Vai trò, ý nghĩa pháp luật trong bảo vệ môi trường 2023

Vai trò, ý nghĩa pháp luật trong bảo vệ môi trường như thế nào? Bài viết sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ vấn đề này.

Vai trò của pháp luật trong bảo vệ môi trường có vị trí đặc biệt quan trọng. Môi trường bị huỷ hoại chủ yếu là do sự phá hoại của con người. Chính con người trong quá trình khai thác các yếu tố của môi trường đã làm mất sự cân bằng sinh thái, gây ô nhiễm. Vì vậy, muốn bảo vệ môi trường trước hết phải tác động đến con người. Pháp luật với tư cách là hệ thống các quy phạm điều chỉnh hành vi xử sự của con người sẽ có tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ môi trường. Ý nghĩa của pháp luật trong bảo vệ môi trường thể hiện qua những khía cạnh sau: 

– Pháp luật quy định các quy tắc xử sự mà con người phải thực hiện khi khai thác và sử dụng các yếu tố của môi trường. Môi trường vừa là điều kiện sống vừa là đối tượng của sự tác động hàng ngày của con người. Sự tác động của con người làm biến đổi rất nhiều hiện trạng của môi trường theo chiều hướng làm suy thoái những yếu tố của nó. Con người đang đứng trước nguy cơ bị thiên nhiên trả thù. Chính vì lí do đó việc khai thác có định hướng, có tính đến sự cân bằng của môi sinh có tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ môi trường.

– Pháp luật quy định các chế tài hình sự, kinh tế, hành chính để buộc các cá nhân, tổ chức phải thực hiện đầy đủ các đòi hỏi của pháp luật trong việc khai thác và sử dụng các yếu tố của môi trường. Việc đưa ra các tiêu chuẩn để định hướng hành vi khai thác và sử dụng môi trường có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, không phải trong mọi tình huống các tiêu chuẩn này được tự giác tuân thủ và chấp hành. Sự vi phạm xảy ra thường xuyên hơn đối với những yếu tố môi trường mà ở đó có sự hiện diện mâu thuẫn giữa nhu cầu bức bách của cuộc sống và yêu cầu bảo vệ môi trường.

Chẳng hạn việc đóng cửa rừng theo quyết định của Chính phủ là quyết định đúng đắn và có ý nghĩa lớn đối với việc bảo vệ rừng đang bị suy thoái mạnh. Tuy nhiên, việc đóng cửa rừng, hạn chế xuất khẩu gỗ ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của một bộ phận dân chúng từ trước đến nay vẫn sống theo nghề khai thác và buôn bán gỗ. Hơn nữa, việc đóng cửa rừng chắc chắn sẽ đẩy giá gỗ lên cao nên việc buôn bán gỗ, nhất là buôn lậu mang lại lợi nhuận lớn. Điều này dễ dẫn đến những vi phạm liều lĩnh của nhiều cá nhân và tổ chức. Sự liên kết giữa lâm tặc với các cán bộ có chức quyền ở Ninh Thuận, Đắk Lắk, Phú Quốc… trong việc khai thác trái phép rừng đầu nguồn, rừng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên là một số ví dụ điển hình về sự liều lĩnh đó. 

Bằng các chế tài hình sự, hành chính, dân sự, pháp luật tác động tới những hành vi vi phạm. Các chế tài này hoặc cách ly những kẻ vi phạm nguy hiểm khỏi xã hội hoặc áp dụng những hậu quả vật chất, tinh thần đối với họ. Các chế tài hình sự, hành chính, dân sự được sử dụng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vừa có tác dụng ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật môi trường vừa có tác dụng giáo dục công dân tôn trọng pháp luật bảo vệ môi trường. 

Pháp luật quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường là công việc rất khó khăn và phức tạp. Nhiều yếu tố của môi trường có phạm vi rộng lớn, có kết cấu phức tạp nên việc bảo vệ chúng đòi hỏi phải có hệ thống các tổ chức thích hợp. Pháp luật có tác dụng rất lớn trong việc tạo ra cơ chế hoạt động hiệu quả cho các tổ chức bảo vệ môi trường. Cụ thể là thông qua pháp luật, Nhà nước quy định chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của các tổ chức trong việc bảo vệ môi trường. Chẳng hạn, Nhà nước bằng Luật bảo vệ và phát triển rừng quy định quyền hạn của tổ chức kiểm lâm trong việc bảo vệ rừng. Theo đó, các nhân viên kiểm lâm, hạt trưởng kiểm lâm, chi cục trưởng kiểm lâm… có quyền phạt hành chính đối với hành vi phá hoại rừng- một yếu tố hết sức quan trọng của môi trường. 

– Vai trò to lớn của pháp luật trong bảo vệ môi trường thể hiện ở việc ban hành các tiêu chuẩn môi trường. dụ: tiêu chuẩn về độ ồn, tiêu chuẩn về nước sạch, tiêu chuẩn về không khí. Các tiêu chuẩn này thực chất là những tiêu chuẩn kĩ thuật. Tuy nhiên, do được ban hành bằng các văn bản pháp lí nên chúng trở thành những tiêu chuẩn pháp lí, tức là những tiêu chuẩn mà các cá nhân, tổ chức trong xã hội phải tuân thủ nghiêm ngặt khi khai thác, sử dụng các yếu tố khác nhau của môi trường. Các tiêu chuẩn môi trường là cơ sở pháp lí cho việc xác định vi phạm pháp luật môi trường. Chúng là cơ sở cho việc truy cứu trách nhiệm đối với những hành vi phạm luật môi trường

– Một trong những biểu hiện rõ nét về vai trò bảo vệ môi trường của pháp luật là việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc bảo vệ môi trường. Trong quá trình khai thác các yếu tố khác nhau của môi trường, giữa các tổ chức, cá nhân có thể xảy ra những tranh chấp. Tranh chấp môi trường có thể xảy ra giữa cá nhân với nhau Song cũng có khi xảy ra giữa cá nhân với các doanh nghiệp hoặc các cơ quan nhà nước. Tranh chấp về môi trường là tranh chấp liên quan tới việc khai thác, sử dụng các yếu tố của môi trường. Chẳng hạn tranh chấp giữa Công ty bột ngọt VEDANS với các cư dân của tỉnh Đồng Nai sống xung quanh địa bàn của công ti này. 

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com