Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật lao động mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành.
Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Hội đồng trọng tài lao động như thế nào?
1. Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều này, Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp.
3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập, căn cứ vào quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác, Ban trọng tài phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.
Đối với tranh chấp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 179 của Bộ luật này mà xác định có hành vi vi phạm pháp luật thì Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết mà lập biên bản và chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Trường hợp các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng trọng tài lao động theo quy định tại Điều này thì trong thời gian Hội đồng trọng tài lao động đang tiến hành giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết. Cả CÁC CƠ
5. Khi hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
6. Trường hợp một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tư vấn về Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Hội đồng trọng tài lao động
Đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền, Hội đồng trọng tài lao động là một trong những chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Tuy vậy, quyển này không mặc nhiên như quy định của BLLĐ năm 2012 mà chỉ phát sinh với điều kiện là có sự đồng thuận của các bên sau khi vụ việc đã hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc hòa giải không thành hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành.
Quy định này cũng tương tự về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của các bên, là lựa chọn hợp lý, khi mà Hội đồng trọng tài lao động chưa được quy định chức năng phán quyết các tranh chấp lao động trong lần sửa đổi BLLĐ năm 2019.
Dù về lý thuyết, yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp là việc tự nguyện đưa đơn yêu cầu trọng tài phân xử với sự đồng ý của cả hai bên tranh chấp, theo đó phán quyết của trọng tài phải được hai bên chấp nhận thi hành; hoặc theo yêu cầu của một bên hoặc do quyết định của nhà chức trách có thẩm quyền mà bắt buộc phải yêu cầu trọng tài phân xử, theo đó phán quyết của trọng tài được hai bên chấp nhận thi hành.
Với việc quy định Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp sau 07 ngày làm việc, các chủ thể tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp có đủ thời gian để lựa chọn 01 trọng tài viên trong số danh sách trọng tài viên lao động làm đại diện cho mình, đồng thời đây cũng không phải là thời gian quá ngắn cho việc quyết định thành lập Ban trọng tài để tiến hành giải quyết vụ việc trên thực tế.
Sau khi được quyết định thành lập, Ban trọng tài sẽ có khoảng thời gian 30 ngày để nghiên cứu, xem xét nội dung của vụ việc tranh chấp, để từ đó đưa ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp. Tuy nhiên, việc giới hạn thời gian này với mọi loại tranh chấp mà không có nguyên tắc về việc có thể kéo dài hoặc gia hạn khoảng thời gian này trên cơ sở phân biệt tính chất, mức độ của các bên tranh chấp cho thấy sự thiếu hợp lý của quy định, dù rằng về mặt thực tiễn, các quy định trên chưa được áp dụng và kiểm nghiệm.
– Trong quá trình giải quyết tranh chấp, khi xác định các tranh chấp này có hành vi vi phạm pháp luật về việc “có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của pháp luật về lao động” hoặc “khi người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động vì lý do thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động can thiệp, thao túng tổ chức đại diện người lao động; vi phạm nghĩa vụ về thương lượng thiện chí”, Hội đồng trọng tài lao động phải chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.
Như đã phân tích trước đó về nội dung này tại Điều 192, quy định này ngoài việc làm giảm vai trò của Hội đồng trọng tài lao động trong việc giải quyết tranh chấp lao động, cũng đem lại cảm giác rằng trong một số trường hợp thủ tục này không thúc đẩy được sự bảo vệ quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trên thực tế, mà cụ thể là các hành vi “chống công đoàn”.
Về quyết định của Ban trọng tài, như đã phân tích ở đoạn trên, Ban trọng tài phải ra quyết định của mình trong thời hạn không quá 30 ngày. Tuy nhiên lại chưa rõ quyền hạn của các bên trong tranh chấp như là quyền yêu cầu Ban trọng tài đưa ra các lí do cho quyết định của mình nhằm bảo đảm tính tự nguyện, tuân thủ các quyết định giải quyết tranh chấp lao động này.
Việc tạo ra các phán quyết có biện luận chặt chẽ cũng được thực hiện ở đa số các quốc gia trên thế giới, những nơi mà luật pháp không hề áp đặt yêu cầu như thế. Mặc dù vậy, ở Vương quốc Anh, đã trở thành truyền thống rằng người trọng tài không đưa ra lí do cho quyết định của mình.
Ủy ban Hoàng Gia về công đoàn và các tổ chức của người sử dụng lao động nhận xét: Sẽ còn nhiều điều phải bàn cho thói quen này chừng nào mà mục đích duy nhất của trọng tài là để giải quyết tranh chấp. Một hoặc hai bên tranh chấp có thể đưa ra những lập luận hợp lý khi họ sẵn sàng chấp nhận quyết định. Theo thói quen này một người trọng tài không phải mất thời gian và công sức giải thích lí do cho quyết định của mình, vì thế họ có thể đưa ra quyết định trong thời gian sớm hơn bình thường. Với một hội đồng thường trực, tiết kiệm thời gian có thể là đáng kể.
Dù thế, Ủy ban Hoàng Gia cho rằng thói quen không đưa ra lí do cho quyết định là “không thích hợp với bất kì nỗ lực nào để phát triển một chính sách thu nhập hợp lí.” Nó đề nghị rằng “những người trọng tài nên được khuyến khích đưa ra lí do bất cứ khi nào có thể, đặc biệt là trong những quyết định quan trọng về tiền công, những cái dường như có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của chính sách thu nhập”.
Lưu ý rằng thói quen đang diễn ra ở Vương quốc Anh dường như liên quan đến thực tế là trong hệ thống quan hệ lao động của Anh, khái niệm tranh chấp về quyền và những tranh chấp luật pháp không được biết đến và quyết định trọng tài không có sự ràng buộc về mặt pháp lí và không bị kháng cáo.
Trong thực tế, ngoài những tranh chấp nảy sinh, những quy định của pháp luật có thể được đưa ra khiếu kiện ở Tòa án công nghiệp; những tranh chấp lao động ở Vương quốc Anh được đưa ra hòa giải và trọng tài về bản chất là những tranh chấp lợi ích; chúng có thể được giải quyết thông qua dàn xếp thương lượng và thoả hiệp, và nếu một tranh chấp được đưa ra trọng tài, thì người trọng tài cũng không hành động theo bất kì luật lệ ràng buộc nào về mặt pháp lí hay theo những tiêu chuẩn đã được thiết lập.
Điểm cần lưu ý là đây được coi như thói quen của nền dân chủ, cũng như thể hiện tính công tâm, chính xác và vai trò của cơ chế trọng tài trong hệ thống giải quyết tranh chấp, phù hợp với yêu cầu, vị trí, chức năng của trọng tài, cũng như quyền năng do pháp luật và sự tín nhiệm của các bên dành cho họ.
Việc mong muốn có sự giải thích rõ ràng về các phán quyết, hay sự biện luận chặt chẽ cho các phán quyết của trọng tài cũng xuất phát từ nhu cầu mong có những quyết định với lý do hợp lý trong tranh chấp về quyền cũng tương tự như nhu cầu cần có quyết định xét xử có biện luận chặt chẽ. Tuy nhiên có thể có những trường hợp mà không có nhu cầu thực sự phải đưa ra những quyết định có biện luận.
Những trường hợp như vậy có thể xảy ra ở những nơi mà Ban trọng tài bao gồm những thành viên của những người sử dụng lao động và người lao động có đầy đủ quyền biểu quyết. Ở nơi mà các thành viên này đều đồng lòng nhất trí đạt được một quyết định, nó có thể được hiểu một cách công bằng rằng quyết định của họ là kết quả của một sự thỏa hiệp.