Một số quy định khác về doanh nghiệp xã hội. Luật Doanh nghiệp đã giới hạn về hình thức hoạt động, mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp xã hội.
Tiêu chí nhận diện doanh nghiệp xã hội
(i) Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật này;
(ii) Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng.
(iii) Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện các mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.
Như vậy, khi nhận diện một tổ chức có phải doanh nghiệp xã hội hay không, chúng ta phải xác định tổ chức đó có hội tụ đủ cả ba tiêu chí mà Luật định hay không, đó là các tiêu chí về hình thức tổ chức, mục tiêu hoạt động, số tiền được trích ra từ tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp được sử dụng để tái đầu tư nhằm giải quyết các vấn đề xã hội đã đăng ký. Nếu đáp ứng đầy đủ cả ba tiêu chí này thì tổ chức đó mới là doanh nghiệp xã hội và được hưởng đầy đủ các quy chế pháp lý dành cho mô hình doanh nghiệp này.
Có thể nói, việc đưa ra các tiêu chí nhận diện doanh nghiệp xã hội có ý nghĩa rất quan trọng trong việc “quy hoạcho cộng đồng doanh nghiệp xã hội đang ngày càng đông đảo ở Việt Nam thời gian vừa qua, trả lại bản chất thực sự cho mô hình doanh nghiệp này, và thông qua đó nâng cao trách nhiệm của chủ sở hữu/người quản lý doanh nghiệp trong việc quản lý, điều hành doanh nghiệp để doanh nghiệp không hoạt động sai khác đi so với những mục tiêu đã đăng ký.
Bên cạnh đó, việc xác định rõ doanh nghiệp xã hội sẽ hỗ trợ hiệu quả cho Nhà nước trong việc xây dựng cơ chế ưu đãi dành riêng cho mô hình này và áp dụng vào thực tiễn đúng đối tượng, tránh gây thất thoát nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước trong việc kêu gọi cộng đồng chung tay giải quyết các vấn đề xã hội.
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội
Trước hết, với tư cách là một doanh nghiệp, doanh nghiệp xã hội cũng được hưởng đầy đủ các quyền, đồng thời phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ mà pháp luật đặt ra đối với doanh nghiệp nói chung được quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9 Luật Doanh nghiệp 2014.
Bên cạnh đó, với bản chất là một mô hình doanh nghiệp đặc thù hoạt động với mục tiêu “kép” nên bản thân doanh nghiệp xã hội cũng sẽ có những quyền và nghĩa vụ riêng biệt:
Quyền của doanh nghiệp xã hội:
– Doanh nghiệp xã hội được duy trì mục tiêu xã hội và điều kiện về trích % lợi nhuận hàng năm để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký trong suốt quá trình hoạt động. Hơn thế nữa, vì những tiêu chí đặt ra đối với doanh nghiệp xã hội được quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2014 cũng chính là điều kiện cho sự tồn tại của doanh nghiệp xã hội nên trong trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động muốn chuyển thành doanh nghiệp xã hội hoặc doanh nghiệp xã hội muốn từ bỏ mục tiêu xã hội, môi trường, không sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư thì doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền để tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật.
Ở đây, theo quy định tại Điều 5 Nghị định 96, khi thành lập doanh nghiệp hoặc trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp xã hội có nghĩa vụ phải thông báo Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường cho cơ quan đăng ký kinh doanh để công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Về mặt nội dung, Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường của doanh nghiệp xã hội phải đảm bảo đầy đủ các thông tin theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định 96. Về mặt hình thức, Cam kết trên phải được thực hiện đúng theo quy định tại Biểu mẫu 1 Thông tư 04/2016/TT-BKHĐT ban hành ngày 17/05/2016 quy định các biểu mẫu văn bản sử dụng trong đăng ký doanh nghiệp xã hội theo Nghị định 96/2015/NĐ-CP (Thông tư 04).
Bên cạnh đó, trong trường hợp nội dung Cam kết có sự thay đổi, doanh nghiệp xã hội phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh về nội dung thay đổi trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày quyết định thay đổi để công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo thay đổi từ phía doanh nghiệp xã hội. Cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện cập nhật thông tin vào hồ sơ doanh nghiệp và công khai trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Mẫu thông báo thay đổi nội dung Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường được quy định tại Biểu mẫu 2 Thông tư 04.
Mặt khác, nếu đã hết thời hạn Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường; vấn đề xã hội, môi trường trong Cam kết đã thay đổi hoặc không còn nữa; hay doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ Cam kết, vv… thì doanh nghiệp xã hội phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh về việc chấm dứt Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định chấm dứt để công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Kèm theo thông báo phải có các tài liệu bao gồm: Quyết định và bản sao biên bản họp của doanh nghiệp hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có), trong đó nêu rõ lý do chấm dứt; thỏa thuận với cá nhân, tổ chức liên quan về xử lý số dư tài sản hoặc tài chính đối với nguồn viện trợ, tài trợ mà doanh nghiệp xã hội đã nhận (nếu còn).
Trên cơ sở đó, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cập nhật thông tin vào hồ sơ doanh nghiệp và công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo. Ngoài ra, trong trường hợp chấm dứt Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường của doanh nghiệp xã hội, toàn bộ số dư tài sản hoặc tài chính còn lại của các khoản viện trợ, tài trợ đã được nhận phải chuyển lại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã viện trợ, tài trợ hoặc chuyển cho các doanh nghiệp xã hội khác, tổ chức khác có mục tiêu xã hội tương tự.
Đặc biệt, doanh nghiệp xã hội chỉ được chấm dứt Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường nếu vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã xử lý số dư của khoản viện trợ, tài trợ mà doanh nghiệp đã nhận, bởi vì xét đến cùng, doanh nghiệp xã hội trước hết vẫn là một loại hình doanh nghiệp. Ngoài doanh nghiệp tư nhân, tất cả các loại hình doanh nghiệp khác được Luật Doanh nghiệp quy định đều phải tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
– Chủ sở hữu doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp xã hội được xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật;
– Doanh nghiệp xã hội được huy động và nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác của Việt Nam và nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Mặc dù doanh nghiệp xã hội không phải là một tổ chức phi chính phủ hay tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động phụ thuộc vào nguồn viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nhưng vì cùng một lúc theo đuổi hai mục tiêu: mục tiêu lợi nhuận và mục tiêu xã hội, nên trong nhiều trường hợp hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp xã hội sẽ thấp hơn so với các doanh nghiệp thông thường khác.
Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp xã hội gặp phải những khó khăn về tài chính hay về việc tìm đầu ra cho sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp, từ đó ảnh hưởng đến quá trình thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường đã đặt ra.
Chính vì vậy, việc cho phép doanh nghiệp xã hội được tiếp nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động của doanh nghiệp là cần thiết để giúp cho doanh nghiệp xã hội đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu trong quá trình hoạt động, giúp cho chủ sở hữu/người quản lý doanh nghiệp an tâm trong việc tìm ra phương thức nhằm thực hiện các mục tiêu xã hội đã đặt ra và hơn hết là sẵn sàng mở rộng vòng tay giúp đỡ thêm nhiều đối tượng khó khăn, yếu thế trong xã hội.
Nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội
Bên cạnh những quyền cơ bản nói trên, doanh nghiệp xã hội đồng thời phải đáp ứng một số nghĩa vụ tương ứng như sau:
– Không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký.
– Đây là quy định hợp lý nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp xã hội sau khi được tiếp nhận tài trợ lại sử dụng sai mục đích khoản viện trợ này. Việc các cá nhân, tổ chức tài trợ cho doanh nghiệp xã hội là một nghĩa cử cao đẹp với mong muốn chung tay góp sức cùng doanh nghiệp giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, những đối tượng yếu thế trong xã hội hay bảo vệ môi trường sinh thái đang bị tàn phá nghiêm trọng.
Nếu số tiền này bị sử dụng sai mục đích sẽ không chỉ ảnh hưởng đến những tổ chức, cá nhân tài trợ mà còn làm xấu đi hình ảnh của doanh nghiệp xã hội và hơn hết là những vấn đề xã hội đã đặt ra không được giải quyết triệt để.
– Trường hợp được nhận các ưu đãi, hỗ trợ, doanh nghiệp xã hội phải định kỳ hằng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Việc giải quyết các vấn đề xã hội vốn thuộc trách nhiệm của Nhà nước nhưng bản thân Nhà nước lại không thể một mình gánh vác được tất cả các vấn đề phát sinh trong xã hội. Chính vì vậy, sự đóng góp của các tổ chức như doanh nghiệp xã hội vào công cuộc hỗ trợ cho Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề xã hội luôn được đề cao và coi trọng. Khi doanh nghiệp thực hiện những công việc này, Nhà nước luôn dành cho doanh nghiệp những ưu đãi, hỗ trợ nhất định. Những ưu đãi này, trong nhiều trường hợp, có thể khiến cho doanh nghiệp xã hội gặp nhiều ưu thế hơn trong quá trình kinh doanh so với những doanh nghiệp khác.
Vì vậy, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp xã hội được thành lập chỉ để được nhận ưu đãi, hỗ trợ từ Nhà nước hay viện trợ từ các tổ chức, cá nhân mà không hề có bất cứ hành động nào để hiện thực hóa mục tiêu xã hội đã đăng ký. Do đó, để hạn chế tình trạng này, Luật Doanh nghiệp yêu cầu trong trường hợp nhận các ưu đãi, hỗ trợ từ Nhà nước, doanh nghiệp xã hội phải định kỳ hằng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình hoạt động của doanh nghiệp để phục vụ cho quá trình quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp xã hội.
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 96, trường hợp nhận ưu đãi, viện trợ, tài trợ, định kỳ hằng năm doanh nghiệp xã hội phải gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc cơ quan quản lý viện trợ, tài trợ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp xã hội có trụ sở chính Báo cáo đánh giá tác động xã hội đối với các hoạt động doanh nghiệp đã thực hiện chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân được quyền yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc cơ quan quản lý viện trợ, tài trợ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp xã hội có trụ sở chính cung cấp các thông tin, bản sao Báo cáo đánh giá tác động xã hội và Văn bản tiếp nhận viện trợ, tài trợ được lưu giữ tại cơ quan đó.
Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc cơ quan quản lý viện trợ, tài trợ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Có thể nói, những quy định này sẽ giúp nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện các mục tiêu xã hội, môi trường đã đăng ký khi tiếp nhận những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước.
Đăng ký doanh nghiệp xã hội
Doanh nghiệp xã hội hoạt động như một loại hình doanh nghiệp thông thường. Chính vì vậy, việc thành lập doanh nghiệp xã hội trước hết phải đáp ứng quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14/09/2015 về đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể, người thành lập doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện thành lập doanh nghiệp như điều kiện về vốn, về chủ thể, về ngành nghề kinh doanh, về tên, trụ sở, về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Người thành lập doanh nghiệp xã hội phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, còn cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp xã hội. Bên cạnh đó, trong trường hợp doanh nghiệp xã hội lựa chọn ngành nghề kinh doanh các điều kiện thì doanh nghiệp xã hội/chủ sở hữu doanh nghiệp xã hội còn phải đáp ứng có điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư 2014 và các văn bản pháp luật chuyên ngành.
Ngoài việc thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp giống với các doanh nghiệp khác, với tính chất là một doanh nghiệp đặc thù, doanh nghiệp xã hội còn phải đáp ứng thêm một số quy định áp dụng riêng cho việc thành lập doanh nghiệp xã hội. Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 96, tên doanh nghiệp xã hội được đặt theo quy định tại các Điều 38, 39, 40 và 42 Luật Doanh nghiệp 2014 và có thể bổ sung thêm cụm từ “xã hội” vào tên riêng của doanh nghiệp.
Tên doanh nghiệp là yếu tố đầu tiên mà những đối tác, khách hàng của doanh nghiệp xã hội nhìn vào và có thể xác định được mô hình hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, có thể coi đây là một trong những quy định giúp nhận diện các doanh nghiệp xã hội trên thực tế. CHI
Tổ chức lại, giải thể và chuyển một số tổ chức thành doanh nghiệp xã hội
Tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp xã hội
Khi thực hiện hoạt động kinh doanh với tư cách doanh nghiệp, hoạt động của doanh nghiệp xã hội sẽ chịu sự tác động của các quy luật thị trường. Do đó, nếu muốn kinh doanh hiệu quả để thu được lợi nhuận, doanh nghiệp xã hội cần phải trở thành một chủ thể kinh doanh năng động, không ngừng đổi mới và theo kịp với xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường.
Trong trường hợp quy mô kinh doanh, nhu cầu liên kết kinh doanh giữa các chủ sở hữu/thành viên doanh nghiệp có sự thay đổi, hay thậm chí không còn muốn tiếp tục thực hiện hoạt động kinh doanh cũng như theo đuổi những mục tiêu xã hội đã đặt ra, chủ sở hữu/các thành viên doanh nghiệp xã hội có thể quyết định việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể đối với doanh nghiệp xã hội.
Ở đây cũng cần lưu ý: Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về hai trường hợp giải thể: giải thể tự nguyện và giải thể bắt buộc nên sẽ có trường hợp doanh nghiệp xã hội vi phạm quy định của pháp Luật Doanh nghiệp và hành vi vi phạm đó thuộc trường hợp bị buộc phải giải thể.
Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 96, việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập đối với doanh nghiệp xã hội phải được thực hiện theo nguyên tắc: doanh nghiệp xã hội sau khi thực hiện tổ chức lại vẫn phải đảm bảo mô hình hoạt động là doanh nghiệp xã hội và không được tự ý từ bỏ mục tiêu xã hội, môi trường đã đăng ký. Còn đối với trường hợp giải thể doanh nghiệp, số dư tài sản hoặc tài chính còn lại đối với nguồn tài sản, tài chính mà doanh nghiệp xã hội đã nhận phải được trả lại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã viện trợ, tài trợ hoặc chuyển cho các doanh nghiệp xã hội khác, tổ chức khác có mục tiêu xã hội tương tự.
.Chuyển một số tổ chức thành doanh nghiệp xã hội
Trước khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực, hoạt động của một số tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận như cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội và quỹ từ thiện được đánh đồng với hoạt động của doanh nghiệp xã hội. Những tổ chức này, họ có thể thực hiện một số hoạt động kinh doanh nhất định với mục đích kiếm thêm thu nhập thực hiện các mục tiêu xã hội đã đặt ra.
Tuy nhiên, khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực và đặt ra các tiêu chí cụ thể để nhận diện doanh nghiệp xã hội thì cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội và quỹ từ thiện không còn được phép hoạt động như một doanh nghiệp xã hội nữa mà phải thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan. Mặt khác, những tổ chức này vẫn thể hiện nguyện vọng trong việc theo đuổi các mục tiêu xã hội với mô hình doanh nghiệp xã hội.
Do đó, Nghị định 96 đã đặt ra cơ chế tạo điều kiện cho những tổ chức này được chuyển thành doanh nghiệp xã hội. Theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này, cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được dùng toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ để đăng ký doanh nghiệp xã hội sau khi có Quyết định cho phép chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép thành lập cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
Doanh nghiệp xã hội sau khi được đăng ký đương nhiên kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện chấm dứt hoạt động kể từ ngày doanh nghiệp xã hội được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Trách nhiệm của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên, cổ đồng doanh nghiệp xã hội
Bên cạnh việc đặt ra quyền và nghĩa vụ cho doanh nghiệp xã hội, pháp Luật Doanh nghiệp cũng đồng thời quy định về trách nhiệm của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên, cổ động doanh nghiệp xã hội.
Theo đó, để đảm bảo chủ sở hữu, các thành viên hay cổ động doanh nghiệp xã hội nhất quán trong việc theo đuổi mục tiêu xã hội và dẫn dắt doanh nghiệp hoạt động theo đúng những mục tiêu đã đăng ký, Điều 9 Nghị định 96 đã quy định: Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên và cổ động doanh nghiệp xã hội chỉ được chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần của mình cho tổ chức, cá nhân khác nếu họ có cam kết tiếp tục thực hiện các mục tiêu xã hội, môi trường. Cổ đông đã ký tên trong Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường chỉ được chuyển nhượng cổ phần của mình theo quy định tại khoản 3 Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014 trong thời hạn Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp xã hội phải duy trì mục tiêu xã hội, môi trường, mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư và nội dung khác ghi tại Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường trong suốt quá trình hoạt động. Trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường và mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư, doanh nghiệp xã hội phải hoàn lại toàn bộ các ưu đãi, khoản viện trợ, tài trợ dành riêng cho doanh nghiệp xã hội.
Đồng thời, chủ doanh nghiệp tư nhân đối với doanh nghiệp tư nhân, thành viên đối với công ty hợp danh và công ty trách nhiệm hữu hạn, cổ động đối với công ty cổ phần đã ký tên trong Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường và thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần chịu trách nhiệm liên đới hoàn lại các ưu đãi, tài trợ đã nhận và bồi thường các thiệt hại phát sinh trong trường hợp doanh nghiệp xã hội vi phạm quy định này.