Điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng? 2023

Khi có thắc mắc về Điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, Quý độc giả đừng bỏ qua những chia sẻ của chúng tôi trong bài viết:

Sau khi thực hiện việc chào bán chứng khoán ra công chúng, chứng khoán của chủ thể phát hành sẽ được sở hữu rộng rãi bởi các nhà đầu tư. Sự thành bại của chủ thể phát hành trong quá trình kinh doanh, vì vậy, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn lợi của các nhà đầu tư (gồm các cổ đông, các chủ sở hữu trái phiếu, chủ sở hữu chứng chỉ quỹ) có được từ cổ tức hoặc từ lãi trái phiếu hoặc từ lãi chứng chỉ quỹ do đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu hoặc chứng chỉ quỹ.

Trước đây, Nghị định của Chính phủ số 144/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 (gọi tắt là Nghị định số 144/2003/NĐ-CP) phân biệt rõ ba loại chào bán cổ phiếu, chào bán trái phiếu và chào bán chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán ra công chúng đồng thời hoạt động chào bán cổ phiếu được bóc tách thành hai nhóm: chào bán cổ phiếu lần đầu và chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng.

Như vậy, tuỳ thuộc vào loại chứng khoán dự định chào bán và tuỳ thuộc vào lần chào bán là lần đầu hay chào bán thêm mà chủ thể phát hành phải thoả mãn những điều kiện khác nhau.

Hiện nay, theo Luật chứng khoán năm 2006, các điều kiện này cũng được các nhà làm luật thiết kế có phân biệt giữa chào bán cổ phiếu, chào bán trái phiếu và chào bán chứng chỉ quỹ đầu tư ra công chúng; tuy nhiên không còn có sự phân biệt giữa điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu và điều kiện chào bán thêm cổ phiếu mà tổ chức phát hành phải thoả mãn như trước đây. Những quy định của Luật chứng khoán về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng còn lưu ý tới địa vị pháp lý của chủ thể phát hành cũng như vị trí địa lí nơi diễn ra việc chào bán chứng khoán.

Vì vậy, điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng được xây dựng có phân biệt giữa công ty cổ phần, công ti trách nhiệm hữu hạn và quỹ đầu tư chứng khoán đại chúng với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển đổi thành công ty cổ phần và doanh nghiệp thành lập mới, thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng hoặc công nghệ cao; giữa chào bán chứng khoản trong nước và chào bán chứng khoán ra nước ngoài. 

>>>>> Xem thêm: Chứng khoán là gì?

Điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng 

Đối với những doanh nghiệp muốn chào bán cổ phiếu ra công chúng, cần thoả mãn ba điều kiện có liên quan tới vốn, tới kết quả kinh doanh và tới dự định huy động vốn cũng như kế hoạch sử dụng vốn huy động của doanh nghiệp. 

Thứ nhất, doanh nghiệp muốn chào bán cổ phiếu phải là doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, thể hiện ở mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng kí chào bán cổ phiếu. Mức vốn điều lệ tối thiểu mà doanh nghiệp phải thoả mãn là mười tỉ đồng Việt Nam, tính theo giá trị ghi trên sổ sách kế toán. 

Khi thị trường chứng khoán chính thức của Việt Nam mới ra đời, theo Nghị định của Chính phủ số 48/1998/NĐ-CP ngày 14/11/1998 (gọi tắt là Nghị định số 48/1998/NĐ-CP), mức vốn điều lệ tối thiểu của tổ chức muốn chào bán cổ phiếu ra công chúng phải đạt 10 tỉ đồng Việt Nam.

Tuy nhiên, do số lượng hàng hoá (chứng khoán) lưu hành trên thị trường chứng khoán chính thức của Việt Nam khi đó quá nhỏ bé và có xu hướng tăng chậm trong vài năm sau khi Trung tâm giao dịch chứng khoán tại thành phố Hồ Chí Minh ra đời, đã có nhiều ý kiến cho rằng cần hạ thấp yêu cầu về mức vốn điều lệ đã góp của tổ chức phát hành xuống 5 tỉ nhằm thúc đẩy tăng trưởng chủng loại hàng hoá được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam. Vì vậy, khi Nghị định số 144/2003/NĐ-CP được ban hành, con số này đã được giảm xuống mức 5 tỉ đồng Việt Nam. 

Hiện nay, một mặt, do các doanh nghiệp Việt Nam đã lớn mạnh cả về số lượng và về năng lực tài chính; mặt khác, do chủng loại hàng hoá trên thị trường giao dịch chứng khoán cũng đã phong phú hơn trước, quy định về mức vốn điều lệ mà các doanh nghiệp phải thoả mãn để được chào bán cổ phiếu ra công chúng lại được nâng lên trong Luật chứng khoán so với mức vốn điều lệ quy định trong Nghị định số 144/2003/NĐ-CP trước đây. 

Thứ hai, doanh nghiệp có nhu cầu chào bán cổ phiếu ra công chúng phải là doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả. Điều đó phải được thể hiện cụ thể ở kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đó vào năm liền trước năm đăng kí chào bán cổ phiếu ra công chúng. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp dự định chào bán cổ phiếu được xem xét trên cả hai phương diện: một là năm liền kề trước đó doanh nghiệp phải có lãi; và hai là doanh nghiệp không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng kí chào bán cổ phiếu.

Điều kiện không có lỗ luỹ kế là điểm mới của Luật chứng khoán so với Nghị định số 144/2003/NĐ-CP. Trước đây, điều kiện về kết quả kinh doanh mà doanh nghiệp đăng kí phát hành phải thoả mãn theo Nghị định Số 144/2003/NĐ-CP đơn giản hơn, chỉ bao gồm phương diện thứ nhất của kết quả kinh doanh quy định trong Luật chứng khoán. Như vậy, Luật chứng khoán đã khắt khe hơn khi đưa ra điều kiện về kết quả kinh doanh mà doanh nghiệp đăng kí phát hành cổ phiếu ra công chúng phải thoả mãn vì Luật vẫn tiếp tục kế thừa điều kiện kinh doanh hiệu quả ghi nhận trong Nghị định số 144/2003/NĐ-CP nhưng đồng thời quy định thêm điều kiện doanh nghiệp phải không có lỗ luỹ kế.

Điểm mới này của Luật chứng khoán thể hiện sự quan tâm đặc biệt của các nhà làm luật đối với sự an toàn của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Quy định này sẽ góp phần đảm bảo rằng doanh nghiệp phát hành có khả năng đem lại thu nhập thoả đáng cho các cổ động tương lai. Việc đảm bảo hiệu quả cho đồng vốn đầu tư của các nhà đầu tư sẽ góp phần củng cố lòng tin của các nhà đầu tư tiềm năng vào thị trường chứng khoán, từ đó ngày càng thu hút được đông đảo các nhà đầu tư bỏ vốn vào thị trường này. 

Thba, doanh nghiệp dự định chào bán cổ phiếu ra công chúng phải dành được sự chấp thuận của đại hội cổ đông về phương án phát hành cổ phiếu và phương án sử dụng vốn huy động được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng. Điều kiện này được đặt ra nhằm đảm bảo đại hội cổ đông của doanh nghiệp phát hành thực hiện được quyền quyết định định hướng phát triển của doanh nghiệp đã được quy định trong Luật doanh nghiệp.

Trước đây, Nghị định số 144/2003/NĐ-CP chỉ yêu cầu doanh nghiệp đăng kí phát hành có phương án khả thi về việc sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành cổ phiếu mà chưa quan tâm đúng mức tới quyền của cổ đông trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp. Hiện nay, Luật chứng khoán đã thể hiện sự nhất quán với Luật doanh nghiệp bằng cách thừa nhận quyền quyết định tối cao của đại hội cổ đông đối với phương án huy động và sử dụng vốn của doanh nghiệp. 

Thứ , công ty đại chúng đăng kí chào bán chứng khoán ra công chúng phải cam kết đưa chứng khoán vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn một năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bản được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Điều kiện này vừa mới được đưa vào áp dụng trong lần sửa đổi, bổ sung Luật chứng khoán tại kì họp thứ VIII của Quốc hội khoá XII tổ chức vào tháng 11 năm 2010 nhằm “buộc” các công ti đại chúng phải niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán.

Quy định mới này cùng với việc bãi bỏ Điều 103 và khoản 2 Điều 106 đã cho thấy các nhà làm luật nhận thức được việc quy định chênh lệch về nghĩa vụ công bố thông tin giữa công ty đại chúng và công ti niêm yết là không cần thiết, thậm chí còn làm các công ty đại chúng không muốn trở thành công ti niêm yết do sợ phải đối mặt với những yêu cầu công bố thông tin khắt khe mà các công ty niêm yết phải tuân thủ. Tuy nhiên, quy định mới này có hai điểm cần phải bàn. 

Một là lời lẽ của quy định mới này dường như chỉ áp dụng với các công ty đại chúng mà không áp dụng với các doanh nghiệp phát hành chứng khoán ra công chúng lần đầu. Nói cách khác, chỉ khi phát hành chứng khoán ra công chúng lần thứ hai, doanh nghiệp mới bị buộc phải “lên sàn”.

Hai là mặc dù quy định này được bổ sung vào khoản 1 Điều 12 Luật chứng khoán (dưới tiêu đề “Điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng”) nhưng dường như lời lẽ của quy định mới này lại bao trùm lên cả khoản 2 Điều 12 vì các nhà làm luật đã sử dụng thuật ngữ “chứng khoán” thay vì “cổ phiếu” để áp đặt nghĩa vụ niêm yết lên vai các công ty đại chúng.

Và nếu đó đchứúng là dự định lập pháp thì quy định mới này nên được bổ sung thành một khoản mới, ví dụ khoản 3a, trong Điều 12 chứ không thể là một điểm mới trong khoản 1 Điều 12. Làm như vậy mới đảm bảo tính logic vì đơn giản là khái niệm “chứng khoán” bao hàm cả cổ phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá khác quy định tại Luật chứng khoán. 

Điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng?

Khác với trường hợp chào bán cổ phiếu ra công chúng, ngoài việc phải thoả mãn các điều kiện về vốn điều lệ, về kết quả kinh doanh và về kế hoạch huy động cũng như sử dụng vốn huy động, doanh nghiệp muốn chào bán trái phiếu ra công chúng còn phải thoả mãn thêm một vài điều kiện khác.

Đó là doanh nghiệp không được có các khoản nợ phải trả quá hạn trên một năm và phải có cam kết thực hiện nghĩa vụ của của doanh nghiệp với tư cách tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác.

Hơn nữa, trong trường hợp công ti cổ phần chào bán trái phiếu ra công chúng thì phương án phát hành trái phiếu và phương án sử dụng vốn và trả nợ vốn huy động được từ đợt chào bán chỉ cần được sự chấp thuận của hội đồng quản trị thay vì được sự chấp thuận của đại hội cổ đông trong phát hành cổ phiếu ra công chúng. 

Sự khác nhau trong điều kiện mà các doanh nghiệp phải thoả mãn để được chào bán cổ phiếu và trái phiếu ra công chúng xuất phát từ sự khác biệt giữa bản chất của hai loại chứng khoán: trái phiếu và cổ phiếu. Cổ phiếu (phổ thông) đem lại quyền sở hữu và quyền quản trị công ty cho chủ sở hữu cổ phiếu là các cổ đông; trong khi đó trái phiếu đem lại trái quyền cho chủ sở hữu trái phiếu và họ trở thành chủ nợ của công ty.

Chính vì vậy, việc chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng có thể sẽ ảnh hưởng tới vị thế của cổ đông hiện hữu của công ti và cần được các cổ đông chấp thuận. Nói cách khác, việc làm này phải được đại hội cổ đông thông qua.

Còn việc chào bán trái phiếu ra công chúng không làm ảnh hưởng tới vị thế của cổ đông hiện hữu mà chỉ ảnh hưởng tới khả năng tài chính của công ti, vì vậy hội đồng quản trị với tư cách là cơ quan quản lý công ti cổ phần, thông qua phương án phát hành và sử dụng vốn huy động cũng như phương án trả nợ gốc và lãi khi trái phiếu đến hạn là hoàn toàn phù hợp với chức năng của hội đồng quản trị công ty theo Luật doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, nếu trái phiếu được chào bán là trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu có kèm theo chứng quyền thì phương án phát hành, kế hoạch phát hành và phương án sử dụng vốn lại cần được đại hội đồng cổ đông thông qua. Quy định này cũng được lí giải bởi bản chất của hai loại chứng khoán này. Mặc dù là trái phiếu nhưng hai loại trái phiếu này lại có khả năng biến các chủ nợ của công ti phát hành (người sở hữu trái phiếu) thành chủ sở hữu công ti đó (cổ đông) ở thời điểm trái phiếu chuyển đổi chuyển thành cổ phiếu hoặc thời điểm chủ sở hữu trái phiếu có kèm theo chứng quyền thực hiện quyền mua cổ phiếu phổ thông của mình.

Như vậy, đây là những trái phiếu đặc biệt, khác với trái phiếu thông thường ở chỗ chúng có khả năng làm tăng số lượng cổ đông có quyền biểu quyết của công ti phát hành ở thời điểm nào đó trong tương lai. Điều đó cũng có nghĩa sẽ làm thay đổi vị thế của các cổ đông hiện hữu. Việc trao quyền cho đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành và sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán hai loại trái phiếu này, vì vậy, hoàn toàn hợp lí và thể hiện tính thống nhất của Luật chứng khoán với Luật doanh nghiệp. 

Điều kiện chào bán chứng chỉ quỹ đầu tư?

Khác với mục tiêu của chủ thể chào bán cổ phiếu và trái phiếu ra công chúng, chủ thể chào bán chứng chỉ quỹ đầu tư không nhằm huy động vốn để phục vụ mục đích kinh doanh hàng hoá, dịch vụ mà nhằm tái đầu tư bằng vốn huy động được và lĩnh vực đầu tư chủ yếu của quỹ đầu tư chính là chứng khoán. Vì vậy, điều kiện mà các chủ thể chào bán chứng chỉ quỹ đầu tư ra công chúng phải thoả mãn được các nhà làm luật thiết kế cũng có nét đặc thù, gắn với tổng giá trị phát hành và phương án đầu tư vốn huy động được.

Cụ thể là chủ thể chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng cần thoả mãn hai điều kiện.

Một chủ thể này phải đăng kí chào bán lượng chứng chỉ quỹ với tổng giá trị tối thiểu là năm mươi tỉ đồng Việt Nam;

Hai là chủ thể chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng cũng phải có phương án phát hành và phương án đầu tư số vốn thu được từ đợt phát hành phù hợp với quy định của pháp luật.

Trước đây, Nghị định số 144/2003/NĐ-CP mặc dù thừa nhận việc chào bán chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán ra công chúng nhưng hầu như không quy định về điều kiện chào bán chứng chỉ quỹ đầu tư ra công chúng. Vì vậy có thể thấy, đây là bước phát triển đáng ghi nhận của Luật chứng khoán nhằm đảm bảo chất lượng của những chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán lưu hành rộng rãi trên thị trường chứng khoán Việt Nam. 

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com