Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ mất việc làm và đủ các điều kiện của pháp luật về hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ đã rất quen thuộc với đa phần người lao động, nhưng không phải mọi người đều biết đến tất cả các quy định về chế độ này. Vậy trợ cấp thất nghiệp là gì, hồ sơ và mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp được pháp luật quy định như thế nào? Quý vị hãy tham khảo bài viết sau đây của Luật LVN Group để hiểu rõ hơn.
Trợ cấp thất nghiệp là gì?
Trợ cấp thất nghiệp là khoản tiền mà người lao động được nhận từ quỹ bảo hiểm khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của Luật việc làm và các văn bản hướng dẫn, để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động cần phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
– Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trừ trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật hoặc chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng hưu trí, hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
– Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động có thời hạn và không xác định thời hạn; đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trong vòng 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng theo mùa vụ hoặc công việc nhất định có thời hạn từ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
– Người lao động đã nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Người lao động chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp trừ một số trường hợp.
Lưu ý: Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động phải tiến hành nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho cơ quan nhà nước, nếu quá thời hạn này, cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ từ chối hồ sơ.
Hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp
Bên cạnh việc hiểu Trợ cấp thất nghiệp là gì? Quý vị cần phải biết thành phần hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì hồ sơ xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
– Bản chính hoặc bản sao các giấy tờ, tài liệu có xác nhận về chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP;
– Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;
– Sổ bảo hiểm xã hội;
– Giấy tờ chứng minh nhân thân như thẻ thẻ căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân.
Mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp 2020
Theo nguyên tắc về bảo hiểm thất nghiệp, tại Khoản 3 Điều 41 Luật Việc làm năm 2013: Mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Về mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp, mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức lương bình quân tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc (Khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm).
Ví dụ: Anh A đủ điều kiện hưởng chế độ của bảo hiểm thất nghiệp, có mức lương bình quân 06 tháng liền kề làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là 5.000.000 đồng.
Mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp: 5.000.000 x 60% = 3.000.000
– Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện tiền lương do nhà nước quy định, mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp sẽ tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở.
– Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, mức hưởng sẽ không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng.
Trên đây là một số nội dung liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp thất nghiệp là gì? Mọi thắc mắc Quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài 1900.0191 để được giải đáp.