Thời hạn của hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình do hai bên thỏa thuận. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày.
Quy định về Hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình
Điều 162. Hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình
1. Người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình.
2. Thời hạn của hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình do hai bên thỏa thuận. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày.
3. Hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày, chỗ ở.
Tư vấn về Hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình
Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 BLLĐ năm 2019 thì hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Hợp đồng lao động có các nội dung chủ yếu được quy định tại khoản 1 Điều 21 của Bộ luật.
Tuy nhiên, xuất phát từ đặc thù của lao động giúp việc gia đình và để luật không quy định hợp đồng lao động đối với người giúp việc gia đình phải có đầy đủ các nội dung như hợp đồng lao động đối với người lao động khác mà chỉ bắt buộc có các nội dung thỏa thuận của hai bên về thời hạn hợp đồng lao động, hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày, chỗ ở; đồng thời cho phép mỗi bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày.
Theo đó, khi Chính phủ quy định về lao động là người giúp việc gia đình (khoản 2 Điều 161 BLLĐ năm 2019) đã quy định mẫu hợp đồng lao động, trong đó chi tiết các nội dung làm căn cứ để hai bên thỏa thuận, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình giao kết hợp đồng lao động. Về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, ngoài quy định báo trước ít nhất 15 ngày, Nghị định quy định bổ sung các trường hợp được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần phải báo trước để phù hợp với khoản 2 Điều 35, điểm d và e khoản 1 Điều 36 của BLLĐ.
Về hình thức hợp đồng lao động, trước đây BLLĐ năm 1994 quy định hợp đồng lao động đối với lao động giúp việc gia đình được giao kết dưới hình thức bằng miệng (lời nói). Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều trường hợp quyền lợi của người giúp việc gia đình không được bảo đảm, người sử dụng lao động vi phạm các thỏa thuận đã cam kết ban đầu với người lao động mà không có bằng chứng, chứng cứ lưu lại để giải quyết tranh chấp phát sinh.
Vì vậy, từ BLLĐ năm 2012 và đến nay là BLLĐ năm 2019 đều quy định hợp đồng lao động đối với lao động giúp việc gia đình phải giao kết dưới hình thức văn bản, quy định này cũng phù hợp với quan điểm của ILO được quy định tại Điều 7 Công ước số 189.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc giao kết hợp đồng lao động đối với người lao động giúp việc gia đình vẫn chủ yếu dưới hình thức lời nói, rất ít trường hợp giao kết bằng văn bản và nội dung của hợp đồng lao động cũng rất sơ sài, thường chỉ thỏa thuận về công việc phải làm và tiền lương, thậm chí nhiều trường hợp còn cho rằng việc ký kết hợp đồng lao động là không cần thiết. Cả người lao động giúp việc gia đình và người sử dụng lao động đều chưa nhận thức được vai trò cũng như lợi ích của việc giao kết hợp đồng lao động.
Họ ngại có sự ràng buộc về mặt pháp lý vì không biết trước có sử dụng lao động giúp việc gia đình được lâu dài hay không. Điều này đặt ra vấn đề trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước về lao động, tổ chức, đoàn thể cấp cơ sở đến người lao động là giúp việc gia đình và người sử dụng lao động.