Thất nghiệp có thể hiểu là tình trạng phát sinh khi “tổng cung về lao động của những người lao động muốn làm việc với mức tiền lương danh nghĩa tại một thời điểm lớn hơn khối lượng việc làm hiện có”.
Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chế độ được nhiều người hiện nay quan tâm. Vậy Bảo hiểm thất nghiệp là gì?
Khái niệm chung về bảo hiểm thất nghiệp
Khái niệm người thất nghiệp
Thất nghiệp là hiện tượng kinh tế xã hội tồn tại ở hầu hết các quốc gia khi phát triển theo mô hình kinh tế thị trường.
Theo quan điểm của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) thất nghiệp là tình trạng một số người trong lực lượng lao động muốn làm việc nhưng không thể tìm được việc làm ở mức tiền công đang thực hiện.
Như vậy, thất nghiệp có thể hiểu là tình trạng phát sinh khi “tổng cung về lao động của những người lao động muốn làm việc với mức tiền lương danh nghĩa tại một thời điểm lớn hơn khối lượng việc làm hiện có”.
Trên cơ sở quan điểm nêu trên về thất nghiệp. Văn phòng lao động quốc tế (BIT) đã đưa ra khái niệm về người thất nghiệp như sau: người thất nghiệp là người trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động nhưng không có việc làm. Họ có thể là người chưa có việc làm hoặc có việc làm nhưng đã thôi việc và đang cần tìm việc làm có thu nhập.
Nếu “thất nghiệp” là một hiện tượng xã hội, chỉ trạng thái chung của những người không có việc làm thì “người thất nghiệp” dùng để chỉ các cá nhân đang trong tình trạng đi tìm việc làm và đảm bảo một số tiêu chí khác (như trong độ tuổi lao động, có khả năng làm việc ngay…).
Việc xác định các tiêu chí để được coi là “người thất nghiệp” ở các quốc gia có thể không giống nhau. Cộng hoà liên bang Đức quan niệm người thất nghiệp là người lao động tạm thời không có quan hệ lao động hoặc chỉ thực hiện công việc ngắn hạn.
Cộng hoà Pháp cho rằng người thất nghiệp là người có đủ điều kiện để làm việc nhưng không có việc làm và đang tìm việc.
Nhật Bản quan niệm người thất nghiệp là người không có việc làm trong tuần lễ điều tra thất nghiệp, có khả năng làm việc, đang tích cực tìm việc làm hoặc chờ kết quả xin việc làm..
Nhìn chung, dù còn chưa hoàn toàn thống nhất quan điểm về người thất nghiệp nhưng đa số các quốc gia đều cho rằng để được coi là người thất nghiệp phải đảm bảo ít nhất những tiêu chí sau đây:
– Có khả năng lao động;
– Không có việc làm;
– Đang tích cực tìm kiếm việc làm.
Ngoài ra, để phù hợp với cơ chế quản lý nguồn lao động của từng quốc gia, thực hiện việc chi trả chế độ bảo hiểm thất nghiệp, khuyến khích người lao động chủ động tìm kiếm việc làm, các nước có thể đưa ra các điều kiện bổ sung để được công nhận là người thất nghiệp như:
– Đã đăng ký tìm việc làm ở cơ quan quản lý lao động.
– Không có nguồn thu nhập dưới dạng tiền hưu trí, tiền mất sức lao động hay các nguồn thu nhập khác do người sử dụng lao động trả.
– Giới hạn về độ tuổi.
– Sẵn sàng làm việc theo sự giới thiệu của cơ quan lao động dưới mọi hình thức (việc làm công cộng, việc làm tạm thời, việc làm phù hợp hoặc không phù hợp với chuyên môn…).
Do đặc điểm xã hội và chính sách kinh tế của từng quốc gia, khái niệm “người thất nghiệp có thể được mở rộng hoặc thu hẹp.
Ngay tại một quốc gia, trong từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội cũng có thể đưa ra các khái niệm rộng hẹp về người thất nghiệp.
Ví dụ, tại Vương quốc Anh, trong vòng 20 năm, khái niệm người thất nghiệp được thay đổi tới 32 lần.
Trong quá trình nghiên cứu mô hình chính sách để thực hiện bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam, tiến tới ban hành các văn bản pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, đa số các ý kiến đều thống nhất với khái niệm sau: “Người thất nghiệp là người trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động, trong khoảng thời gian xác định không có việc lành, đang tìm việc làn, đã đăng ký thất nghiệp theo quy định”.
Như vậy, một cá nhân được coi là người thất nghiệp khi đảm bảo các điều kiện sau đây:
– Là người trong độ tuổi lao động. Theo quy định hiện hành của pháp luật lao động Việt Nam, độ tuổi lao động tối thiểu là đủ 15 tuổi và tối đa là đủ 60 tuổi (đối với nam), 55 tuổi (đối với nữ).
– Có khả năng lao động: Được hiểu là khả năng của người lao động bằng hành vi của mình, có thể thực hiện các công việc phù hợp với thể lực và trí lực.
– Trong khoảng thời gian được xác định hưởng bảo hiểm thất nghiệp là người không có việc làm. Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật lao động, việc làm là mọi hoạt động tạo ra nguồn thu nhập, không bị pháp luật cấm.
Vì vậy, tình trạng không có việc làm của những người thất nghiệp được hiểu là họ không có các nguồn thu nhập dưới dạng tiền lương do không tham gia các quan hệ lao động.
– Đang tích cực tìm việc làm. Đây là điều kiện quan trọng để phân biệt người thất nghiệp và người không có việc làm. Khái niệm “người không có việc làm” bao gồm:
+ Những người không có việc làm nhưng không muốn làm việc và do đó không tích cực tìm kiếm việc làm;
+ Những người không có việc làm, đang tích cực tìm kiếm việc làm và sẵn sàng đi làm khi được giới thiệu. Chỉ những người thuộc nhóm này mới được coi là người thất nghiệp thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
– Đã đăng ký thất nghiệp. Thông thường ở các quốc gia phát triển, việc đăng ký thất nghiệp được tiến hành tại các cơ quan giới thiệu việc làm và được đặt dưới sự quản lý trực tiếp của các cơ quan lao động từ trung ương đến địa phương.
Việc đăng ký thất nghiệp không những giúp các cơ quan chức năng chủ động tìm kiếm và giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp mà còn giúp Nhà nước thống kê số lượng người thất nghiệp để có sự điều chỉnh kịp thời đối với chính sách thất nghiệp.
Tại Việt Nam hiện nay, thị trường lao động vận hành chưa đồng bộ, mạng lưới đăng ký, dịch vụ việc làm chưa được tổ chức tốt, người lao động chủ yếu tự tìm kiếm việc làm là chính.
Do đó, nếu luật pháp quy định “người thất nghiệp phải đăng ký thất nghiệp” thì có thể số người đến đăng ký thất nghiệp sẽ ít hơn số người thất nghiệp trong thực tế.
Nhưng để thực hiện tốt việc quản lý, giới thiệu việc làm và chi trả trợ cấp thất nghiệp, tiêu thức “đã đăng ký thất nghiệp” vẫn cần được đề cập trong khái niệm người thất nghiệp.
Việc xác định khái niệm người thất nghiệp là vấn đề rất quan trọng vì liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất là vấn đề xác định phạm vi, đối tượng điều chỉnh của chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Trong từng thời kỳ, phụ thuộc vào chủ trương mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của chế độ bảo hiểm thất nghiệp, Nhà nước nên cân nhắc kỹ những đối tượng cụ thể được quyền tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Khái niệm chế độ bảo hiểm thất nghiệp
Để giải quyết tình trạng thất nghiệp, nhiều biện pháp đã được thực hiện nhằm trợ giúp kịp thời cho những người thất nghiệp trong thời gian chưa tìm được việc làm và tạo cơ hội cho họ học nghề, tìm kiếm công việc mới.
Một trong số các biện pháp đó là xây dựng và thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Cho đến nay đã có khoảng gần 70 quốc gia thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp như Anh (bắt đầu thực hiện năm 1911), Mỹ (1935), Italia (1937), Pháp (1958), Trung Quốc (1986)…
Dưới góc độ kinh tế xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được hiểu là giải pháp nhằm khắc phục hậu quả của tình trạng thất nghiệp, giúp người thất nghiệp tạm thời đảm bảo cuộc sống và tìm kiếm việc làm thông qua việc tạo lập và sử dụng một quỹ tiền tệ tập trung.
Quỹ này được hình thành do sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động, có sự hỗ trợ của Nhà nước, được sử dụng để trả trợ cấp cho người thất nghiệp, cũng như tiến hành các biện pháp nhằm nhanh chóng giúp người thất nghiệp có được việc làm mới.
Khoản tiền trợ giúp trích từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo cuộc sống cho người lao động trong thời gian mất việc làm được gọi là trợ cấp thất nghiệp.
Về mặt bản chất, tiền trợ cấp thất nghiệp được coi là hình thức bù đắp một phần sự mất mát thu nhập do hậu quả của tình trạng thất nghiệp và giúp người thất nghiệp học nghề, tìm kiếm việc làm mới.
Dưới góc độ pháp lý, chế độ bảo hiểm thất nghiệp là tổng thể các quy phạm pháp luật quy định việc đóng góp và sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp, chi trả trợ cấp thất nghiệp để bù đắp thu nhập cho người lao động bị mất việc làm và thực hiện các biện pháp đưa người thất nghiệp trở lại làm việc.
Như vậy, có thể hiểu trợ cấp thất nghiệp là một trong các chế độ của bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ người lao động khi bị mất việc làm trên cơ sở đóng góp trước đó của người lao động vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạnh đó, bảo hiểm thất nghiệp còn thực hiện các biện pháp khác để hỗ trợ người lao động tìm kiếm các cơ hội việc làm mới để tiếp tục tham gia thị trường lao động.
Bảo hiểm thất nghiệp được hiểu là một chế độ trong hệ thống các chế độ bảo hiểm xã hội, có mục đích hỗ trợ thu nhập cho người lao động bị mất thu nhập do thất nghiệp.
Việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ một phần thu nhập cho người lao động bị mất việc làm, giúp họ có điều kiện học nghề, tạo cơ hội để người lao động tiếp tục tham gia thị trường lao động. Cùng với các chế độ bảo hiểm xã hội khác, chế độ bảo hiểm thất nghiệp đã góp phần hoàn thiện và nâng cao khả năng bảo vệ người lao động của hệ thống pháp luật về bảo hiểm xã hội.
– Hiện 69/153 quốc gia có hệ thống bảo hiểm xã hội đã ban hành và thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, quan điểm của các nước về vị trí của chế độ bảo hiểm thất nghiệp trong hệ thống pháp luật quốc gia không hoàn toàn giống nhau.
Đa số các nước cho rằng bảo hiểm thất nghiệp là một bộ phận của hệ thống bảo hiểm xã hội và được quy định trong Luật bảo hiểm xã hội của quốc gia (Anh, Mỹ, Canada, Thụy Điển…).
Một số ít các quốc gia (như Ba Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…) xuất phát từ quan điểm không coi bảo hiểm thất nghiệp là biện pháp giải quyết hậu quả thất nghiệp một cách bị động, nhấn mạnh vai trò chủ động của bảo hiểm thất nghiệp trong việc thúc đẩy sự chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, giảm thất nghiệp, tìm và tạo việc làm cho người lao động… đã ban hành luật về việc làm, trong đó có quy định về trợ cấp thất nghiệp.
Tại các nước này, quy định về bảo hiểm thất nghiệp không thuộc hệ thống pháp luật về bảo hiểm xã hội mà là một chế định trong hệ thống pháp luật về việc làm.
Để phù hợp với các quy định của ILO, đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật lao động, theo pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành ở Việt Nam, bảo hiểm thất nghiệp được coi là một chế độ của bảo hiểm xã hội.
Giống như các chế độ bảo hiểm xã hội khác, bảo hiểm thất nghiệp cũng xuất phát từ quan hệ lao động, có mục đích bù đắp thu nhập của người lao động. Bên cạnh đó, bảo hiểm thất nghiệp còn có một số điểm riêng như sau:
Thứ nhất, việc thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp luôn được gắn với vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động. Bảo hiểm thất nghiệp do đó vừa có chức năng hỗ trợ khó khăn cho người thất nghiệp khi tạm thời mất thu nhập vừa có chức năng xúc tiến những hoạt động tìm kiếm và tạo việc làm cho người thất nghiệp.
Thứ hai, bảo hiểm thất nghiệp không chỉ thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp mà còn thực hiện các biện pháp khác để đưa người lao động trở lại thị trường lao động.
Cụ thể như biện pháp hỗ trợ học nghề, tìm kiếm việc làm, đóng góp bảo hiểm y tế cho người lao động trong thời gian bị thất nghiệp.
Do đó, cơ quan thực hiện bảo hiểm thất nghiệp vừa có trách nhiệm nhận đăng ký thất nghiệp, kiểm tra các điều kiện của người lao động trước khi trả trợ cấp thất nghiệp, vừa phải kịp thời nắm bắt các thông tin về thị trường lao động để giới thiệu việc làm, đào tạo nghề phù hợp cho người thất nghiệp.
Đây là điểm khác biệt của hoạt động quản lý bảo hiểm thất nghiệp so với các loại hình bảo hiểm xã hội khác. Đồng thời, vấn đề này cũng tạo nên những quan điểm không thống nhất về việc nên giao cho cơ quan nào trách nhiệm quản lý hoạt động bảo hiểm thất nghiệp.
Có ý kiến cho rằng nên giao cho cơ quan bảo hiểm xã hội thống nhất quản lý các chế độ bảo hiểm xã hội (trong đó có bảo hiểm thất nghiệp). Nhưng cũng có những ý kiến khác cho rằng nên giao cho cơ quan quản lý lao động các cấp quản lý để chủ động thực hiện chức năng đăng ký thất nghiệp, chi trả trợ cấp thất nghiệp, cũng như tiến hành các hoạt động tìm kiếm và giới thiệu việc làm.
Như vậy, khác với các cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội thông thường chỉ thực hiện chức năng thu chi bảo hiểm xã hội, các cơ quan quản lý bảo hiểm thất nghiệp còn phải tiến hành các hoạt động nghiệp vụ nhằm giải quyết việc làm, bên cạnh các nghiệp vụ bảo hiểm xã hội thuần tuý.
Thứ ba, đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm thất nghiệp là những người trong độ tuổi lao động, có sức lao động nhưng bị mất việc làm, tạm thời không có thu nhập và sẵn sàng trở lại làm việc.
Như vậy, đối tượng hưởng bảo hiểm thất nghiệp là những người lao động bị chấm dứt quan hệ lao động một cách không tự nguyện (nằm ngoài ý chí chủ quan của họ) và vẫn có khả năng lao động.
Còn đối tượng của các chế độ bảo hiểm xã hội khác là những người lao động vẫn đang tồn tại quan hệ lao động (chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản); hoặc chấm dứt quan hệ lao động do không có khả năng tiếp tục làm việc (hưu trí, tử tuất).
Thứ tư, việc thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp rất phức tạp và khó quản lý. Quy mô và tỷ lệ thất nghiệp không thể dự đoán chính xác, gây khó khăn rất lớn trong việc hạch toán và cân đối thu – chi của quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Hoạt động của bảo hiểm thất nghiệp lại có mối liên quan mật thiết với hệ thống đào tạo nghề, các trung tâm giới thiệu việc làm và chương trình quốc gia về việc làm nên đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý bảo hiểm thất nghiệp với các cơ quan chức năng khác trong lĩnh vực lao động việc làm.
Bảo hiểm thất nghiệp không chỉ bó hẹp trong việc thực hiện các nghiệp vụ bảo hiểm xã hội thuần tuý mà còn phải giúp người lao động tìm kiếm và tạo việc làm.
Đây là hai chức năng cơ bản của bảo hiểm thất nghiệp và cũng là điểm khác biệt cơ bản của bảo hiểm thất nghiệp so với các chế độ bảo hiểm xã hội khác.
Thứ năm, việc xác định điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp khó khăn hơn so với các chế độ bảo hiểm xã hội khác.
Sở dĩ như vậy vì ranh giới để phân định giữa có việc làm và không có việc làm, giữa có thu nhập và không có thu nhập không rõ ràng, khó xác định và kiểm tra trong thực tế. Vì vậy, việc xác định đúng các đối tượng đủ điều kiện để chi trả trợ cấp thất nghiệp trong thực tế gặp nhiều khó khăn.
Là một trong các chế độ của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cũng có những điểm chung giống với các chế độ bảo hiểm khác. Nhưng vẫn có những đặc điểm riêng cần lưu ý trong quá trình xây dựng và thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp nhằm vừa đảm bảo ý nghĩa của bảo hiểm thất nghiệp vừa tạo sự thống nhất trong hệ thống bảo hiểm xã hội nói chung.
Vai trò của bảo hiểm thất nghiệp
Cùng với các chế độ bảo hiểm xã hội khác, bảo hiểm thất nghiệp đã góp phần tạo “lưới an toàn” chung giúp đỡ và bảo vệ người lao động khi gặp khó khăn trong quan hệ lao động.
Vai trò của bảo hiểm thất nghiệp không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo cuộc sống cho người thất nghiệp, tạo cơ hội cho họ quay lại làm việc mà còn góp phần tạo sự ổn định chung cho xã hội, giúp cho kinh tế phát triển bền vững.
Đối với người lao động, bảo hiểm thất nghiệp vừa giúp đỡ họ ổn định cuộc sống khi bị mất việc làm thông qua việc trả trợ cấp thất nghiệp vừa tạo cơ hội để họ có thể tiếp tục tham gia thị trường lao động. Bảo hiểm thất nghiệp vừa giữ vai trò là biện pháp giải quyết thất nghiệp vừa là chính sách xã hội được thực hiện nhằm bảo vệ người lao động, tạo ra chỗ dựa về vật chất và tinh thần cho người lao động khi lâm vào tình trạng mất việc làm.
Việc thừa nhận sức lao động là hàng hoá trong nền kinh tế thị trường một mặt thúc đẩy sự phát triển năng động của thị trường lao động, mặt khác cũng tạo ra hậu quả là tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, giá cả sức lao động bị hạ thấp do ảnh hưởng của cung, cầu trên thị trường lao động.
Trong điều kiện cạnh tranh khắc nghiệt, số lượng các doanh nghiệp bị giải thể hoặc phá sản cũng tăng lên, kéo theo là tình trạng mất việc làm của hàng loạt người lao động.
Do đó, chế độ bảo hiểm thất nghiệp được coi là “lưới an toàn” để bảo vệ người lao động trong cơ chế thị trường, hạn chế những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đến đời sống của người lao động và góp phần bảo vệ người lao động một cách toàn diện.
– Đối với người sử dụng lao động, nhờ có chế độ bảo hiểm thất nghiệp nên khi những người lao động tại doanh nghiệp bị mất việc làm, họ không phải bỏ ra một khoản chi lớn để giải quyết chế độ cho người lao động.
Nhờ vậy, gánh nặng tài chính của doanh nghiệp được san sẻ, đặc biệt trong những thời kỳ khó khăn, buộc phải thu hẹp sản xuất, nhiều người lao động thất nghiệp.
Hơn nữa, khi đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và biết rõ quyền được trợ cấp thất nghiệp, người lao động sẽ yên tâm làm việc, tạo ra năng suất và chất lượng cao trong quá trình sản xuất. Điều này góp phần tăng lợi nhuận và hiệu quả sử dụng sức lao động.
Đối với nhà nước, bất kỳ quốc gia nào cũng tồn tại tỷ lệ người thất nghiệp nhất định, do đó giải quyết thất nghiệp luôn là vấn đề quan trọng trong chính sách xã hội của nhà nước.
Nhờ có bảo hiểm thất nghiệp, ngân sách nhà nước sẽ giảm bớt chi phí khi nạn thất nghiệp gia tăng trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, tạo sự chủ động về tài chính cho nhà nước. Nhờ được hỗ trợ khó khăn khi mất việc làm, quan hệ giữa người lao động với doanh nghiệp và nhà nước bớt căng thẳng, các cuộc bãi công, biểu tình cũng được hạn chế.
Nhà nước nhờ đó giảm bớt các mối lo đối phó với sự bất ổn gia tăng về chính trị, xã hội. Các tệ nạn xã hội và tình trạng phạm tội do thất nghiệp cũng được hạn chế ở một mức độ nhất định.
Đối với những nước phát triển theo cơ chế kinh tế thị trường, chế độ bảo hiểm thất nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định nền kinh tế, hạn chế những tác động tiêu cực được coi là “mặt trái” của kinh tế thị trường.
Dưới tác động của các quy luật khách quan, do sự dịch chuyển và biến động không ngừng của thị trường lao động, thất nghiệp đã trở thành tình trạng phổ biến của mọi quốc gia theo mô hình kinh tế thị trường.
Vì vậy, thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp chính là biện pháp hiệu quả để giải quyết nạn thất nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Hệ thống bảo hiểm thất nghiệp với các quy định về trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ tìm kiếm việc làm là sự đảm bảo cần thiết cho người lao động có cuộc sống bình thường khi bị thất việc làm, tránh những tác động xấu của kinh tế thị trường và bảo vệ những giá trị tiến bộ xã hội.