Làm sai lệch hồ sơ vụ án, được hiểu là hành vi của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án,.. người bảo vệ quyền lợi của đương sự mà thêm, bớt, sửa đổi, … các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ án.
Thế nào là tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc theo Bộ luật hình sự?
Điều 375. Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc
1. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng tài liệu, vật chứng của vụ án, vụ việc hoặc bằng thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch;
c) Gây thiệt hại từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội;
b) Làm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, đương sự tự sát;
c) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo đó:
Làm sai lệch hồ sơ vụ án, được hiểu là hành vi của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, nhân viên tư pháp khác, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự mà thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy, làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ án.
Bình luận về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc theo Bộ luật Hình sự
Thứ nhất: Các yếu tố cấu thành Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc
– Mặt khách quan
+ Có hành vi thêm (đưa thêm) các tài liệu vào hồ sơ vụ án, đưa thêm các vật chứng vào để xem xét cùng với các vật chứng khác (nếu có) trong vụ án.
+ Có hành vi bớt (rút bớt ra) các tài liệu trong hồ sơ vụ án, lấy bớt vật chứng đã được thu thập hợp pháp trong vụ án.
+ Có hành vi sửa đổi tài liệu, vật chứng. Được hiểu là việc sửa chữa (như tẩy xóa rồi viết hoặc đánh máy lại…) nội dung của tài liệu hoặc làm thay đổi hình dáng, kích thước, trọng lượng, tính chất, màu sắc, đặc điểm… của vật chứng so với ban đầu thu thập chúng.
+ Có hành vi đánh tráo tài liệu, vật chứng. Được hiểu là hành vi làm mất vĩnh viễn hay mất một phần giá trị chứng minh của tài liệu, vật chứng của vụ án.
+ Có hành vi hủy, làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng. Được hiểu là hành vi làm mất vĩnh viễn hay mất một phần giá trị chứng minh của tài liệu, vật chứng của vụ án.
+ Các thủ đoạn khác. Được hiểu là ngoài các hành vi nêu trên thì các hành vi khác được thực hiện bằng những cách thức, phương pháp khác nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Lưu ý:
Làm sai lệch hồ sơ vụ án. Được hiểu là làm cho nội dung của vụ án (hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế, hành chính không phản ánh đúng sự thật khách quan hoặc khác đi so với những tài liệu và chứng cứ đã được lập, thu thập (theo đúng thủ tục tố tụng) trước đó. Dẫn đến hậu quả là làm cho những đánh giá chứng cứ không chính xác và người có thẩm quyền trong tiến hành tố tụng có thể ra quyết định, phán quyết không chính xác.
Một đặc điểm cũng cần lưu ý là việc thực hiện các hành vi nêu ở trên thường là lén lút không đúng với quy định về thủ tục tố tụng. Điều này phân biệt với thu thập, bổ sung, bảo quản, củng cố các chứng cứ trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử nhằm làm rõ các vấn đề cần chứng minh của vụ án.
– Khách thể
Hành vi phạm tội đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan tiến hành tố tụng.
– Mặt chủ quan
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Mục đích nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.
– Chủ thể
Chủ thể của tội này là chủ thể đặc biệt, gồm các đối tượng sau: Điều tra viên, Kiểm sát viên, Hội thẩm nhân dân và các nhân viên tư pháp khác (như Thư ký Tòa án, nhân viên văn thư của các cơ quan điều tra, kiểm sát…có nhiệm vụ quản lý hồ sơ vụ án), người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự.
Thứ hai: Khung hình phạt Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc
Mức hình phạt đối với tội này được chia thành ba khung, cụ thể như sau:
– Khung một (khoản 1)
Có mức hình phạt là phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Được áp dụng trong các trường hợp có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản nêu ở mặt khách quan và chủ quan.
– Khung hai (khoản 2)
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
+ Có tổ chức;
+ Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch;
+ Gây thiệt hại từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
– Khung ba (khoản 3)
Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
+ Dẫn đến việc kết án oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội;
+ Làm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, đương sự tự sát;
+ Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.
– Hình phạt bổ sung (khoản 4)
Ngoài việc phải chịu một trong các hình phạt chính nêu trên người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.