Pháp luật về thị trường giao dịch phi tập trung 2023

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ tới Quý độc giả các thông tin về Pháp luật về thị trường giao dịch phi tập trung. Do đó, Quý vị đừng bỏ qua nội dung bài viết.

Hiện nay tại Việt Nam, mô hình tổ chức và cơ chế vận hành cho thị trường OTC vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu để có thể được luật pháp hoá và chính thức đưa thị trường này vào hoạt động. Do vậy, có thể nói pháp luật về thị trường giao dịch chứng khoán phi tập trung hiện đang trong giai đoạn hình thành. Mặc dù vậy, về nguyên tắc như đối với thị trường có tổ chức, các nội dụng pháp lí cơ bản để điều chỉnh thị trường OTC cũng phải được thể hiện rõ trong pháp luật về thị trường này. Có thể kể đến các quy định điều chỉnh các nội dung sau đây: 

Các quy định về niêm yết chứng khoán 

Chứng khoán được giao dịch trên thị trường có tổ chức nói chung và thị trường OTC nói riêng phải là các loại chứng khoán đáp ứng những điều kiện nhất định. Tuy nhiên, xuất phát từ đặc thù của thị trường OTC là nơi giao dịch chứng khoán của các công ty vừa và nhỏ, các công ti mới thành lập, do vậy, tiêu chuẩn đối với chứng khoán niêm yết và giao dịch ở thị trường này, về nguyên tắc, thấp hơn so với ở thị trường giao dịch tập trung. 

Thực tế cho thấy, ở các nước có thị trường OTC phát triển, đều có quy định các yêu cầu đối với chứng khoán được phép niêm yết và giao dịch tại thị trường này. Tùy vào mức độ và cơ chế quản lí mà các yêu cầu này có thể được cụ thể hoá bằng các quy định của pháp luật hoặc bằng các quy định (tiêu chuẩn) của tổ chức tự quản hoặc nhà tổ chức thị trường. Nhìn chung, các điều kiện đó liên quan đến thời gian hoạt động tối thiểu của tổ chức phát hành, vốn điều lệ, tổng giá trị tài sản của tổ chức phát hành, lợi nhuận phải đạt được ở mức độ nhất định, số lượng cổ động của công ti… 

Tại Việt Nam, theo quy định của Luật chứng khoán năm 2006, chủ thể đứng ra tổ chức thị trường giao dịch, trong đó có thị trường OTC, sẽ xây dựng quy chế về niêm yết chứng khoán và phải được UBCKNN phê chuẩn. Quy định này vừa đảm bảo tính độc lập tương đối của chủ thể tổ chức thị trường, bên cạnh đó cũng đảm bảo sự quản lí thống nhất của Nhà nước đối với thị trường. 

Việc xây dựng quy chế về niêm yết chứng khoán trên thị trường OTC phải căn cứ vào cấp độ của thị trường này. Thị trường OTC được coi là thị trường mà chứng khoán được niêm yết và giao dịch có chất lượng ở mức độ thấp hơn so với thị trường tập trung nhưng lại cao hơn so với thị trường mua bán trao tay.

Do vậy, quy chế niêm yết do chủ thể đứng ra tổ chức thị trường xây dựng phải đảm bảo hai yêu cầu: Một cho phép các chứng khoán chưa đủ điều kiện niêm yết tại thị trường giao dịch tập trung sẽ được niêm yết và giao dịch tại đây; Hai ngăn chặn các chứng khoán kém chất lượng được giao dịch tại thị trường này để đảm bảo sự lành mạnh của thị trường. 

Bên cạnh yêu cầu đối với chứng khoán niêm yết, các quy định liên quan đến niêm yết chứng khoán tại thị trường OTC còn phải đề cập đến các vấn đề như thay đổi niêm yết, kiểm soát, tạm ngừng niêm yết, huỷ niêm yết… Đây là những nội dung quan trọng trong việc điều chỉnh hoạt động niêm yết trên thị trường OTC nói riêng. 

Các quy định về thành viên giao dịch 

Điểm đặc biệt ở thị trường OTC là có hai loại thành viên tham gia thị trường, bao gồm thành viên thông thường và thành viên tạo lập thị trường. 

Thành viên thông thường tham gia thị trường OTC với tư cách là người môi giới hoặc tự doanh chứng khoán, thực hiện các giao dịch chứng khoán nhân danh khách hàng, vì quyền lợi của khách hàng (môi giới) hoặc nhận danh mình, vì quyền lợi của chính mình (tự doanh). 

Thành viên là nhà tạo lập thị trường có chức năng duy trì thị trường và tính thanh khoản cho một hoặc một số loại chứng khoán nhất định. Để làm được điều này, thành viên tạo lập thị trường phải nắm giữ lượng chứng khoán nhất định, liên tục đưa ra các mức giá mua, bán đối với chứng khoán mà mình chịu trách nhiệm tạo lập; sẵn sàng mua, bán các chứng khoán đó với mức giá cam kết. 

Dù là thành viên loại nào thì để tham gia giao dịch trên thị trường OTC, các thành viên đều phải đáp ứng được các yêu cầu do pháp luật hoặc chủ thể tổ chức thị trường OTC quy định. Yêu cầu tiên quyết đầu tiên đối với các thành viên theo quy định tại Điều 62 Luật chứng khoán năm 2006 phải là công ty chứng khoán.

Ngoài ra, trong quá trình tác nghiệp tại thị trường, thành viên còn phải tuân thủ các quy định điều chỉnh tự cách thành viên tại thị trường OTC đó. Những quy định này được ban hành dưới dạng quy chế. Theo quy định của Luật chứng khoán năm 2006, chủ thể tổ chức thị trường xây dựng quy chế về thành viên và phải được UBCKNN chấp thuận trước khi ban hành. 

Nội dung pháp luật điều chỉnh thành viên thị trường bao gồm các quy định liên quan đến điều kiện để trở thành thành viên, trình tự thủ tục xem xét, chấp thuận tư cách thành viên thị trường, quyền và nghĩa vụ của thành viên, chấm dứt tư cách thành viên… 

Các quy định về giao dịch 

Đặc điểm của thị trường OTC là các giao dịch được thực hiện không tại địa điểm cố định mà thông qua hệ thống máy tính nối mạng. Thông qua hệ thống này, các thành viên thị trường liên tục gửi cho nhau những tập dữ liệu điện tử để chào mời, tìm kiếm, đàm phán và kí kết hợp đồng mua bán các loại chứng khoán được niêm yết tại đây. Do vậy, các quy định liên quan đến giao dịch chứng khoán tại thị trường này phải được xem xét trên cơ sở đặc thù này và phù hợp với các quy định của Luật giao dịch điện tử. 

Theo quy định tại Luật chứng khoán năm 2006, các quy định liên quan đến giao dịch chứng khoán tại thị trường cũng do chính chủ thể tổ chức thị trường ban hành dưới hình thức quy chế trên cơ sở sự chấp thuận của UBCKNN. 

Những vấn đề cần được điều chỉnh trong hoạt động giao dịch tại thị trường OTC bao gồm: trình tự thủ tục thực hiện giao dịch, phương thức giao dịch, phương thức thanh toán và các vấn đề khác. 

Các quy định về chế độ công bố thông tin 

Minh bạch hoá và công khai hoá thông tin trên thị trường chứng khoán là yếu tố tiên quyết đảm bảo hoạt động ổn định và lành mạnh của của thị trường. Mọi thông tin sai lệch, thông tin không đầy đủ, thông tin được cung cấp chậm trễ đều ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư và có thể gây thiệt hại cho họ, làm giảm niềm tin vào thị trường và làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường này. Điều này đặc biệt quan trọng đối với thị trường OTC xuất phát từ đặc thù của thị trường này. 

Mọi hoạt động giao dịch trên thị trường OTC diễn ra thông qua hệ thống máy tính nối mạng, nơi các nhà đầu tư, các thành viên thị trường không trực tiếp gặp gỡ nhau tại địa điểm nhất định. Do vậy, khả năng hiểu biết về nhau hạn chế hơn so với ở thị trường tập trung. Thực tế này đòi hỏi việc công bố thông tin chính xác và kịp thời của các chủ thể có liên quan là công việc tối quan trọng. 

Thông tin trên thị trường OTC bao gồm: Thông tin về các tổ chức có chứng khoán được niêm yết và giao dịch tại thị trường; thông tin về bản thân các thành viên giao dịch, thông tin về các giao dịch được thực hiện (bao gồm giá đặt mua, bán chứng khoán, khối lượng thực hiện giao dịch…). 

Theo quy định của Luật chứng khoán năm 2006, chủ thể tổ chức thị trường giao dịch OTC xây dựng và ban hành quy chế công bố thông tin trên thị trường này sau khi được sự chấp thuận của UBCKNN. Các chủ thể liên quan trên thị trường OTC có trách nhiệm công bố thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời theo các quy định của pháp luật và quy chế này. 

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com