Người lao động không thông báo trước hoặc thông báo những không đủ thời gian theo quy định thì đều được xác định là tự ý bỏ việc, hay còn được hiểu là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật.
Việc tham gia bảo hiểm xã hội không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của người lao động khi làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có ký kết hợp đồng lao động. Hiện nay rất nhiều người lao động thắc mắc Tự ý nghỉ việc có được trả bảo hiểm không?Vì vậy, qua nội dung bài viết dưới đây hãy cùng nhau đi tìm hiểu vấn đề này.
Như thế nào là tự ý nghỉ việc?
Trước đó tại Bộ luật Lao động năm 2012 thì có quy định về 7 trường hợp người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, đó là:
– Không được sắp xếp, bố trí công việc, thời gian, địa điểm làm việc theo đúng thỏa thuận ban đầu;
– Công ty trả lương không đầy đủ hoặc không đúng thời hạn;
– Người lao động bị ngược đãi, quấy rối tình dục hay bị cưỡng bức;
– Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn khiến người lao động không thể tiếp tục làm việc;
– Được bầu, bổ nhiệm ở cơ qua dân cử, bộ máy nhà nước;
– Lao động nữ mang thai và phải nghỉ theo sự chỉ định của bác sĩ;
– Ốm đâu, tại nạn đã điều trị 90 ngày liên tục.
Tuy nhiên, đến Bộ luật lao động năm 2019 thì đã bỏ qua tất cả các trường hợp này, không xét đến các trường hợp lý do người lao động muốn nghỉ việc. Hay nói cách khác, với bất kì lý do gì dù là lý do chủ quan hay lý do khách quan thì người lao động đều có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn nhưng phải đảm bảo báo trước cho người sử dụng lao động trước một khoảng thời gian như sau:
– Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
– Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động có xác định thành thời từ 12 tháng đến 36 tháng;
– Ít nhất 3 ngày làm việc nếu là hợp đồng xác định thời hạn có thời gian làm việc dưới 12 tháng.
– Ngoài ra đối với một số ngành nghề mang tính đặc thù sẽ thời hạn báo trước sẽ được quy định riêng trong văn bản chuyên môn.
Như vậy, không cần xét đến lý do nghỉ việc, trường hợp chỉ cần người lao động nghỉ việc mà chưa thông báo trước cho người lao động theo thời gian được quy định trong Bộ luật Lao động thì đều xác định là hành vi tự ý nghỉ việc, trừ một số trường hợp nghỉ việc không cần báo trước theo khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019.
Hệ quả của việc tự ý nghỉ việc
Như đã phân tích ở phía trên, không cần xét đến lý do nghỉ việc, nếu người lao động không thông báo trước hoặc thông báo những không đủ thời gian theo quy định thì đều được xác định là tự ý bỏ việc, hay còn được hiểu là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật.
Theo đó, tại Điều 40 Bộ luật Lao động có liệt kê những hệ quả pháp lý mà người lao động phải phải gánh chịu nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật đó là:
– Không được hưởng trợ cấp thôi việc;
– Phải bồi thường cho công ty nửa tháng tiền lương theo thỏa thuận ghi nhận trên hợp đồng và một khoản tiền nữa tương ứng với tiền lương theo hợp đồng trong những ngày không báo trước;
– Phải tiến hành hoàn trả chi phí đào tạo cho công ty nếu trước đó đã được cử đi đào tạo, bao gồm các khoản chi phí cho người dạy, tài liệu học tập, máy móc, trang thiết bị, vật tư…
Tự ý nghỉ việc có được trả bảo hiểm không?
Theo Điều 40 thì trường hợp người lao động tự ý nghỉ việc chỉ phải gánh chịu 3 hệ quả pháp lý nêu trên mà không hề nhắc đến vấn đề sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Tức là, chỉ cần người lao động thực hiện xong các nghĩa vụ nêu trên đối với công ty thì công ty sẽ phải tiến hành các thủ tục liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng lao động, chốt sổ bảo hiểm xã hội và hoàn trả lại sổ bảo hiểm cho người lao động.
Ngoài ra, tại Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 thì việc trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động còn được xác định là trách nhiệm của người sử dụng lao động, cụ thể như sau:
“ 1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:
a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.”
Như vậy có thể thấy trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng thì công ty phải trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, trong một số trường hợp ngoại lệ thì có thể kéo dài đến 30 ngày.
Công ty không trả sổ bảo hiểm thì khiếu nại ở đâu?
Theo Điều 118 Luật Bảo hiểm xã hội quy định về khiến nại bảo hiểm xã hội như sau:
” 1. Người lao động, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và những người khác có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
2. Người sử dụng lao động có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”
Điều 119 Luật Bảo hiểm xã hội quy định về Trình tự giải quyết khiếu nại về bảo hiểm xã hội như sau:
” 1. Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi hành chính về bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
2. Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì người khiếu nại có quyền lựa chọn một trong hai hình thức sau đây:
a) Khiếu nại lần đầu đến cơ quan, người đã ra quyết định hoặc người có hành vi vi phạm. Trường hợp cơ quan, người có quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội bị khiếu nại không còn tồn tại thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện có trách nhiệm giải quyết;
b) Khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp người khiếu nại được quy định tại điểm a khoản 2 Điều này không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án hoặc khiếu nại đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án.
4. Thời hiệu khiếu nại, thời hạn giải quyết khiếu nại được áp dụng theo quy định của pháp luật về khiếu nại.”
Với nội dung bài viết phía trên, chúng tôi đã giải thích cho Quý khách về Tự ý nghỉ việc có được trả bảo hiểm không?Nếu còn gì thắc mắc về vấn đề này thì Qúy khách hãy liên hệ đến tổng đài 1900.0191 để được hỗ trợ trực tiếp.