Hộ kinh doanh là gì? Thành lập hộ kinh doanh như thế nào? Quý vị hãy cùng tham khảo bài viết sau đây để biết thêm chi tiết.
Khái niệm hộ kinh doanh
Ban đầu khi mới xuất hiện, hộ kinh doanh được ghi nhận và điều chỉnh trong các văn bản pháp luật về cá nhân kinh doanh hoặc nhóm kinh doanh có vốn thấp hơn vốn pháp định. Sau này, để đáp ứng yêu cầu thống nhất về mặt pháp lý và để phù hợp với thực tiễn, hoạt động của hình thức này được ghi nhận và quy định cụ thể tại các Nghị định của Chính Phủ về đăng kí kinh doanh/ đăng kí doanh nghiệp. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, pháp luật lại đưa ra tên gọi và cách thức định nghĩa khác nhau về hộ kinh doanh.
– Tại Nghị định số 02/2000/NĐ-CP của Chính phủ ngày 03/02/2000 về đăng ký kinh doanh, hộ kinh doanh được nhắc đến với cái tên “Hộ kinh doanh cá thể”. Tại Điều 17 của Nghị định này đưa ra định nghĩa về hộ kinh doanh như sau:
“Hộ kinh doanh cá thể do một cá nhân hoặc hộ gia đình làm chủ, kinh doanh tại một địa điểm cố định, không thường xuyên thuê lao động, khôngcó con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh”
Định nghĩa này đã làm rõ bản chất của hộ kinh doanh cá thể, đó là hình thức kinh doanh của cá nhân hoặc hộ gia đình kinh doanh không dưới danh nghĩa một doanh nghiệp và khác với bản chất của của nhóm kinh doanh trước đây vì hộ kinh doanh cá thể chỉ có sự tham gia của một cá nhân duy nhất hoặc một hộ gia đình.
Khi Nghị định số 109/2004/NĐ-CP ngày 02/4/2004 của Chính phủ về đăng kí kinh doanh ra đời thay thế Nghị định số 02/2000/NĐ CP của Chính phủ, thì định nghĩa về hộ kinh doanh cá thể lại có sự đổi mới. Theo đó: “Hộ kinh doanh cá thể do một cá nhân hoặc hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng kí kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng không quá 10 lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh”.
Về mặt bản chất, định nghĩa này vẫn nhìn nhận hộ kinh doanh cá thể trên tinh thần Nghị định số 02/2000/NĐ-CP của Chính phủ nhưng lại đưa ra một tiêu chí cụ thể hơn để nhận diện hộ kinh doanh cá thể, đó chính là tiêu chí số lượng người lao động của hộ kinh doanh cá thể để nhằm phân biệt với các hình thức kinh doanh khác. Theo đó, hộ kinh doanh cá thể chỉ được sử dụng không quá 10 lao động, nếu vượt quá con số này, pháp luật yêu cầu hộ kinh doanh cá thể phải chuyển thành doanh nghiệp.
Tên gọi “Hộ kinh doanh cá thể chính thức được đổi thành Hộ kinh doanh” khi Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh ra đời. Cùng với sự thay đổi về tên gọi, Nghị định này cũng đưa ra cách hiểu mới về Hộ kinh doanh. Tại Điều 36 của Nghị định nêu rõ: “Hộ kinh doanh do một cá nhân là công dân Việt Nam hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng không quá mười lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh”.
So sánh với các quy định trước đó, có thể thấy sự thay đổi lớn nhất trong quan niệm về hộ kinh doanh từ phía pháp luật chính là phạm vi chủ thể tham gia hộ kinh doanh. Bên cạnh một cá nhân, một hộ gia đình như trước đây thì chủ đầu tư là một nhóm người cũng có quyền làm chủ hộ kinh doanh để thực hiện hoạt động kinh doanh của mình.
Việc mở rộng đối tượng tham gia cùng với sự thay đổi tên gọi đã cho thấy dấu ấn cá thể, dấu ấn hộ gia đình vốn có từ khi khai sinh của hộ kinh doanh đã dần bị lu mờ. Điều này là phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, hộ kinh doanh không chỉ là của một cá nhân, một hộ gia đình mà sẽ là sự lựa chọn chung cho các chủ thể có nhu cầu kinh doanh ở quy mô nhỏ.
Nghị định số 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ về đăng kí doanh nghiệp ngày 15/04/2010 ra đời vẫn tiếp tục giữ nguyên cách hiểu và định nghĩa về hộ kinh doanh như Nghị định số 88/2006/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên đến ngày 14/9/2015, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng kí doanh nghiệp thay thế Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Đây được coi là văn bản pháp lý hiện hành quy định về hộ kinh doanh nói riêng và về hoạt động đăng ký doanh nghiệp nói chung.
Ở đây, khái niệm hộ kinh doanh lại có sự thay đổi, nhưng sự thay đổi này không phải là sự thay đổi về mặt bản chất, về mặt dấu hiệu nhận diện, mà là sự thay đổi về mặt từ ngữ để khái niệm hộ kinh doanh thêm đầy đủ và chặt chẽ. Nếu như trong Nghị định số 88/2006/NĐ-CP hay Nghị định số 43/2010/NĐ-CP chỉ liệt kê: “Hộ kinh doanh do một cá nhân là công dân Việt Nam hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ…”, để làm rõ ràng hơn, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã bổ sung những yếu tố cần thiết về mặt nhân thân, để ngay trong chính định nghĩa về hộ kinh doanh chúng ta cũng có thể xác định được những chủ thể nào được quyền tham gia hình thức này, tránh tình trạng chung chung, mơ hồ như các định nghĩa trước đó. Cụ thể tại Điều 66 của Nghị định nêu rõ:
“Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh”.
Đặc điểm pháp lý của hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh có thể do một cá nhân, một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ
Hình thức Hộ kinh doanh là một hình thức đặc thù, ngay từ khi nó ra đời pháp luật đã chú trọng đến phạm vi chủ thể tham gia kinh doanh dưới hình thức này. Mặc dù hiện nay phạm vi đó đã có sự mở rộng hơn so với trước đây nhưng cũng chỉ bao gồm 3 đối tượng: cá nhân – hộ gia đình và nhóm người.
Thứ nhất: Về cá nhân tham gia hộ kinh doanh:
Hộ kinh doanh do một cá nhân thành lập thực chất là cá nhân kinh doanh. Cá nhân này là chủ sở hữu duy nhất đồng thời là người quyết định mọi vấn đề liên quan đến hộ kinh doanh: quyết định việc đăng kí kinh doanh, thực hiện hoạt động kinh doanh hoặc chấm dứt sự tồn tại của hộ kinh doanh. Về mặt tài chính, cá nhân là chủ hộ cũng sẽ là người duy nhất được hưởng toàn bộ lợi nhuận thu được, cũng như chịu trách nhiệm với mọi nghĩa vụ tài chính, mọi rủi ro phát sinh từ hoạt động của hộ kinh doanh.
Từ trước đến nay, pháp luật Việt Nam chỉ cho phép cá nhân là công dân Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự được làm chủ hộ kinh doanh. Còn đối tượng là cá nhân nước ngoài hiện nay vẫn chưa được phép thực hiện kinh doanh dưới hình thức này. Trên thực tế, đã có những vụ việc chuyển nhượng hộ kinh doanh như: các quán cà phê, quán ăn… (đăng kí hình thức hoạt động là hộ kinh doanh) cho người nước ngoài, nhưng sau đó họ phải đăng kí mới với một hình thức khác mà không được tiếp tục thực hiện ở hình thức hộ kinh doanh.
Đây là một điểm khác biệt so với quy định về các hình thức kinh doanh khác, và cũng là một điểm rất đặc trưng phù hợp với bản chất vốn có của hộ kinh doanh tại Việt Nam.
Thứ hai: Về hộ gia đình thành lập hộ kinh doanh
Hộ gia đình là một đơn vị xã hội bao gồm nhiều thành viên cùng sống trong một gia đình. Chủ thể này vẫn luôn là nòng cốt gắn liền với chính sách phát triển hộ kinh doanh của Nhà nước ta trong nhiều giai đoạn. Để tham gia vào hoạt động kinh tế nói chung và thiết lập hộ kinh doanh nói riêng, các thành viên trong hộ gia đình phải có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động chung trong sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực kinh doanh khác do pháp luật quy định.
Hộ gia đình sẽ phải cử ra một người đại diện hợp pháp gọi là chủ hộ. Người đại diện này sẽ thay mặt hộ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của cả hộ. Nhưng mọi lợi nhuận và rủi ro vẫn sẽ chia cho tất cả các thành viên trong hộ gia đình theo thỏa thuận mà họ đã thiết lập với nhau. Mặc dù pháp luật không đề cập đến, nhưng vì hộ gia đình là một đơn vị xã hội mang bản sắc riêng của mỗi quốc gia nên chúng ta có thể hiểu hộ gia đình tham gia hộ kinh doanh phải là hộ gia đình Việt Nam được thiết lập hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thứ ba: Về nhóm người tham gia hộ kinh doanh
Chủ thể này mới được phép tham gia thành lập hộ kinh doanh từ sau khi Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh ra đời. Sự tham gia của họ đã phần nào làm giảm đi tính cá thể, tính hộ gia đình trong bản chất của hộ kinh doanh và làm tăng tính hội nhập cho hình thức này. Chủ thể là nhóm người không có mối quan hệ đặc biệt như hộ gia đình mà đó là tập hợp của nhiều cá nhân, có chung mục tiêu, cùng nhau góp vốn, góp sức để thực hiện hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, những cá nhân này phải là công dân Việt Nam, từ đủ 18 tuổi, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự. Cũng giống như hộ gia đình, để hộ kinh doanh có thể hoạt động được, các thành viên trong nhóm sẽ phải cử ra một người làm đại diện để thay mặt tất cả các thành viên, nhân danh hộ kinh doanh trong mỗi quan hệ với Nhà nước và với các khách hàng, đối tác… Tuy nhiên, mọi lợi nhuận, trách nhiệm, rủi ro phát sinh từ hoạt động của hộ kinh doanh cũng sẽ được chia cho tất cả các thành viên trong nhóm theo thỏa thuận mà họ xác lập.
Hộ kinh doanh thường kinh doanh ở quy mô nhỏ
Đặc điểm này không phải xuất phát từ bản chất của hộ kinh doanh, mà được hình thành dựa trên quan điểm pháp lý của các nhà làm luật. Với mục đích xây dựng mô hình hộ kinh doanh phù hợp với lựa chọn của các đối tượng kinh doanh nhỏ và để thuận lợi cho việc quản lý, các quy định của pháp luật đều hướng đến việc khống chế quy mô của hộ kinh doanh.
Đây là đặc điểm để phân biệt hộ kinh doanh với các hình thức kinh doanh khác. Nếu như đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, pháp luật không hề có những hạn chế về việc họ được sử dụng bao nhiêu lao động, được mở bao nhiêu cơ sở sản xuất kinh doanh… thì đối với hộ kinh doanh lại khác. Có những con số cụ thể được đưa ra buộc hộ kinh doanh phải thực hiện.
Theo pháp luật hiện hành, một hộ kinh doanh chỉ được sử dụng không quá 10 lao động và chỉ được đăng kí kinh doanh tại 01 địa điểm. Như vậy, các nhà đầu tư muốn mở rộng quy mô, vượt qua những con số nêu trên thì không được phép hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh nữa mà bắt buộc phải chuyển sang những hình thức kinh doanh khác.
Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân.
Ở Việt Nam, pháp luật không đưa ra định nghĩa tư cách pháp nhân là gì, mà chỉ có quy định các điều kiện để một tổ chức có tư cách pháp nhân. Căn cứ vào Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015:Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Được thành lập theo quy định của pháp luật – Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ theo quy định của pháp luật.
– Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
– Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập. – Đối với hộ kinh doanh có một điều kiện mà xét về bản chất chủ thể này sẽ không đáp ứng được đó chính là sự độc lập về mặt tài sản. Trong hộ kinh doanh không có sự tách bạch rõ ràng giữa tài sản của hộ và tài sản của các thành viên. Đối với hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ sở hữu thì tài sản của hộ kinh doanh cũng là tài sản của chủ hộ và ngược lại. Đối với hộ kinh doanh do một hộ gia đình hoặc một nhóm người làm chủ, mặc dù có sự góp vốn, tuy nhiên kết quả của sự góp vốn đó chỉ là làm hình thành phần tài sản chung một cách đơn giản mà không tạo nên tài sản riêng cho hộ kinh doanh đó, trong quá trình hoạt động các thành viên cũng có thể phải tiếp tục bỏ tài sản riêng của mình vào để duy trì hoạt động của hộ. Do đó về mặt pháp lý, rõ ràng hộ kinh doanh không đáp ứng điều kiện để trở thành pháp nhân.
Chủ hộ kinh doanh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh
Do không có sự tách bạch rõ ràng giữa tài sản của Hộ kinh doanh với tài sản của chủ hộ kinh doanh nên trong quá trình hoạt động, các chủ sở hữu hoặc đồng sở hữu hộ kinh doanh sẽ phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ hoặc các nghĩa vụ tài chính khác của hộ.
Đối với hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ: Cá nhân là chủ sở hữu hộ kinh doanh sẽ là người duy nhất chịu trách nhiệm đối với mọi hoạt động của hộ kinh doanh. Nếu có phát sinh các khoản nợ, các nghĩa vụ tài chính mà số tiền đó lớn hơn số vốn kinh doanh của hộ thì chủ hộ không chỉ chịu trách nhiệm bằng phần vốn và tài sản dùng để trực tiếp kinh doanh mà còn phải chịu nghĩa vụ trên phần tài sản thuộc sở hữu của mình cho dù phần tài sản đó không đưa vào kinh doanh.
Đối với hộ kinh doanh do hộ gia đình hoặc nhóm người làm chủ: do có sự tham gia của nhiều cá nhân nên nghĩa vụ về tài chính sẽ được chia sẻ cho các thành viên trong hộ gia đình hoặc trong nhóm người thuộc hộ kinh doanh. Nghĩa vụ này sẽ được thực hiện theo nguyên tắc: mỗi thành viên trong hộ gia đình hoặc trong nhóm sẽ phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của hộ kinh doanh.
Cụ thể, nếu số vốn chung trong hộ kinh doanh không đủ để thanh toán các khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính thì phải sử dụng tài sản chung (không đưa vào kinh doanh) của hộ gia đình hoặc các thành viên phải đóng góp bằng tài sản riêng của mình để trả nợ. Việc góp thêm này sẽ kết thúc khi các khoản nợ của hộ kinh doanh được thanh toán hết. Pháp luật không có quy định về mức vốn góp cụ thể của các thành viên trong trường hợp này, trên thực tế các thành viên có thể chia theo tỷ lệ đồng đều hoặc một tỷ lệ khác tùy theo thỏa thuận của hộ gia đình hoặc của nhóm với nhau, tuy nhiên trong mọi trường hợp, các thành viên phải có trách nhiệm thanh toán hết các khoản nợ cho chủ nợ.
Trường hợp có một trong số các thành viên của hộ gia đình hoặc của nhóm người không có khả năng góp thêm tiền và tài sản để trả nợ theo thỏa thuận thì các thành viên khác có trách nhiệm phải lấy tài sản của mình để tiếp tục trả nợ cho đến khi khoản nợ được thanh toán đầy đủ.
Đăng kí kinh doanh đối với hộ kinh doanh
Điều kiện đăng kí kinh doanh
Các chủ thể muốn thực hiện hoạt động kinh doanh dưới hình thức Hộ kinh doanh thì phải tiến hành việc đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật. Việc đăng kí kinh doanh đối với hộ kinh doanh khá đơn giản nhưng để thực hiện được hoạt động này các nhà đầu tư cũng phải đáp ứng được một số những điều kiện nhất định. Nghị định của Chính phủ số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 về đăng kí doanh nghiệp có quy định một số những điều kiện để đăng kí kinh doanh đối với một hộ kinh doanh:
– Về chủ thể:
Pháp luật cho phép mọi cá nhân, nhóm người bao gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự đầy đủ; các hộ gia đình đều có quyền thành lập hộ kinh doanh. Tuy rằng không đề cập trực tiếp, nhưng chúng ta có thể thấy các đối tượng như: người chưa thành niên, người bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc bị tòa án tước quyền hành nghề, sẽ là những đối tượng không được phép tham gia thành lập hộ kinh doanh do không đáp ứng được yêu cầu về năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự.
Bên cạnh đó vì mục đích giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh, một bộ phận các chủ thể mặc dù đáp ứng được các điều kiện trên nhưng cũng không được phép tham gia hộ kinh doanh, đó là: chủ doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh trong công ty hợp danh (trừ trường hợp được các thành viên hợp danh còn lại đồng ý).
– Về ngành nghề kinh doanh:
Các nhà đầu tư chỉ được đăng kí kinh doanh cho hộ kinh doanh những ngành nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành nghề bị cấm kinh doanh. Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các nhà đầu tư phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật trong suốt quá trình hoạt động.
– Về địa điểm kinh doanh:
Khi lựa chọn kinh doanh bằng hình thức hộ kinh doanh, các nhà đầu tư phải xác định là sẽ bị khống chế về địa điểm kinh doanh. Theo quy định của pháp luật mỗi cá nhân, hộ gia đình chỉ được đăng kí một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc. Đối với hộ kinh doanh buôn chuyến, kinh doanh lưu động, đặc thù là họ phải di chuyển liên tục và đến nhiều nơi, do đó pháp luật quy định họ phải chọn một địa điểm cố định để đăng ký hộ kinh doanh.
Địa điểm này có thể là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi đăng ký tạm trú hoặc địa điểm thường xuyên kinh doanh nhất, nơi đặt địa điểm thu mua giao dịch. Đặc biệt là họ được phép kinh doanh ngoài địa điểm đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhưng phải thông báo cho cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi đăng ký trụ sở và nơi tiến hành hoạt động kinh doanh.
– Về tên của hộ kinh doanh:
Đây là một điều kiện cũng khá quan trọng nhưng các chủ đầu tư lại ít chú ý đến. Muốn đi đăng kí kinh doanh cho hộ kinh doanh thì hộ kinh doanh đó phải có tên riêng. Cách thức đặt tên phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Theo Điều 73, Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp:
“1. Hộ kinh doanh có tên gọi riêng. Tên hộ kinh doanh bao gồm hai thành tố sau đây:
a) Loại hình “Hộ kinh doanh”
b) Tên riêng của hộ kinh doanh.
Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu.
Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho hộ kinh doanh.
Hộ kinh doanh không được sử dụng các cụm từ “công ty”, doanh nghiệp” để đặt tên hộ kinh doanh.”
Bên cạnh việc đáp ứng cách thức đặt tên cho hộ kinh doanh theo quy định trên thì các nhà đầu tư cũng cần chú ý: tên riêng hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi toàn huyện. Đây là quy định nhằm tạo hiệu quả trong việc quản lý thông tin của các hộ kinh doanh, giúp nhận diện rõ ràng và nhanh chóng hoạt động của hộ kinh doanh trong phạm vi địa phương.
Thủ tục đăng kí kinh doanh
Do hộ kinh doanh có quy mô nhỏ, luôn bị khống chế phạm vi hoạt động nên việc quản lý và cấp đăng kí kinh doanh của hộ kinh doanh được giao cho cơ quan đăng kí kinh doanh cấp huyện thực hiện. Cụ thể, theo quy định của pháp luật hiện hành thì đó là Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đây là nơi trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh; xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Nhìn chung, thủ tục đăng kí kinh doanh đối với hộ kinh doanh tương đối đơn giản, pháp luật cũng đã có những hướng dẫn cụ thể và chi tiết về vấn đề này.
a) Về phía các chủ đầu tư là cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình thì sẽ phải thực hiện các bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị một bộ hồ sơ hợp lệ bao gồm các loại giấy tờ sau: – Giấy đề nghị đăng kí hộ kinh doanh.
Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:
+ Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện t
+ Ngành, nghề kinh doanh; + Số vốn kinh doanh;
+ Số lao động;
+ Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.
– Bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.
– Số lượng hồ sơ mà các chủ đầu tư phải chuẩn bị thông thường là 01 bộ hồ sơ. Về nguyên tắc người thành lập hộ kinh doanh tự kê khai hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh. | Bước 2: Nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ của cơ quan đăng kí kinh doanh cấp huyện và nhận giấy hẹn trả kết quả.
Bước 3: Nhận kết quả và nộp lệ phí tại cơ quan đăng kí kinh doanh cấp huyện.
b) Về phía cơ quan đăng kí kinh doanh phải thực hiện các bước sau:
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ của các chủ thể thành lập hộ kinh doanh và trao giấy biên nhận, giấy hẹn cho chủ hộ.
Bước 2: Xem xét hồ sơ
Về nguyên tắc cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh, không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của người thành lập hộ kinh doanh, hộ kinh doanh. Do đó khi tiếp nhận hồ sơ từ phía các chủ thể thành lập hộ kinh doanh, cơ quan đăng kí kinh doanh sẽ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ dựa trên các điều kiện sau:
(i) Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;
(ii) Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định của pháp luật;
(iii) Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.
Căn cứ vào những điều kiện này, cơ quan đăng kí kinh doanh sẽ quyết định cấp hoặc không cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh cho hộ kinh doanh.
Bước 3: Cấp giấy chứng nhận đăng kí hộ kinh doanh
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ, nếu xét thấy hồ sơ của các chủ thể thành lập hộ kinh doanh hợp lệ, cơ quan đăng kí kinh doanh sẽ cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh cho hộ kinh doanh. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.
Bước 4: Gửi bản sao giấy chứng nhận đăng kí hộ kinh doanh cho các cơ quan có liên quan.
Theo quy định, định kỳ vào tuần làm việc đầu tiên hàng tháng, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi danh sách hộ kinh doanh đã đăng ký tháng trước cho cơ quan thuế cùng cấp, Phòng Đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý chuyên ngành cấp tỉnh. Đ Thông thường hộ kinh doanh sẽ được thực hiện hoạt động kinh doanh ngay khi được cấp giấy chứng nhận đăng kí hộ kinh doanh. Trừ các trường hợp kinh doanh trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì họ sẽ chỉ được tiến hành kinh doanh kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động.
Hộ kinh doanh bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong các trường hợp sau:
– Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh là giả mạo;
– Không tiến hành hoạt động kinh doanh trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
– Ngừng hoạt động kinh doanh quá 06 tháng liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đăng ký:
– Kinh doanh ngành, nghề bị cấm;
– Hộ kinh doanh do những người không được quyền thành lập hộ kinh doanh thành lập;
– Không báo cáo về tình hình kinh doanh của hộ kinh doanh theo quy định
->>>>> Tham khảo thêm: Thành lập hộ kinh doanh cá thể