Khi tranh chấp lao động đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn theo quy định của Bộ luật này thì không bên nào được hành động đơn phương chống lại bên kia.
Quy định về cấm hành động đơn phương trong khi tranh chấp lao động đang được giải quyết
Bình luận về cấm hành động đơn phương trong khi tranh chấp lao động đang được giải quyết
Quy định về việc cấm hành động đơn phương trong khi tranh chấp lao động đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết nhằm mục đích bảo đảm việc tôn trọng, nghiêm túc thực hiện trình tự, thủ tục về giải quyết tranh chấp lao động đã được BLLĐ quy định. So với quy định tại Điều 208 BLLĐ năm 2012 thì nội dung tại Điều 186 BLLĐ năm 2019 đã mở rộng hơn.
Theo đó, BLLĐ năm 2012 chỉ cấm chung các hành động đơn phương khi tranh chấp lao động tập thể đang được giải quyết vì từ thực tiễn cho rằng phần đông người lao động Việt Nam và một bộ phận không nhỏ người sử dụng lao động chưa ý thức rõ về việc tuân thủ pháp luật lao động, cũng như tính đúng đắn của việc duy trì quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định.
Quy định tại BLLĐ năm 2019 đã được thể hiện lại theo hướng cấm các hành động đơn phương trong khi giải quyết tranh chấp lao động n chung, với thực tiễn cho rằng việc một trong các bên có hành động đơn phương chống lại bên kia sẽ gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của bên còn lại trong quan hệ lao động khi mà vụ việc tranh chấp lao động đang được xem xét, giải quyết. Và điều này sẽ phá vỡ các quy tắc xử sự chung, làm cho việc giải quyết tranh chấp lao động của các chủ thể có thẩm quyền không còn ý nghĩa trên thực tế.
Tuy nhiên, quy định này cần được hướng dẫn cụ thể trong văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành của BLLĐ, nếu không có thể sẽ gây cản trở lớn trong việc áp dụng việc cấm này trên thực tế, cũng như càng dễ dàng bị lợi dụng để từ đó xuất hiện những hành vi xâm hại đến quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ lao động, như hành động “ngừng việc” trong khi tranh chấp lao động tập thể đang được xem xét…