Luật môi trường có phải là luật chuyên ngành? 2023

Luật môi trường có phải là luật chuyên ngành? Đây là thắc mắc sẽ được chúng tôi chia sẻ, giải đáp qua nội dung bài viết.

Ở Việt Nam cũng như hầu hết các nước trên thế giới, luật môi trường ra đời muộn so với các ngành luật khác. Sự can thiệp trực tiếp của các cơ quan nhà nước vào các hoạt động bảo vệ môi trường để ngăn chặn ngay sự huỷ hoại hoặc suy thoái của môi trường khiến lĩnh vực pháp luật này có nhiều dấu ấn của yếu tố quyền lực. Chính vì vậy, cũng có quan điểm cho rằng luật môi trường là một mảng hay một chế định của luật hành chính. Bên cạnh đó, cũng có quan điểm cho rằng luật môi trường là ngành luật độc lập, không thuộc phạm vi của luật hành chính mặc dù các quy định về quản lý nhà nước đối với môi trường khá phổ biến trong các quan hệ được coi là đối tượng của nó. 

Quan điểm cho rằng luật môi trường là ngành luật độc lập không có nhiều giá trị lí luận. Việc phân định ngành luật, tức là phân định giới hạn điều chỉnh của các quan hệ pháp luật theo những tiêu chuẩn truyền thống như đối tượng điều chỉnh, phương pháp điều chỉnh và cơ cấu chủ thể không giúp cho các luật gia nhận thức tốt hơn bản chất của luật môi trường tuy trong những bối cảnh nhất định, nó có thể có ý nghĩa cho phân loại trong lĩnh vực luật học. Thực tế, đối với nhiều lĩnh vực pháp luật hiện nay, việc xác định ranh giới giữa chúng rất khó thực hiện do sự phát triển đan xen của các quan hệ kinh tế xã hội.

Ngay cả trên ranh giới giữa các ngành luật được coi là truyền thống như luật dân sự, luật đất đai, luật tài chính, luật hành chính… cũng đã xuất hiện nhiều điểm giao thoa khiến nhiều học giả loay hoay tìm cách xác định xem chúng thuộc ngành luật nào. Tình trạng | trên được lí giải bởi các nguyên nhân sau đây: 

– Trong sự phát triển của nhiều ngành luật có sự tách riêng của một hoặc một số định chế. Sự phát triển của các quan hệ xã hội đạt tới mức mà việc hạn chế chúng trong một định chế không còn có thể chấp nhận được. dụ: định chế thuế trong luật tài chính của nhiều nước đã tách thành ngành luật thuế. Luật hôn nhân gia đình của chúng ta cũng hình thành từ một định chế của luật dân sự trước đây. 

– Nhiều lĩnh vực luật có sự đan xen các quan hệ. dụ: mối quan hệ giữa cá nhân với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp liên quan đến sở hữu trí tuệ rất khó có thể xác định đâu là quan hệ dân sự, đâu là quan hệ thương mại. Quan hệ giữa người tiêu dùng với tổ chức bán lẻ hay với bản thân nhà sản xuất cũng khó có thể xác định là hoàn toàn thuộc về lĩnh vực thương mại hay lĩnh vực dân sự. Vì vậy, việc phân định chúng bằng tiêu chí chủ thể, đối tượng điều chỉnh khó có thể thực hiện được. Luật thương mại, luật hành chính và luật môi trường đều là những ví dụ cụ thể. 

– Do sự phát triển kinh tế, xã hội nên tính chất “đơn nhất” trong hoạt động của các doanh nghiệp, các tổ chức được thay thế bởi “tính đa nguyên”. Điều này có nghĩa là một chủ thể pháp luật, nhất là các pháp nhân kinh tế trong điều kiện kinh tế xã hội hiện tại có thể tham gia nhiều quan hệ pháp luật khác nhau. Vì vậy, tiêu chí cơ cấu chủ thể cũng không còn mang tính triệt để như trước. 

Chính vì những lí do nêu trên, khoa học luật môi trường không đặt ra vấn đề ngành luật độc lập hay không độc lập mặc dù có nhiều cơ sở khá vững chắc để có thể sắp xếp nó theo cách mà khoa học pháp lí ở các nước XHCN trước đây và ở nước ta hiện nay vẫn áp dụng: đó là sự phân ngành hệ thống pháp luật hiện hành theo ngành luật độc lập. 

Vấn đề đặt ra ở đây là luật môi trường có hoàn toàn thuộc về luật hành chính hay thuộc là một lĩnh vực pháp luật độc lập. Quan điểm coi luật môi trường là bộ phận của luật hành chính cũng có hạt nhân hợp lí của nó. Đó là tính chất quản lý nhà nước đối với mọi hoạt động có liên quan đến môi trường. Phần lớn các quy định của luật môi trường đều có mục tiêu là giúp nhà nước quản lí hoạt động của cá nhân, tổ chức khi họ tiến hành bất cứ các hoạt động nào có khả năng tác động đến môi trường. Trên thực tế, không có bất cứ hoạt động nào nằm ngoài môi trường cụ thể. Vì vậy, có thể nói rằng xét ở góc độ môi trường thì phạm vi hoạt động quản lý nhà nước là hết sức rộng lớn.

Tuy nhiên, luật môi trường không nên coi là bộ phận của luật hành chính. Nếu coi luật môi trường là bộ phận của luật hành chính vì ở trong đó yếu tố có quản lý hành chính thì chúng ta có thể coi tất cả các ngành luật đang tồn tại trong hệ thống pháp luật của chúng ta đều là bộ phận của luật hành chính. Quan hệ đất đai, quan hệ lao động, quan hệ hình sự, quan hệ dân sự… đều là những lĩnh vực nằm trong phạm vị của quản lý nhà nước ở góc độ này hay góc độ khác.

Luật môi trường cần được coi là lĩnh vực luật riêng biệt như lĩnh vực luật đất đai, tài chính ngân hàng, hành chính… Quan điểm này xuất phát từ những cơ sở khoa học và thực tiễn của nó. Xem xét tính riêng biệt của luật môi trường từ góc độ lí luận có thể thấy nổi lên các lí do sau: 

– Các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực môi trường mà pháp luật cần điều chỉnh đều gắn với việc bảo vệ, sử dụng hoặc tác động đến một hoặc một vài yếu tố môi trường cụ thể. Mối liên hệ này là mối liên hệ tự nhiên, không phụ thuộc vào các cơ sở xã hội. Các quan hệ của luật môi trường phát sinh giữa các chủ thể không cần đến bất cứ điều kiện tiền đề nào như quan hệ hợp đồng hay quan hệ quản lí, quan hệ sở hữu. Có hay không có sở hữu, có hay không có quyết định xử lý hành chính con người cũng phải tiếp cận với không khí, với nước, với rừng biển và đất.

– Khác với các quan hệ hành chính được điều chỉnh chủ yếu trên cơ sở của nguyên tắc mệnh lệnh, các quan hệ trong lĩnh vực môi trường được điều chỉnh dựa trên sự kết hợp của nhiều nguyên tắc khác nhau, trong đó đặc biệt nổi lên nguyên tắc kích thích lợi ích. Trong hoạt động của mình, các cá nhân, tổ chức thường tác động đến môi trường để tạo ra cho mình những nguồn lợi cao nhất, bất chấp những thiệt hại sẽ xảy ra cho cộng đồng. Những thiệt hại này không hiện hữu ở thời điểm môi trường bị tác động nên phản ứng của cộng đồng không gay gắt. Vì vậy, việc dùng những biện pháp hành chính để điều chỉnh các quan hệ môi trường thường không hiệu quả bằng các biện pháp kinh tế, giáo dục.

 – Việc xây dựng các chuẩn mực xử sự và theo dõi việc thực hiện các chuẩn mực xử sự của công dân, tổ chức trong lĩnh vực môi trường dựa nhiều vào tiêu chí kĩ thuật, các đặc tính lí hoá của từng yếu tố cụ thể của môi trường. Nói cách khác, quan hệ môi trường gắn chặt với các yếu tố khoa học kĩ thuật hơn so với nhiều loại quan hệ pháp luật khác. Vì vậy, việc xây dựng và áp dụng các quy phạm pháp luật để điều chỉnh những quan hệ xã hội về môi trường có những đặc thù riêng của nó. 

– Do tính toàn cầu cao của vấn đề môi trường nên pháp luật môi trường cũng kế thừa tính chất toàn cầu đó. Trong pháp luật môi trường của chúng ta có rất nhiều khái niệm, nhiều tiêu chuẩn môi trường có nguồn gốc quốc tế dùng để xác định chuẩn mực hợp pháp và không hợp pháp trong xử sự của công dân, tổ chức. Nhiều định chế quốc tế đã có thể can thiệp được vào các hoạt động thuộc quyền tài phán của quốc gia. Có lẽ ít có trường hợp xuất khẩu loại sản phẩm nào mà các nhà xuất khẩu Việt Nam lại phải xin phép không phải là Bộ công thương Việt Nam mà là một thiết chế được Việt Nam thành lập theo yêu cầu của Công ước quốc tế như việc xuất khẩu động vật hoang dã. Chỉ khi có sự chấp nhận của tổ chức CITES thì các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam mới được xuất khẩu động vật hoang dã. Đây là điểm đặc thù khiến cho luật môi trường khó có thể được coi là thuộc lĩnh vực pháp luật hành chính. 

Sự phát triển của luật môi trường ở một số nước cũng cho thấy tính riêng biệt (hay tính độc lập tương đối) của lĩnh vực pháp lí này. Ở Mỹ, nơi có sự xuất hiện luật môi trường sớm nhất, nơi có các án lệ liên quan đến việc bồi thường do gây ô nhiễm. Vụ Boomer kiện Công ti Xi măng Atlantic và Vụ Missouri kiện Holland là những ví dụ. Các văn bản pháp luật về môi trường cũng xuất hiện khá sớm so với nhiều nước. Năm 1899, Đạo luật về sông và bến cảng” được ban hành để cấm việc xả chất thải vào các vùng nước của Mỹ. Các khu bảo tồn, các công viên quốc gia được thành lập ở Mỹ vào những năm cuối của thế kỉ IXX. Những năm 60, 70 của thế kỉ XX, Mỹ chú trọng rất lớn đến việc phát triển luật môi trường theo xu hướng pháp luật thành văn.

Năm 1967, Quốc hội Mỹ ban hành Luật về chất lượng không khí;1) Luật bảo vệ môi trường liên bang) năm 1969; Luật không khí sạch năm 1970;3) Luật nước sạch; Luật về sản phẩm an toàn năm 1972;15) Luật kiểm soát tiếng ồn.(6) Nhiều đạo luật khác về môi trường cũng được tiếp tục ban hành và tạo nên một hệ thống pháp luật môi trường đầy đủ và toàn diện bao gồm hầu hết các yếu tố của môi trường. Luật môi trường ở Mỹ được coi là lĩnh vực pháp luật riêng biệt, không nằm trong phạm vi của luật hành chính. Trong các chương trình đào tạo của các trường luật ở Mỹ thì luật môi trường được coi là course học riêng biệt bên cạnh các course học như luật hành chính, luật hình sự, luật thương mại. 

Australia cũng là quốc gia có sự phát triển đáng lưu ý về lĩnh vực luật môi trường. Cũng giống như ở Mỹ, luật môi trường ban hành từ các án lệ về bồi thường thiệt hại do ô gây ô nhiễm. Các văn bản pháp luật về môi trường ở Australia được ban hành chủ yếu vào ba thập kỉ cuối của thế kỉ trước. Trong số những đạo luật quan trọng của chính quyền liên bang về môi trường cần kể đến Luật về bảo vệ môi trường năm 1981; Luật bảo vệ thế giới hoang dã năm 1982;  Luật bảo vệ tầng ôzôn năm 1989… Chính quyền các bang cũng ban hành nhiều đạo luật bảo vệ môi trường riêng của mình. Sự phát triển của hoạt động lập pháp cũng như khoa học luật môi trường đã khiến cho luật môi trường ở Australia phát triển mạnh như là một lĩnh vực riêng biệt. 

Các cơ sở đào tạo của nước này cũng đưa luật môi trường và thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn trong chương trình đào tạo của mình. Tuy nhiên, cũng có thể dễ nhận thấy luật môi trường ở Australia cũng đang trong quá trình phát triển: Luật môi trường ngày nay không đơn giản trong giai đoạn định hình vẫn đang còn trong giai đoạn tiến triển

Một số nước khác như Singapore, Philippine cũng đều chú trọng phát triển luật môi trường không chỉ ở phương diện lập pháp mà cả ở phương diện khoa học và đào tạo. Philippine đã ban hành nhiều đạo luật về các yếu tố khác nhau của môi trường vào những năm 80, 90 của thế kỉ trước. Singapore trong sự phát triển luật môi trường chịu ảnh hưởng khá sâu của Mỹ, Anh và Australia. Cả Philippine và Singapore đều coi luật môi trường là lĩnh vực lập pháp riêng. Còn các cơ sở đào tạo ở các nước này cũng coi luật môi trường như là môn học riêng biệt bên cạnh các môn học khác. 

Ở một số nước châu Âu khác như Thụy Điển, Pháp, Đức… luật môi trường cũng được tiếp cận và phát triển theo xu hướng tương tự. 

>>>>> Tham khảo: Ô nhiễm môi trường là gì?

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com