Việc kinh doanh dịch vụ cầm đồ cần tuân thủ quy định của pháp luật, đặc biệt là các điều kiện kinh doanh theo quy định hiện hành. Vì kinh doanh dịch vụ cầm đồ là một trong những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và pháp luật quy định rất chặt chẽ về điều kiện an ninh, trật tự khi kinh doanh dịch vụ này.
Quý vị muốn mở cửa hiệu cầm đồ, nhưng chưa nắm được điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ là gì? Quý vị có thể tham khảo bài viết này của chúng tôi, trong bài viết có rất nhiều thông tin hữu ích liên quan đến kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
Kinh doanh dịch vụ cầm đồ là gì?
Kinh doanh dịch vụ cầm đồ, là hoạt động kinh doanh bao gồm: Kinh doanh dịch vụ cho các cá nhân, tổ chức vay tiền mà bên vay tiền phải mang tài sản hợp pháp của mình, đến cầm cố tại cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để vay tiền.
Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh cầm đồ là nghị định nào?
Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh cầm đồ là Nghị định 96/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh, trật tự với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Nghị định này có hiệu lực ngày 01/07/2016, trong đó quy định liên quan đến kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
Hiện Nghị định số 96/2016/NĐ-CP được hướng dẫn chi tiết bởi Thông tư số 42/2017/TT-BCA của Bộ Công an, ban hành ngày 20/10/2017 có hiệu lực vào ngày 06/12/2017 và một số văn bản có liên quan khác.
Để hiểu các điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ là gì? Quý vị hãy theo dõi trong phần dưới đây của bài viết.
Điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ gồm những gì?
– Cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải được thành lập, đăng ký, cấp phép theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hộ kinh doanh và những quy định có liên quan tại các văn bản chuyên ngành khác.
Ví dụ: Doanh nghiệp muốn kinh doanh dịch vụ cầm đồ cần đăng ký ngành nghề kinh doanh phù hợp. Cụ thể mã ngành nghề là 6492-64920: Hoạt động cấp tín dụng khác (Chi tiết: Dịch vụ cầm đồ).
– Đối với chủ thể chịu trách nhiệm về vấn đề trật tự, an ninh của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ không được thuộc các trường hợp mà pháp luật không cho phép, quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 96/2016/NĐ- CP như:
+ Đối với người Việt Nam, sẽ không được làm người chịu trách nhiệm về trật tự, an ninh khi kinh doanh dịch vụ cầm đồ nếu người đó đã bị khởi tố hình sự theo quy định của pháp luật hình sự; Có tiền án, tiền sự liên quan đến tội phạm về xâm phạm an ninh quốc gia,…
+ Đối với người nước ngoài, sẽ không được làm người chịu trách nhiệm cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ nếu người đó chưa được cơ quan có thẩm cấp phép cư trú hợp pháp ở Việt Nam.
– Đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy theo quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
Ngoài những điều kiện chung nêu trên, để kinh doanh dịch vụ cầm đồ cần phải đáp ứng những điều kiện riêng sau đây:
– Người chịu trách nhiệm về vấn đề trật tự và vấn đề an ninh của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải có hộ khẩu tối thiểu 05 năm ở xã/ phường/ thị trấn nơi đang đăng ký hoạt động kinh doanh.
– Trong 05 năm liền kề trước thời khi kinh doanh dịch vụ cầm đồ, người chịu trách nhiệm trên không bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt với hành vi như: Gây rối trật tự công cộng, cho vay lãi nặng, tổ chức đánh bạc, trộm cắp tài sản,…
– Người chịu trách nhiệm phải đảm bảo các điều kiện an ninh, trật tự và thực hiện đầy đủ quy định trong Nghị định 96/2016 và những văn bản pháp luật khác có liên quan.
– Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày hoạt động phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự gửi kèm theo văn bản thông báo đến cơ quan Công an cấp xã nơi kinh doanh.
– Trong suốt quá trình hoạt động, phải duy trì các điều kiện an ninh, trật tự theo quy định.
– Không được sử dụng cơ sở kinh doanh, với mục đích hoạt động khác trái pháp luật.
– Có trách nhiệm báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình trật tự an ninh theo hướng dẫn.
– Chấp hành kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm nếu có hành vi vi phạm.
– Nhân viên làm việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi theo quy định của pháp luật dân sự, không bị nghiện ma túy và không rơi vào các trường hợp pháp luật không cho phép.
– Trong vòng 20 ngày, kể từ khi hoạt động có trách nhiệm cung cấp các tài liệu liên quan cho cơ quan có thẩm quyền (Cơ quan Công an nơi đăng ký kinh doanh).
– Tổ chức tập huấn cho nhân viên của cơ sở kinh doanh về công tác an ninh, trật tự.
– Khi tạm ngừng hoạt động thì phải làm văn bản thông báo cho cơ quan có thẩm quyền biết, trong thông báo tạm ngừng cần nêu rõ thời gian tạm ngừng và lý do.
Bên cạnh những điều kiện cơ bản, để kinh doanh dịch vụ cầm đồ còn có một số điều kiện nhất định nếu bên nhận cầm đồ, nhận cầm cố một số loại tài sản đặc biệt như vũ khí quân dụng, vật liệu nổ,…
Trên đây là nội dung tư vấn mang tính tham khảo của chúng tôi về điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
Vui lòng kết nối với Luật LVN Group qua email: lienhe@luatlvn.vn để được tư vấn chuyên sâu và miễn phí về điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ là gì? Chúng tôi luôn nỗ lực đồng hành cùng Quý vị trên con đường pháp lý, đặc biệt là những thủ tục liên quan đến doanh nghiệp.