Buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật, được hiểu là hành vi áp dụng biện pháp kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đôi với người lao động, cán bộ, công chức không đúng với qui định của pháp luật.
Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật là gì?
“1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức;
b) Sa thải trái pháp luật đối với người lao động;
c) Cưỡng ép, đe dọa buộc công chức, viên chức, người lao động phải thôi việc.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
c) Đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
d) Làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.”
Tư vấn tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật
Thứ nhất: Yếu tố cấu thành tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật
Mặt khách quan: Mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu sau:
– Về hành vi. Có hành vi áp dụng biện pháp kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với người lao động hoặc đối với cán bộ, công chức trái với quy định của pháp luật lao động và Pháp lệnh về cán bộ, công chức.
– Theo quy định của pháp luật về lao động và pháp lệnh cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thì việc tiến hành kỷ luật người lao động, cán bộ, công chức phải tuân theo trình tự, thủ tục hết sức chặt chẽ. Việc không thực hiện đúng các quy định của pháp luật khi xử lý kỷ luật, được thể hiện dưới các hình thức sau:
+ Xử lý kỷ luật buộc thôi việc không bảo đảm trình tự thủ tục luật định (như không họp Hội đồng kỷ luật, không ra quyết định…)
+ Xử lý kỷ luật buộc thôi việc khi chưa đủ điều kiện để áp dụng hình thức kỷ luật là buộc thôi việc.
– Về hậu quả. Gây hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.
Ví dụ: Vì bị buộc thôi việc trái pháp luật nên ngưòi lao động đã uất ức tự tử…
Lưu ý:
+ Về dấu hiệu “hậu quả nghiêm trọng” của tội này đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể. Do vậy yếu tố này còn là kẽ hở trong việc áp dụng pháp luật, việc xác định, đánh giá thường do thái độ chủ quan suy diễn. Tuy nhiên theo chúng tôi, hậu quả nghiêm trọng được hiểu theo từng trường hợp cụ thể do người tiến hành tố tụng đánh giá như buộc thôi việc trái pháp luật dẫn đến người lao động và gia đình họ phải lâm vào tình trạng khốn khó, con cái phải nghỉ học, nhà đất phải bán để trả nợ, khiếu nại khắp nơi, gây bất công biểu tình chống đối của nhiều người lao động khác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng trật tự an toàn xã hội, hoặc làm cho người bị buộc thôi việc trái pháp luật rơi vào tình trạng cùng cực, phải tự sát, lâm vào bệnh hiểm nghèo…
Khách thể:
Hành vi nêu trên xâm phạm đến quyền được lao động, làm việc của công dân (được quy định trong Hiến pháp và Bộ luật lao động).
Mặt chủ quan:
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý và với động cơ vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.
Chủ thể của tội phạm này là người có chức vụ, quyền hạn trong việc xử lý kỷ luật người lao động, cán bộ, công chức (như Giám đốc doanh nghiệp, Giám đốc sở…)
Thứ hai: Về hình phạt tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật
Điều luật quy định một khung hình phạt duy nhất với mức hình phạt là phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. Được áp dụng trong trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan và chủ quan.