Nhằm giúp độc giả hiểu rõ hơn về cách tính lương hưu bài viết xin đưa ra ví dụ cách tính lương hưu bảo hiểm xã hội tự nguyện để bạn đọc có thể tham khảo và tìm hiểu.
Bảo hiểm xã hội là một trong những chính sách an sinh hữu ích đối với người dân. Trừ những trường hợp lao động đã được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì người dân có thể tự đóng bảo hiểm tự nguyện. Đây là chính sách nhân văn và có ý nghĩa đảm bảo người lao động tự do có thể có lương hưu khi về già.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?
Hiện nay theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội có giải thích về bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau: “3. Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất”.
Như vậy có thể thấy bảo hiểm xã hội tự nguyện là bảo hiểm mà người không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc có thể lựa chọn tham gia hoặc không tham gia. Khi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì đều có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người dân tham gia có thể hưởng chế độ khi đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia sẽ nhận được rất nhiều lợi ích. Trong đó phải kế tới lợi ích được hưởng lương hưu và chế độ tử tuất. Đặc biệt, nếu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bị chết thì người thân của người đó sẽ nhận được tiền
Điều kiện hưởng lương hưu của bảo hiểm xã hội tự nguyện
Căn cứ theo quy định tại Điều 73 Luật Bảo hiểm xã hội quy định như sau:
“Điều 73. Điều kiện hưởng lương hưu
1.Người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;
b) Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
2.Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu”.
Tuy nhiên năm 2019 Bộ luật lao động được sửa đổi. Theo căn cứ Điều 219 Bộ luật lao động năm 2019 quy định như sau:
“Điều 219. Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến lao động
1.Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 84/2015/QH13 và Luật số 35/2018/QH14:
… c) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 73 như sau:
“1. Người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động;
b) Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
2. Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu”.
Như vậy khi người lao động muốn được hưởng lương hưu thì cần phải đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ 20 năm trở lên và phải đáp ứng điều kiện về tuổi theo quy định của pháp luật. Theo đó, về độ tuổi, người lao động nghỉ hưu năm 2021, trong điều kiện bình thường phải đủ 60 tuổi 03 tháng với lao động nam, đủ 55 tuổi 04 tháng với lao động nữ. Trường hợp đã đủ điều kiện về tuổi theo quy định trên nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Cách tính lương hưu bảo hiểm xã hội tự nguyện
Khi người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khi đủ các điều kiện hưởng chế độ hưu trí sẽ được hưởng lương hưu theo công thức sau đây:
“Lương hưu = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện”.
Căn cứ theo quy định tại Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện được tính tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội. Tỷ lệ hưởng tối thiểu là 45% và tối đa là 75%. Cụ thể:
“1. Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018 mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 73 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 79 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội; sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 73 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 79 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.”
Trong đó, nếu người lao động nghỉ hưu từ năm 2021 thì:
+ Người lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nghỉ hưu từ 01 tháng 01 năm 2018 trở đi có đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội hưởng lương hưu với tỉ lệ 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội và mỗi năm tăng lên 3%, tối đa tỷ lệ hưởng bằng 75%.
+ Người lao động nam tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nghỉ hưu từ 01 tháng 01 năm 2021 có đủ 19 năm đóng bảo hiểm xã hội (từ 2022 trở đi là 20 năm đóng) hưởng lương hưu với tỷ lệ là 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội và mỗi năm tăng thêm 2%, tối đa bằng 75%.
Ví dụ cách tính lương hưu bảo hiểm xã hội tự nguyện
Để hình dung rõ hơn thì chúng tôi xin đưa ra ví dụ cách tính lương hưu bảo hiểm xã hội tự nguyện để bạn đọc có thể hình dung.
+ Ví dụ 1: Chị A tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đến tháng 02 năm 2021 chị đủ 55 tuổi 04 tháng và có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội với mức bình quân tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là 4.400.000 đồng.
Theo công thức tính lương hưu ở mục trên thì chị A được hưởng lương hưu bằng:
45% x 4.400.000 = 1.980.000 đồng/ tháng.
Như vậy, một tháng chị A sẽ nhận được 1. 980.000 đồng/ tháng tiền lương hưu. Ngoài ra, mỗi năm chị A sẽ được tăng thêm 3% mức hưởng. Cụ thể, năm 2022 mức tiền lương hưu của chị A sẽ tăng lên từ 1.980.000 đồng lên 2.112.00 đồng/ tháng và mức hưởng tối đa tiền lương hưu của chị A là 3.300.000 đồng/ tháng.
+ Ví dụ 2: Ông B tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đến tháng 02 năm 2041 ông B đủ 60 tuổi 03 tháng và có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội với mức bình quân tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là 5.000.000 đồng.
Theo công thức tính lương hưu ở mục trên thì chị A được hưởng lương hưu bằng:
45% x 5.000.000 = 2.250.000 đồng/ tháng
Như vậy, một tháng ông B sẽ nhận được 2.250.000 đồng/ tháng tiền lương hưu. Ngoài ra, mỗi năm ông B sẽ được tăng thêm 2% mức hưởng. Cụ thể, năm 2042 mức tiền lương hưu của ông B sẽ tăng lên từ 2.250.000 đồng lên 2.350.00 đồng/ tháng và mức hưởng tối đa tiền lương hưu của ông B là 3.750.000 đồng/ tháng.
Trong trường hợp Quý khách hàng có bất cứ thắc mắc gì về bài viết cũng như vấn đề có liên quan, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ thêm về vấn đề ví dụ cách tính lương hưu bảo hiểm xã hội tự nguyện.