Trong lĩnh vực quản lí và sử dụng đất đai, hoạt động thanh tra, kiểm tra đóng vai trò hết sức quan trọng, là biện pháp cơ bản để thực hiện chế độ sở hữu toàn dân và quyền quản lí thống nhất của Nhà nước đối với đất đai.
Khái niệm thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đất đai
Thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra mà phát hiện ra những hành vi vi phạm các chế độ quản lí hoặc phát hiện sự bất hợp lí của chính các chế độ để từ đó rút ra những giải pháp phù hợp.
Trong lĩnh vực quản lí và sử dụng đất đai, hoạt động thanh tra, kiểm tra đóng vai trò hết sức quan trọng, là biện pháp cơ bản để thực hiện chế độ sở hữu toàn dân và quyền quản lí thống nhất của Nhà nước đối với đất đai.
Thực chất, thanh tra đất đai là xem xét một cách khách quan việc chấp hành các quy định của pháp luật đất đai, đảm bảo cho các quy định đó được thực hiện và thực hiện đúng.
Kiểm tra đất đai là xem xét lại những kết quả đã thực hiện theo đúng pháp luật. Tuy thanh tra và kiểm tra đất đai đều hướng tới việc phát huy những nhân tố tích cực, phát hiện và phòng ngừa những vi phạm nhưng giữa hai hoạt động này có khác nhau ở mức độ thực hiện và cách thức xem xét.
Kiểm tra lấy tiêu chuẩn, chính sách, chế độ, quyết định làm mốc để so sánh và thường được thực hiện theo bề rộng, liên tục, với nhiều hình thức phong phú.
Còn thanh tra đất đai không chỉ thực hiện như kiểm tra mà còn tìm nguyên nhân và đề ra những giải pháp khắc phục.
Nhìn chung, phạm vi của hoạt động thanh tra thường hẹp hơn hoạt động kiểm tra và do nội dung của thanh tra thường phức tạp nên chủ thể tiến hành thanh tra trước hết phải là những tổ chức thanh tra chuyên nghiệp, không đa dạng như chủ thể tiến hành hoạt động kiểm tra.
Song sự phân biệt đó chỉ có ý nghĩa tương đối. Khi tiến hành thanh tra, phải thực hiện công việc kiểm tra và trong một số trường hợp tiến hành kiểm tra là để làm rõ vụ việc để lựa chọn nội dung thanh tra cho phù hợp.
Chính vì thế nên cặp khái niệm thanh tra, kiểm tra luôn đi cùng với nhau khi tiến hành xem xét từng lĩnh vực cụ thể.
Ý nghĩa, mục đích của công tác thanh tra, kiểm tra
Trên thực tế, quá trình quản lý đất đai gắn bó chặt chẽ với việc tổ chức và thực hiện pháp luật đất đai. Đó là những hoạt động rất phức tạp, đòi hỏi phải có sự thống nhất giữa hiểu biết pháp luật với việc áp dụng pháp luật.
Muốn có sự tác động đúng hướng, đúng lúc, đúng chỗ vào quá trình vận động đó thì phải tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm tra để biết được kết quả tác động của cơ quan quản lí đối với đối tượng bị quản lí ở cả khía cạnh tích cực và hạn chế.
Từ đó đề ra các biện pháp đúng để phát huy mặt tốt, khắc phục mặt xấu, đảm bảo cho pháp luật đất đai được chấp hành nghiêm chỉnh, tăng cường kỉ cương trong công tác quản lý đất đai, đảm bảo pháp chế XHCN.
Với ý nghĩa đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm các mục đích sau:
Thứ nhất, phát hiện và kiến nghị với cơ quan quản lý đất đai sửa chữa những thiếu sót trong quá trình quản lí nhằm hoàn thiện cơ chế quản lí, hoàn chỉnh các chế độ, thể lệ về quản lý và sử dụng đất đai.
Thứ hai, qua thanh tra nhằm tham gia vào hoạt động kiểm tra việc thực hiện chức năng của các cơ quan quản lý nhà nước đối với đất đai; việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Thứ ba, phát hiện, ngăn ngừa và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật đất đai.
Qua đó, đảm bảo thực hiện đúng đắn các chính sách pháp luật đất đai, tăng cường trách nhiệm đối với cơ quan quản lí và người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước với tư cách là người đại diện cho chủ sở hữu, quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, duy trì trật tự ổn định, đoàn kết trong nội bộ nhân dân.
Chức năng, nhiệm vụ thanh tra đất đai
– Cơ quan thực hiện việc thanh tra đất đai
Chức năng thanh tra là xem xét sự vận hành của bộ máy quản lý nhà nước về đất đai, đảm bảo sự tuân thủ triệt để các quy phạm pháp luật đất đai.
Theo quy định tại Điều 201 Luật đất đai năm 2013 thì thanh tra chuyên ngành đất đai là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về đất đai
Thanh tra chuyên ngành về đất đai có nhiệm vụ: thanh tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan nhà nước, người sử dụng đất trong việc quản lý và sử dụng đất; phát hiện, ngăn chặn và xử lí theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật đất đai.
– Nội dung thanh tra
Để đảm bảo đất đai được sử dụng một cách hợp pháp, hợp lí, tiết kiệm và đạt hiệu quả kinh tế cao, nội dung thanh tra phải thể hiện cụ thể được mục đích của việc thanh tra, tức là phải phù hợp với đối tượng thanh tra và phạm vi thanh tra.
Đối với các cơ quan quản lí: Các cơ quan quản lí thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với đất đai. Chức năng đó được thể hiện bằng những nhiệm vụ quản lý đất đai trong từng giai đoạn cụ thể.
Nội dung thanh tra việc thực hiện các chức năng và nhiệm vụ quản lí, bao gồm: thanh tra việc thực hiện thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép thay đổi mục đích sử dụng đất, xử lí các vị phạm pháp luật đất đai…
Thanh tra việc quản lí các quy hoạch sử dụng đất nhằm sử dụng đất hợp lí, có hiệu quả. Quy hoạch sử dụng đất đai đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt là công cụ pháp lí quan trọng để quản lý đất đai, theo dõi các biến động về đất đai và để xét duyệt các thủ tục cho người sử dụng đất.
Đối với người sử dụng đất, nội dung thanh tra được thể hiện trên các phương diện sau:
+ Thanh tra QSDĐ
QSDĐ hợp pháp là sử dụng đất khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Việc xác định một chủ thể nào đó có QSDĐ bao giờ cũng gắn liền với các yếu tố về diện tích, vị trí và loại đất. Khi tiến hành thanh tra phải chú ý tới nội dung đó. Ngoài ra còn thanh tra việc đăng kí và khai báo biến động về đất đai…
+ Thanh tra tình hình sử dụng đất, tức là thanh tra việc sử dụng đất có đúng với quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt và đúng mục đích đã ghi trong quyết định giao đất, cho thuê đất không?
Nếu chủ thể sử dụng đất vào mục đích phi nông nghiệp thì phải kiểm tra quá trình thực hiện dự án đầu tư với việc sử dụng và bố trí mặt bằng đã được duyệt, qua đó xem xét quá trình sử dụng đất có hợp lí hay không?
Đối với chủ thể sử dụng đất vào mục đích nông nghiệp thì phải xem xét các biện pháp canh tác trên đất, bảo vệ đất, cải tạo đất… Nghĩa là thanh tra việc thực hiện các nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Thanh tra tình hình sử dụng đất là nội dung quan trọng nhất đảm bảo cho đất đai được sử dụng hợp lí và có hiệu quả.
– Phương pháp thanh tra
Phương pháp thanh tra là cách thức cụ thể về nghiệp vụ được quy định một cách thống nhất nhằm đảm bảo thực hiện được mục đích, nhiệm vụ của thanh tra đối với các đối tượng quản lý và sử dụng đất đai.
Kết quả của công tác thanh tra phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó việc xây dựng kế hoạch thanh tra và chọn đề tài thanh tra chiếm vị trí đặc biệt quan trọng.
Kế hoạch thanh tra được xây dựng dựa vào phương hướng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý đất đai và hướng dẫn công tác thanh tra của cấp trên.
Nội dung của kế hoạch thanh tra gồm ba phần:
Phần thứ nhất: nhận định, đánh giá tình hình thực hiện chính sách chế độ, thể lệ về quản lí và sử dụng đất ở tất cả các ngành, các cấp.
Phần thứ hai: nêu nội dung những vấn đề cần thanh tra, phạm vi, đối tượng, địa điểm thanh tra, nhu cầu cán bộ và các điều kiện vật chất cần thiết khác.
Phần thứ ba: tổ chức, chỉ đạo thực hiện trên cơ sở kế hoạch thanh tra đã được xây dựng và căn cứ vào những vấn đề nổi cộm, những mâu thuẫn cần thiết phải được giải quyết ở từng nơi, từng thời điểm mà tiến hành chọn đề tài thanh tra.
Đề tài thanh tra là vấn đề điển hình nhất, nổi cộm nhất cần phải giải quyết về quản lí, sử dụng…). Giải quyết vấn đề đó sẽ giúp cho công tác quản lí và sử dụng đất đai đạt được hiệu quả mong muốn.
Ngược lại, nếu vấn đề không được tháo gỡ thì sẽ phát sinh những tiêu cực trong quản lý, sử dụng đất, trong việc chấp hành chính sách và pháp luật đất đai.
Ví dụ: Thanh tra vấn đề giao đất không đúng thẩm quyền, vấn đề thu hồi đất và bồi thường giải phóng mặt bằng, vấn đề chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp trái phép…
Tương tự thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành về đất đại cũng được tiến hành theo hai hình thức là thanh tra theo chương trình kế hoạch và thanh tra đột xuất.
Cho dù cuộc thanh tra đó được tiến hành theo hình thức nào thì cũng cần phải trải qua ba bước cơ bản sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị mục tiêu, lực lượng và địa bàn thanh tra.
Khi bố trí lực lượng thanh tra, cần phải căn cứ vào mục đích, nội dung của cuộc thanh tra mà thành lập đoàn thanh tra bao gồm những cán bộ có trình độ chuyên môn phù hợp.
Bước 2: Trực tiếp thanh tra.
Trọng tâm của bước này là thẩm tra, xác minh và kết luận từng vấn đề.
Đoàn thanh tra tiếp xúc với đối tượng thanh tra, thông báo cho đối tượng thanh tra biết kế hoạch thanh tra, yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo và cung cấp những tài liệu cần thiết. Đoàn thanh tra tiến hành xác minh tìm ra sự thật đúng, sai để làm căn cứ cho những kết luận nhất định.
Trên cơ sở thẩm tra sổ sách, giấy tờ, tài liệu, bản đồ và so sánh những tài liệu đó với hiện thực, đồng thời dựa vào chính sách, chế độ, thể lệ, những quy định của pháp luật để đi đến những kết luận, làm rõ mức độ, tìm ra những nguyên nhân khách quan và chủ quan của hiện tượng, sự việc.
Bước 3: Bước kết thúc. Vấn đề cơ bản của bước này là làm báo cáo về cuộc thanh tra và nêu những kiến nghị để giải quyết những vấn đề đã kết luận.
Báo cáo của cuộc thanh tra phải được thông qua cơ quan chủ trì cuộc thanh tra và đoàn thanh tra, sau đó thông qua đối tượng thanh tra để đối tượng đó có ý kiến về những kết luận của đoàn thanh tra.
Cuối cùng là lưu trữ hồ sơ thanh tra. Hồ sơ bao gồm: quyết định, báo cáo kết quả thanh tra, các văn bản, chứng từ khi thẩm tra, xác minh tài liệu, văn bản, bản đồ, sổ sách. Đó là những căn cứ pháp lí nhất định, có thể dùng để rút kinh nghiệm cho những cuộc thanh tra sau.