát từ những cơ sở đó, Công ước số 3 năm 1919 và Công ước số 103 năm 1952 quy định độ dài thời gian nghỉ thai sản là 12 tuần (trong đó 6 tuần trước khi sinh và 6 tuần sau khi sinh). Phù hợp với điều kiện của mình, các nước thêm so với người làm việc trong điều kiện bình thường 3 đến 10 ngày và số ngày nghỉ vì bị sảy thai do thầy thuốc quy định.
Điều lệ Bảo hiểm xã hội năm 1995 quy định: Nghỉ 20 ngày nếu thai dưới 3 tháng: 30 ngày nếu thai từ 3 tháng trở lên. Điều 3 Công ước số 3 (Công ước về việc sử dụng lao động nữ trước và sau khi sinh đẻ) và Điều 3 Công ước số 103 (Công ước về bảo vệ thai sản) trên thế giới quy định khác nhau.
Cộng hoà liên bang Đức quy định thời gian nghỉ thai sản 14 hoặc 18 tuần (6 tuần trước khi sinh, 8 hoặc 12 tuần sau khi sinh); Liên bang Nga quy định thời gian nghỉ thai sản 16 tuần đối với nữ lao động thể lực, 12 tuần đối với nữ làm công việc văn phòng, trí tuệ;
Nhật Bản, Indonesia quy định thời gian nghỉ 3 tháng: Bruney, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc quy định thời gian nghỉ 8 tuần hoặc 60 ngày; Thái Lan là 3 tháng; Philippines là 60 ngày trong trường hợp đẻ thường và 78 ngày trong trường hợp mổ đẻ.
Ở nước ta, trước đây độ dài thời gian nghỉ thai sản luôn có sự thay đổi ở mỗi thời kỳ. Cụ thể: Sắc lệnh số 29-SL năm 1947 quy định thời gian nghỉ thai sản là 8 tuần lễ;
Sắc lệnh số 77-SL năm 1950 quy định là 2 tháng; Điều lệ tạm thời về chế độ bảo hiểm xã hội năm 1961 quy định 60 ngày; Quyết định số 07/HĐBT ngày 15/01/1983 quy định 75 ngày; Quyết định số 121/HĐBT ngày 19/4/1986 quy định 180 ngày;
Nghị định số 43/CP ngày 22/6/1993 quy định thời gian nghỉ là 180 ngày. Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 quy định 3 mức nghỉ: 4, 5, 6 tháng phụ thuộc vào điều kiện lao động.
Theo quy định tại Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ sinh con được quy định 3 mức:
– 4 tháng nếu người lao động làm nghề hoặc công việc trong điều kiện lao động bình thường;
– 5 tháng áp dụng với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ lao động, thương binh và xã hội và Bộ y tế ban hành; làm việc theo chế độ 3 ca; làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên hoặc là nữ quân nhân, nữ công an nhân dân;
– 6 tháng đối với lao động nữ là người tàn tật theo quy định của pháp luật về người tàn tật.
Về cơ bản, quy định các mức nghỉ như trên là phù hợp với thông lệ quốc tế, đạt được mục đích trong việc bảo vệ sức khoẻ người mẹ và trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam hiện nay, với quy mô gia đình ít con (một đến hai con), trong khi đó nhiều doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ không có điều kiện lập nhà trẻ. Hầu hết các nhà trẻ hiện không có điều kiện nhận trẻ dưới 6 tháng tuổi. Hơn nữa, theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới về nuôi con bằng sữa mẹ, trẻ sơ sinh ít nhất phải được bú mẹ trong thời gian 6 tháng.
Vì vậy, nhằm bảo vệ đặc biệt lao động nữ trong thời kỳ sinh con và cải thiện, nâng cao chất lượng dân số, Bộ luật lao động năm 2012 đã nâng thời gian nghỉ sinh con lên 6 tháng cho mọi đối tượng, không phụ thuộc vào điều kiện làm việc bình thường hay nặng nhọc, độc hại, xa xôi hẻo lánh hay mức suy giảm khả năng lao động.
Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. Quy định này có hiệu lực từ ngày 01/5/2013.
Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng quy định, nếu sinh một lần từ 2 con trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Trong trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 60 ngày tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 90 ngày tính từ ngày sinh con; nếu con từ 60 ngày tuổi trở lên bị chết thì được nghỉ việc 30 ngày tính từ ngày con chết nhưng không vượt quá thời gian nghỉ sinh con theo quy định chung và không tính vào thời gian nghỉ việc riêng hàng năm theo quy định của pháp luật lao động.
Trường hợp chỉ có cha hoặc mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con, thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản.
Đây là quy định mới, bởi từ trước đến nay, chưa có văn bản pháp luật nào đề cập vấn đề này. Có thể nói, quy định này trong Luật bảo hiểm xã hội đã phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế và điều kiện thực tế Việt Nam, đảm bảo cho trẻ sơ sinh được hưởng quyền chăm sóc, nuôi dưỡng kể cả trong trường hợp người mẹ gặp rủi ro mà bị chết.
Thời gian hưởng chế độ thai sản khi lao động nữ sinh con tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.
Hết thời hạn nghỉ sinh con, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm với điều kiện được người sử dụng lao động đồng ý nhưng không được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Trường hợp lao động nữ muốn đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì phải có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khoẻ và được người sử dụng lao động đồng ý khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương, tiền công lao động nữ vẫn được hưởng trợ cấp thai sản cho đến hết thời gian nghỉ theo quy định của pháp luật.
Như vậy, ngoài thời gian nghỉ theo quy định, pháp luật còn dự liệu các trường hợp tuỳ thuộc vào tình trạng sức khoẻ người lao động và số con một lần sinh; con còn sống hay con đã chết và đặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, pháp luật còn quy định thời gian nghỉ theo thoả thuận.
Những quy định mở rộng đó đã đáp ứng được thực tế đời sống cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nữ vừa đảm bảo sức khoẻ đồng thời vẫn đảm bảo được việc làm, thu nhập cũng như các cơ hội khác.
Thời gian nghỉ khi nhận nuôi con nuôi
Người lao động nam hay nữ nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình, được nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản cho đến khi con đủ 4 tháng tuổi. Pháp luật hiện hành không khống chế số con nuôi sơ sinh.
Quy định này đảm bảo quyền được làm cha mẹ của người lao động. Đây là quy định thể hiện rằng pháp luật đang tiến đến xu hướng chung là mọi lao động đều có quyền bình đẳng và được tạo điều kiện để được hưởng chế độ thai sản đồng thời cũng đảm bảo hơn sự công bằng, không phân biệt con đẻ con nuôi, thể hiện sự phù hợp và thống nhất với các pháp luật khác.
Thời gian nghỉ khi thực hiện các biện pháp tránh thai
Trước đây, người lao động khi thực hiện các biện pháp tránh thai nhằm mục đích kế hoạch hoá dân số thì các chế độ đối với họ nằm trong quỹ kế hoạch hoá dân số của y tế. Sau này, nhà nước chuyển sang thực hiện bảo hiểm xã hội đối với họ và trong thời gian dài, các biện pháp như đặt vòng tránh thai, hút điều hoà kinh nguyệt, triệt sản được tính để hưởng chế độ ốm đau.
Quy định như vậy là chưa hợp lý, vì về bản chất, những biện pháp này đều thuộc diện thai sản, đều ảnh hưởng đến tâm sinh lý và chức năng sinh sản của người lao động.
Hơn nữa, mức hưởng chế độ ốm đau lại thấp hơn so với mức hưởng chế độ thai sản. Vì thế, pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành chuyển những biện pháp này sang chế độ thai sản để đảm bảo hơn sự công bằng về quyền lợi cho người lao động,
Theo Điều 33 Luật bảo hiểm xã hội, thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai như sau:
– Khi đặt vòng tránh thai người lao động được nghỉ việc 7 ngày:
– Khi thực hiện biện pháp triệt sản người lao động được nghỉ việc 15 ngày.
Thời gian nghỉ việc cho các trường hợp trên tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết và nghỉ hàng tuần.
Các loại và mức trợ cấp thai sản
Trong thời gian nghỉ việc đi khám thai, nghỉ việc khi bị sảy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu, khi sinh con, nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi, khi thực hiện các biện pháp tránh thai, người lao động được hưởng tiền trợ cấp từ quỹ bảo hiểm xã hội thay vào phần thu nhập bị gián đoạn do không có lương.
Trợ cấp thai sản phải bảo đảm cho người lao động có thể nuôi sống bản thân và con của họ trong điều kiện sức khỏe ổn định và mức sống phù hợp. Trợ cấp thai sản có hai loại: Trợ cấp thay lương và trợ cấp một lần. Tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người lao động được hưởng một hoặc cả hai loại trợ cấp này.
Trợ cấp thay lương
Trợ cấp thay lương là khoản tiền do cơ quan bảo hiểm xã hội trả cho người lao động trong tất cả các trường hợp nghỉ thai sản. Mức trợ cấp được tính trên cơ sở tiền lương của người lao động khi đang làm việc. Theo Công ước số 102 năm 1952 của ILO, tỷ lệ trợ cấp thai sản tối thiểu là 45% tiền lương của người lao động.
Đến Công ước số 183 năm 2000 quy định mức trợ cấp thai sản không được thấp hơn 2/3 thu nhập trước đó của người lao động. Bổ sung cho quy định này, Khuyến nghị số 191 đã yêu cầu nâng mức trợ cấp lên bằng mức lương trước đó của người lao động. Đây là loại trợ cấp thể hiện rõ nhất sự bảo vệ của pháp luật đối với người lao động.
Ở nước ta, trong các Sắc lệnh số 29-SL năm 1947, Sắc lệnh số 76-SL và số 77-SL năm 1950 không gọi là trợ cấp mà gọi là lương được trả từ ngân sách nhà nước bởi lẽ thời kỳ này chưa lập quỹ bảo hiểm xã hội. Mức hưởng được quy định trong Sắc lệnh số 29-SL là 1/2 tiền lương và phụ cấp, trong Sắc lệnh số 77-SL là cả lương và phụ cấp.
– Từ Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội năm 1961 cho đến trước khi Luật bảo hiểm xã hội ra đời năm 2006, mức trợ cấp thai sản đều bằng 100% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ. Theo quy định tại Điều 35 Luật bảo hiểm xã hội, mức trợ cấp này bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản cho các trường hợp khám thai, sảy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu, thực hiện các biện pháp tránh thai là mức bình quân tiền lương, tiền công của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
Với quy định này, mức trợ cấp thai sản ở nước ta đã thể hiện sự vận dụng linh hoạt các quy định của ILO. Điều đó cũng giống các nước trên thế giới, tùy thuộc vào điều kiện hưởng, thời gian nghỉ mà quy định khác nhau về mức trợ cấp.
Ví dụ, ở Na Uy, có hai lựa chọn cho người lao động: Nếu lựa chọn 54 tuần nghỉ thì được hưởng trợ cấp ở mức 80% tiền lương tháng, nếu lựa chọn 44 tuần nghỉ thì hưởng mức trợ cấp cao hơn là 100% tiền lương trước khi nghỉ việc; Pháp quy định mức trợ cấp thai sản bằng 90% tiền lương.
Trợ cấp một lần
Đây là khoản tiền được cơ quan bảo hiểm xã hội trả một lần cùng với trợ cấp thay lương cho người lao động khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi.
Bởi khi sinh con, nuôi con nuôi sơ sinh, chi phí tăng lên đột xuất do người lao động cần phải sắm sửa những vật dụng cần thiết cho việc nuôi con nhỏ và cần chế độ ăn uống, bồi dưỡng ở mức cao hơn bình thường.
Mục đích cơ bản của khoản trợ cấp này là nhằm giúp người lao động đủ điều kiện vật chất để nuôi con và tăng cường sức khoẻ sau khi sinh. Quy định này góp phần bảo vệ sức khoẻ cho người mẹ và cũng chính là thể hiện sự quan tâm, bảo vệ cho thế hệ lao động tương lai.
Trước đây, trong Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội năm 1961 đã quy định, người lao động sinh con được hưởng tiền trợ cấp con nếu có, tiền sắm tã lót (gấp đôi, gấp ba nếu sinh đôi, sinh ba), trợ cấp vì bị mất sữa hoặc trợ cấp thêm sữa cho con sinh đôi, sinh ba.
Hiện nay, khoản trợ cấp một lần được quy định đồng loạt cho mọi lao động nữ khi sinh con và người lao động nói chung khi nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi. Mức trợ cấp một lần bằng 2 tháng tiền lương tối thiểu chung cho mỗi con. Việc ấn định mức trợ cấp một lần bằng khoản tiền cụ thể như vậy cũng giống nhiều nước trên thế giới. Chẳng hạn, Thái Lan trợ cấp một lần là 4000 bạt, Nhật Bản là 300.000 yên.
Cùng với các khoản trợ cấp trên, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người lao động được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Trong thời gian nghỉ này, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.
Ngoài các chế độ trợ cấp thai sản ở trên, theo quy định tại Điều 37 Luật bảo hiểm xã hội, những lao động nữ chưa phục hồi sức khoẻ sau thời gian hưởng chế độ khi bị sảy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu, sinh con thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ.
Thời gian nghỉ từ 5 đến 10 ngày trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần, ngày đi và về nếu nghỉ tại cơ sở tập trung. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ cho mỗi lao động nữ do người sử dụng lao động và ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc bạn chấp hành công đoàn lâm thời quyết định.
Cụ thể như sau:
– Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ 2 con trở lên;
– Tối đa 7 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật; – Bằng 5 ngày đối với các trường hợp khác.
Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại gia đình; bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung.