Chuyên viên chính là gì? 2023

Tiêu chuẩn chuyên viên chính được quy định tại khoản 3, khoản 4 điều 6 Thông tư số 2/2021/TT-BNV. Theo đó, Chuyên viên chính cần đáp ứng hai loại tiêu chuẩn, bao gồm Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng.

Chuyên viên chính là một khái niệm dùng để chỉ một vị trí việc làm có tính chuyên môn nghiệp vụ cao. Vậy chuyên viên chính cần đáp ứng những tiêu chuẩn gì và thực hiện những nhiệm vụ nào?

>>>>>Tham khảo: Chuyên viên là gì?

Chuyên viên chính là gì?

Căn cứ theo khoản 1 điều 6 Thông tư 2/2021/TT-BNV quy định:

“ Là công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao về một hoặc một số lĩnh vực quản lý nhà nước trong cơ quan, tổ chức hành chính từ cấp huyện trở lên, chịu trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng chính sách hoặc thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật trên địa bàn từ cấp huyện trở lên.”

Như vậy theo quy định trên thì có thể hiểu chuyên viên chính là ngạch công chức hành chính được xếp cho người có chuyên môn nghiệp vụ cao về một hoặc một số lĩnh vực trong các cơ quan, tổ chức hành chính từ cấp huyện trở lên, thực hiện trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng chính sách hoặc thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật trên địa bàn.

Để giúp Quý độc giả hiểu rõ hơn chuyên viên chính là gì? chúng tôi chia sẻ thông tin về nhiệm vụ của chuyên viên chính. Nhiệm vụ cụ thể của chuyên viên chính được quy định tại khoản 2 điều 6 Thông tư số 2/2021/TT-BNV, cụ thể như sau:

+ Chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; xây dựng, hoàn thiện thể chế hoặc cơ chế quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ được giao quản lý;

+ Chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, xây dựng quy định, quy chế quản lý nghiệp vụ của ngành, lĩnh vực, địa phương; nghiên cứu, xây dựng đề tài, đề án, công trình nghiên cứu khoa học nhằm đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức;

+ Chủ trì hoặc tham gia tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ; xây dựng báo cáo tổng hợp, đánh giá, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý;

+ Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách chuyên môn nghiệp vụ; tham gia đề xuất các biện pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của ngành, lĩnh vực hoặc địa phương.

Tiêu chuẩn chuyên viên chính là gì?

Tiêu chuẩn chuyên viên chính được quy định tại khoản 3, khoản 4 điều 6 Thông tư số 2/2021/TT-BNV. Theo đó, Chuyên viên chính cần đáp ứng hai loại tiêu chuẩn, bao gồm Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng. Cụ thể như sau:

+ Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:

a) Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật về ngành, lĩnh vực công tác và các kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý;

b) Có khả năng tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, dự án, chương trình hành động và hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách, quy định về quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực hoặc địa phương công tác;

c) Nắm được tình hình và xu thế phát triển của ngành, lĩnh vực công tác trong nước và thế giới; có khả năng tổ chức nghiên cứu phục vụ quản lý và xử lý thông tin quản lý;

d) Có năng lực làm việc độc lập hoặc phối hợp theo nhóm; có kỹ năng soạn thảo văn bản và thuyết trình các vấn đề được giao nghiên cứu, tham mưu;

đ) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.

+ Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác;

b) Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính hoặc có bằng cao cấp lý luận chính trị – hành chính.

5. Yêu cầu đối với công chức dự thi nâng ngạch lên ngạch chuyên viên chính:

a) Có thời gian giữ ngạch chuyên viên và tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương với ngạch chuyên viên thì thời gian giữ ngạch chuyên viên tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch;

b) Trong thời gian giữ ngạch chuyên viên và tương đương đã tham gia xây dựng, thẩm định ít nhất 01 văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên mà cơ quan sử dụng công chức được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu.

Bậc lương chuyên viên chính

Bậc lương được hiểu là số lượng các mức thăng tiến về lương trong đó mỗi ngạch lương và mỗi bậc lương sẽ tương ứng với một hệ số lương nhất định. Bậc lương dùng để phân cấp và cũng dùng để làm căn cứ tính lương cho các đối tượng theo quy định của luật. Do đó, nếu một người có bậc lương càng cao thì số lương họ nhận được cũng càng cao.

Theo quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP quy định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì chuyên viên chính thuộc nhóm 1 (A2.1) công chức loại A2. Vì vậy bậc lương chuyên viên chính sẽ được xác định như sau:

Hệ số lương bậc 1 là 4.40, bậc 2 là 4.74, bậc 3 là 5.08, bậc 4 là 5.42, bậc 5 là 5.76, bậc 6 là 6.10, bậc 7 là 6.44, bậc 8 là 6.78.

Trên đây là nội dung bài viết về Chuyên viên chính là gì? Chúng tôi hi vọng sẽ cung cấp những thông tin bổ ích để giúp bạn đọc nắm rõ về vấn đề này.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com