Khi nào tạm đình chỉ công việc của người lao động? 2023

Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh.

Quy định về tạm đình chỉ công việc của người lao động theo Bộ luật lao động

Điều 128. Tạm đình chỉ công việc

1. Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho vic xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên. 

2. Thời hạn tạm đình chỉ công vic không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc. 

Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.

3. Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.

4. Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc. 

Bình luận về quy định tạm đình chỉ công việc của người lao động 

Điều luật này quy định về các vấn đề liên quan đến tạm đình chỉ công việcnhư căn cứ để tạm đình chỉ, thủ tục tạm đình chỉ, thời hạn cũng như quyền lợi của người lao động trong thời gian tạm đình chỉ. 

– Về căn cứ tạm đình chỉ:

Tạm đình chỉ công việc không phải là hình thức kỷ luật lao động và cũng không phải là thủ tục bắt buộc khi tiến hành xử lý kỷ luật. Tạm đình chỉ công việc được áp dụng trong trường hợp vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Ví dụ như việc thất thoát quỹ nhưng chưa xác định được rõ hành vi vi phạm của người thủ quỹ nên cần điều tra xác minh, nhưng nếu để người thủ quỹ tiếp tục thực hiện công việc sẽ khó khăn cho việc điều tra nên cần phải tạm đình chỉ công việc đối với người thủ quỹ. 

– Về thủ tục tạm đình chỉ:

Trước khi tạm đình chỉ công việc đối với người lao động người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên. Mục đích của quy định này là nhằm bảo vệ người lao động. Nếu người sử dụng lao động tạm đình chỉ không đúng thì tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên có ý kiến kịp thời. 

– Về thời hạn tạm đình chỉ:

Thời hạn tạm đình chỉ công việc đối với người lao động không quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt cũng không được quá 90 ngày. 

– Về quyền lợi của người lao động trong thời gian tạm đình chỉ: 

Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc. Hết thời gian tạm đình chỉ, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc, trường hợp bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng. Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc. Quy định này hướng đến việc bảo vệ người lao động trong thời gian tạm đình chỉ, buộc người sử dụng lao động phải cân nhắc về việc có áp dụng việc tạm đình chỉ đối với người lao động hay không.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com