Dàn ý Đây thôn Vĩ Dạ ngắn nhất 2023

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ về cách lập Dàn ý Đây thôn Vĩ Dạ ngắn nhất. Do đó, Quý vị độc giả đừng bỏ qua

Trong chương trình môn Ngữ văn lớp 11, các bạn học sinh có cơ hội tìm hiểu về bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mạc Tử, đồng thời được yêu cầu viết bài cảm nhận, hay bài phân tích về tác phẩm này. Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những gợi ý về lập dàn ý Đây thôn Vĩ Dạ ngắn nhất cho Quý độc giả, đặc biệt là các bạn học sinh khi làm đề bài này.

Dàn ý Đây thôn Vĩ Dạ ngắn nhất

1/ Mở bài

– Giới thiệu tác giả: Hàn Mặc Tử (1912 – 1940), quê tỉnh Quảng Bình, là nhà thơ có nhiều đóng góp lớn cho phong trào Thơ mới 1932 – 1940.

– Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ được rút ra từ tập Thơ điên. Bài thơ được gợi cảm hứng từ mối tình của Hàn Mặc Tử với một cô gái vốn quê ở Vĩ Dạ – Hoàng Thị Kim Cúc. Bài thơ là bức tranh đẹp và thơ mộng về thôn Vĩ Dạ. Thông qua bài thơ, tác giả muốn bộc lộ khát khao được sống, được yêu và được giao hòa với thiên nhiên.

2/ Thân bài

a/ Phân tích khổ 1:

– Câu thơ mở đầu: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” vừa là lời mời mọc ân cần, tha thiết, vừa là lời trách cứ nhẹ nhàng ⇒ sự phân thân của tác giả.

– Cảnh vật và con người xứ Huế hiện lên một cách nhẹ nhàng, tinh khiết, đầy sức sống.

Nắng mới lên, hàng cau, vườn xanh như ngọc.

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

– Nghệ thuật cách điệu hóa tạo nên hình ảnh của thôn Vĩ và con người xứ Huế thật dịu dàng, phúc hậu ⇒ cảnh đẹp, người đôn hậu.

b/ Phân tích khổ 2:

– Miêu tả cảnh: gió, mây, dòng nước, hoa bắp lay ⇒ cảnh vật chia lìa

– Không gian mờ ảo đầy hình ảnh của trăng: bến trăng, sông trăng, thuyền chở trăng.

– Tâm trạng khắc khoải, đợi chờ của nhân vật trữ tình.

c/ Phân tích khổ 3:

– Sự ảo mộng của cảnh và người

– Câu hỏi tu từ: là lời nhân vật trữ tình vừa là để hỏi người và vừa để hỏi mình, vừa gần gũi vừa xa xăm, vừa hoài nghi vừa như giận hờn, trách móc.

– Đại từ phiếm chỉ “ai” ⇒ làm tăng thêm nỗi cô đơn, trống vắng của một tâm hồn khát khao được sống, được yêu.

3/ Kết bài

– Nội dung:

Bức tranh phong cảnh Vĩ Dạ êm đềm, thơ mộng

Bức tranh tâm cảnh của nhân vật trữ tình.

– Nghệ thuật:

Sử dụng nhiều biện pháp tu từ: so sánh, nhân hóa, câu hỏi tu từ,…

Hình ảnh thơ sáng tạo, độc đáo

Kết hợp giữa bút pháp thơ tả thực và lãng mạn, tượng trưng.

Dàn ý Đây thôn Vĩ Dạ chi tiết

1/ Mở bài

– Giới thiệu về tác giả Hàn Mặc Tử: một trong số những cây bút có sức sáng tạo mạnh mẽ và có nhiều đóng góp to lớn cho phong trào thơ Mới

– Khái quát về đặc điểm thơ Hàn Mặc Tử: mang một diện mạo khá phức tạp nhưng chúng ta luôn nhận thấy ở đấy tình yêu đến đau đớn song vẫn luôn hướng về cuộc đời

– Giới thiệu khái quát về bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

2/ Thân bài 

a/ Khổ 1: Bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp về thôn Vĩ Dạ lúc bình minh

– Sử dụng câu hỏi tu từ “Sao anh không về chơi thôn Vĩ” đặt ở đầu bài thơ vừa như lời trách nhẹ nhàng của cô gái vừa như lời tự trách của Hàn Mặc Tử

– Bức tranh thiên nhiên thôn Vĩ:

+ “nắng hàng cau – nắng mới lên”

+ “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

– Hình ảnh con người: mặt chữ điền – gợi vẻ đẹp phúc hậu, kín đáo vè một bức tranh thôn Vĩ tươi đẹp, tràn đầy sức sống, trong trẻo, tinh khiết và phải chăng ẩn sau nó là tiếng nói rạo rực của một tâm hồn yêu đời, khát khao sống.

b/ Khổ 2: Khung cảnh trời, mây, sông nước thôn Vĩ trong đêm trăng

– Hai câu đầu: thiên nhiên chia lìa và mang đầy tâm trạng

+ Sự chia lìa đôi ngả của mây và  gió: gió theo lối gió mấy đường mây

+ Nghệ thuật nhân hóa diễn tả tâm trạng: dòng nước buồn thiu

+ Sự chuyển động nhẹ nhàng của cảnh vật: hoa bắp lay

=> Mặc cảm chia lìa, nỗi buồn của tác giả

– Hai câu sau:

+ Hình ảnh thuyền trăng, sông trăng: sáng tạo nghệ thuật độc đáo, biểu tượng của hạnh phúc, của cõi mộng

“Kịp”: bình dị song nó đã hé mở ra cho người đọc về sự cảm nhận và tâm thế sống của tác giả – sống là phải chạy đua với thời gian.

=> Hai câu thơ khép lại khổ thơ thứ hai vừa như một sự hoài nghi vừa như một sự mong mỏi, hi vọng của tác giả – khát vọng hòa mình với cuộc đời, với thiên nhiên, với con người.

c/ Khổ 3: Tâm sự của nhà thơ

– Điệp từ “khách đường xa”

– Nghệ thuật hoán dụ cùng từ ngữ đặc tả sắc trắng:  Áo em trắng quá nhìn không ra

– Câu thơ đa nghĩa: Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

– Câu hỏi tu từ chứa điệp từ “ai”: Ai biết tình ai có đậm đà

=> Nhấn mạnh một cách sâu sắc mặc cảm chia li, tâm trạng chưa nhiều uẩn khúc – một nỗi niềm hoài nghi, khắc khoải xót xa trong vô vọng

3/ Kết bài

Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ: thông qua việc sử dụng từ ngữ, hình tượng đặc sắc, bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là bức tranh miêu tả cảnh đẹp của thôn Vĩ, đồng thời, đó là tiếng lòng của một nhà thơ yêu đời, mong muốn tha thiết gắn bó với cuộc sống.

Mẫu bài phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

Ngoài hướng dẫn lập dàn ý Đây thôn Vĩ Dạ ngắn nhất chúng tôi chia sẻ về mẫu bài phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ để Quý độc giả tham khảo thêm:

Thôn Vĩ đẹp mộng mơ với vẻ buồn rất riêng đã là mảnh đất mà biết bao nhiêu thi sĩ bị say đắm và mê mải. Đến lượt Hàn Mặc Tử, với một nỗi niềm riêng thầm kín ông đã gửi vào trong tiếng thơ của mình những giai điệu và cảnh sắc rất riêng về vẻ đẹp của thiên nhiên và con người thôn Vĩ, đặc biệt là lòng yêu đời, yêu người rất tha thiết và mãnh liệt của tác giả.

Mở đầu bài thơ là bức tranh thiên nhiên thôn Vĩ thanh tân, trẻ trung tràn đầy nhựa sống:

“ Sao anh không về chơi thôn Vĩ

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền”.

Câu thơ mở đầu vừa là một câu hỏi tu từ, vừa là một lời mời mọc, vừa là một lời trách cứ rất đáng yêu. Sao anh không về để ngắm nhìn thôn Vĩ thơ mộng và tươi đẹp thế kia. Nắng hàng cau buổi sớm còn nguyên vẻ thanh tân, trẻ trung và tươi mới căng tràn sức sống của nó. Cái nắng ấy đã tạo nên một gam màu tươi sáng cho bức tranh thiên nhiên. Vườn mướt xanh như ngọc với những chiếc lá xanh nõn nà, căng tràn nhựa sống và vì thế khu vườn như một viên bích ngọc lớn, lung linh. Nhưng sự ngỡ ngàng thích thú của nhà thơ được gửi gắm qua một chữ “quá” thật đáng yêu. Hẳn phải là một người yêu thiết tha thiên nhiên, với cuộc sống, có ân tình sâu sắc, đậm đà lắm mới họa ra một thôn Vĩ đẹp đến vậy. Trong bức tranh ấy, con người hiện lên hài hòa với thiên nhiên “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. không chỉ bằng lòng với việc tưởng tượng ra thôn Vĩ trong tâm tưởng, Hàn còn hòa mình vào khung cảnh ấy để cảm nhận sự sống, để như trở về cùng thôn Vĩ tươi đẹp. Đau đớn thay đó chỉ là sự trở về trong tâm tưởng:

“ Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?”

Hình ảnh gió mây quen thuộc trong thi ca nhưng trong thơ Hàn với mặc cảm thầm kín lại hiện lên thật khác biệt. gió mây vốn cùng chung ngả, ấy vậy mà ở đây gió lại chia đôi ngả, tách biệt hẳn với mây. Đó là mặc cảm chia lìa vốn sâu trong tâm tưởng đã chia cắt cả những thứ không thể chia lìa. Đồng thời, đó cũng chính là vẻ đẹp buồn rất mơ mộng của xứ Huế thân thương. Cả hoa bắp lay vốn tự nó không buồn nhưng ở trong ngữ cảnh này hoa bắp lay dường như cũng nhuốm màu buồn thương. Đó là nỗi buồn của hồn người đã thấm thía vào cảnh vật để người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Hai câu thơ cuối thể hiện rất mãnh liệt khao khát của nhà thơ. Chữ “kịp” thể hiện khát khao níu giữ sự sống của con người trước lưỡi hái của thần chết đang cố níu giữ những giây phút cuối cùng để sống trọn vẹn những ngày tháng ngắn ngủi ấy. Đó chỉ có thể là một tấm lòng khát khao yêu đời mãnh liệt của một hồn thơ đau đớn đến thiết tha sống.

Đến khổ thơ cuối:

“ Mơ khách đường xa khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà.”

Hình ảnh khách đường xa một lần nữa thấy mặc cảm chia lìa của Hàn đã luôn vẽ mình trong thơ là khách đường xa, kẻ đứng ngoài cuộc. Đồng thời thấy được hình ảnh quá xa vời để có thể nắm bắt.

Nếu ở trên kia, là hình ảnh cuộc sống bên ngoài tươi đẹp, trong trẻo đầy sức sống thì đến đây lại là không gian buồn bã, đau thương và xót xa. Hình ảnh con người xuất hiện mờ mờ nhân ảnh càng thể hiện sự khó nắm bắt của tác giả. Đến câu hỏi cuối, dường như là lời đáp lại của nhà thơ cho câu hỏi ở đầu bài thơ, ai biết tình ai có đậm đà, mặn mà mà trở về thôn Vĩ.

Bằng một hồn thơ đau thương đến quằn quại, Hàn đã sáng tạo nên những hình ảnh thật độc đáo, qua đó thấy được bức tranh thiên nhiên thôn Vĩ tươi đẹp, đồng thời thấy được khát khao tình đời, tình người của nhà thơ mới tha thiết mãnh liệt làm sao.

Chắc hẳn rằng, qua những chia sẻ của chúng tôi về dàn ý Đây thôn Vĩ Dạ ngắn nhất các bạn học sinh đã có cho mình thêm thông tin để viết bài văn phân tích, nêu cảm nhận về tác phẩm Đây thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mạc Tử và có kết quả tốt với bài làm của mình.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com