CMND có giá trị sử dụng 15 năm. Mỗi công dân Việt Nam chỉ được cấp một CMND và có một số CMND riêng. Nếu có sự thay đổi hoặc bị mất CMND thì được làm thủ tục đổi, cấp lại một giấy CMND khác nhưng số ghi trên CMND vẫn giữ đúng theo số ghi trên CMND đã cấp.
Hiện nay, việc cấp căn cước công dân với số định danh cá nhân 12 số đã phổ biến rộng khắp cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những trường hợp đã được cấp căn cước công dân, không ít những trường hợp chưa được cấp căn cước nên vẫn sử dụng chứng minh nhân dân cũ 9 số; hoặc chưa bị thu hồi chứng minh nhân dân cũ nên có cả chứng minh nhân dân và căn cước công dân. Vậy Chứng minh nhân dân 9 số được sử dụng đến khi nào? Bài viết sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ:
Thời hạn chứng minh nhân dân 9 số?
Theo điểm 4 mục I Thông tư số 04/1999/TT-BCA ngày 29 tháng 4 năm 1999 của Bộ Công an Hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 3 tháng 2 năm 1999 của Chính phủ về chứng minh nhân dân thì:
Như vậy, chứng minh nhân dân có giá trị sử dụng 15 năm từ ngày cấp theo Điều 5 Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 3 tháng 2 năm 1999 của Chính phủ về chứng minh nhân dân:
Lưu ý về các trường hợp cấp đổi, cấp lại chứng minh nhân dân:
1- Những trường hợp sau đây phải làm thủ tục đổi Chứng minh nhân dân :
a) Chứng minh nhân dân hết thời hạn sử dụng;
b) Chứng minh nhân dân hư hỏng không sử dụng được;
c) Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;
d) Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
e) Thay đổi đặc điểm nhận dạng.
2- Trường hợp bị mất Chứng minh nhân dân thì phải làm thủ tục cấp lại.
Chứng minh nhân dân 9 số được sử dụng đến khi nào?
Điều 38 Luật Căn cước công dân hiện hành quy định về Hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp như sau:
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
2. Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.
3. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.
Các loại biểu mẫu đã phát hành có quy định sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2019.
4. Địa phương chưa có điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và người quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để triển khai thi hành theo Luật này thì công tác quản lý công dân vẫn thực hiện theo các quy định của pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực; chậm nhất từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 phải thực hiện thống nhất theo quy định của Luật này.
5. Chính phủ quy định cụ thể việc thực hiện Luật này trong thời gian chuyển tiếp từ khi Luật này có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2019.
Theo quy định này, chứng minh nhân dân 9 số vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định (15 năm kể từ ngày cấp). Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, Quý vị cần lưu ý, nếu đã làm thủ tục cấp căn cước công dân, căn cước công dân là giấy tờ có giá trị thay thế cho chứng minh nhân dân, chứng minh nhân dân không còn giá trị đảm bảo 15 năm kể từ ngày cấp bởi theo đúng quy định pháp luật, các trường hợp làm chuyển từ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân, tùy vào thời điểm thực hiện và tình trạng chứng minh nhân dân, có thể bị cắt góc hoặc thu hồi chứng minh nhân dân.
Trước 1/7/2021, theo Thông tư 07/2016/TT-BCA (sửa đổi tại khoản 4 Điều 1 Thông tư 40/2019/TT-BCA) quy định khi công dân làm thủ tục chuyển từ CMND 9 số, 12 số sang thẻ CCCD thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ tiến hành như sau:
– Đối với Chứng minh nhân dân 9 số:
+ Trường hợp CMND 9 số còn rõ nét (ảnh, số CMND và chữ) thì cấp giấy hẹn trả CCCD cùng CMND chưa cắt góc cho công dân đến làm thủ tục để sử dụng trong thời gian chờ cấp thẻ CCCD.
Khi trả thẻ CCCD, cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị công dân nộp giấy hẹn trả thẻ CCCD cùng với CMND và tiến hành cắt góc phía trên bên phải mặt trước của CMND đó, mỗi cạnh góc vuông là 2cm, ghi vào hồ sơ và trả CMND đã được cắt góc cho người đến nhận thẻ CCCD; trường hợp công dân yêu cầu trả thẻ CCCD qua đường chuyển phát đến địa chỉ theo yêu cầu thì cơ quan quản lý CCCD nơi tiếp nhận hồ sơ tiến hành cắt góc và trả CMND đã cắt góc ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ của công dân.
+ Trường hợp CMND 9 số bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số CMND và chữ) thì thu, hủy CMND đó, ghi vào hồ sơ và cấp Giấy xác nhận số CMND.
– Đối với Chứng minh nhân dân 12 số:
+ Trường hợp CMND 12 số còn rõ nét (ảnh, số CMND và chữ) thì cấp giấy hẹn trả thẻ CCCD cùng CMND chưa cắt góc cho công dân đến làm thủ tục để sử dụng trong thời gian chờ cấp thẻ CCCD.
Khi trả thẻ CCCD, cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị công dân nộp giấy hẹn trả thẻ CCCD cùng với CMND và tiến hành cắt góc phía trên bên phải mặt trước của CMND đó, mỗi cạnh góc vuông là 1,5cm, ghi vào hồ sơ, trả CMND đã cắt góc cho công dân; trường hợp công dân yêu cầu trả thẻ CCCD qua đường chuyển phát đến địa chỉ theo yêu cầu thì cơ quan quản lý CCCD nơi tiếp nhận hồ sơ tiến hành cắt góc và trả CMND đã cắt góc ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ của công dân.
+ Trường hợp CMND 12 số bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số CMND và chữ) thì thu, hủy CMND đó, ghi vào hồ sơ và cấp Giấy xác nhận số CMND.
Từ 1/7/2021, theo Thông tư 59/2021/TT-BCA sẽ thu lại CMND đang sử dụng trong trường hợp công dân làm thủ tục chuyển từ CMND sang thẻ CCCD (khoản 3 Điều 11).
Thực tế có nhiều trường hợp chuyển từ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân chưa bị thu hồi hay cắt góc chứng minh nhân dân do khía cạnh thực tế làm đồng loạt, việc cấp căn cước công dân không đảm bảo thời gian luật định, chứng minh nhân dân được giữ lại có thể dùng tạm trong thời gian chờ cấp căn cước công dân.