Hình phạt là gì theo quy định của Bộ luật hình sự? 2023

Hình phạt là một biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội, hình phạt được quy định trong Bộ luật Hình sự và do Tòa án quyết định.

Những người phạm tội tùy thuộc vào hành vi phạm tội đó là gì và hậu quả do hành vi phạm tội đó gây ra là như thế nào thì sẽ được cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định với các khung hình phạt khác nhau theo quy định của pháp luật hình sự.

Khái niệm hình phạt theo quy định của Bộ luật hình sự

Hình phạt là một biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội, hình phạt được quy định trong Bộ luật Hình sự và do Tòa án quyết định.

Khi tòa án quyết định hình phạt chỉ được phép lựa chọn loại và mức hình phạt đã được quy định cụ thể tại khung hình phạt áp dụng đối với người phạm tội. Bởi lẽ, khi xây dựng luật, nhà làm luật đã cân nhắc đến tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của những trường hợp phạm tội khác nhau để có thể phân loại ra thành những tội phạm khác nhau và những khung hình phạt khác nhau.

Bộ luật hình sự hiện nay không quy định về khung hình phạt cứng điều này có nghĩa là sẽ có một mức hình phạt cố định để áp dụng cho tội phạm nhưng trong mỗi khung hình phạt cũng có mức tối thiểu và tối đa. Điều này cho phép Tòa án có thể có thể lựa chọn được loại và mức hình phạt phù hợp với những đối tượng tội phạm cụ thể.

Khái niệm hình phạt được quy định tại Điều 30 của Bộ luật hình sự như sau:

Điều 30. Khái niệm hình phạt

Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.

Bình luận và giải thích về hình phạt theo quy định của Bộ luật hình sự

Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất trong tất cả các biện pháp đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, thì hình phạt là biện pháp nghiêm khắc nhất, được áp dụng phổ biến nhất và có lịch sử lâu đời. Nhà nước sử dụng hình phạt đối với người phạm tội là để bảo vệ mình, bảo vệ xã hội chống lại sự vi phạm các điều kiện tồn tại của nó.

Tính chất nghiêm khắc của hình phạt thể hiện ở chỗ, nó có thể tước bỏ những quyền và lợi ích thiết thân của người bị kết án như quyền tự do, quyền chính trị, quyền sở hữu, thậm chí cả quyền sống. Ngoài ra, hình phạt bao giờ cũng để lại cho người bị kết án hậu quả pháp lý là án tích trong một thời hạn do luật định. 

Xét về nội dung, thì bất cứ hình phạt nào cũng chứa đựng trong nó những tước bỏ và hạn chế nhất định (về thể chất, về tinh thần, về tài sản) cho người bị áp dụng. Trừng trị là thuộc tính nội tại tự nhiên của hình phạt; không thừa nhận điều này là phủ nhận một thực tế khách quan. Khi áp dụng hình phạt đối với người phạm tội, Nhà nước, một mặt đã trừng trị họ, mặt khác lên án họ cùng với hành vi phạm tội đã thực hiện và thông qua đó nhằm đạt mục đích của hình phạt. Tuy nhiên, dưới các chế độ xã hội khác, thì tính chất trừng trị và chính sách áp dụng hình phạt được các Nhà nước quy định không giống nhau. Điều này tùy thuộc vào khả năng tự vệ của xã hội đối với những vi phạm các điều kiện tồn tại của các xã hội đó.

Ví dụ: Dưới chế độ phong kiến ở nước ta, tính chất trừng trị của hình phạt rất hà khắc, hình phạt phổ biến mang tính nhục hình, đày đọa thể xác và chà đạp phẩm giá con người bằng nhiều hình thức dã man (như thích vào mặt, đánh bằng roi, lăng trì…)

Ngày nay hình phạt trong Bộ luật Hình sự Việt Nam được áp dụng như một công cụ cưỡng chế nhà nước để bảo vệ lợi ích của quần chúng nhân dân lao động và do đó tính chất giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm của hình phạt ngày càng trở nên chủ yếu, bên cạnh thuộc tính không thể thiếu được của nó là tính trừng trị cần thiết.

Hình phạt được quy định trong Bộ luật Hình sự và do Tòa án quyết định

– Trong Bộ luật Hình sự Việt Nam, hình phạt được quy định bởi phần chung và phần các tội phạm. Phần chung quy định khái niệm, mục đích, các loại hình phạt, căn cứ quyết định hình phạt và miễn hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Phần các tội phạm quy định các loại và mức hình phạt cho từng loại tội phạm cụ thể.

Mức độ nghiêm khắc của hình phạt được quy định trong Luật Hình sự phụ thuộc vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm. Tội phạm càng nghiêm trọng thì hình phạt càng nghiêm khắc. Sự đa dạng và nhiều loại cấp độ về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đòi hỏi phải có nhiều loại hình phạt với những mức độ nghiêm khắc khác nhau. Sự tương ứng giữa hình phạt với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là yêu cầu cơ bản đảm bảo hiệu quả của Luật Hình sự và đồng thời là sự thống nhất nội tại cần thiết của Luật Hình sự. Vi phạm sự thống nhất nội tại này có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý tiêu cực trong quá trình áp dụng Bộ luật Hình sự vào cuộc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

– Hình phạt là biện pháp cưỡng chế do Tòa án nhân danh Nhà nước quyết định áp dụng đối với người phạm tội và chỉ có Tòa án mới có quyền này ngoài ra không một cơ quan Nhà nước nào có quyền quyết định hình phạt. Hình phạt được Tòa án tuyên đối với người phạm tội, thể hiện sự lên án của Nhà nước đối với họ và hành vi do họ gây ra. Sự trừng phạt bằng hình phạt đối với người có hành vi phạm tội là hậu quả thực tế của việc phạm tội. C. Mác đã viết: “dưới con mắt của kẻ phạm tội, sự trừng phạt phải là kết quả tất yếu của hành vi của chính người đó, do đó phải là hành vi của chính người đó”.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com