Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 188 của Bộ luật lao động.
Quy định về Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hội đồng trọng tài lao động
1. Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 188 của Bộ luật này. Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều này, Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp.
3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ban trọng tài lao động được thành lập, Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.
4. Trường hợp hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
5. Trường hợp một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tư vấn về Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hội đồng trọng tài lao động
Điều luật này quy định về thẩm quyền, thời hạn và thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại Hội đồng trọng tài lao động.
Thứ nhất: Về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài lao động
Hội đồng trọng tài lao động có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp lao động không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải hoặc trường hợp hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc trường hợp hòa giải không thành và các bên tranh chấp đồng thuận lựa chọn yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là khi các bên đã đồng thuận yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết thì các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết.
Điều đó có nghĩa là, trong cùng một khoảng thời gian, các bên tranh chấp không thể vừa yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết, vừa yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp hết thời hạn quy định mà Ban trọng tài không được thành lập hoặc hết thời hạn quy định mà Ban trọng tài không ra quyết định giải quyết tranh chấp.
Như vậy có thể thấy BLLĐ năm 2019 đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp lao động hết sức linh hoạt. Trường hợp hòa giải tại hòa giải viên lao động không đạt kết quả, các bên tranh chấp có quyền lựa chọn cơ quan, tổ chức giải quyết tiếp theo, đó là đưa ra giải quyết tại Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án nhân dân.
Cơ chế giải quyết tranh chấp lao động tại Hội đồng trọng tài không phải là cơ chế mang tính bắt buộc mà là cơ chế tự nguyện, nếu các bên tin tưởng vào Hội đồng trọng tài lao động thì đưa ra tổ chức này giải quyết. Bởi vậy việc giải quyết tranh chấp tại Hội đồng trọng tài lao động không làm mất thời gian cũng như kéo dài thời hạn giải quyết tranh chấp như cơ chế trọng tài bắt buộc mà một thời kỳ trước đây chúng ta đã từng áp dụng nhưng không có hiệu quả.
Thứ hai: Về thời hạn và thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân:
– Thành lập Ban trọng tài lao động: Ban trọng tài lao động được thành lập trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp.
– Tiến hành giải quyết tranh chấp: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ban trọng tài lao động được thành lập, Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.
– Thi hành quyết định của trọng tài hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp:
Khi Hội đồng trọng tài lao động ra quyết định về việc giải quyết vụ tranh chấp, các bên có nghĩa vụ thực hiện theo phán quyết của trọng tài. Trường hợp một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trường hợp hết thời hạn quy định mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn quy định mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Thực tế cho thấy, số lượng các vụ tranh chấp lao động tại Tòa án khá nhiều và ngày càng có xu hướng gia tăng. Theo Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, số lượng các vụ tranh chấp lao động cá nhân được giải quyết tại Tòa án khá nhiều. Năm 2015, Tòa án thụ lý 6.663 vụ, giải quyết 6.386 vụ. Năm 2016, thụ lý 7.428 vụ, giải quyết 6.949 vụ. Năm 2017, thụ lý 4.980 vụ, giải quyết 4.516 vụ. Năm 2018, thụ lý 3.747 vụ, giải quyết 2.414 vụ. Năm 2019, thụ lý 3.132 vụ, giải quyết 2.146 vụ.
Bởi vậy, việc quy định Hội đồng trọng tài lao động có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân sẽ giảm tải các tranh chấp lao động khởi kiện ra Tòa án nhân dân, hạn chế được tình trạng quá tải của Tòa án nhân dân trong việc giải quyết tranh chấp, tiết kiệm thời gian, chi phí và đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của các bên khi tham gia vào quan hệ lao động.