Ban lãnh đạo và thành viên tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo Bộ luật lao động mới nhất 2023

Tại thời điểm đăng ký, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phải có số lượng tối thiểu thành viên là người lao động làm việc tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.

Quy định về Ban lãnh đạo và thành viên tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp 

1. Tại thời điểm đăng ký, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phải có số lượng tối thiểu thành viên là người lao động làm việc tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.

2. Ban lãnh đạo do thành viên của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bầu. Thành viên ban lãnh đạo là người lao động Việt Nam đang làm việc tại doanh nghiệp; không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích do phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, các tội xâm phạm sở hữu theo quy định của Bộ luật Hình sự. 

Tư vấn về Ban lãnh đạo và thành viên tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp 

Ban lãnh đạo và thành viên tổ chức của người lao động là một trong những quy định mới quan trọng của BLLĐ năm 2019. Đối với những quốc gia có quy định về điều kiện để một tổ chức đại diện người lao động hay công đoàn được đăng ký thì điều kiện về số lượng thành viên tối thiểu, điều kiện đối với người đứng đầu và thành viên ban lãnh đạo thường là một trong những điều kiện được pháp luật quy định. 

Quy định về số lượng thành viên tối thiểu để tổ chức của người lao động được cấp đăng ký là một trong những quy định quan trọng và nhạy cảm trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do liên kết của người lao động. Việc quy định số lượng tối thiểu này quá cao sẽ dẫn đến hạn chế quyền thành lập, gia nhập tổ chức của người lao động.

Theo tiêu chuẩn của ILO về tự do liên kết: “Các yêu cầu về số lượng đoàn viên tối thiểu, bản thân nó, là không trái với Công ước số 87, song con số tối thiểu cụ thể phải được ấn định một cách hợp lý sao cho việc thành lập các tổ chức không bị cản trở. Việc xác định con số cụ thể nào là hợp lý có thể khác nhau ở mỗi nơi, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể mà ở đó sự giới hạn được đưa ra. Điều này không có nghĩa là các quốc gia hoàn toàn có quyền dựa vào điều kiện cụ thể của mình để quy định về số lượng thành viên tối thiểu để tổ chức của người lao động được đăng ký.

Ở một nước mà đa số các doanh nghiệp là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ thì quy định của pháp luật về số lượng thành viên tối thiểu để được thành lập tổ chức của người lao động phải thấp để bảo đảm quyền tự do liên kết của những người lao động làm việc ở những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Số lượng tối thiểu này thường được quy định là con số tuyệt đối chứ không phải con số tương đối là tỷ lệ trên tổng số lao động của doanh nghiệp hay địa bàn mà tổ chức của người lao động được thành lập. 

Theo ILO, “Yêu cầu tối thiểu phải có đoàn viên chiếm 30% người lao động của đơn vị tương ứng để thành lập một công đoàn là quá cao”. “Các điều khoản quy định yêu cầu phải có đoàn viên chiếm 30% tổng số người lao động của đơn vị sử dụng lao động để có thể đăng ký công đoàn, và cho phép giải thể công đoàn nếu số lượng đoàn viên giảm xuống thấp hơn mức tối thiểu đó, là trái với Điều 2 của Công ước số 87”3. “Yêu cầu của pháp luật phải có tối thiểu 20 đoàn viên để thành lập một công đoàn không phải là một yêu cầu quá đáng, và do đó, bản thân nó không tạo nên sự cản trở đối với việc thành lập công đoàn”3. 

Khoản 1 Điều 173 BLLĐ năm 2019 không quy định cụ thể tổ chức của người lao động phải có số lượng thành viên tối thiểu là bao nhiêu mới được đăng ký mà chỉ đưa ra nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết. Ngoài việc bảo đảm phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế như đã trình bày ở trên, quy định của Chính phủ về số lượng thành viên tối thiểu để tổ chức của người lao động được cấp đăng ký còn phải bảo đảm sự hài hòa với quy định hiện hành về số lượng đoàn viên tối thiểu để thành lập công đoàn cơ sở là 05 đoàn viên. 

Khoản 2 Điều 173 quy định có tính định nghĩa về ban lãnh đạo và điều kiện đối với thành viên ban lãnh đạo tổ chức của người lao động. Theo đó, ban lãnh đạo do thành viên của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bầu.

BLLĐ năm 2019 không có quy định về tổ chức nội bộ của tổ chức của người lao động vì đây là vấn đề thuộc quyền tự chủ, tự quản của chính tổ chức của người lao động theo đúng tinh thần của các tiêu chuẩn quốc tế về quyền tự do liên kết. Vấn đề tổ chức nội bộ của tổ chức của người lao động sẽ do chính tổ chức quyết định, song chỉ những người do thành viên tổ chức của người lao động bầu thì mới được Bộ luật ghi nhận là thành viên của ban lãnh đạo tổ chức, những người do tổ chức chỉ định, bổ nhiệm mà không do thành viên tổ chức bầu thì không được ghi nhận là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức. 

Về điều kiện, khoản 2 Điều 173 BLLĐ năm 2019 quy định thành viên ban lãnh đạo tổ chức của người lao động phải đáp ứng đủ ba điều kiện, bao gồm: (i) Là người lao động Việt Nam; (ii) Đang làm việc tại doanh nghiệp nơi tổ chức của người lao động được thành lập; (iii) Không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích do phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyển tự do, dân chủ của công dân, các tội xâm phạm sở hữu theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Đây cũng là một trong những quy định mới của BLLĐ năm 2019 được đánh giá là phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và quá trình chuyển đổi quan hệ lao động của Việt Nam từ một hệ thống đại diện sang đa tổ chức đại diện; đồng thời, phù hợp với các tiêu chuẩn về tự do liên kết ở mức độ chấp nhận được theo các cam kết quốc tế của Việt Nam. 

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com