Doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu mình nhưng phải đảm bảo đúng thủ tục và đúng thời hạn theo quy định nếu không sẽ bị áp dụng các chế tài của pháp luật.
Với bất kỳ loại hình kinh doanh nào pháp luật đều cho phép trong quá trình kinh doanh có thể tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên pháp luật có những giới hạn khác nhau để hạn chế việc tạm ngừng kinh doanh tùy tiện của các chủ thể. Trong đó, giới hạn về thời gian là giới hạn đầu tiên mà pháp luật đưa ra.
Tạm ngừng kinh doanh là gì?
Tạm ngừng kinh doanh là việc doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan có thẩm quyền với mục đích không thực hiện kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định.
Có nghĩa là doanh nghiệp không thực hiện bất kỳ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tạm ngừng hoạt động, không được thực hiện ký kết hợp đồng với các đối tác, khách hàng, không được xuất hóa đơn và không phải kê khai thuế, quyết toán thuế khi đến kỳ quyết toán.
Hiện nay, có nhiều lý do khác nhau dẫn đến doanh nghiệp phải quyết định tạm ngừng kinh doanh như: doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, nhân sự không thể tiếp tục hoạt động tiếp, doanh nghiệp có những định hướng mới trong cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp,…
Doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh khi không còn đáp ứng được các điều kiện kinh doanh theo quy định theo yêu cầu từ phía cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.
Khi doanh nghiệp có nhu cầu tạm ngừng kinh doanh thì doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh và thông báo tạm ngừng với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế nơi trực tiếp quản lý doanh nghiệp.
Thời hạn tạm ngừng kinh doanh bao lâu?
Theo quy định tại Điều 58 Nghị định 78/2015/NĐ – CP thì thời hạn tạm ngừng kinh doanh là không quá 01 năm.
Trường hợp hết thời hạn 01 năm mà doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tạm ngừng kinh doanh thì có thể kéo dài thời hạn nói trên nhưng tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh liên tiếp không được vượt quá 02 năm.
Trước khi tạm ngừng kinh doanh ít nhất 15 ngày, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục thông báo tạm ngừng kinh doanh cho Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký.
Nếu không thực hiện thủ tục thông báo hoặc vi phạm thời hạn thông báo trên, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của cụ thể:
– Doanh nghiệp sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi doanh nghiệp không thông báo hoặc thông báo không đúng hạn đến Phòng đăng ký kinh doanh về thời điểm, thời hạn tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp.
– Doanh nghiệp sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng không thực hiện thông báo tạm ngừng hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh và địa điểm kinh doanh.
Ngoài ra, nếu doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không có thông báo với Phòng đăng ký kinh doanh còn bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Điều 211 Luật Doanh nghiệp 2014.
Hết thời gian tạm ngừng kinh doanh phải làm gì?
Theo quy định nêu trên, thời hạn tạm ngưng hoạt động kinh doanh là không quá 01 năm.
Khi hết thời hạn 01 năm trên, doanh nghiệp sẽ có 2 sự lựa chọn là quay trở lại kinh doanh hoặc kéo dài thời hạn tạm ngừng nhưng phải có thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh về việc kéo dài thời hạn tạm ngừng đó.
Thời gian liên tiếp của việc tạm ngừng kinh doanh không quá 02 năm. Do đó, sau khoảng thời gian này, doanh nghiệp sẽ phải quay trở lại hoạt động bình thường hoặc tiến hành giải thể doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp không có bất kỳ thủ tục nào thì mặc nhiên, doanh nghiệp sẽ quay trở lại làm việc và phát sinh các nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế mà không cần phải nộp hồ sơ hoạt động trở lại.
Nếu doanh nghiệp không quay trở lại hoạt động và không có thông báo nào sau khi hết thời hạn nói trên thì doanh nghiệp sẽ bị xem xét để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn.
Vậy, doanh nghiệp có được tạm ngừng kinh doanh quá 02 năm không? Doanh nghiệp muốn được tạm ngừng kinh doanh trên 02 năm thì phải làm thế nào? Câu trả lời sẽ được giải đáp ở phần dưới.
Có được tạm ngừng kinh doanh quá 02 năm không?
Theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp có thể tạm ngừng kinh doanh nhiều lần nhưng tổng thời gian liên tiếp không được quá 02 năm.
Có nghĩa, doanh nghiệp có thể thông báo tạm ngừng kinh doanh liên tiếp nhiều lần miễn là không quá tổng thời gian là 02 năm.
Từ quy định này ta có thể hiểu, nếu doanh nghiệp không tạm ngừng kinh doanh liên tiếp thì tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh có thể kéo dài hơn 02 năm thậm chí là 5 năm, 10 năm.
Ví dụ: Doanh nghiệp A tạm ngừng kinh doanh từ tháng 9/2016 đến hết tháng 6/2017. Doanh nghiệp A tiếp tục kéo dài thời hạn từ tháng 7/2017 đến hết tháng 7/2018. Sau đó doanh nghiệp quay trở lại làm việc bình thường và tháng 9/2018 doanh nghiệp A tiếp tục gửi thông báo tạm ngừng kinh doanh trong từ tháng 9/2018 đến hết tháng 5/2019.
Như vậy, doanh nghiệp A có tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh quá 02 năm ( 02 năm 8 tháng) nhưng thời gian không có sự liên tiếp mà vẫn có sự gián đoạn 02 tháng.
Kết quả của thủ tục thông báo tạm ngừng kinh doanh là Giấy xác nhận về việc doanh nghiệp đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh. Đây là một trong những căn cứ để xác định việc tạm ngừng của doanh nghiệp và các nghĩa vụ phát sinh khi tạm ngừng kinh doanh.
Do đó, khi có nhu cầu tạm ngừng kinh doanh tiếp khi thời gian vượt quá 02 năm thì doanh nghiệp cần thông báo sớm đến cơ quan đăng ký kinh doanh ít nhất là 03 ngày để được xem xét và việc tạm ngừng kinh doanh là hợp pháp.
Hy vọng với bài chia sẻ trên đây, Quý độc giả đã hiểu được về thời hạn tạm ngừng kinh doanh và trả lời được câu hỏi có được tạm ngừng kinh doanh quá 02 năm không?
Mọi vấn đề thắc mắc về thủ tục và thời hạn tạm ngừng kinh doanh vui lòng liên hệ cho chúng tôi qua Hotline1900.0191 hoặc qua địa chỉ email lienhe@luatlvn.vn để được luật sư, chuyên viên của chúng tôi giải đáp chi tiết.