Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi, giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện theo điều 21 Bộ luật dân sự năm 2015.
Người chưa thành niên là gì?
Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Quy định pháp luật người chưa thành niên?
Quy định tại khoản 1 Điều 21 trên đây, nhà làm luật đã dựa vào độ tuổi, vào sự phát triển về tâm sinh lý của con người. Sự phát triển dần hoàn thiện cả về thể chất và trí tuệ của con người dựa vào độ tuổi.
Ở mỗi độ tuổi khác nhau (giữa người thành niên và người chưa thành niên) thì có sự nhận thức khác nhau, từ đó có khả năng thực hiện những hành vi ở mức độ khác nhau. Do đó, một người dù khoẻ mạnh, có trí tuệ phát triển bình thường, không bị mắc các bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình nhưng chưa đủ 18 tuổi, được coi là người chưa thành niên.
Khoản 2 Điều 21 quy định: “Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện”.
Pháp luật dân sự coi những trẻ em chưa đủ sáu tuổi thì không có năng lực hành vi dân sự. Mọi quan hệ dân sự do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện..
Người không có năng lực hành vi dân sự (cũng còn có thể là người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình… bất kể họ ở lứa tuổi nào, từ khi người đó đã đủ 18 tuổi. Theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án đã ra quyết định tuyên bố người đó bị mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định pháp y tâm thần.
Đối với những người bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự (cũng có thể coi mức độ nhận thức như người không có năng lực hành vi dân sự); nghĩa là, bình thường họ có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, tuy nhiên, do mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình đã bị Tòa án quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
Như vậy: do thể chất chưa phát triển đầy đủ hoặc do bệnh lý, những người này không có khả năng để hành động một cách đúng đắn theo ý chí của mình, không có đủ khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Do đó, mọi giao dịch dân sự của những người này đều phải do người đại diện theo pháp luật xác lập và thực hiện.
Theo quy định của pháp luật dân sự những cá nhân trên vẫn có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự. Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người không có năng lực hành vi, người bị mất năng lực hành vi dân sự mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, BLDS đã quy định chế độ giám hộ để giúp đỡ cá nhân đó khi họ tham gia quan hệ dân sự.
Khoản 3 Điều 21 trên đây quy định: “Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi”.
Những người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi, không mắc các bệnh tâm thần hoặc các bệnh lý khác dẫn đến tình trạng không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình là người có năng lực hành vi dân sự nhưng chưa đầy đủ. Những người này không bị Tòa án, (theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan) tuyên bố bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Những người có năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ khi xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự, phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi tham gia các giao dịch dân sự, pháp luật dân sự đã cho phép họ có thể tham gia xác lập, thực hiện một số giao dịch dân sự nhất định. Tuy có năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ nhưng những người này có thể:
Xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi. Ví dụ: các giao dịch có giá trị nhỏ như mua sắm sách vở, giấy bút, quà bánh, đồ chơi, đồ dùng trong học tập… nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu trong học tập, vui chơi, giải trí, trừ khi pháp luật có quy định khác.
Những người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi nếu có tài sản riêng, đủ để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Tuy nhiên, khi phải chịu trách nhiệm về tài sản mà tài sản riêng của người đó không đủ thanh toán, chi trả thì cha mẹ phải bổ sung cho đủ. Đối với người giám hộ không phải là cha, mẹ thì họ có những nghĩa vụ theo quy định tại Điều 52 BLDS năm 2015. Người giám hộ trong trường hợp này sẽ là người đại diện cho người được giám hộ, trừ trường hợp pháp luật có quy định người chưa đủ mười lăm tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự như đã nêu ở trên.
Khoản 4 Điều 21 quy định: “Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý”.
Những người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật. Nhưng đối với các giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Tuy nhiên, đối với người giám hộ không phải là cha, mẹ thì họ có những nghĩa vụ theo quy định tại Điều 56 BLDS năm 2015: Quản lý tài sản của người được giám hộ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
Người giám hộ trong trường hợp này sẽ là người đại diện cho người được giám hộ, trừ trường hợp pháp luật có quy định người chưa đủ mười lăm tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự như đã nêu ở trên.
Khi chấm dứt việc giám hộ thì tùy từng trường hợp hậu quả chấm dứt việc giám hộ là khác nhau được quy định cụ thể tại Điều 63 BLDS năm 2015.