Khái quát về đầu tư ở Việt Nam 2023

Đầu tư là một thuật ngữ phổ biến thường được sử dụng trong các lĩnh vực kinh tế, xây dựng hoặc pháp lý. Khái quát về đầu tư ở Việt Nam?

Khái niệm đầu tư

 Giá trị ở hiện tại có thể là tiền, tài nguyên thiên nhiên, sức lao động và trí tuệ. Giá trị tương lai là sự gia tăng lợi ích trực tiếp về tài sản, cơ sở vật chất hoặc là sự gia tăng lợi ích gián tiếp như giải quyết việc làm cho nguồn lao động. Quan điểm của hai học giả nổi tiếng này tương đồng với cách định nghĩa truyền thống của Từ điển tiếng Việt về đầu tư: “ bỏ nhân lực, tài lực, vật lực vào công việc gì, trên cơ sở tính toán hiệu quả kinh tế, xã hội”?. Như vậy, theo nghĩa rộng, đầu tư được tiếp cận là một hoạt động sử dụng các nguồn lực hiện tại để tạo ra những tài sản vật chất hoặc trí tuệ mới cho xã hội, là động lực để phát triển nền kinh tế.

Theo nghĩa hẹp, trong mỗi lĩnh vực chuyên ngành, khái niệm về đầu tư được tiếp cận cụ thể hơn. Dưới góc độ tài chính, đầu tư là một chuỗi các hoạt động chi và chuỗi hoạt động thu của chủ đầu tư, theo đó, chủ đầu tư sẽ bỏ vốn, mua nguyên vật liệu, thuê nhân lực và sau một thời gian nhất định, họ thu về lợi nhuận. Còn dưới góc độ xây dựng, đầu tư là quá trình bỏ vốn nhằm tạo ra các tài sản vật chất dưới dạng các công trình xây dựng.

Mặc dù nội hàm thuật ngữ đầu tư được nhìn nhận dưới các góc độ khác nhau nhưng đều thể hiện quan điểm chung là một quá trình sử dụng các nguồn lực (vật chất, phi vật chất) để làm gia tăng giá trị tài sản, gia tăng năng lực sản xuất và năng lực phục vụ của nền kinh tế. Thông qua đầu tư, nhà đầu tư hay Nhà nước đều có sự phát triển về chất và lượng. 

Dưới góc độ pháp lý, đầu tư là hoạt động được thực hiện bởi các nhà đầu tư theo những cách thức do pháp luật quy định nhằm mục tiêu lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận (không có khả năng hoàn vốn trực tiếp). Sự khác biệt về mục tiêu của chủ thể bỏ vốn đã phân chia đầu tư thành hai nhóm có bản chất pháp lý khác nhau: đầu tư có tính chất thương mại và đầu tư phi thương mại. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của pháp Luật Đầu tư thường chỉ dừng lại hoạt động đầu tư có tính chất thương mại. Quan điểm lập pháp này được thể hiện rõ ràng trong các đạo luật về đầu tư, cụ thể là Luật Đầu tư năm 2005 và Luật Đầu tư năm 2014.

 Tại Luật Đầu tư năm 2005 – văn bản pháp luật đầu tiên đưa ra định nghĩa về đầu tư, các nhà làm luật đã quan niệm đầu tư là việc nhà đầu tư bỏ vốn bằng các loại tài sản hữu hình hoặc vô hình để hình thành tài sản tiến hành các hoạt động đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Bổ trợ cho quy định này, Luật Thương mại năm 2005 đã nhận định hoạt động đầu tư là một bộ phận của hoạt động thương mại, do đó hoạt động đầu tư là hoạt động có mục đích sinh lời. Mười năm sau, Luật Đầu tư năm 2014 kế thừa tuyệt đối tư tưởng của Luật Đầu tư năm 2005 và thể hiện có phần rõ ràng hơn khi giới hạn phạm vi điều chỉnh của đạo luật là hoạt động đầu tư kinh doanh tại điều luật đầu tiên.

– Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư. Kết hợp với quy định về “kinh doanh của Luật Doanh nghiệp năm 2014, đầu tư kinh doanh có thể hiểu là việc nhà đầu tư bỏ vốn để thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi. Như vậy, đầu tư kinh doanh được thực hiện thông qua nhiều hình thức đầu tư như thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh, thực hiện dự án đầu tư… với các nội dung khác nhau nhưng đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là “sinh lợi”. 

Phân loại đầu tư 

Về lý luận cũng như thực tiễn áp dụng, hoạt động đầu tư được thực hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, trên phạm vi địa lý rộng với nguồn vốn và mục đích đầu tư đa dạng. Vì thế, để quản lý hiệu quả hoạt động đầu tư cũng như phục vụ cho việc xây dựng chính sách pháp luật đầu tư, việc phân loại đầu tư theo nhóm tiêu chí là việc làm cần thiết. Cơ sở để đưa ra tiêu chí phân loại dựa trên nhu cầu quản lý của Nhà nước và nhu cầu nghiên cứu khoa học về đầu tư, theo đó, có thể phân loại đầu tư theo những tiêu chí sau:

Thứ nhất: Căn cứ vào nguồn vốn đầu tư, đầu tư có thể chia thành: đầu tư  bằng nguồn vốn trong nước và đầu tư bằng nguồn vốn nước ngoài.

– Đầu tư bằng nguồn vốn trong nước: là các hoạt động đầu tư được thực hiện bằng nguồn vốn của ngân sách nhà nước và nguồn vốn của tư nhân (cá nhân, tổ chức trong nước). Quy mô của nguồn vốn trong nước bị phụ thuộc vào chính sách tài khóa của Chính phủ và trình độ phát triển kinh tế của đất nước. 

– Đầu tư bằng nguồn vốn nước ngoài: là hoạt động đầu tư được thực hiện hoặc được tài trợ bởi nguồn vốn từ chính phủ, tổ chức, cá nhân nước ngoài. Trong bối cảnh toàn cầu hóa nền kinh tế, việc lưu chuyển vốn quốc tế diễn ra liên tục và thường chảy về các quốc gia đang phát triển, vốn là nơi nguồn vốn trong nước còn hạn chế. Nguồn vốn nước ngoài khi vào quốc gia tiếp nhận đầu tư có nhiều hình thức trong đó phổ biến nhất là viện trợ phát triển chính thức (ODA- Official Development Assistance), nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI- Foreign Direct Investment), khoản vay từ ngân hàng quốc tế… Các nguồn vốn này nếu được sử dụng hiệu quả thì chắc chắn đóng vai trò không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế của quốc gia tiếp nhận đầu tư.

Thứ hai: Căn cứ vào mục đích của nhà đầu tư, đầu tư có thể chia thành: đầu tư kinh doanh và đầu tư phi lợi nhuận.

– Đầu tư kinh doanh: là hoạt động đầu tư nhằm mục đích thu lợi nhuận. Lợi nhuận được tạo ra làm giàu có cho các nhà đầu tư và ngân sách nhà nước. Vì thế phương thức đầu tư này là động lực phát triển của nền kinh tế. Trong cơ chế thị trường, vì mong muốn đạt được tối đa lợi ích cá nhân nên nhà đầu tư có thể mạo hiểm thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, khi thực hiện nhiệm vụ điều tiết nền kinh tế, Nhà nước cần xây dựng các chính sách kiểm soát được hoạt động đầu tư kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo tôn trọng quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư.

– Đầu tư phi lợi nhuận: là hoạt động đầu tư sử dụng vốn tạo ra các tài sản mới cho xã hội nhưng không nhằm mục đích lợi nhuận hoặc tài sản mới được tạo ra không có khả năng hoàn trả vốn trực tiếp. Dưới góc độ lý luận, đầu tư công là một trong những biểu hiện của đầu tư phi lợi nhuận. Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước sử dụng vốn đầu tư công để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội (đường cao tốc, trường học, bệnh viện), các dự án phát triển kinh tế – xã hội (dự án xóa đói giảm nghèo, dự án phổ cập giáo dục tiểu học). Bên cạnh đó, các dự án của nhà đầu tư tư nhân nhằm mục đích sinh hoạt (xây nhà ở, mua sắm tài sản) cũng là một dạng của đầu tư phi lợi nhuận.

Thứ ba: Căn cứ vào quan hệ quản lý của nhà đầu tư, đầu tư có thể chia thành: đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp

– Đầu tư trực tiếp: là hoạt động đầu tư trong đó nhà đầu tư bỏ vốn và trực tiếp tham gia tổ chức quản lý, điều hành quá trình sử dụng nguồn vốn đó và vận hành kết quả đầu tư. Trong hình thức đầu tư này, nhà đầu tư đồng thời giữ hai vai trò: chủ đầu tư và người quản lý, theo đó chủ đầu tư trực tiếp quản lý vốn đầu tư, trực tiếp điều hành, hưởng lợi nhuận và tự chịu rủi ro. Nhìn chung, chủ thể đầu tư và vốn luôn có sự gắn kết chặt chẽ. Đầu tư trực tiếp được thực hiện bởi công dân Việt Nam và người nước ngoài, trong phạm vi lãnh thổ quốc gia hoặc ở nước ngoài.

Do đó, dưới góc độ pháp lý, thuật ngữ đầu tư trực tiếp hàm chứa hai hoạt động là đầu tư trực tiếp trong nước và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Đầu tư trực tiếp trong nước là việc nhà đầu tư bỏ vốn để thực hiện các hình thức đầu tư trực tiếp trong lãnh thổ Việt Nam. Các hình thức đầu tư trực tiếp bao gồm: đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư theo hợp đồng (hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng đối tác công tư ). Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài là việc nhà đầu tư có quốc tịch Việt Nam mang tài sản của mình sang một quốc gia khác để thực hiện hoạt động đầu tư nhằm mục đích thu lợi nhuận.

Khi đó, hoạt động đầu tư sẽ chịu sự điều chỉnh đồng thời của hai hệ thống pháp luật: pháp luật của quốc gia mà nhà đầu tư mang quốc tịch (pháp luật Việt Nam) và pháp luật của quốc gia tiếp nhận đầu tư. Vì thế, sự phát triển của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài không chỉ phụ thuộc vào chính sách của quốc gia xuất khẩu vốn đầu tư mà còn chịu ảnh hưởng lớn từ sự hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới với nhau.

– Đầu tư gián tiếp: về bản chất, đầu tư gián tiếp là hình thức đầu tư mà nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư. Như vậy, sự khác biệt giữa đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp là việc quản lý điều hành của nhà đầu tư. Trong đầu tư gián tiếp, nhà đầu tư bỏ vốn mua cổ phiếu, trái phiếu để hướng đến mục đích duy nhất là nhận lại lợi nhuận là cổ tức hoặc lãi suất. Nhà đầu tư không tham gia điều hành doanh nghiệp hoặc quản lý dự án đầu tư. Do đó, đầu tư gián tiếp ra đời muộn hơn đầu tư trực tiếp nhưng có vai trò quan trọng trong việc thu hút vốn cho đầu tư kinh doanh.

Hình thức đầu tư này chính thức luật hóa tại Luật Đầu tư năm 2005, theo đó nhà đầu tư có quyền đầu tư gián tiếp thông qua việc mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác, quỹ đầu tư chứng khoán và thông qua các định chế tài chính trung gian khác. Sự ghi nhận về hình thức đầu tư này là nền tảng pháp lý cho sự ra đời của Luật chứng khoán năm 2006. Tuy nhiên, tại Luật Đầu tư năm 2014, tiêu chí phân loại này đã bị xóa bỏ, sự phân biệt giữa đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp chỉ còn tồn tại dưới dạng lý luận. Bởi suy đến cùng, sự khác biệt giữa đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp chỉ tồn tại một cách tương đối.

Thứ tư: Căn cứ vào lĩnh vực đầu tư, đầu tư có thể phân chia thành đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển sản xuất, đầu tư phát triển văn hóa giáo dục…

Nhìn chung, các hoạt động đầu tư này luôn có sự tương tác với nhau, kết quả của hoạt động này là tiềm lực phát triển của hoạt động kia. Bên cạnh đó, cơ cấu đầu tư luôn có sự chuyển dịch theo từng thời kỳ. Hiện tượng này được lý giải là do mức độ phát triển của nền kinh tế quốc gia khác nhau ở mỗi giai đoạn, sự thay đổi chính sách pháp luật hoặc sự tác động từ kinh tế chung thế giới. Nhận thức được điều đó, Nhà nước có thể thông qua các chính sách kinh tế và pháp lý điều tiết vốn đầu tư vào những lĩnh vực nhất định để đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững theo định hướng và kế hoạch đã đạt ra.

Khái quát về pháp Luật Đầu tư

Thứ nhất: Pháp Luật Đầu tư Việt Nam trước khi ban hành Luật Đầu tư (giai đoạn trước năm 2005) 

Tại Việt Nam, pháp luật về đầu tư ra đời khá muộn ngay cả khi so sánh với các nước đang phát triển ở cùng khu vực Đông Nam Á. Luật Đầu tư chung của Việt Nam được ban hành lần đầu tiên vào năm 2005. Trong khi đó, Campuchia vốn là quốc gia nghèo nhất khu vực đã ban hành Luật Đầu tư năm 1994′. Sự chậm trễ này là kết quả của điều kiện lịch sử và tàn tích của các cuộc chiến tranh để lại cho nền kinh tế.

Trong một thời gian dài (từ năm 1945- 1986), mọi nguồn lực trong nước và viện trợ nước ngoài đều tập trung cho kháng chiến giành độc lập dân tộc, hoạt động đầu tư gần như không xuất hiện trong thị trường. Năm 1975, đất nước đã thống nhất nhưng những vết thương của chiến tranh khiến cho nền kinh tế vẫn trong tình trạng kém phát triển, sản xuất nhỏ là phổ biến và mang nặng tính chất tự cấp tự túc. Với nguồn lực còn hạn chế, cộng với sự cấm vận của nước ngoài, hoạt động đầu tư không có điều kiện để phát triển và pháp luật đầu tư tư nhân cũng không được thừa nhận trong các văn bản pháp luật .

 Tháng 12 năm 1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986) đưa ra những chính sách đúng đắn nhằm “đổi mới toàn diện” mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế. Lần đầu tiên, hoạt động đầu tư được ghi nhận trong văn bản pháp luật và từng bước được xây dựng. Sau một thời gian ngắn, hàng loạt các văn bản pháp luật được ban hành đã tạo thành một hệ thống pháp luật đầu tư đồ sộ điều chỉnh mọi quan hệ xã hội trong hoạt động đầu tư kinh doanh. 

Đặc trưng nổi bật của hệ thống pháp Luật Đầu tư ở giai đoạn này là sự phân chia rõ ràng về phạm vi đầu tư: Đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài được điều chỉnh riêng biệt. Về đầu tư nước ngoài, văn bản đầu tiên quy định các nguyên tắc cơ bản là Nghị định số 115/CP ngày 18/4/1977 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Điều lệ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Sau đó Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 thay thế Điều lệ trên và được sửa đổi, bổ sung hai lần vào năm 1990 và năm 1992.

Đến năm 1996 Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Hoạt động đầu tư bằng nguồn vốn trong nước được điều chỉnh bằng Luật khuyến khích đầu tư trong nước năm 1994 và được sửa đổi vào năm 1998, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990, Luật Doanh nghiệp năm 1999, Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995 (thay thế bằng Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003), Luật Hợp tác xã năm 1996 (thay thế bằng Luật Hợp tác xã năm 2003).

 Lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam được điều chỉnh bởi Nghị định 22/1999/ NĐ- CP ngày 14/4/1999 quy định về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam, Thông tư 05/2001/TT-BKH ngày 30/8/2001 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam. 

Sự phân chia như trên có tác dụng chỉ ra vai trò của từng nguồn vốn trong quá trình phát triển kinh tế xã hội và phục vụ cho nhu cầu quản lý của nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, quản lý ngoại hối. Tuy nhiên, cách thức phân chia này cũng ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài “cảm giác an toàn của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với nước tiếp nhận đầu tư là không có… tạo nên một sự phân biệt đối xử không cần thiết giữa các nhà đầu tư trên cùng lãnh thổ, ảnh hưởng đến quyền lợi cần được bảo vệ của các nhà đầu tư”. 

Bên cạnh đó, việc phân chia giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài đã khiến khối lượng văn bản pháp luật đầu tư nước ta thời kỳ này quá nhiều. Đây là điều có thể hiểu được bởi cùng một quan hệ đầu tư nhưng phải có ít nhất hai văn bản điều chỉnh cho hai nhóm hoạt động. Một công trình nghiên cứu đã đúc kết: “Văn bản pháp luật về đầu tư trực tiếp nước ngoài có hàng trăm văn bản quy định về nhiều vấn đề khác nhau và liên tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trong hơn 14 năm (tính đến năm 2003).

 Pháp luật về đầu tư trong nước còn đồ sộ hơn, lên đến hàng nghìn văn bản, trong đó không ít quy định chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập với sự vận động của cơ chế mới, chưa kịp bãi bỏ hoặc chưa kịp sửa đổi, bổ sung. Một số lĩnh vực của cơ chế thị trường còn trống vắng sự điều chỉnh của pháp luật”. Thực trạng khách quan này đã đặt ra yêu cầu cần nhanh chóng xóa bỏ sự phân biệt giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, tiến đến nhất thể hóa pháp luật về đầu tư. 

Thứ hai: Pháp luật đầu tư Việt Nam sau khi ban hành Luật Đầu tư

Sau những cải tổ về chính sách doanh nghiệp, các doanh nghiệp trong nước đã đạt được những thành tích đáng kể và đóng góp vai trò quan trọng cho nền kinh tế. Đứng trước thực tiễn đó, Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước được hợp nhất lại thành Luật Đầu tư. Sự ra đời của Luật Đầu tư năm 2005 đã xoá bỏ phân biệt đối xử, tạo lập sân chơi chung và bình đẳng cho cả nhà đầu tự trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

 Theo TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, sự ra đời của Luật Đầu tư là cần thiết vì: “chỉ có Việt Nam mới có Luật Đầu tư. Nguyên nhân là vì với một nước đang phát triển như Việt Nam, Nhà nước có chức năng phát triển, nên cần định hướng, huy động nguồn lực vào chỗ Nhà nước cần. Còn ở các nước khác ở giai đoạn phát triển cao hơn chủ yếu là nhà nước phúc lợi xã hội, không phải huy động đầu tư vì thị trường tự làm điều đó”.

Thực tiễn ở một số quốc gia phát triển như Pháp, việc ban hành đạo Luật Đầu tư chung là không cần thiết. Hoặc ở một số quốc gia có trình độ phát triển tương đương Việt Nam như Thái Lan chỉ có Luật kinh doanh nước ngoài năm 1999. Như vậy, xét một cách khách quan, thì việc ra đời Luật Đầu tư năm 2005 là một đặc biệt riêng của pháp luật Việt Nam và nó có trọng trách, cùng vai trò lịch sử của mình. 

Luật Đầu tư năm 2005 cùng với Luật Doanh nghiệp năm 2005 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2006 đã đánh dấu mốc đặc biệt trong sự phát triển phát Luật Đầu tư và doanh nghiệp. Lần đầu tiên sau gần 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam có một khung pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp được áp dụng thống nhất cho tất cả các nhà đầu tư và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

 Điểm mới nổi bật của Luật Đầu tư 2005 là các quy định thông thoáng về quy trình, thủ tục thực hiện dự án đầu tư. Theo đó, Luật đã áp dụng phổ biến chế độ đăng ký đầu tư, bãi bỏ hàng loạt các quy định mang tính chất xin – cho, kiểm duyệt đối với nhà đầu tư; chuyển thủ tục quản lý hoạt động của dự án đầu tư từ cơ chế tiền kiểm sang cơ chế hậu kiểm…Tuy nhiên, các quan hệ kinh tế luôn vận động đòi hỏi các chính sách của pháp luật phải có sự chuyển dịch kịp thời. Sau một năm Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành, 

Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của WTO và bắt đầu thực hiện lộ trình cam kết với Tổ chức này về mở cửa thị trường đầu tư trong các ngành dịch vụ cũng như các cam kết khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh. Với tính chất phức tạp, mới mẻ của nhiều cam kết và thời gian chuẩn bị còn hạn chế, nên quy định của Luật Đầu tư năm 2005 dần không phù hợp với tình hình kinh tế xã hội. Đây là cơ sở thực tiễn để Luật Đầu tư năm 2014 được ban hành thay thế cho Luật Đầu tư năm 2005. 

Ngày 26/11/2014, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thông qua Luật Đầu từ năm 2014 và đạo luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015, Luật bao gồm 07 chương, 76 điều trong đó kế thừa hầu hết các quy định của Luật Đầu tư năm 2005, chỉ bãi bỏ toàn bộ Chương VII về đầu tư kinh doanh vốn nhà nước. Tư tưởng chủ đạo của Luật Đầu tư năm 2014 là tạo lập cơ sở pháp lý minh bạch để bảo đảm thực hiện nguyên tắc Hiến định về quyền tự do đầu tư kinh doanh của công dân trong các ngành, nghề mà Luật không cấm, hoàn thiện chính sách ưu đãi và khuyến khích đầu tư, hội nhập pháp luật đầu tư quốc tế. 

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com